Chúa Nhật III Mùa Vọng A
Is 35,1-6a.8a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11

“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.
Tôi nhắc lại: vui lên anh em, Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5).

Đó là những lời đầu tiên mà phụng vụ hôm nay chọn để dẫn chúng ta vào Chúa Nhật “của niềm vui” (Domenica Gaudete). Màu sắc phụng vụ trong thánh lễ này không phải là màu tím như thường lệ của Mùa Vọng, nhưng là màu hồng, diễn tả niềm vui mong chờ Chúa đến.

Bài đọc I, được trích từ sách tiên tri Isaia, hoàn toàn là một bài tụng ca niềm vui:

“Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò (Is 35,1-2).

Bởi vậy, đây là cơ hội thuận lợi để chúng ta suy nghĩ về một điều mà mọi người, cả người tín hữu lẫn người không có niềm tin đều ao ước là được sống hạnh phúc vui tươi. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Hạnh phúc là điều mà chúng ta luôn khắc khoải tìm kiếm từng ngày.

Tuy nhiên, tại sao mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc, nhưng chỉ có một số người thực sự hạnh phúc và ngay cả những người thực sự hạnh phúc thì chỉ được hạnh phúc trong một thời gian ngắn? Tôi cho rằng đây là lý do chính yếu làm cho chúng ta không có được hạnh phúc hoặc chỉ đạt được hạnh phúc một thời gian ngắn bởi chúng ta đã sai lầm trong việc tìm kiếm đối tượng mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Giống như chúng ta cố gắng để trèo lên đỉnh một ngọn núi cao, nhưng chúng ta chọn hướng đi sai, nên nó không đưa chúng ta lên tới nơi hoặc chỉ đưa chúng ta tới một đoạn đường rồi phải tụt xuống.

Bởi lẽ, Kinh Thánh nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa là tình yêu,” nhưng con người tìm cách đảo lại như thế này: “Tình yêu là Thiên Chúa” (đây là điều mà triết gia Đức Ludwig Feuerbach đã nói). Mạc khải nói rằng: “Thiên Chúa là niềm hạnh phúc,” nhưng con người đảo lại trật tự của nó và cho rằng: “Hạnh phúc là Thiên Chúa!”

Khi làm như thế, điều gì xảy ra ở đây? Bởi lẽ, sống trên trái đất này, chúng ta không thể có hạnh phúc hoàn hảo và tuyệt đối; cũng vậy, chúng ta không thể có tình yêu tuyệt đối. Chúng ta chỉ biết và nếm hưởng một phần nào đó về hạnh phúc. Hạnh phúc ở trần gian qua nhanh và chúng ta cảm thấy hạnh phúc chỉ kéo dài một thời gian. Như thế, khi chúng ta nói: “Hạnh phúc là Thiên Chúa,” chúng ta đã thần hóa những kinh nghiệm nhỏ bé của mình; chúng ta cho những thành công, những thành quả do bàn tay hoặc trí tuệ con người làm ra là “Thiên Chúa.” Chúng ta biến hạnh phúc chúng ta thành một thần tượng hay đúng hơn thành một thứ ngẫu tượng. Điều này lý giải tại sao người tìm kiếm Thiên Chúa thì luôn tìm thấy niềm vui, trong khi đó người tìm kiếm niềm vui lại không luôn tìm thấy Thiên Chúa. Con người giảm thiểu việc tìm kiếm niềm vui của mình theo số lượng: người ta tìm cách gia tăng nhiều hơn sự vui thú và khoái cảm, hoặc tăng thêm sự hưởng lạc trong các thú vui – giống như người nghiện ma túy cần những liều nặng để có mức độ khoái cảm mạnh hơn.

Chỉ có Thiên Chúa là hạnh phúc và làm cho chúng ta hạnh phúc. Đây là lý do tại sao Thánh Vịnh nói:

“Hãy lấy Chúa là niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng” (Tv 37,4).

Trong Thiên Chúa, cả những niềm vui của cuộc sống hiện tại của chúng ta cũng không bị lấy đi, hoặc biến thành nỗi lo lắng, nhưng được làm cho phong phú hơn và ý nghĩa hơn, ngọt ngào hơn. Chúng ta không chỉ tìm kiếm niềm vui thiêng liêng mà còn cả những niềm vui nhân bản cao quý: như niềm vui từ gia đình vì thấy đứa con mình lớn lên, niềm vui từ tình bạn, sức khỏe, sáng tạo, nghệ thuật, cả lúc nhàn rỗi và lúc thưởng thức cảnh đẹp tự nhiên. Chỉ có Thiên Chúa có thể làm cho miệng của một vị thánh phải kêu lên: “Lạy Chúa, có Ngài là đủ làm con vui rồi! Lòng con không cần gì thêm!”

Trong Thiên Chúa, chúng ta tìm thấy mọi sự mà con người thường diễn tả bằng từ hạnh phúc. Người là niềm hạnh phúc vô biên và tuyệt đối; Người là “điều mắt chưa từng thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).

Đây là lúc để chúng ta công bố “tin vui” với một sự can đảm lớn lao rằng Thiên Chúa là hạnh phúc và niềm hạnh phúc này sẽ không còn đau khổ, không bị tước đoạt, không còn thập giá mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta trong ngày sau hết. Đó là phần thưởng cuối cùng cho những ai yêu mến Người. Trong cái nhìn đó, đau khổ được dùng để tháo gỡ những sự cản trở đối với niềm vui, để mở lòng chúng ta ra đón nhận niềm hạnh phúc lớn lao như thế trong ngày cánh chung. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/