Chúa Nhật V Mùa Chay A
Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45

Nếu chủ đề Chúa Nhật III là nước, Chúa Nhật IV là ánh sáng, thì Chúa Nhật V này là sự sống như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bài đọc. Quả thật, sự sống con người vốn là hồng ân vô giá, là duy nhất và không thể chuyển nhượng.

Ở bài đọc I, tiên tri Êdêkien nhìn thấy thị kiến về những bộ xương khô để nói về dân tộc Do Thái đã bị tàn lụy do tội lỗi, bệnh tật khi sống trong cảnh lưu đày. Họ sống mà như đã chết. Họ bất lực trước sự dữ. Nên Thiên Chúa hứa ban Thần Khí cho họ, nhờ đó, họ sẽ được phục hồi sự sống cách mạnh mẽ. Lời tiên báo này được thực hiện trong thời đại Tân Ước.

Trong bài đọc II, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có Thánh Thần của Đức Kitô, Đấng đã làm cho Người sống lại từ cõi chết mới có thể làm cho thân xác của chúng ta được sự sống mới (x. Rm 8,11). Bởi vì, “Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống.”

Bài Tin Mừng trình thuật về việc Chúa Giêsu chứng tỏ quyền năng của Người trên cái chết qua phép lạ cả thể cho Ladarô sống lại sau bốn ngày đước mai táng trong mồ. Qua đó cho thấy Thiên Chúa yêu quý sự sống và Chúa Kitô đến để con người được sống dồi dào.

Chúng ta đọc và suy niệm các trình thuật này trong bối cảnh cả thế giới đang phải oằn mình vột lộn với đại dịch Covid 19. Bối cảnh này càng giúp chúng ta đào sâu hơn sứ điệp Lời Chúa về mầu nhiệm sự dữ, bệnh tật và chết chóc; về giá trị vô giá của sự sống mà chúng ta cần phải bảo vệ; về ý nghĩa của cuộc sống mà nhân loại cần phải thay đổi thói quen và lối sống trước đại dịch này như là dấu chỉ thời đại đang nhắc nhở chúng ta.

Thông điệp trước tiên đó là thân phận con người thật mong manh trước bệnh tật và cái chết. Con người văn minh hiện đại cứ tưởng mình vĩ đại, có thể “đội đá vá trời” nhưng chỉ vì con virus corona nhỏ bé dường như vô hình, đường kính chỉ là 150 nanômét thôi, hay nói nôm na chỉ bằng 1 phần ngàn sợi lông mày con người, nhưng chúng đang làm cho toàn thể nhân loại phải hoảng sợ, đảo lộn mọi sự: Đường phố nhộn nhịp bỗng dưng vắng người; bệnh viện quá tải, các y bác sĩ gần như kiệt sức; nghĩa trang không đủ chỗ an táng người chết; sân bay, siêu thị, nhà máy, nhà hàng, quán sá phải đóng cửa; các nhà thờ không thánh lễ… Mọi người phải ở nhà để được an toàn. Quả thật, người ta hình dung bóng dáng ngày tận thế đang ấp đến!

Trước đại dịch này, chúng ta nhớ lại điều Pascal đã từng nói: “Con người vừa vô hạn vừa hữu hạn. Một giọt nước cũng đủ giết chết một phận người.” Triết gia Martin Heidegger cho rằng: “Con người là một hữu thể hướng về cái chết” (a being toward death), cái chết thuộc bản chất của cuộc sống, nghĩa là, sống là để chết. Không ai có thể được ưu tiên hay miễn trừ trước đau khổ và cái chết. Con người dù tài giỏi thế nào cũng bó tay bất lực trước cái chết.

Trước mầu nhiệm sự dữ, đức tin Kitô giáo soi chiếu cho chúng ta niềm tin và hy vọng vào quyền năng của Thiên Chúa qua lời của cô Mátta: “Lạy Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết.” Vâng, chính Con Thiên Chúa đã đến để mang lấy gánh nặng đau khổ và gánh nặng cái chết của con người. Nhà văn Paul Claudel có lý khi nói: “Chúa không đến để loại bỏ đau khổ, cũng không đến để giải thích đau khổ, nhưng đến để lấp đầy sự hiện diện của Người.” Vâng, “chỉ có Chúa là nơi chúng con nương thân. Chỉ có Chúa mới làm cho con được sống.” Chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Chúa.

Nhưng không chỉ hiện diện, qua phép lạ cho Ladarô sống lại, Chúa Kitô minh chứng Người là chủ, là nguồn mạch sự sống. Phép lạ này báo trước cái chết và sự phục sinh của Người. Nhờ cuộc tử nạn và phục sinh, Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết, Người chính là sự sống lại và là sự sống. Thánh Phaolô mô tả chiến thắng này như sau: ‘Tử thần đã bị chôn vùi. Đây là chiến thắng” (1 Cr 15,54)! “Người chết vì mọi người” (2 Cr 5,15). Nếu Ladarô đã chết, sau sống lại, nhưng đó là quay lại sự sống trước đó (bios), sự sống tạm bợ, rồi tiếp tục chết, thì Chúa Giêsu sau khi phục sinh, nhờ Chúa Thánh Thần, Người là người đầu tiên đi vào sự sống mới, sống sự sống vĩnh cửu (zéon). Người là Đấng Hằng Sống. Nhờ Chúa Giêsu, con người vốn là hữu thể “sống để chết,” nay trở thành hữu thể “để sống vĩnh cửu.” Niềm hy vọng Kitô giáo là ở đây.

Thông điệp thứ hai mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta về tình liên đới và đức ái với nhau và với mọi người để bảo vệ sự sống của mình và của người khác trong lúc gặp thử thách. Chúa Giêsu đã nêu gương về điểm này, Người yêu quý Ladarô, Người đến chia sẻ nổi đau với tang quyến vì Người liên đới với họ. Niềm vui và nổi đau của họ là niềm vui và nổi đau của Người.

Trong cơn đại dịch, sự chết, sợ hải, lắng lo ùa về khắp nơi… Những đôi mắt thâm quầng, những gò má hằn sâu, những dấu lằn khẩu trang in sâu trên khuôn mặt… Đó là dấu chỉ tình yêu và liên đới mà các bác sĩ, nhân viên, linh mục và nhiều người khác chẳng sợ hiểm nguy, quên cả nhọc nhằn, mang vũ khí tình yêu xông vào cuộc chiến. Giữa biên giới tử biệt sinh ly, cần biết bao một bàn tay, một ánh mắt sẻ chia; một lời kinh, một lời giã biệt trong nước mắt đầm đìa… Chúng ta được mời gọi sống có trách nhiệm hơn và liên đới hơn với mọi người. Như Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện và dâng hy sinh cho thiện ích chung của tất cả mọi người. Cầu nguyện và phục vụ âm thầm: đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta.

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ là sức khỏe của Dân Chúa, là Sao biển giữa bão tố, xin Chúa chúc lành cho thế giới, xin ban sức khỏe cho thân xác và an ủi cho tâm hồn. Chúa dạy chúng con đừng sợ hãi. Nhưng niềm tin của chúng con yếu ớt, và chúng con nhát đảm. Nhưng lạy Chúa, xin đừng bỏ mặc chúng con trong bão tố. Xin Chúa lập lại lần nữa: “Các con đừng sợ” (Mt 28,5). Và cùng với chị Mátta và Maria, chúng ta thưa: “Lạy Chúa, con tin.” Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/