LINH MỤC TRẦN LỤC,

NHÀ VĂN CÔNG GIÁO

Võ Long Tê

Sự đóng góp của Linh mục Trần Lục vào công trình xây dựng nền văn hóa dân tộc không hạn định ở trong nghệ thuật thánh sự mà thành công tiêu biểu, như nhiều người biết, là nhà thờ Phát Diệm dung hợp kiến trúc tôn giáo Đông phương và Tây phương. Trong lãnh vực văn học, Linh mục Trần Lục cũng đã có những cống hiến đặc sắc, xứng đáng với danh hiệu nhà văn công giáo. Thật vậy, Linh mục Trần Lục là kịch tác gia kiêm đạo diễn tuồng Thương khó và và nhà thơ giáo huấn, giảng dạy giáo lý và luân lý, nên trong một bộ văn học sử Việt Nam đại toàn ắt sẽ xếp Linh mục Trần Lục vào thành phần những nhà văn có khuynh hướng về đạo lý.

Tuồng Thương Khó

Đưa những huyền nhiệm đạo Chúa vào kịch nghệ là một truyền thống văn nghệ Tây phương từ thời Trung cổ. Riêng về sự thương khó của Chúa, trong số nhiều giai tác đáng kể một công trình kịch nghệ bình dân thành công vĩ đại là tuồng Thương khó, cứ mười năm thì diễn một lần tại Oberammergau, miền Bavière nước Đức.

Ở nước ta, Linh mục Trần Lục là người đầu tiên dựng tích Thương khó Chúa trong hình thức nghệ thuật kịch trường và như là một nghi lễ á phụng vụ (sacramental) dịp Tuần lễ Thánh. Lẽ dĩ nhiên văn bản căn cứ vào sách Phúc Âm và kinh nguyện của Giáo hội, nhưng linh mục cũng tuỳ nghi thêm vào một số ca vãn do chính linh mục sáng tác. Diễn trường chính là nhà thờ Mân Côi, quen gọi là nhà thờ Lớn mà linh mục đã hoàn thành trong năm 1891, sau khi chuẩn bị chu đáo từ nhiều năm trước. Như chúng ta biết, thánh đường này dựng lên giữa một sân rộng lát gạch và đá, hai bên tả hữu có bốn ngôi nhà thờ nhỏ hơn; đàng đầu có các hang đá Sinh nhật, vườn Giệt, Lộ Đức, Táng xác; mạn cuối có Phương Đình đá hùng vỹ.

Linh mục Trần Công Hoán, thuộc địa phận Phát Diệm, có hồi ức sau đây về tuồng Thương khó của Linh mục Trần Lục:

“Cha Sáu (tức Cha Trần Lục)… tổ chức tuồng Thương khó quen gọi là Bắt Quân Dữ… Sau nhiều năm cha qua đời, tổ chức quân dữ vẫn hoạt động và được bổn đạo cũng như lương dân hoan nghênh lắm; song mấy năm gần đây, người ta lạm dụng, cho nên Bề trên lấy làm tiếc phải giải tán.

“Bắt quân dữ tức là diễn lại một cách linh động truyện đã xảy ra cho Chúa Giêsu trong tuần lễ Thánh. ngoài những lễ nghi chính thức mọi nơi khác thường ngắm và đọc sách ôn lại các hoạt động quân dữ; nhưng ở Phát Diệm thì diễn lại bằng các vai sống động. Đàn bà, trẻ con, người ngu dốt, nghe sách vở dễ quên, có khi ngủ gật nữa; song khi một lần đã tới Phát Diệm xem diễn tuồng thương khó do một đội quân dữ này đóng vai, thì liền hiểu và nhớ lâu.”(1)

Theo sự hiểu biết thư tịch học hiện nay thì văn bản tuồng này chưa từng được ấn loát, hy vọng rằng nhiều gia đình yêu cổ thư còn giữ được bản sao chép và những bậc cao niên trưởng lão sẽ công bố hồi ức như Linh mục Trần Công Hoán để những kẻ hậu sinh thấy rõ chân diện mục vở tuồng của Linh mục Trần Lục, nói đựơc là công trình đặc sắc của kịch nghệ công giáo ở nước ta.

Để nêu rõ vị trí tiền phong của vở tuồng do Linh mục Trần Lục đã soạn thảo và đạo diễn, chúng tôi xin nêu thư tịch sau đây:

- Cha J.B.Nguyễn Bá Tòng (thăm Giám mục Việt Nam tiên khởi năm 1933). Tuồng Thương khó dọn theo các sách gẫm sự Thương khó và tuồng Thương khó đã làm tại Oberammergau và tại Nancy, Sài Gòn, Imprimerie de la Mission 1912, 82 trang)

- J. Lê Văn Đức, tuồng Thương khó dọn theo tuồng Thương khó của cha Gioan B. Tòng, cha Anrê Miều ra công khó giúp, cha Sébastien Chánh lãnh sự dọn mấy bài hát. Qui Nhơn. Imprimerie de la Mission 1926, 142 trang.

Thơ giáo huấn

Chữ thơ ở đây dùng theo nghĩa rộng; trong tinh thần khiêm hạ và nhằm mục tiêu phổ biến rộng rãi trong các giới bình dân, Linh mục Trần Lục gọi sáng tác văn vận của mình là “ca vè” trong các bản sao chép tay truyền bá thưở sinh thời và trong các bản in xuất bản sau khi linh mục thọ chung.

Chúng tôi chưa có dưới mắt các ấn bản thực hiện năm 1910 như Linh mục Trần Công Hoán mặc nhiên thông báo như sau: “Năm 1910, có ngừơi đã soạn vào bốn cuốn, bán ở Hồng Kông” (2), nhưng chúng tôi biết bộ Sách thuật lại ít nhiều ca vè in tại Ninh Bình dưới tên tác giả “Cụ Sáu” gồm bốn cuốn: I, 84 trang; II, 100 trang; III, 84 trang; IV, 88 trang, 1920.

Cuốn IV được nhà xuất bản Phúc Hải tái bản tại Sài Gòn năm 1962 dưới nhan đề Ca vè Cụ Sáu với ghi chú, tại các trang 1 và 3, nhan đề và vị thứ ấn bản 1920. Sách gồm ba bài làm theo thể thất lục bát, không theo nghiêm cách của thể song thất lục bát, và về thể lục bát thì nhiều lúc gieo yêu vận ở chữ thứ tư vế bát:

- Hiếu tự ca gồm 1138 vế

- Nữ tắc thường lễ gồm 1016 vế

- Nịch ái vong ân gồm 440 vế

Như nhan đề đã nêu rõ, bài thứ nhất giảng dạy chữ hiếu là bổn phận làm con đối với cha mẹ. Bổn phận này được nhắc lại trong bài thứ hai giảng dạy các phép tắc dành riêng cho nữ giới và cả trong bài thứ ba giảng dạy nam giới chớ mê hoặc vì thương yêu đến nỗi quên ơn cha mẹ.

Lẽ dĩ nhiên Linh mục Trần Lục làm thơ giáo huấn trên lập trừơng giáo lý và luân lý công giáo, ứng đáp nhu cầu giáo dục của một cộng đồng tín hữu càng ngày càng đông đảo. Ở nước ta, các bậc ưu thời mẫn thế, lưu tâm đến tiền đồ dân tộc đều lưu danh trong sự nghiệp soạn thảo các hiến chương giáo dục theo quan niệm đạo học của mình. Nguyễn Trãi (1380-1442), theo tương truyền là tác giả Gia Huấn ca gồm sáu bài tổng cộng 796 vế. Lý Văn Phức (1785-1849) soạn thành lời ca song thất lục bát truyện hiếu tử bên Tàu dưới nhan đề Nhị thập tứ hiếu diễn âm, đồng thời viết sách Phụ châm tiện lãm (Lời khuyên răn cho đàn bà tiện xem). Có sự tương đồng về mặt lề luật tự nhiên trong lời giảng dạy của các nho gia vừa kể và Linh mục Trần Lục, nhưng điểm đặc biệt là Linh mục Trần Lục xây dựng luân lý trong tác phẩm của mình trên căn bản siêu nhiên.

Luận về chữ hiếu chẳng hạn, nho gia quan niệm rằng báo hiếu cho cái gốc đã sinh ra mình, đồng thời trở về với căn nguyên (báo bản phản nguyên). Đối với người công giáo, đạo hiếu là nội dung của giới răn thứ tư: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ hầu ngươi được trường thọ trên đất Chúa Trời sẽ ban cho” (Xh, 20, 12). “Chúa Giêsu đã phục tùng cha mẹ” (Lc, 2, 51). Chính ngài đã nhắc nhở sức mạnh giới răn này của Thiên Chúa (Mc 7,8-13). Còn Thánh Phaolô Tông đồ thì dạy: “Hỡi con cái, hãy vâng lời cha mẹ mình trong Chúa! Đó là điều phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi. Lịnh truyền ấy là lịnh truyền thứ nhất có kèm theo lời hứa: ngõ hầu người được phúc và trường thọ trên cõi đất”. (Ep.6,1-3)

Lời Chúa viện dẫn trên đây vang vọng trong lời thơ của Linh mục Trần Lục:

Hiếu tự ca mở và kết như sau:

Mấy lời hiếu tự nói qua

Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn.

Làm người sống ở thế gian,

Ai không đội đức cao san nặng dày?

Nói sao cho hết cho rồi,

Biết bao khí huyết tài bồi cho ta.

Phần hồn thì Chúa sinh ra.

Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành.

Phụ tình mẫu huyết đúc hình,

Cho ta toàn vẹn mà sinh làm người (câu 1-10)



Hãy lắng nghe nghe lời Chúa hứa,

Ai hết lòng thảo hiếu mẹ cha

Sẽ ban phần thưởng này là

Sống lâu dứơi thế để mà trả công,

Về sau phúc trọng muôn phần:

Chúa còn trả lại vô cùng hẹp chi.

Mấy lời hiếu tự phải ghi.

Chôn lòng mà giữ chớ khi nào rời. (câu 1081-1088)

Nữ tắc thường lễ nhấn mạnh điểm cha mẹ là hình ảnh của Thiên Chúa (nêu trong văn bản dưới danh hiệu phiên âm cổ “Chúa Dêu”)

Tiên vàn thảo kính mẹ cha,

Coi người như thể thật là Chúa Dêu.

Trong lòng ngoài miệng mọi điều

Việc làm lớn bé phải theo ý người. (câu 19-22)

Gia đình là nền tảng của xã hội, đối với người công giáo chính là một mô thức “giáo hội gia thất” (3), một cộng đồng cơ bản sống động với ba nhân đức đối thần Tin, Cậy, Mến. Bởi lẽ ấy, việc chọn vợ rất quan trọng. Sau khi nêu bảy điều kiện lý tưởng của người phối ngẫu, tác giả Nịch ái vong ân khuyên phải trình xin ý kiến cha mẹ, và nếu cần, phải trình với thầy cả, lẽ dĩ nhiên đương sự phải cầu nguyện, xin ơn sáng suốt để có sự lựa chọn tối ưu:

Làm trai lấy vợ thử coi

Xét xem ý tứ đứng ngồi ở ăn,

Trai mà muốn cho toàn thân,

Mắt trông tay nhắc mặt cân cho rành.

Một là tính nó hiền lành,

Hai là tính nó tính mình như in.

Ba là nó có đức tin,

Bốn là tính nó tự nhiên thương người.

Năm là tính nó tươi cười,

Hòa với mọi người, chúng bạn, chị em.

Sáu là có tính tự nhiên,

Khiêm cung thuần nhã dưới trên tôn nhường.

Bảy là tính nó sẵn sàng,

Nghe lời dạy dỗ về đàng nết na.

Khi mà ta thấy rành làm vậy,

Thì phải lấy Đức Mẹ làm đầu,

Phần riêng mình cũng phải cầu

Một vài ba tháng cho lâu trong mình.

Trong lòng thấy đã quyết tình

Không thay không đổi sẽ trình mẹ cha.

Hay là lòng thấy vẩn vơ

Thì khoan, đừng nói cho ai biết gì:

Mình phải đi trình với thầy cả

Hết mọi điều chung thuỷ trong lòng.

Để người xem xét bề trong

Nên thì nguời bảo rằng xong cho mình.

Về sẽ trình lại cùng cha mẹ

Để cho người tìm kẻ giạm lời.

Hay là người nói phân đôi

Thì hãy xin người bàn việc ấy cho.

Cứ bo bo giữ lời thầy cả

Ắt hẳn là Chúa sẽ trả công,

Miễn là mình không chút lòng

Tình ngang ý trái mà trông đời này.

Một lòng đưa tấm lòng ngay,

Mọi điều giao phó trong tay Chúa Trời. (câu 379-414)

Xét về nghệ thuật, tác giả lập luận chặt chẽ khéo léo, thường lặp lại ý chính theo lẽ nghệ thuật sư phạm là biết lặp lại. Chẳng hạn trong bài Hiếu tự ca, sau khi trình bày công ơn cha mẹ từ khi mang thai cho đến lúc con trưởng thành (câu 11-502), tác giả trình bày các phương cách báo hiếu (câu 503-1064) và đây là dịp thuận tiện để phát triển ý đã trình bày trong đoạn trước. Lời thơ vượt mức khô khan của lý luận mà thấm nhuần sức truyền cảm của tâm tình đến độ thể hiện chất thơ thuần tuý. Đoạn sau đây có thể có mặt trong một tuyển tập giai tác về tình thương yêu của cha mẹ:

Bây giờ nói đến hai tai,

Phải nghe chữ hiếu mà cài vào đây.

Lắng nhe kể lại từng ngày,

Ta còn bé nhỏ tai người đinh ninh.

Lắng nghe từ lúc sơ sinh,

Nghe lắng con mình cất khóc oa oa.

Ba năm nghe ngóng dần dà,

Hễ khi ta khóc mẹ cha giật mình.

Năm canh trông suốt chục rình,

Nghe con ọ oẹ thương tình dậy ngay.

Nghe đêm chưa chán lại ngày,

Mẹ cha săn sóc đổi thay từng hồi.

E con chẳng nói nên lời,

Bịnh thì chỉ khóc mà thôi, biết gì!

Nghe từng hơi thở mà đi,

Không nghe thì sợ nhiều khi lỡ làng.

Nghe con khi uống thuốc thang,

Cha mẹ lại càng lắng mãi không ngơi.

Khi nghe con ngủ con chơi,

Nghe đủ mọi lời con khóc con reo.

Nghe con bập bẹ nói theo,

Lắng nghe từng điều mọi lúc mọi nghe.

Nghe con bệnh nạn gian nguy,

Thôi thì cha mẹ kể chi đến mình.

Nghe con được sự yên lành,

Ruột gan cha mẹ như hình chùm hoa.

Nghe con đói rách xót xa,

Nghe con no ấm mẹ cha lòng mừng.

Nghe con u tối ngập ngừng,

Nghe con sáng dạ sáng lòng mới vui.

Nghe con lỡ bước xa khơi,

Hai mắt sụt sùi đứng cửa trông ra.

Nghe con huynh đệ bất hòa,

Nghe con không được thất gia yên lành,

Không nghe thì bụng không đành

Nghe ra trong bụng buồn tanh lại buồn.

Nghe con ít ỏi trí khôn,

Phần xác phần hồn không biết lo toan.

Tai nghe hai mắt ứa tràn

Ra như hai suối chứa chan mạch sầu.

Nghe con phải sự lo âu,

Tai bay vạ gió ở đâu tuôn vào.

Bụng như cào, tai nghe mắt khóc,

Đêm năm canh trằn trọc vì con.

Nghe mà lòng bụng héo hon

Là khi nghe biết lòng con bạc tình (câu 503-548)

Vì muốn giới thiệu trọn vẹn một đoạn thơ hay nên chúng tôi viện dẫn dài dòng. Sau đây là một số câu ngắn gọn, ý nghĩa thâm thuý hàm súc trong cấu trúc tục ngữ cách ngôn:

- Con chơi cha mẹ mới đành,

Con đau cha mẹ tan tành khúc nhôi. (Hiếu tự ca câu 57-58)

- Thương con từ cuối đến đầu,

Lại còn thương cháu lo âu bời bời.

Thương con thương một mà thôi,

Thương cháu gấp mười thương vẩn thương vơ. (Hiếu tự ca câu 265-268)

- Làm con chớ ở bạc tình,

Cướp công cha mẹ sinh thành sao nên! (Hiếu tự ca câu 1053-1054)

- Khoe khoang đừng nói bao giờ,

Lại cũng phải chừa giọng nói tới ta

Cũng đừng lời nói sai ngoa,

Nay đôi mai chối người ta khinh mình (Nữ tắc thường lễ câu 796-800)

- Có cha mẹ mới có mình,

Làm con ta ở vô tình sao nên. (Nịch ái vong ân câu 53-54)

Điều lý thú khi đọc thơ giáo huấn của Linh mục Trần Lục là khám phá một thi nhân trong một đạo nhân. Không dụng ý làm văn chương, Linh mục Trần Lục đạt tới chỗ cao quý của văn chương đạo lý, lưu danh văn nghiệp một con người ý thức sứ mệnh tuyên truyền Chúa giao phó.

Dư luận đối với các sáng tác của Linh mục Trần Lục như thế nào? Thiết tưởng nên trưng chứng từ của Linh mục Trần Công Hoán:

“Người ta kể lại: lúc cha Sáu còn sống, vợ một ông quan lớn ra chơi Phát Diệm, nghe các phụ nữ đọc bản Hiếu Tự. Lúc đầu còn ngồi trên sập sau trụt dần xuống ngồi chung với chị em nhà quê. Nghe thích quá, bà xin các cô đọc mãi cho mình nghe; đọc xong, lại bảo đọc lại. bà trình cha: Hay quá! Cha cho chúng tôi mỗi người một bản đem về các ông nhà chúng tôi đọc.

Hồi còn nhỏ, soạn giả thường nghe các Bà, các Cô vừa xay lúa giã gạo, vừa đọc các ca vè đó. Có người thuộc lòng cả một cuốn sách nữa. Hồi đó, trong Địa phận (Phát Diệm) chưa có nhà in, phải viết mà học, thế mà cả vùng Kim Sơn, người ta đều thuộc và đọc đi đọc lại không biết chán.”(4)

Chúng tôi xin nêu thêm chứng từ cảu một thi nhân: Cụ Phước Môn Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), người đề thơ cảm đề “Việt Nam phong sử” của cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, đề tựa Sảng Đình thi tập của linh mục Nguyễn Văn Thích và là tác giả Phước Môn thi tập (5). Ngày 25 tháng 11 năm 1928, cụ Phước Môn viếng mộ Linh mục Trần Lục tại Phát Diệm, có cảm đề một bài thất ngôn bát cú Đường luật kết thúc như sau:

Khoát sắt, thơ son truyền sự nghiệp.

Trung trinh hai chữ để gương đời.

Thiết tưởng đó là lời thanh nghị của hậu thế đối với một sự nghiệp văn chương lưu truyền thiên cổ.

Chú thích:

(1) Linh mục Trần Công Hoán, Tiểu sử cha Sáu, linh mục Nam tước Phát Diệm, Sài Gòn, nhà sách Thánh Gia 1963, tr.113-114

(2) Linh mục Trần Công Hoán sđd, tr.118. Ở Hồng Kông không có cơ sở in tiếng Việt Imprimerie de Nazareth, Imprimerie de la Mission của Hội truyền giáo Ngoại quốc, Paris.

(3) Catéchisme de l’Église Catholique 1993, Publié par le Service des Editions de la Conférence des Evêques Catholiques du Canada, tr.452, điều 2004.

(4) Linh mục Trần Công Hoán, sđd, tr.118-119.

(5) Nguyễn Hữu Bài, Thơ nôm Phước Môn. Nguyễn Thúc sao lục và giải thích. Tựa của Thái Văn Kiểm, Nguyễn Huyền Anh trình bày, Sài Gòn, Văn Khoa Ấn

quán, 1958, 104 trang.

Từ tác phẩm TRẦN LỤC

Biên Tập: Nguyễn Gia Đệ, Lê Hữu Mục, Bằng Phong, Phạm Xuân Thu, Trần Trung Lương.

Mời vào Tủ Sách Dũng Lạc - www.dunglac.net, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo