VỀ BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG



Bút ký chuyến hành hương sau Phục Sinh

Kim Ân

Cuối xuân, tiết trời ấm áp, cây cối đã khoác tấm áo màu xanh mơn mởn, đầy sức sống. Xe chúng tôi rời Hà Nội lúc phố xá đã nhộn nhịp người qua lại. Qua cầu Chương Dương, chúng tôi hướng về quốc lộ 5 để tới thăm miền Kinh Bắc, mảnh đất chứa đựng biết bao huyền tích của ngàn năm xưa cũ.

Rời quốc lộ số 5, rẽ tay trái, đi thêm một đoạn, hai bên đường là những rặng tre, những dòng kênh, thấp thoáng đâu đây vài ba vòm cổng cổ kính.

Rồi trước mặt chúng tôi xuất hiện con đê uốn lượn như dải lụa mềm mượt xanh màu cỏ. Men theo bờ đê hữu ngạn sông Đuống, chúng tôi đi về phía hạ nguồn, lòng như văng vẳng lời thơ thủa nào về dòng sông huyền thoại:

“Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh …”

Bãi sông xanh mượt ngô non, thấp thoáng bóng vài cô thôn nữ. Xa xa dòng nước lững lờ xuôi về Biển Đông. Cũng ở dòng sông này, trên những bãi ngô non thủa trước trồng dâu, tiếng hát của cô gái hái dâu Kinh Bắc từng làm xao lòng vị hoàng đế đang cưỡi thuyền xuôi về chùa Dâu, để rồi người đời có một câu chuyện thật lãng mạn và thi vị: vị hoàng đế đem lòng yêu cô gái hái dâu, đưa nàng về cung lập làm nguyên phi với tên gọi Ỷ Lan. Từ cuộc gặp gỡ kỳ ngộ này, dân gian dựng thành câu chuyện Tấm Cám từng khiến bao lớp người Việt say mê thích thú.

Mải theo đuổi những chuyện quá khứ, xe chúng tôi đã đến chùa Bút Tháp lúc nào không hay. Chúng tôi vào thăm ngôi chùa cổ kính nép mình bên hữu ngạn sống Đuống. Sau cổng chùa là tháp chuông khá đẹp. Tháng ba, hoa gạo cháy rực bên những mái đao cong vút. Ngôi chùa có những dãy hiên, cột đá, phù điêu đá chạm trổ tinh xảo. Trong chùa có tượng Phật Bà nghìn tay nghìn mắt, được coi là một trong những kiệt tác của nền điêu khắc cổ Việt Nam. Cách bố trí nội công ngoại quốc với những lớp nhà dãy bao quanh tạo nên một không gian khép kín, nhưng vẫn mang nét mở rộng, hài hòa với thiên nhiên. Những đầu đao bay lên thể hiện tâm thức hướng thượng và hướng thiện giữa một không gian trải rộng, tĩnh mịch, mang đậm phong cách kiến trúc cổ Việt Nam. Gần phía bờ đê là ngọn tháp đá duyên dáng hiên ngang như cây bút viết vào trời xanh. Ngọn tháp đặc biệt này khiến ngôi chùa mang tên Bút Tháp.

Vốn là nơi tu hành của một công chúa triều Lê, ngôi chùa vẫn còn mang nhiều nét vương giả của chốn cung đình.

Rời chùa Bút Tháp, chúng tôi lên xe đi thăm chùa Dâu, ngôi chùa đã tồn tại hơn ngàn năm với bao huyền thoại về sư Đà La, về nàng Man Nương, về Sỹ Nhiếp. Đến thăm chùa giữa lúc việc trùng tu đang bề bộn, chúng tôi không có cơ hội chiêm ngưỡng những di tích đặc biệt trong chùa, nhưng nghe ni cô trụ trì giới thiệu sơ lược, nhìn ngọn tháp ba tầng, tấm bia cổ trước cổng vào, chúng tôi phần nào cảm nhận được dấu ấn thời gian in đậm trên mảnh đất này. Cách chùa không xa vốn là thành cổ Luy Lâu với những chuyện kể thú vị về Sỹ Vương làm vấn vương lòng du khách.

Chúng tôi cũng ghé thăm ngôi nhà thờ xứ Dâu do cha Giu-se Trần Đăng Can quản nhiệm. Số giáo dân ở đây không nhiều, nhưng mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà chùa và nhà thờ quả là một nét son văn hóa trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Sau khi thăm hai ngôi chùa cổ, chúng tôi lên xe qua cầu Hồ, dòng sông Đuống êm ả xuôi dòng, lòng chợt nghe vọng tiếng thơ xưa:

“Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp …”

Chúng tôi tiếp tục đi qua những vùng đất mà tên gọi gợi lên biết bao chuyện cũ tích xưa. 10 giờ 30, xe tới thị xã Bắc Ninh. Sau khi viếng Nhà Thờ Chính Tòa, chúng tôi tới chào Đức Cha Giu-se Nguyễn Quang Tuyến. Đức Cha kể vài câu chuyện thú vị về những chuyến đi truyền giáo thực tế, sau đó giới thiệu các chị thuộc tu hội Hiệp Nhất và anh em tu sinh hát những điệu quan họ chào khách. 11 giờ 30, Đức Cha và đoàn hành hương dùng cơm trưa. Lại những khúc quan họ mời rượu, những làn điệu mượt mà trầm bổng làm say lòng khách đến thăm vùng Kinh Bắc.

Buổi chiều, chúng tôi từ biệt Đức Cha, từ biệt những con người hiếu khách vùng quan họ để đi viếng đền thờ Thánh Tâm.

Chuyện kể rằng vào giai đoạn chiến tranh ác liệt, Nhà Thờ Chính Tòa Lạng Sơn, Nhà Thờ Nam Định, Nhà Thờ Chính Tòa Thanh Hóa, Nhà Thờ Chính Tòa Phát Diệm lần lượt bị đánh bom, Đức Giám Mục giáo phận lúc đó là Đức Cha Phao-lô Giu-se Phạm Đình Tụng đã dâng lên Thánh Tâm Chúa lời khấn xin bảo vệ Nhà Thờ Chính Tòa và giáo phận. Ngài hứa sẽ xây dựng một đền thánh trên đồi Búb-lê để đền tạ Thánh Tâm Chúa. Khi điều kiện cho phép thực hiện lời hứa trên thì đồi Búb-lê đã thành khu quân sự, Đức Cha Giu-se Nguyễn Quang Tuyến liền quyết định xây ngôi đền thánh tại thị xã Bắc Giang.

Trên đường đi Bắc Giang, đồi Búb-lê nằm ở phía trái quốc lộ 1B, cạnh đó dòng “sông Cầu nước chảy lơ thơ” gợi nhớ tới phòng tuyến Như Nguyệt hiển hách thủa nào.

Qua sông Cầu, đi thêm một đoạn, xa xa phía bên phải thấp thoáng bóng ngôi thánh đương mái đỏ, tháp nhọn, nằm giữa một khu dân cư, đó là nhà thờ Núi Hiểu.

Thế sự thăng trầm khiến giáo dân nơi đây bỏ đi gần hết. Sau cùng, gia đình ông Thức, gia đình Công giáo cuối cùng, cũng quyết định ra đi tìm đất sống. Thế nhưng nghe lời khuyên của vị chủ chăn giáo phận rằng cần phải ở lại để giữ nhà thờ, ông Thức và gia đình đã trụ lại để sớm sớm chiều chiều tiếng nguyện cầu không tắt lịm nơi ngôi nhà thờ Núi Hiểu.

Xe đi tiếp, tới cầu Xương Giang vắt ngang sông Thương, nhìn về phía tay trái, chúng tôi đã thấy hai ngọn tháp đền Thánh Tâm vươn thẳng lên trời xanh. Đúng 15 giờ chúng tôi bước chân vào viếng đền Thánh Tâm. Sau đó là những lời chào hỏi thân tình của cha Phê-rô Cao Văn Đạt, rồi những lời chia sẻ kinh nghiệm mục vụ thực tế của cha xứ Đa-minh Nguyễn Văn Hùng.

Chúng tôi rời Bắc Giang lúc 16 giờ để tiếp tục đi thăm Đền Đô, ngôi đền thờ tám vị vua triều Lý tại quê hương Đình Bảng.

Xe tới Đền Đô lúc ráng chiều mang theo hơi gió bảng lảng bên hồ bán nguyệt, bên thuỷ đình, giữa một không gian phảng phất nét ca dao, cổ tích khiến lòng chúng tôi không khỏi bâng khuâng khó tả.

Rời Đền Đô, trở về Hà Nội, trở về với bao bận bịu của chuyện học hành, lòng chúng tôi vẫn còn mang bao vấn vương của miền Kinh Bắc, để rồi đôi lúc lời thơ lại chợt vang lên:

“Ai về bên kia sông Đuống

Cho ta gởi tấm the đen

Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên

Những hội hè đình đám

Trên núi Thiên Thai

Trong chùa Bút Tháp

Giữa huyện Lang Tài

Gửi về may áo cho ai

Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?. ..”[1]



Kim Ân



--------------------------------------------------------------------------------



[1] Lời thơ trong bài “Bên Kia Sông Đuống” của Hoàng Cầm.

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo