Chúa Nhật III Mùa Vọng A
Suốt đời thánh Gioan Tẩy giả trung thành thờ phượng Chúa, trung thành trong sứ mệnh tiên tri Chúa trao phó, đến nỗi bất chấp mọi nguy hiểm đe dọa mạng sống, phản đối tội lỗi vua chúa, phản đối cả hoàng triều Hêrôđê Antipas.
1. Trăn trở của thánh Gioan.
Như bao nhiêu người Dothái cùng thời, thánh Gioan mong mỏi Đấng Cứu Chuộc trần gian đến giải thoát con người.
Chúa Giêsu xuất hiện, mọi người hy vọng Chúa chính là Đấng Cứu Chuộc sẽ nổi dậy cứu dân khỏi bàn tay bạo quyền, khỏi áp bức, khỏi cảnh bị đô hộ...
Càng hy vọng, người ta càng mỏi mòn. Trong khi đó thì "ông Gioan đang ở trong tù" vì Hêrôđê Antipas muốn bịt miệng ngài, bởi dám chống lại việc nhà vua sống loạn luân cùng chị dâu.
Một đời yêu mến Chúa, hăng say làm chứng cho công lý và chân lý, trung thành với Thiên Chúa, với đức tin, với lề luật, lẽ ra phải được bình an, phải hạnh phúc, phải được cảm nhận sự nâng đỡ của Thiên Chúa, thì ngược lại, bây giờ lại phải ngồi tù, mạng sống không bảo đảm chút nào, nhưng bị đe dọa từng ngày, hình như thánh Gioan chới với hơn, chao đảo hơn.
Đau khổ và cô đơn dễ gây nao núng. Trong tăm tối của nhà tù, thánh Gioan như bị giao động. Qua môn đệ, thánh nhân nặng lòng cất tiếng hỏi Chúa: “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”.
Hình như nội tâm thánh Gioan đang diễn ra cuộc chiến đấu, bởi lời hỏi cho thấy sự trăn trở, dằn co, xung khắc. Nói mạnh hơn, hình như bên trong cõi hồn, thánh nhân không có bình yên như chính sự ngồi tù vậy.
Một mặt, thánh Gioan biết rõ, Đấng Thiên Sai là Đấng quyền năng, xuất phát từ Thiên Chúa, Đấng thống trị toàn dân, Đấng được Thiên Chúa xức dầu phong vương trên trời dưới đất, không có bất cứ sức mạnh nào có thể sánh ví.
Mặt khác, nhìn vào thực tế, thánh nhân nhận ra Chúa Giêsu là chính Đấng Thiên sai của Thiên Chúa.
Nhưng những gì đang diễn ra thì không như thánh Gioan hiểu: Chúa Giêsu như chẳng có quyền hành gì. Chúa im lặng trước bao nhiêu bất công. Chúa không có hành động nhỏ nào trước tình trạng đất nước và dân tộc là chính đất nước và dân tộc của mình bị đô hộ. Không ai thấy nơi Chúa biểu hiện gì là giải thoát chốn trần thế. Người chỉ hứa ban hạnh phúc xa xôi phía sau cái chết.
Nỗi hoang mang của thánh Gioan có lý do: Tại sao Đấng Thiên sai, Đấng Cứu tinh trần thế đã đến rồi, mà nhân loại vẫn cứ còn đó bao nhiêu thống khổ, bao nhiêu nghi nan, bao nhiều tối tăm giăng mắc và đè bẹp… Phải chăng còn phải chờ đợi Đấng cứu tinh trần thế nào khác, chứ không phải Chúa Giêsu Kitô?
3. Trăn trở của thánh Gioan cũng là của chúng ta.
Qua năm tháng sống đức tin, nhất là đọc nhiều mẫu gương các thánh, tôi hiểu, các thánh không tự nhiên trở thành thánh. Các ngài là những anh hùng của đức tin. Các ngài dọi sáng sự kiên cường của đức tin cho chúng ta trong mọi cảnh huống của đời mình, dù hứng chịu không biết bao nhiêu thăng trầm.
Đặc biệt, khi phải vật lộn cùng thử thách đeo bám cả đời, các thánh vẫn một mực tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, dám ngã vào vòng tay Chúa để đi đến cùng cuộc chiến đầy thương tích giành lấy đức tin.
Thánh Gioan không là trường hợp ngoại thường. Thánh nhân chịu thử thách. Cuộc thử thách liên quan đến chính mạng sống. Thánh nhân sẽ bị giết bởi âm mưu của Hêrôđia (chị dâu và vợ ngoại hôn của vua Hêrôđê) và bàn tay vấy máu của Hêrôđê, một ông vua nhu nhược để chị dâu, kẻ lăn loàn với mình, giật giây.
Ngoài ra, dân tộc Dothái đang nô lệ dưới gót giày Lamã. Sự nhiễu nhương của thời đại, cũng là yếu tố tác động không nhỏ lên nội tâm của thánh Gioan.
Hiểu như thế, ta thấy câu hỏi “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” của thánh Gioan không đơn giản chỉ là câu hỏi cá nhân, nhưng còn phản ánh nỗi nhục nhằn, lời than thở của dân tộc, của tất cả những ai tin vào Chúa...
Nhiều lần mất bình an, chúng ta đã nghi ngờ Chúa, trách móc Chúa: “Có Chúa không? Tại sao Chúa lại để tôi phải khổ sở thế này?”.
Đành rằng, chúng ta yếu đuối, dễ sa ngã, nhưng hãy nhớ, theo Chúa không là nhung là lụa, gấm vóc, nhưng theo Chúa là vác thập giá đời mình.
Hiểu như thế, ta sẽ bắt chước thánh Gioan sống tiếp cuộc đời mình và can đảm đón nhận tất cả những biến động trong cuộc đời ấy.
Nếu thánh Gioan đã đổ máu cho đức tin, chúng ta cũng hãy sống cuộc sống tử đạo từng ngày, suốt đời.
Hãy bắt chước các thánh mà tiến lên trong tinh thần vâng phục và phó thác. Đừng tìm an thân, nhưng lao vào cuộc chiến dành lấy phần thắng cho đức tin thêm lung linh, thêm tỏa sáng.
Hãy nên giống như Chúa Giêsu, hoàn thành cây thập giá không phải trong một ngày, một buổi, nhưng là suốt chiều dài của đời mình.
Hãy xác tín rằng, đạo là đường dẫn ta đi qua thử thách của đời này để vinh hiển bước vào đời vĩnh cửu.