Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell sắp có bài diễn văn trước Hội đồng Bảo an LHQ trong đó, ông theo dự đoán, ông sẽ đưa ra những chứng cớ mà Mỹ có về việc Iraq bất tuân thủ nghị quyết của LHQ. Tuy nhiên, những tranh cãi về chuyện làm thế nào để giải giáp Bagdad lại bước vào một giai đoạn mới và có vẻ khó khăn hơn.

Bài diễn văn của Colin Powell lần này sẽ là một nỗ lực nhằm khởi động lại đà chống Bagdad mà Washington đã tạo nên trước khi có tai nạn tàu con thoi. Đây cũng là một dấu hiệu công khai cho thấy Hoa Kỳ đang cố thuyết phục thế giới về chính sách chống Saddam Hussein của mình.

Mỹ không cần một nghị quyết mới?

Những phản ứng lại lời tuyên bố của ông Colin Powell sẽ quyết định việc Mỹ thúc đẩy mạnh thế nào cho một nghị quyết mới của LHQ.

Được biết tổng thống Bush cảm thấy không bị thuyết phục về sự cần thiết phải có một nghị quyết nữa, vì ông lý lẽ rằng những nghị quyết hiện hành là đủ để cho phép Hoa Kỳ và các đồng minh bắt đầu sử dụng vũ lực giải giáp Iraq nếu họ chọn như vậy.

Trong lúc đó, phản ứng của Iraq là bác bỏ ngay những gì bị cáo buộc, thậm chí trước khi ông Colin Powell nói chuyện tại Hội đồng Bảo an. Một tờ báo của Iraq là al-Haraq nói ông Powell sẽ chẳng có gì ngoài những lời nói dối trước LHQ.

Còn trong cuộc phỏng vấn được truyền thanh trước khi có bài diễn văn của ông Powell, tổng thống Iraq Saddam Hussein một lần nữa khẳng định nước ông không có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông Hussein còn thách thức bất cứ ai đưa ra được bằng chứng chống lại điều này.

Trong khi đó, tại Hội đồng Bảo an, cho dù có tất cả những vẻ ngoài ngoại giao văn minh thì thỉnh thoảng Hội đồng Bảo an cũng mang đầy vẻ mặc cả của con buôn ngoài chợ trời khi người ta muốn có được những phiếu cần thiết. Và đó là trường hợp với bản nghị quyết thứ hai phê chuẩn một hành động quân sự chống Iraq.

Lập trường các nước nhỏ

Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng về các áp lực chính trị thì một số nước nhỏ trong Hội đồng như Guinea, Cameroon và Angola đang tập hợp với nhau. Không một quốc gia nào trong số này muốn đứng ra làm tâm điểm đưa ra lá phiếu quyết định để cho phép Hoa Kỳ có được chín phiếu cần thiết để nghị quyết được thông qua.

Do đó, sẽ khá khó khăn để biết trước các động thái của các quốc gia nhỏ hơn tại Hội đồng Bảo an trong trường hợp có nghị quyết thứ Hai chống Iraq lần này.

Tóm lại, Hoa Kỳ vẫn sẽ có thể thu được đa số phiếu như họ muốn. Nhưng quốc tế sẽ bị thuyết phục hơn nếu Washington có thể trưng ra bằng chứng rõ rệt rằng Iraq vẫn chưa từ bỏ kho vũ khí hủy diệt hàng loạt.(BBC)