Nhìn hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự giờ cầu nguyện đặc biệt ban Phép lành Tòa Thánh (Urbi et Orbi) với ơn Toàn xá, tại sảnh Đền thờ thánh Phêrô hồi 18 giờ chiều thứ sáu 27.3.2020 (giờ Rôma), để xin Thiên Chúa đẩy lui dịch bệnh, mà bên cạnh chỉ một vài bóng người đơn lẻ, hàng triệu trái tim con người thiện chí và yêu mến trên khắp thế giới đau nhói.

Đau nhói vì tính chất quan trọng và ý nghĩa sâu xa của buổi cầu nguyện mang tính lịch sử này, lại diễn ra giữa một khung cảnh, cứ nhìn bằng mắt thường, cứ suy bằng lý trí con người, cứ cảm nhận bằng trái tim thịt mền của chúng ta, đó là một khung cảnh bi đát.

Chưa từng có bao giờ, ít nhất suốt bảy năm của triều Giáo Hoàng mà chính Đức Phanxicô là chủ của triều ấy, diễn ra một nghi lễ mang tầm vóc quốc tế, tầm vóc lịch sử, lại cử hành trên một không gian rộng vô cùng, nhưng không một bóng người. Quảng trường mà cách đây chưa lâu, hàng ngày tiếp đón hàng chục ngàn lượt khách, lại trở thành quảng trường trống không.

Nếu Tòa Thánh là trái tim của người Công Giáo, thì quảng trường thánh Phêrô là biểu tượng quy tụ, biểu tượng hiệp thông của cả cộng đoàn Hội Thánh khắp thế giới, dường như càng thêm ảm đạm dưới trời mưa sủng ướt.

Giữa một khung cảnh xem ra chỉ là đơn lạnh, hình bóng của vị Giáo Hoàng 84 tuổi cất bước thăm thẳm, xô nghiêng đã khiến triệu triệu trái tim nhói đau, phải vội vàng nuốt ngược giọt xót, giọt thương.

Rất may. Quảng trường thánh Phêrô chiều ấy đâu chỉ có thế. Vượt trên mọi suy nghĩ và cái nhìn bé bỏng, thấp kém của con người là những thực tại thiêng thánh mang đầy ánh sáng, hồng ân, nỗi yêu, nỗi thương vời vợi. Đó là:

1. Lời Chúa.

Chính trong khung cảnh đìu hiu chưa từng có này, Lời Chúa Giêsu vang lên như lay động, như tan chảy cả đến những con tim khô lạnh nhất: "Sao nhát thế? Làm sao mà các con vẫn chưa có lòng tin?" (Mc 4. 35-41).

Ngay lúc này, loài người không còn ai để có thể bám víu. Muốn được giải thoát khỏi mọi nỗi đau ư? Muốn tìm ra phương thế nhằm cứu vãn tình hình ư? Muốn có liều trụ sinh hay vacxin (vaccine) để chữa trị ư? Muốn không còn nhìn thấy những xác người chồng chất nữa ư?...

Hay đang ước ao bất cứ điều gì, dù tốt lành, loài người hãy nhớ: KHÔNG PHÉP LẠ NÀO KHÔNG KHỞI ĐI TỪ LÒNG TIN. Vì thế, lời hỏi của Chúa: "Làm sao mà các con vẫn chưa có lòng tin?", cũng chính là lời tra vấn mỗi con người trong nhân loại này.

Từ ngày lâm vào khổ nạn, người đạo đức chạy đến cùng Chúa bao nhiêu phần trăm trong toàn lực của mình? Người nguội lạnh thấm thía sự dữ mà bắt đầu sống tích cực hơn chưa? Kẻ thờ ơ đã nhận quyền năng Chúa, tùng phục Chúa, dù sự tùng phục ấy chỉ mới khởi điểm? Kẻ ngạo mạn chống đối đã mở mắt để thấy mình chỉ là hạt cát dưới bàn chân của Đấng tuyệt đối tốt lành?

Chỉ một mình Đấng Cứu Thế mới có thể mang đến ơn giải thoát.Vì thế hãy tin. Hãy hy vọng. Tin ngay cả khi khó chấp nhận nhất. Hy vọng ngay cả khi ảm đạm nhất.

Ngày nào còn chưa có lòng tin, ngày ấy sẽ còn tối tăm, sẽ còn bi thảm, sẽ còn nhiều đổ vỡ.

Trong mọi hoàn cảnh, trong mọi vấn đề, nhân loại chỉ cần trở về với lòng tin! Hãy để Chúa chất vấn lòng mình: Làm sao mà các con vẫn chưa có lòng tin?".

2. Thánh Giá.

Quảng trường trống rỗng đã nổi bật Cây Thánh Giá và hình tượng Chúa Giêsu chết treo. Hình ảnh ấy làm vang vọng chính lời của Đấng chịu treo: "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20).

Đâu có sợ Thiên Chúa rời bỏ con người. Mãi muôn đời Thiên Chúa vẫn trung thành với lời của Người. Người không ngừng hiện diện. Lòng từ ái của Chúa vẫn phủ đầy chan chứa. Tình yêu thương vô bờ của Đấng Tạo Thành và Cứu Chuộc không ngơi ấp ủ.

Đáng sợ là khi con người nhân danh chính mình rời bỏ Thiên Chúa. Thế giới này, lịch sử này đã bao nhiêu lần chứng kiến cảnh tượng con người đuổi xua Thiên Chúa ra khỏi mọi ảnh hưởng của sự sống và của cuộc đời mình.

Điều quái gỡ và dị hợm ở chỗ, sau khi họ mời Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, lập tức biết bao nhiêu tai ương ập đến, họ lại thách thức Chúa bằng quá nhiều lời hỏi: Chúa ở đâu? Có Chúa không?

Sao con người lại mâu thuẫn đến mức khó hiểu, đến mức lạ lùng: Đuổi Chúa ra khỏi cuộc đời, khỏi thế giới của mình, rồi lại hỏi: Chúa đâu?

Thiên Chúa vẫn mãi là Thiên Chúa của lòng xót thương. Dù là bỉ cực nào đi nữa, hình ảnh Thánh Giá vẫn muôn đời nung nấu lòng người. Hình ảnh Thánh Giá vẫn trung kiên dịu ngọt đợi chờ lòng người.

Một lần nữa, hãy nghe tiếng Chúa nói và thẩm thấu lời Người: "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" để cảm nhận niềmn an ủi biết bao nhiêu! sự đỡ nâng biết bao nhiêu!

3. Đức Maria

Bức linh ảnh Đức Maria Phần Rỗi của Dân Rôma có thể nhạt nhòa trong làn mưa giữa trời Vatican chiều ấy, lại không hề nhạt nhòa một tình Mẫu tử thiên thu vời vợi.

Một buổi chiều vần vũ gợi lại hình ảnh chiều xưa trên đồi Tử Nạn. Chiều ấy cũng Thánh Giá, cũng hình ảnh Người Mẹ. Chiều ấy cũng đầy nước mắt, đầy đau xót khác gì lưỡi gươm xé nát tâm hồn.

Chiều ấy Thánh Giá đã dựng lên bởi phải trả giá đắc cho vô vàn lần nhân loại chuộng bóng tối, yêu tội lỗi.

Phải chăng nhân loại đang trải qua đau khổ, là nhân loại đang bước trên hành trình thập giá của chính mình như Đức Maria sầu bi, như Chúa Giêsu thương khó ngày nào!

Mầu nhiệm Thánh Giá đâu có xa xôi. Mầu nhiệm Thánh Giá hiển hiện ngay trong cái tê buốt, trong nỗi thổn thức, trong sự quằn quại, trong gánh oằn nặng mà cả loài người đang vác, đang mang đấy thôi.

Ngước nhìn chân dung Mẹ Thiên Chúa, làm sáng lên niềm tin tưởng rằng: Giữa đoàn con trần thế, Đức Maria không ngừng trở thành người mẹ dịu hiền, nhân hậu, cảm thông...

Người Mẹ có một không hai trên cuộc đời, không ngừng dang tay ôm lấy cả nhân loại như đã từng ôm lấy Đấng Cứu Chuộc nhân loại là Con Một của mình.

Hãy yên tâm. Đức Mẹ đã nhập cuộc với Thánh Giá Chúa Giêsu. Đức Mẹ vẫn tiếp tục nhập cuộc với đoàn con trần thế. Hãy ngã mình vào lòng Đức Mẹ, như Chúa Giêsu đã cho phép Đức Mẹ ôm ghì lấy thân xác của Người.



4. Thánh Thể.


Sau cùng là Thánh Thể Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện của vị Giáo Hoàng không ngừng gọi "Chúa ơi!" sao cứ thấm thía, thấm thía đến từng giọt huyết khắp châu thân.

Người Cha của chúng ta cất tiếng gọi Chúa, nhưng dường như không phải tiếng gọi của chính ngài, mà là tiếng gọi của cả nhân loại đau khổ đang bật thốt từ môi miệng của vị Giáo Hoàng muốn đồng hành cùng nỗi đau mang tên "nỗi đau quốc tế".

Dù chỉ nhìn thấy qua phương tiện kỹ thuật, khi vị Cha Chung của chúng ta cầm mà như ôm lấy Thánh Thể Chúa, bước những bước chân lững thững, liêu xiêu, chập choạng đến đối diện quảng trường vắng ngắt, tôi lại thấy sao ấm áp quá, hạnh phúc quá:

Bởi Đức Thánh Cha yêu thương nhân loại như chính ngài là trái tim của nhân loại. Vì thế, giờ đây ở kề bên Thánh Thể Chúa, cũng có nghĩa là trái tim của nhân loại đang gởi trao cả nhân loại vào tay Thiên Chúa.

Loài người đâu có đơn độc. Loài người đâu có mất chỗ dựa cho niềm hy vọng của mình. Có điều là họ có bước đi bên nhau trong Chúa hay không; Họ có dám đặt niềm tín thác của cả vận mạng cuộc đời và sự sống của mình vào Chúa hay không mà thôi.

Chúa vẫn đồng hành cùng thế giới. Qua hình ảnh bàn tay Vị Cha Chung ôm lấy Mình Thánh Chúa, thế giới vẫn còn đó Đấng là Sự Sống, là Nguồn Cội, là Vận Mạng đời đời, là Chốn trở về, là Cùng Đích của chính mình.

Từ bàn tay của Vị Cha Chung ôm lấy Thánh Thể, từ hôm nay, thế giới được tràn đầy Phúc lành, tràn đầy Ân xá mà cụ thể là chính ơn Toàn xá, khởi đi từ công cuộc cứu độ hồng phúc của chính Đấng hiến mình trong Thánh Thể ấy.

Từ bàn tay của Vị Cha Chung ôm lấy Thánh Thể, từ hôm nay, dẫu phải chiến đấu cùng mọi trĩu nặng, thậm chí tang thương nhất, thế giới được ấp ủ trong tình yêu khôn xiết của chính Đấng Cứu Chuộc mình.