Thiên Chúa ở cùng chúng ta
Is 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24

Chúng ta đang tiến gần tới lễ Giáng Sinh với việc cử hành Chúa Nhật IV Mùa Vọng. Lời Chúa hôm nay giới thiệu với chúng ta chủ đề “Đấng Emmanuen - Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Chủ đề này như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả ba bài đọc. Chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của danh hiệu Emmanuen.

1- Emmanuen, hơn cả một tên gọi

Đối với văn hóa Do Thái, tên gọi không chỉ đơn thuần là một từ ngữ, nhưng nó diễn tả một thực tại. Khi một người được đặt tên thì tên gọi đó đại diện cho người đó. Tên gọi nói lên căn tính và sứ vụ của họ. Họ hành xử theo tên gọi của mình. Vậy, tên gọi Emmanuen có nghĩa là gì?

Trong bài đọc I, tiên tri Isaia giới thiệu với chúng ta nhân vật vua Akhát. Vị vua này đang ở trong thời kỳ mà triều đại ông đang gặp thử thách gian truân. Qua tiên tri Isaia, Thiên Chúa báo cho vua biết rằng: Ta sẽ ở đây với ngươi; Ta sẽ bảo vệ ngươi. Ngươi không cần phải ký kết các giao ước với bất kỳ ông vua nào trên trái đất để bảo vệ dân và triều đại ngươi. Ngươi hãy tin tưởng vào Ta và hãy xin một dấu chỉ. Ta là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu chỉ dưới đáy âm phủ hoặc ở trên trời cao xanh (x. Is 7,10-14). Nghĩa là ngươi có thể xin một dấu chỉ lớn lao nhất, vĩ đại nhất làm bảo chứng rằng Ta sẽ ở với ngươi và bảo vệ ngươi.

Chúng ta hãy nhìn vào điều này: Thiên Chúa sẵn sàng ban tặng một dấu chỉ làm bảo chứng cho vua Akhát. Nhưng Akhát đã từ chối sứ điệp của Thiên Chúa với những lời xem ra rất đạo đức: Tôi không muốn làm phiền lòng Thiên Chúa. Tôi không muốn thử thách Thiên Chúa. Tôi không muốn ép Chúa phải làm cho tôi điều này điều kia.

Cách thức của ông từ chối là rất đúng, nhưng ở bên trong, ẩn chứa sự cứng lòng của vua Akhát. Bởi vì, ông thích ký kết các giao ước với vua trần thế hơn là sự hiện diện quan phòng của Thiên Chúa.

Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc. Chúng ta hãy lắng nghe điều gì đó rất ý nghĩa đã xảy ra ở đây. Thiên Chúa đã đi bước trước, ngay cả khi Akhát từ chối không xin một dấu lạ nào. Thiên Chúa nói rằng: Ta sẽ ban cho ngươi một dấu chỉ. Dấu nào vậy?

“Này đây, người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuen – Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14). Một con trai sẽ được sinh ra như lời đã hứa; tên con trẻ này có nghĩa là Thiên Chúa ở với dân Người và bảo vệ dân bằng sự hiện diện của mình.

Như thế, ý nghĩa của vị Thiên Chúa hiện diện, ở bên cạnh để sẵn sàng đáp cứu được thể hiện nơi Đấng Emmanuen. Sự hiện diện này được ban cho chúng ta như là một món quà, mặc dầu bị từ chối, Thiên Chúa vẫn luôn đi bước trước: Ta sẽ ở với ngươi vì Ta là Đấng Emmanuen. Nhưng Đấng Emmanuen là ai?

2- Đức Giêsu là Emmanuen

Thánh Phaolô trong bài đọc II nói rằng: Đó là Đức Giêsu Kitô và theo thánh Phaolô, trung tâm điểm của Tin Mừng chính là Đức Giêsu, là con người Chúa Giêsu, chứ không phải là những khái niệm, những ý tưởng, hay những lý tưởng, nhưng là con người Giêsu, Người xuất thân từ dòng dõi vua Đavít. Như thế, Người thực sự là con của Đavít, đến từ dòng dõi vua, Người thực sự là một con người, nhưng cũng theo Phaolô, con người nhân bản này, Chúa Giêsu Kitô có nguồn gốc rất rõ ràng từ dòng dõi vua Đavít, thực sự là Con Thiên Chúa. Điều này được mạc khải nhờ Chúa Thánh Thần sau khi Người phục sinh. Như thế, Người không phải là một người con bình thường, cũng không phải là một hậu duệ bình thường của Đavít, nhưng Người thực sự là Con Thiên Chúa, Người được Thiên Chúa sai đến giữa chúng ta. Người là Tin Mừng về ơn cứu độ. Người là Tin Mừng về sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính vì thế, thánh Phaolô được Thiên Chúa tuyển chọn làm Tông Đồ để loan báo Tin Mừng này.

Nhưng ở đây có sự liên hệ đến Đấng Emmanuen - Thiên Chúa ở cùng chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Điều này có tạo nên sự khác biệt không?

Thưa rằng: Có, theo thánh Phaolô, để Chúa Giêsu ở với chúng ta, Thiên Chúa ở với chúng ta. Chúng ta phải ở với Chúa Giêsu. Phaolô rao giảng Chúa Giêsu để chúng ta có thể thuộc về Người theo cách thức mà Chúa Giêsu ở với chúng ta.

Vậy chúng ta đáp trả thế nào đối với Đấng Emmanuen? Nếu Người ở với tôi và khi đó tôi có muốn ở với Người không? Như thế, tên Người không chỉ là tên gọi, mà là một lời mời gọi: Chúa ở với bạn và bạn cũng sẽ ở với Chúa.

3- Một dự phóng làm đảo lộn

Trong bài Tin Mừng, chúng ta có một trình thuật về sự sinh hạ của Chúa Giêsu, Đấng Emmanuen. Vâng, đó là một câu chuyện rất bình thường. Nhưng tôi muốn tập trung vào điểm này.

Chúng ta nói Đấng Emmanuen – Thiên Chúa ở với chúng ta, nhưng trong kinh nghiệm của Đức Maria và thánh Giuse, Đấng Emmanuen đến trong cuộc đời các ngài như là sự quấy rầy làm đảo lộn toàn bộ đời sống bình thường. Không ai trong chúng ta mong muốn dự phóng đời mình bị đảo lộn. Chúng ta không muốn một sự trở ngại nào cả; chúng ta muốn có một sự hoàn thành thật êm ái cho những dự phóng của mình.

Nhưng Đức Maria như chúng ta biết chuyện xảy ra, trong chương trình này của Chúa, Mẹ phải chấp nhận bị xem là phản bội với Giuse, sẽ phải bị hiểu lầm… nhưng có điều gì đó kỳ diệu xảy ra ở đây phải không?

Chúa Thánh Thần đến can thiệp, nhờ đó, thánh Giuse quay trở về và sẵn sàng đón nhận Đức Maria là vợ của mình. Ông nhận ra rằng Maria đã có thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Thật là một sự can thiệp kỳ diệu! Vì là một người Do Thái trung thành, Giuse muốn tuân theo lề luật và phải từ bỏ Maria. Là một người công chính, ông muốn rút lui trong âm thầm, không muốn công khai tố cáo và kết án bà Maria theo lề luật, bởi khi làm như thế Maria phải chết. Những dự định của ông đã sẵn sàng: tôi sẽ bỏ bà, tôi sẽ li dị bà. Một lần nữa, Thiên Chúa đến can thiệp nhờ một thiên sứ trong giấc mơ: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20).

Như thế, Thiên Chúa đã đi bước trước. Thiên Chúa đã ra tay hành động nơi Giuse, để ông không chỉ là chồng của bà Maria, nhưng còn là cha của người con này, ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Và người con Giêsu này là sự thành toàn, sự viên mãn của lời ngôn sứ Isaia về Đấng Emmanuen – Thiên Chúa ở với chúng ta. Ở đây, chúng ta có sự viên mãn của sự hiểu biết về ý nghĩa danh xưng Emmanuen – Thiên Chúa ở với chúng ta như là Đấng đến cứu độ chúng ta. “Thiên Chúa ở với chúng ta” không phải như một sự hiện diện tĩnh lặng, khô khan. Nhưng Thiên Chúa hiện diện với chúng ta như là tình yêu, là ơn cứu độ, như là một Ai đó gần gũi để hướng dẫn chúng ta tới những điều tốt lành và để bảo vệ chúng ta từ cánh tay yêu dấu Người.

Như thế, chúng ta đừng quá thất vọng khi gặp phải sự đảo lộn trong cuộc sống của mình. Bạn hãy biết rằng lúc đó Chúa đang muốn đồng hành với bạn và muốn cứu độ bạn. Có thể Thiên Chúa đang hỏi bạn: Ta ở với con nhưng con có ở với Ta không? Đó là câu hỏi mà trong Giáng Sinh năm nay bạn hãy tự trả lời với Chúa. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/