Chuyện phiếm:

ÔNG TỪ HÒE



Tôi may mắn được có một số bạn chí thân. Hàng tháng chúng tôi ưa tụ họp nhậu nhẹt và tán dóc. Trong số bạn này tôi quý nhất người bạn có biệt danh Từ Hoè. Tôi nói biệt danh vì đây không phải là tên thật mà là tên bọn tôi đặt cho ông. Tôi quen ông từ VN, trước 1975. Sau này, gặp nhau tại Canada, biết thêm nhiều về ông, tôi càng phục và mê ông hơn. Sở dĩ gọi ông là Từ Hoè vì ông rất giống một nhân vật trong truyện Tàu Thủy Hử của nhà văn Thị Nại Am.

Các cụ đọc Thuỷ Hử chắc biết chuyện 108 vị hảo hán nổi lên ở Lương Sơn Bạc miền Sơn Đông chứ ? Họ nổi dậychống triều đình tham nhũng hồi thế kỷ 12 ấy mà. Lãnh tụ là Tống Giang, cầm quân là Lư Tuấn Nghĩa. Quan quân triều đình đánh bao nhiêu trận mà không hạ được chiến khu. Mãi về sau triều đình mới tìm được một vị tướng văn võ toàn tài cầm quân đi chinh phạt. Ông quan này nghĩ rằng nhóm hảo hán đã làm lễ thế thiên hành đạo, cho mình sứ mạng thay trời trị dân, ắt họ phải biết lễ. Do đó ông tướng này một mình một ngựa tiến vào chiến khu đòi gặp thủ lãnh để nói điều phải trái. Bữa đó Tống Giang đi vắng, đại tướng Lư Tuấn Nghĩa thay lãnh tụ tiếp sứ giả triều đình. Ông quan này đem lẽ phải trái ra tranh luận với Tướng Lư Tuấn Nghĩa. Việc tranh cãi này rất gay cấn, có lúc quân hầu cận tức giận định tuốt gươm chém ông quan, nhưng tướng Nghĩa không cho. Khi thấy tướng Nghĩa đã nao núng thấm đòn, không còn cãi nổi lý lẽ, ông quan ung dung ra về. Sách chép rằng đêm đó tướng Lư Tuấn Nghĩa mất ngủ. Ông bị giao động mạnh, đã có ý ra hàng triều đình. Tên ông tướng văn võ toàn tài của triều đình này là Từ Hoè.

Ông bạn chúng tôi cũng có vài nét giống quan Từ Hoè. Trước 1975, ông là một cấp chỉ huy tài giỏi trong quân đội VNCH. Ông cầm quân rất hay. Thường đánh trận nào thắng trận nấy. Bưã đó hành quân, ông bắt được một chú chính uỷ VC. Thấy anh này mặt mũi sáng sủa vàtỏ ra có học, chứ không hắc ám răng hô mã tấu, ông liền đem về trại. Ông không tra khảo cùm kẹp mà đối xử với chú như một vị khách. Ông pha cà phê cho chú uống, nấu cơm cho chú ăn. Ông nói rõ : Tôi sẽ cho chú tranh luận với tôi về lẽ chính tà của cuộc chiến này. Chú cứ việc đem cái lập trường CS của chú ra mà tranh biện với tôi. Nếu chú thắng được tôi thì tôi sẽ thả chú. Sau hai ngày tranh luận kịch liệt, chú chính uỷ tỏ ra đuối lý và có vẻ như nhìn ra lẽ chính tà, lúc đó ông bạn Từ Hoè của chúng tôi, như một kẻ cảkhông thèm chấp người ngã ngựa, đã ung dung thả chú về rừng. Thuộc cấp của ông hỏi tại sao. Ông Từ Hoè trả lời : chú ta đã thấm đòn, về lại đơn vị, chắc chú ấy sẽgây hoang mang tới việc chiến đấu của VC.

Sau tháng Tư đen, ông Từ Hoè phải đi tù cải tạo còn chú chính uỷ thì làm quan to trong chế độ mới. Đang lúc lao động khổ sai thì ông được chính chú chính uỷ móc ra khỏi tù cải tạo. Chú nói nhỏvới ông rằng chú đã sáng mắt, hiện nay chú có nhiều uy quyền, chú xin ông thu xếp để cùng gia đình chú vượt biên. Họ vượt biên thành công. Tới trại tỵ nạn Ông Từ Hoè làm chứng với Cao Uỷ Tỵ Nạn rằng đây là một cán bộ cao cấp VC nhưng nay đã sáng mắt và xin tỵ nạn. Ông Từ Hoè được Canada nhận cái rụp và ông sang thẳng Toronto định cư. Chú chính uỷ phải ở trại tỵ nạn lâu hơn để Cao Uỷ phối kiểm điều tra thêm.

Tôi gặp lại ông bạn Từ Hoè ở Toronto vào thập niên 1980. Ông đã cùng chúng tôi lập ra làng nhậu. Cứ cuối tháng là anh anh chị chị em em họp nhau, cười nói rối tít mù. Tôi chưa kể các cụ nghe về gia đình của ông. Vợ con ông đã chết thảm trong một trận VC pháo kích Saigon. Ông nuốt hận vào lòng và thề không lập gia đình nữa. Tới Toronto ông làm đủ thứ việc, những việc mà Canada không đòi kinh nghiệm. Tôi nhớ mãi cái việc đầu tiên của ông là lau cửa kiếng các cao ốc. Ông rất tếu. Anh cai thầu thấy ông khoẻ mạnh và không biết sợ nên giao ông phụ trách lau cửa kiếng những cao ốc chót vót. Một mình ông đu đưa trong gió. Từ nóc cao tụt xuống từ từ, ông vừa lau cửa vừa huýt sáo, tỉnh bơ coi cuộc đời như giấc mơ. Anh cai cho phép ông cứ làm việc 2 giờ thì được trở lên nóc nhà để hút thuốc và đi đái mười lăm phút. Ông không thèm lấy cái phép này. Ông không hề đi lên. Ông không hề đi đái trong suốt buổi. Tôi hỏi ông làm cách nào mà nín tè hay như vậy thì ông cười hề hề : Nín thế chó nào được. Bao giờ lão cũng củ một chai nước theo. Ông xưng mình là lão. Uống hết nước, nếu mót, lão tè vào cái chai đó. Hôm nào nguồn suối phong phú qúa, nếu có bay ra ngoài chút ít thì cũng chẳng sao vì nó sẽ tan vào không khí, trước khi kịp rơi xuống đầu ông tây bà đầm ở dưới. Kể đến đây rồi ông lại cười khà khà : Tè ngoài trời, từ trên cao, suớng lắm, bạn ạ!

Tiền đi làm, có dư chút đỉnh thì một phần ông gửi giúp các đồng đội khi xưa còn kẹt ở quê nhà, một phần ông giúp quỹ bác ái nhà thờ.

Làng chúng tôi sinh hoạt được hai năm, đang vui vẻ sung sướng qúa sức làm vậy thì người em chính uỷ của ông từ trại tỵ nạn được sang Canada. Chú và gia đình chọn định cư ở Alberta, miền dầu lửa trù phú miền tây. Nghe tin chú em tới, ông từ giã làng nhậu, bay thẳng sang ngay Alberta. Rồi ông ở luôn bên đó, cùng lập nghiệp với gia đình chú em kết nghĩa này.

Ông Từ Hoè bỏ chúng tôi ở Toronto mà đi về miền viễn tây, chắc là buồn đứt ruợt, nên trước khi ra đi ông hứa mỗi năm, dịp tết, ông sẽ về làng. Và ông đã giữ lới hứa.

Tết vừa qua, làng chúng tôi ao ước được gặp mặt gia đình chú em kết nghĩa của ông nên chúng tôi đã đạt lời mời. Chúng tôi đã thu xếp xong chỗ ăn chỗ ở cho gia đình khách quý này, nhưng vào phút chót, gia đình chú em không đi Toronto được. Chuyện này dài, xin kể từ từ.

Chuyện đầu tiên làm cả làng tôi sửng sốt là gia đình chú em kết nghĩa, không những đã mở mắt, đã bỏ đảng CS, đã vượt biên tỵ nạn, mà còn gia nhập đạo Công Giáo. Tôi hỏi ông giảng đạo cách nào mà mời được chú vào đạo. Ông lại cười khà khà. Ông bảo ông giảng đạo bằng việc sống đạo. Ông không uống rượu, không chửi thề, không ăn gian nói dối, không chụp mũ một ai, luôn luôn trong đầu có ý nghĩ tốt về người khác. Lúc rảnh rỗi ông theo nhóm thiện nguyện đi thăm bệnh nhân hay tù nhân. Nếu dư giả chút ít thì ông làm việc bác ái...

Ông đã đỡ đầu cho chú em trong lễ Rửa Tội nhập đạo, và đặt tên thánh cho chú em là Paul. Tôi hỏi sao lại Paul mà không là John, là Peter ? Ông bảo Thánh Paul khi xưa là một người Do Thái cuồng tín, đang đi đàn áp những người theo Chúa một cách cuồng nhiệt thì được Chúa mở mắt. Chúa đã biến ông từ một kẻ thù dữ dội thành một tông đồ yêu mến Chúa hết lòng. Tôi chọn tên Paul cho chú em là như vậy.

Chuyện thứ hai làm chúng tôi vô cùng sửng sốt, theo ông Từ Hoè cho biết, là người con trai đầu lòng của chú em không những đã học đạo, theo đạo mà còn đi tu. Sau khi đậu bằng kỹ sư dầu lửa, cậu con đã từ bỏ mọi sự giầu sang, đã vào đại chủng viện. Chừng 6 năm nữa, cậu sẽ được làm linh mục. Nhóm chúng tôi nêu thắc mắc là liệu đức tin và lòng đạo của cậu có đủ vững mạnh để làm linh mục không. Ông Từ Hoè trấn an ngay : dư sức. Dân làng lại còn thắc mắc nữa : Không biết xưa nay có ai là tân tòng mà đi tu và được làm cha không. Ông Từ Hoè trả lời ngay là có, và có rất nhiều. Ông này đúng là một bồ kiến thức. Ông kể ra vanh vách : Kìa Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn gốc ở Huế, không những là tân tòng được làm linh mục, mà còn được Toà Thánh La Mã đặt làm giám mục giáo phận Bùi Chu ngoài Bắc. Kià L inh Mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, kìa Linh Mục Bửu Dưỡng, kìa Linh Mục Hoàng Quốc Trương... đều là những ông cha gốc tân tòng, nhưng nổi tiếng đạo đức và thông thái. Không ngờ ông Từ Hoè của chúng tôi thuộc giáo sử VN như làm vậy.

Cũng chưa hết, lý do tết vừa qua gia đình chú Paul tân tòng không sang Toronto ăn tết với làng cũng đã làm chúng tôi sững sờ. Ông Từ Hoè kể : từ khi chú em Paul và gia đình nhập đạo Công Giáo thì hai vợ chồng chú làm việc thiện nguyện cho nhà thờ rất hăng say. Miền đó có rất nhiều người homeless phải ngủ đường ngủ chợ. Nhà thờ nơi họ đạo của chú Paul mở cửa đón các anh em homeless này vào cho họ ngủ đêm. Vợ chồng chú Paul phụ trách việc tiếp đãi, pha cà phê và bánh mì cho họ vào hai buổi sáng cuối tuần. Nhiều buổi thay vì cà phê bánh mì, vợ chồng chú cho họ ăn xôi và uống nước trà xanh VN. Không sang ăn tết với chúng tôi kỳ vừa qua là vì, theo chính lời chú Paul nói, nếu vợ chồng chú đi xa thì sẽ không có người thay thế để lo cho những người anh chị em homeless đáng thương này.

Ôi lòng bác ái của vợ chồng chú Paul và công truyền giáo của ông Từ Hoè lớn làm sao !