(Suy tư giữa mùa dịch Corona thảm khóc)

Từ khi dịch tễ lan nhanh và rộng, Hội Thánh Công Giáo đi đầu trong việc cộng tác và đáp ứng yêu cầu tìm cách dập dịch. Nhưng đáp ứng này, có lẽ trong tâm trạng lo lắng, hoang mang, không đủ thời gian cân nhắc..., đôi khi đi xa đến độ gây cảm giác khó hiểu, lạ lùng... Nhưng chúng ta vẫn hiểu và thông cảm cho bổn phận của người có trách nhiệm: Dù hoàn cảnh nào, xảy ra bất trắc nào, các ngài mới thật là người phải đương đầu...

Phần bản thân từng người, hãy ghi nhớ điều này để giữ vững đức tin: Đây không phải là lần đầu dịch tễ hoành hành và giết hại nhiều người trên thế giới!

Nhiều thế kỷ trước, thậm chí chỉ mới chưa đầy hai thập niên trước, dịch tễ đã từng xuất hiện, dù có nhẹ hơn.

Ta hãy quan tâm điều này: Từ xưa, trong hay ngoài Hội Thánh có "biến", điều đầu tiên tín hữu nghĩ đến là chay tịnh, hy sinh hãm mình, đền tội, ăn năn thống hối tội lỗi, gia tăng lòng đạo đức, gia tăng việc đạo đức, thống thiết nài xin sự che chở thiêng liêng từ trời cao.

Không hiểu sao với đại dịch lần này, trong nỗi lo sợ, người ta nghĩ đến chuyện chạy đến cùng Chúa ít hơn nghĩ đến chuyện tích trữ các nhu yếu phẩm cho thân xác.

Người ta tích trữ nhiều đến độ cửa hàng, siêu thị không còn gạo, không còn mì gói, các loại cá hộp, thịt hộp, dầu ăn, tương, mắm, thậm chí... giấy vệ sinh.... cũng không còn. Nếu cửa hàng nào còn, hay do đầu cơ mà vẫn tiếp tục bán thì giá lên cao ngất ngưỡng.

Trong khi đó, các bậc lãnh đạo trong Hội Thánh Công Giáo, khi thông báo cho giáo dân thì luôn luôn có hai phần. Phần đầu nhắc nhở cầu nguyện. Nhưng hình như không được nhiều thành phần trong dân Chúa chú ý đúng mức.

Còn phần thứ hai hướng dẫn cụ thể các việc phải làm: không rước lễ trên miệng, không bắt tay hay hôn chào khi trao bình an, giải tội tập thể thay xưng tội cá nhân, không hôn kính Thánh Giá trong nghi thức thờ lạy Thánh Giá, không cử hành thánh lễ công cộng, miễn chước tham dự lễ Chúa Nhật, bãi bỏ các thánh lễ dù là lễ Chúa Nhật, thậm chí đóng cửa nhà thờ... lại được nhiều người chú ý. Nhiều nơi còn thực hiện những lệnh trên triệt để...

Giữa thực tế dịch bệnh và trong đầu đang có sự so sánh (giữa cái lo vật chất với cái lo ơn phần rỗi) như trên, tôi lại đọc tin tức, thấy Đức Thánh Cha Phanxicô không hài lòng quyết định đóng các cửa nhà thờ trên toàn lãnh thổ giáo phận Rôma, hay việc Đức Hồng Y Konrad Krajewski (người đã từng có hành động quyết liệt chống việc điện lực Rôma cúp điện cả một chung cư đông dân) đã cưỡng lệnh đóng cửa nhà thờ của Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám quản giáo phận Rôma, tự dưng thấy tâm hồn nhẹ hơn, vui hơn, tin tưởng hơn.

Vậy, khi đứng giữa tác hại của dịch bệnh và thực tế đời sống thiêng liêng, hơn bất cứ lúc nào, cần phải được nân cao hết sức, cần phải được chú ý trên mọi chú ý, đó là: Chúng ta hãy giải quyết mọi sự trong tinh thần cầu nguyện và bình tĩnh. Hãy có đủ khôn ngoan cần thiết để làm sao vừa trấn dịch, nhưng cũng không để Thiên Chúa bị giảm bớt trong lòng mình.

Giữa lúc nguy nan này, xin hãy để Thiên Chúa vào đúng vị trí mà Người cần có trong lòng, trong tinh thần, trong ý chí, nhất là trong niềm tin của mỗi người.

Giữa lúc mọi thụ tạo cần sự hiện diện của Thiên Chúa hơn bao giờ hết, xin khéo hết sức, suy tính hết sức để lòng mình đừng có bất cứ phần trăm nào xa cách Thiên Chúa.

Giữa lúc cả thế giới hầu như "bó tay", cần ý thức thật mạnh mẽ, ý thức thật chắc chắn trong niềm tín thác tuyệt đối rằng, đang có một Thiên Chúa không bao giờ lìa xa chúng ta, đang có một Thiên Chúa đêm ngày hằng ước ao trụ lại trong lòng chúng ta.

Giữa lúc hoảng loạn vì từng giờ khắc phải chứng kiến hay nghe tin đồng loại của mình ngã xuống nhiều và hầu như liên tiếp, hãy ngước nhìn về phía trước, nơi Đấng hằng Sống đang đợi chờ. Người mong muốn từng người chạy về phía Người, sà vào lòng Người, ngã nhào vào vòng tay của Người. Đó là tấm lòng, đó là vòng tay đầy che chở, đỡ nâng, bảo vệ. Tấm lòng và vòng tay duy nhất, không có tấm lòng hay vòng tay thứ hai nào trên cõi đời này.

Giữa lúc các quốc gia, dù tân tiến, văn minh nhất đang loay hoay tìm thuốc, tìm cách chữa trị, hãy để Thiên Chúa thực hiện quyền Chủ Tể của Người, đừng có động thái nào thái quá mà thành hành động cậy sức mình, đặt Thiên Chúa ra ngoài lo âu, tính toán của mình.

Giữa lúc mọi sự diễn ra như bằng chứng về cái mong manh, bất tất của phận người, ta không được quên: loài người chỉ là thụ tạo. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng có quyền biến tối tăm thành ánh sáng, sự ác của lòng người (có chăng mưu mô đe sự sống loài người?) thành con đường tới ơn cứu chuộc, hoàn cảnh bi đát thành hy vọng trong ân sủng.

Chúng ta không còn tin Chúa nữa sao? Nếu còn tin, hình như những hành động mà mình thể hiện, đang cho thấy sự gia giảm lòng tin vào Thiên Chúa.

Hãy xác tín, vũ trụ chỉ là phần nhỏ trong toàn bộ kỳ công của Thiên Chúa. Từng con người là tác phẩm của thiên Chúa. Mỗi sự sống được diễn ra đều không ngoài thánh ý Chúa. Vì thế, nếu thụ tạo được cất đi, hay biến đổi theo dạng thức khác, với Chúa, có gì là lạ!

Nếu Chúa muốn cả nhân loại cùng lúc đi về với Chúa, cùng lúc trở nên những hình ảnh khác theo cách thức Chúa muốn, Chúa lại không có quyền làm sao?

Nếu ta đã là người của Chúa, dù thân xác, sự sống này có ra sao, Chúa vẫn là gia nghiệp của ta, ta vẫn thuộc về Chúa đấy thôi.

Cựu Ước từng có Giuse, nạn nhân sự dữ. Chúa Giêsu là nạn nhân sự dữ. Với Thiên Chúa, Người rút ra từ sự dữ những điều lành, Người gặt hoa quả công chính từ trong sự dữ tưởng ghế gớm nhất: Tổ phụ Giuse thành ân nhân cứu nạn gia đình và dân tộc. Chúa Giêsu mang lại sự sống đời đời cho nhân loại khởi đi từ mầu nhiệm thánh giá thê lương.

Nếu đúng dịch bệnh là mầm sự dữ xuất ra từ lòng người hại nhau, và thực tế đã có quá nhiều người chết, thì trong bàn tay quan phòng đầy xót thương, Thiên Chúa vẫn có cách để trao cho mỗi thân phận, dù người chết hay sống ân huệ siêu nhiên cần thiết.

Là thụ tạo được Chúa ban khôn ngoan, ta sử dụng để khả dĩ tránh dịch, ngăn dịch. Nhưng mặt khác, ta không rời xa đức tin vào lòng Chúa muôn đời hằng hữu chở che.

Hãy nhớ đinh ninh, thế giới này, mỗi con người, mỗi sự vật trên thế giới này có ra sao, có đi đến đâu, cuối cùng vẫn chỉ đi về phía Thiên Chúa mà thôi.

Nhớ như thế để từng người được đỡ nâng hơn, an ủi hơn, vững vàng hơn. Nhớ như thế, để giữa những nguy biến, những lênh đênh phận người, nhân loại không tắt ánh sáng soi chiếu tâm hồn mình, soi chiếu nẻo về của mình.

Ai biết đặt đời mình trong ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa, họ vẫn có thể thắp hy vọng giữa lúc như chẳng còn gì hy vọng.

CHỈ MỘT MÌNH THIÊN CHÚA LÀ CỨU CÁNH CỦA TẤT CẢ! CHỈ MỘT MÌNH THIÊN CHÚA LÀ CÙNG ĐÍCH CỦA TẤT CẢ!