Chuyện phiếm Canada: Hồng YẾN

Thứ Bảy đầu tháng vừa qua, phe liền ông làng An Lạc chúng tôi theo thói quen đã đi bộ nửa giờ rồi vào quán Starbucks uống cà phê, xem báo cọp cùng bàn chuyện thiên hạ sự. Mọi khi nơi đây rất yên lặng dù đông người, nhưng lần này, lạ lùng thay, phe da trắng rất ồn ào. Chúng tôi lắng nghe một lúc thì biết tại sao họ ồn ào. À, tại tuần vừa qua thế giới nhiều chuyện quá. Thứ nhất là dân Hồi giáo từ Syria tràn ngập Âu Châu. Âu Châu cầu cứu, Canada hứa nhận 25.000 người. Tân chính quyền vừa lên còn hứa nhận thêm nữa.Vừa hứa xong thì biến cố Hồi giáo quá khích khủng bố bùng lên ở Paris. Thế là ngọn lửa hứa giúp dân tỵ nạn Syria xẹp xuống. Dân Canada yêu cầu chính phủ xét lại việc này. Chớ rước các của nợ này vào rồi sẽ mang họa về sau. Một ông kể việc có nhóm Hồi Giáo yêu cầu chính phủ dịch lời quốc ca Canada ra tiếng Ả rập để họ hát quốc ca Canada bằng tiếng Ả rập, nghe có tức và buồn cười không. Cũng như đầu năm nay có nhóm phụ huynh Hồi giáo yêu cầu quán ăn trong các trường không được dùng thit heo vì con heo là giống dơ bẩn xúc phạm tới Hồi Giáo, nghe có giận không. Một bà xồn xồn nghe xong mấy việc này liền to tiếng: Tụi bay hát hay không hát, ăn hay không ăn, hãy cút khỏi Canada ngay ! Ông tân thủ tướng Trudeau đâu, ông không phải nịnh và sợ chúng nó, hãy bắt chước bà thủ tướng Anh và Tân Tây Lan, đuổi chúng đi cho khuất mắt. Có lẽ chúng ta phải bắt chước lập luận của Tổng Thống Obama khi nói về Biển Đông là chúng ta đừng để Tàu Cộng làm ra luật biển rồi bắt chúng ta theo, mà chúng ta hãy làm ra luật biển để mọi người cùng theo. Cũng thế, chúng ta hãy làm ra luật Canada và bắt nhóm Hồi giáo theo chứ không để bọn chúng bắt chúng ta theo luật của chúng.

Chà, các cụ đã thấy dân Canada nổi nóng chưa. Miệng thì nói dữ như vậy nhưng trong bụng thì đa số người Canada chỉ sợ bọn quá khích Hồi Giáo sẽ nổ bom ở đây. Tôi biết các cơ quan an ninh đang làm việc ráo riết để phòng ngừa.

Xong tuần cà phê thì ông ODP cười hà hà rồi bảo: Thôi nha, thôi nói chuyện Hồi Giáo với chuyện bắn súng ở Paris nha, ngộp thở lắm rồi. Bây giờ tôi xin nói chuyện khác xin bàn chuyện về cà phê nha. Và ông vào đề ngay: Chỉ có người VN mình là biết uống cà phê, biết đặt tên cho từng loại cà phê. Nào cà phê Đà lạt, nào cà phê Ban Mê Thuột, nào cà phê cứt chồn, bây giờ mới có thêm cà phê cứt voi. Hôm qua tôi nói về cái gốc cà phê cứt chồn và cứt voi cho mấy đứa cháu nghe thì đứa nào cũng vừa bịt miệng vừa bịt mũi rồi chạy. Mà cũng kỳ ha. Sao lại đi tìm cái đó trong đống phế thải của con chồn con voi mà uống. Quả là kỳ và cầu kỳ, phải không các cụ. Anh John nói nhỏ: Xin các bác chớ kể chuyện này cho nhóm da trắng nghe nha. Họ mà biết chuyện này rồi chuyền tai nhau thì phe ta bị hiểu lầm to đó nha.

Và anh John xin chấm dứt chuyện gốc cà phê cứt chồn cứt voi rồi mời mọi người đứng lên đi bộ tiếp. Anh bảo sáng nay phe chúng ta mới đi bộ nửa giờ, chúng ta còn thiếu nửa giờ nữa mới đủ một giờ theo đúng thói quen từ trước đến nay. Và anh kéo phe các nhà quân tử chúng tôi đi bộ ra công viên High Park. Ôi chao, nào ngờ Toronto có rừng thu đẹp thế này. Không phải rừng lá vàng mà là rừng muôn sắc. Anh John cho biết đây là cái công viên lớn nhất của thành phố Toronto. Mùa xuân thì thiên hạ tới đây xem rừng hoa anh đào, mùa hè thiên hạ tới dây vừa bơi thuyền vừa câu cá ở những mảng hồ cuối công viên, mùa thu thì ngắm rừng thu muôn màu, mùa đông những ai muốn lấy hứng làm thơ xin mời vào công viên xem các dạng tuyết đóng băng.

Và nhóm chúng tôi đã bị rừng thu cuốn hút. Ban đầu định đi có nửa giờ thế mà không ngờ các nhà quân tử đã đi hơn một giờ. Đâu phải chỉ mình nhóm chúng tôi đi ngắm rừng thu, công viên lớn này sáng nay đầy du khách ngoại quốc. Tôi biết họ từ ngoại quốc vì họ nghe tiếng rừng thu của Canada đẹp nhất thế giới nên đang dồn về đây. Cứ xem ai cũng cầm máy ảnh chụp lia lịa là biết dân ngoại quốc liền. Về tới nhà cụ Chánh để ăn trưa, phe liền ông chúng tôi đã bị phe các bà la về tội không đúng giờ. Biết cãi làm sao bây giờ, bèn nhận tội, đấm ngực ăn năn.

Hôm nay chúng tôi được ăn món Bún Riêu Bắc Kỳ. Tôi phải nói rõ là theo cái bếp Bắc Kỳ của Cụ B.95. Người xướng xuất bữa nay là Chị Ba Biên Hòa. Chị bảo Cụ chẳng còn sống bao lâu nữa nên phải nhân dịp này xin cụ trối lại cho con cháu tất cả cái tinh hoa của bếp Bắc Kỳ. Cụ đứng chỉ huy còn người đứng làm, vừa làm vừa học là Chị Ba và hai cô Huế. Người vừa ăn vừa gật gù khen hương vị chính thống là cụ Chánh. Cụ B.95 được mọi người vỗ tay khen món bún riêu Bắc Kỳ thì cụ thích lắm. Cụ bảo món này là món nhà quê mà, dễ làm nhất. Tôi hỏi Chị Ba bài vừa học được như thế nào thì Chị Ba cười xòa: Vừa rẻ vừa dễ vừa ngon. Mua cua về, bóc ra để lấy gạch còn thịt cua thì giã rồi lọc rồi bỏ vào nồi nêm mắm nêm muối. Canh sôi thì thịt cua nổi lên ta vớt lấy thịt này trộn với gạch cua rồi xào với cà chua, đó là món riêu cua. Canh sôi mấy xấp nữa là xong. Bỏ bún vào bát, rồi chan canh, rồi múc riêu cua, rồi rau muống chẻ, rồi hoa chuối thái mỏng, rồi rau răm, rồi rau kinh giới. Tô bún đã xong, mời các bác xơi. Nếu nhạt thì cho thêm chút mắm tôm nha. Vừa ăn vừa thổi mới ngon. Anh John nhậu những hai tô, xong rồi anh mới nói: Ăn bún theo lối Bắc Kỳ này mới ngon, chứ ăn theo lối Nam Kỳ của bà xã tôi thì còn cho thêm đậu phụ chiên và tiết heo, bát canh riêu cua mà nó hóa ra riêu hầm bà lằng… Anh John đang thao thao thì Chị Ba từ bếp bước ra làm anh khựng lại, không dám chê món bún của vợ nữa. Để cứu nguy cho bạn, ông ODP bèn chuyển hướng, từ hướng nồi bún riêu ra hướng câu đố. Anh đố mọi người 3 cặp số 11 viết liền nhau chỉ cái gì.

Cả làng ai cũng ngơ ngác, câu đố gì nghe kỳ cục quá. Ông ODP cười rồi bảo: Ban đầu tôi đọc thấy trên báo họ viết thế này ‘ 11-11-11’ tôi cũng ngỡ ngàng. Rồi xem xuống dưới mới thấy 6 con số 1 này ‎hay. Đó là tín hiệu báo ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong, ở đây gọi là Remembrance Day. Ý là thế này: lúc 11 giờ trưa ngày 11 tháng 11 thì tất cả chúng ta trên toàn quốc hãy ngưng lại một phút để cùng nhau tưởng nhớ tới các chiến sĩ đã nằm xuống vì đại nghĩa. Nghe đến đây thì dân làng à lên một tiếng lớn. A, bây giờ thì cả làng đã hiểu ‎ý‎ nghĩa câu đố, vì cả tuần nay tại các ngã tư, nhiều ông già bận quân phục đứng cài hoa poppy đỏ cho mọi người. Ai được cài hoa cũng bỏ một hai đồng bạc vào cái hộp giấy ông đem theo, tiền này giúp các cựu chiến binh. Đây là một truyền thống đã có lâu đời ở Canada. Anh John cho biết lễ này đi với hoa poppy, tiếng Việt gọi là hoa anh túc, có gốc từ thời đệ nhất thế chiến. Năm 1915 trung tá y sĩ John Alexander McCrae nhìn thấy xác binh sĩ đồng minh nằm la liệt tại cánh đồng hoa poppy ở cánh đồng Flankers bên Thụy Sĩ giáp biên giới Pháp, máu đỏ lai láng của chiến binh lẫn với màu đỏ hoa poppy khiến ông cảm động nên ông đã viết ra bài thơ ‘ In Flanders Fields’. Bài thơ này ông chỉ làm trong 7 phút và đã nổi tiếng ngay. Chính quyền Canada đã dùng 4 câu thơ đầu in trên tờ giấy bạc 10 đồng, với tiêu đề ‘ N’oublions jamais / Chúng ta chớ bao giờ quên…’

Việc này làm tôi nhớ tới công trình xây đài tưởng niệm đang thực hiện tại thủ đô Canada. Đó là đài tưởng niệm 100 triệu nạn nhân của CS trên khắp thế giới. 100 triệu nha, trong đó có mấy chục triệu bên Nga, bên Tàu, và bên VN hình như hơn 5 triệu. Không biết các ông CSVN đọc tới con số này có giật mình không. Các ông bán rừng bán biển bán đất mà tiền nhân đã dày công bảo vệ để các ông có khí giới đem về giết chính anh em đồng bào mình.

Nghe đến đây thì ông ODP lên tiếng ngay. Ông bảo cả làng phải cho ông được nói chút xíu về cái tội của CSVN. Rằng nhà báo Bùi Tín, một cán bộ CS hạng nặng có 44 tuổi đảng đã mở mắt, hiện ở Paris, vừa viết một lá thư ngỏ gửi các bạn CS ngày xưa chưa chịu mở mắt, giục các bạn này hãy can đảm đứng lên. Lá thư dài đầy chất thuyết phục, rất hay. Ông trích dẫn lời hai nhân chứng đã từng giao tiếp với Cụ Hồ. Một là Trần Đĩnh đã từng sống bên cụ Hồ trong thời gian cải cách ruộng đất. Trần Đĩnh viết về việc giết bà Năm Cát Hanh Long, một ân nhân lớn của CSVN, rằng ngoài miệng thì Cụ Hồ bênh, nhưng trong bụng thì Cụ bảo giết. Cụ đã viết bản án, cụ đã hóa trang đi xem xử bắn bà Hanh Long. Nhân chứng thứ hai là triết gia Trần Đức Thảo. Cụ Thảo cho biết cụ đã gặp Hồ Chí Minh, đã quan sát và nghiên cứu kỹ về tư tưởng, hành vi, đạo đức của ông Hồ và đã đi đến kết luận vững chắc rằng ông Hồ là một con người muôn mặt, lắm mưu mô, nhiều tham vọng quyền lực, nhiều bí hiểm, lắm tên nhiều họ, ẩn hiện khôn lường, lắm vợ nhiều con, rất phức tạp, là một Tào tháo của muôn đời’. Cụ Trần Dức Thảo bảo CS kêu gọi cả nước học tập đạo đức HCM, vậy là muốn biến cả nước thành Tào Tháo hết cả ư ?

Xin tổ tiên phù hộ cho chúng con. CSVN bây giờ còn thua cả chính quyền quân phiệt Miến Điện. Chúng hèn với giặc, ác với dân. Nơi đâu có CS nơi đó là địa ngục trần gian cho nhân dân còn bọn chúng thì nơi đó lại là thiên đàng vì chúng được hưởng thụ đầy đủ mọi thú vui trần thế do tham ô và bóc lột người dân đến tận cùng. Xin tổ tiên sớm cho xuất hiện một vị cứu tinh tầm cỡ như Yeltsin hay Gorbachev bên Nga.

Hôm nay ông ODP hùng hồn một cách lạ. Ông bảo nói về CSVN là chạm tới mạch điện của ông. Ông xin nói thêm về triết gia Trần Đức Thảo. Thập niên 1950, triết gia Thảo là một ngôi sao sáng trong nền văn học Pháp. Đó là thời chủ thuyết Hiện Sinh của Jean Paul Sartre bao trùm. Triết gia Trần Đức Thảo là người đã công khai tranh cãi với Sartre về thuyết hiện sinh, và nhiều người cho rằng Ông Thảo đã thắng Sartre. Thế mà, trời ơi, thế gian có 100 điều khôn, ông Thảo có 99 điều khôn mà lại mắc vào một điều dại là đã ngây thơ tin vào lời đường mật của Hồ Chí Minh, đã theo Hồ Chí Minh về VN năm 1952, về để giúp nước. Ông và Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cùng về. Về ít lâu rồi cả hai đều vỡ mộng, nhưng đã quá trễ. Hồ Chí Minh và nhóm chân tay đã trói hai ông và hành hạ hai ông suốt đời vì hai ông không tuân lệnh chúng. Bởi vậy cụ Trần Đức Thảo gọi Hồ Chí Minh là Tào Tháo thì đúng vô cùng.

Ông ODP còn đang định nói nữa nhưng chúng tôi ngăn lại, vì dân làng hễ nghe chuyện VC là ngáp và lắc đầu. Tôi xin chuyển đề để nói tiếp về chuyện mấy con số 11.

Tại Toronto, cũng chínnh ngày 11 tháng 11 vừa qua, một nhóm thân hữu yêu nhạc đã tổ chức một buổi văn nghệ để vinh danh 4 nhạc sĩ Việt Nam đang cư ngụ tại Canada, đó là nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và Lê Dinh ở Montreal và nhạc sĩ Trường Sa và Phan Ni Tấn ở Toronto. Các cụ có yêu các bài nhạc của 4 nhạc sĩ này không. Cả làng tôi yêu hết. Buổi văn nghệ được tổ chức tại hội trường Isabel Bader thuộc Đại Học Toronto. Hội trường này mới xây nên rất đẹp và hiện đại. Âm thanh, ánh sáng, ghế ngồi, tất cả đều tuyệt vời. Khán giả kén chọn và rất trí thức. Khi 4 nhạc sĩ tài danh này xuất hiện trên sân khấu thì tiếng vỗ tay nổi vang lên không dứt. Mấy ca sĩ được mời hát đã trình diễn rất tuyệt vời. Nào có ai ngờ đất Canada, nhất là đất Toronto và Montreal nhiều nhân tài như vậy. Buổi trình diễn kéo dài 5 tiếng đồng hồ mà nhiều người còn muốn nghe nữa. Bốn nhạc sĩ tài danh này đã có ít nhất trên 50 năm viết nhạc. Khi ra về, Chị Ba Biên Hòa còn cố gặp ban tổ chức để yêu cầu có thêm những xuất hát như thế này trong tương lai. Chị bảo nó đầm ấm, dễ thương và trí thức cách gì !

Trong giờ giải lao giữa hai xuất hát, tôi được gặp lại một người bạn cũ. Ôi, mừng làm sao. Anh mới đi VN thăm mẹ già về. Tôi hỏi anh VN có cái gì lạ khác xưa không, anh nói ngay: thưa có, ngôn ngữ dưới thời CS này đang biến đổi, mà biến đổi theo chiều đi xuống. Cứ điệu này thì ít lâu nữa ta về VN phải có thông dịch viên. Tôi xin anh chứng cớ. Anh trả lời là báo chí hải ngoại đã có nhiều bài về hiện tượng này, nhưng trong số các từ ngữ mới mà báo chí nói tới anh chưa gặp mấy chữ này. Chẳng hạn nha, chữ ‘lịch sự’ bây giờ nó mất nghĩa nguyên thủy chỉ cách ứng xử, mà bây giờ nó chỉ ‘tiền đút lót, hối lộ’, bây giờ nó là động từ. Ví dụ: Tao bán miếng đất được 1 ngàn cây sau khi ‘lịch sự’ mất hai trăm cây. Ở nhà, đơn vị tiền mua bán nhà đất bây giờ là cây vàng chứ không nói triệu nói tỷ nữa. À, nhân nói tới tiền thì bây giờ dân Hà Nội gọi là tiền tươi chứ không gọi là tiền mặt. Chẳng hạn chữ ‘tiền lùi’, chỉ tiền trả công, tiền lại quả, ví dụ: Nó trao 500 cây nhưng lùi cho 50 cây. Chẳng hạn chữ ‘đểu’, nghe chói tai mà ai cũng dùng, đểu là giả, chẳng hạn hàng đểu, rượu đểu, thuốc đểu…

Tôi đem chuyện này kể cho anh John, anh mở sổ tay ra ghi chép ngay. Anh bảo mỗi ngày anh học thêm được bao nhiêu chữ mới, anh phải cập nhật kẻo mai này đi VN mà mình không hiểu thì ê mặt to. Anh ghi chép xong mấy chữ mới rồi khoe: Lần trước tôi khoe cả làng về sự giầu có của tiếng Việt, có những bài viết rất dài mà chữ đầu của mỗi tiếng đều giống như nhau, đại loại như ‘ Bà Ba Bủng bán bánh bèo bên bờ biển, bướng ba bướng bỉnh bị bắt bỏ bót ba bốn bảy bận…’ Tôi đã sưu tầm được 3 bài dài toàn chữ T, chữ H, chữ B. Nay tôi mới tìm ra một sự lạ lùng này nữa là có bài chỉ toàn một dấu, như dấu sắc chẳng hạn. Bài tôi kiếm được là bài của nhà báo Đỗ Hùng ở VN. Ông Hùng này bị Bộ Thông Tin rút thẻ nhà báo vì dám xúc phạm tới Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Đỗ Hùng chả sợ hãi gì cả, bèn đáp lại việc rút thẻ bằng một bài tung hô, toàn dấu sắc, Bài này rất dài, tôi chỉ xin chép sơ sơ ra đây vài dòng để qu‎ý cụ thấy cái tài của nhà báo tuổi trẻ tài cao Đỗ Hùng cũng như để thấy tiếng Việt của chúng ta đẹp muôn mầu. Bài dài hơn 1000 chữ, toàn dấu sắc, xin mời các cụ đọc vài dòng cho vui và đoán xem cái anh nhà báo vô phép vô tắc này viết về ai nha:

… Bác Cáo gốc gác nước Hán, lúc trước sống dưới thuyết Các Mác, trú hốc Pác Bó, đất Bắc. Bác khoác lác nói phét. Bác thích dép lốp, cách sống dối trá. Bác nói thế chứ lối Bác sống rất tốn kém. Lúc mới kháng chiến, các thứ thiếu thốn, cấp dưới đói khát sắp chết, Bác phán bác ghét nếp ghét bắp bác thích húp cháo, húp cháo sướng lắm…

À, mà tôi còn quên một sự kiện nữa cũng liên hệ tới con số 11 tại Toronto. Tôi quên chưa nói tới buổi lễ vinh danh một ân nhân lớn của cộng đồng tỵ nạn chúng ta vào ngày 11 tháng 11 vừa qua. Đó là GS Howard Adelman. Ông gốc Do Thái. Năm 1978, sau biến cố Tàu Hải Hồng chở 2000 đồng bào tỵ nạn bị Hong Kong không cho lên bờ, ông đã kêu gọi cộng đồng Do Thái của ông đứng lên cứu người tỵ nạn VN. Ông lập ra một tổ chức có tên là ‘ Đường giây cứu người tỵ nạn / Operation Lifeline’, và lời kêu gọi của ông và cộng dồng Do Thái như một ngọn lửa đã bùng lên khắp nước Canada. Chính quyền Canada ban đầu định nhận 5 ngàn rồi nâng lên 8 ngàn, và sau cùng thì theo chính sách ‘match up’: tư nhân bảo lãnh bao nhiêu thì chính phủ sẽ bảo lãnh thêm bấy nhiêu. Hiện nay dân số người VN tại Canada vào khoảng 300.000 thì một phần ba là do công ơn của phong trào Operation Lifeline và GS Howard Adelman. Hội VOICE-Trịnh Hội, do trưởng nhóm Toronto là ông Đỗ Kỳ Anh đứng ra tổ chức buổi lễ này. Nơi tổ chức là một giáo đường Do Thái ở giữa thành phố Toronto. Số người tham dự một nửa là VN một nửa là Do Thái. Buổi lễ thật trang nghiêm và thân ái, đầy tình người.

Chúng ta không quên ơn, một nghĩa cử đẹp qúa. Viết đến đây thì tôi chợt nhớ tới John Walton ( 1946-2005). Các cụ có biết ông này không. Ông là con trai của tỷ phú chủ nhân thương hiệu Walmart của nước Mỹ. Thập niên 1960 khi ông còn đang theo đại học thì biến cố Mậu Thân ở VN xảy ra. Qua các hệ thống truyền thông, ông thấy VC đã giết dân lành tàn ác dã man, nhất là ở Huế, nên ông đã bỏ học rồi đăng lính. Ông xung phong vào ngành Mũ Xanh / Green Berets, và xin sang tham chiến tại VN. Ông lái máy bay, vừa chiến đấu vừa tản thương, những chuyến bay đầy nguy hiểm. Ông được tưởng thưởng rất nhiều huy chương. Sau khi Mỹ rút quân bỏ rơi VN, ông trở về Mỹ, tiếp nối nghề quản trị Walmart của cha và thừa hưởng một gia tài khổng lồ. Nói về quá khứ, ông John Walton vẫn cho rằng thời gian chiến đấu cho VNCH là thời gian đẹp nhất trong đời. Chúng tôi mong các bạn trẻ VN để tâm nghiên cứu về John Walton, viết thành sách để nhớ ơn một ân nhân của chúng ta nha.

Bây giờ xin kể các cụ nghe buổi diễn hành của Santa Claus ở Toronto vào chủ nhât giữa tháng Mười Một. Đây là một buổi diễn hành truyền thống đã có lịch sử 110 năm. Ban đầu, năm 1905, đây chỉ là một cỗ xe giao hàng do ngựa kéo của công ty Eaton. Cỗ xe đi từ nhà ga xe lửa trung ương Union dưới phố chạy về cửa hảng Eaton trung ương, trên đó có ông già Santa Claus cỡi ngựa, tay rung chuông, tay vẫy vẫy, miệng nói Merry Chritamas. Thấy mọi người thích thú nên công ty Eaton chính thức đứng ra tổ chức và mời gọi mọi giới tham gia. Các giới đã đáp ứng nồng nhiệt. Các chú hề clowns được trẻ em yêu thích nhất. Ban đầu thì ông già cỡi ngựa, về sau ông già không cỡi ngựa thật nữa mà ngồi trên xe do một bầy 6 con tuần lộc kéo, tất cả đều làm bằng cây và được đặt trên một cỗ xe vận tải khổng lồ, ông già Santa Claus ngồi cao chót vót, từ xa đã thấy ông già vừa vẫy tay vừa nói hô hô hô. Các trẻ em hai bên đường đều nhìn ông say đắm, chúng vẫn tin rằng ông từ miền bắc nước Canada, tức là miền bắc cực, về thành phố để phát quà cho các em. Em nào cũng tin rằng rồi mai đây, vào đêm Giáng Sinh, ông sẽ chui qua ống khói mà đem quà đến. Lộ trình xe ông đi qua, trước chỉ dài chút xíu mà bây giờ dài hàng chục cây số. Hầu như ai cũng đi phố để xem ông Santa Claus. Anh Mike người hàng xóm da trắng của tôi bảo rằng thấy ông già là một điềm hên cho cả năm. Hèn chi tôi thấy nhiều gia đình gồm nhiều thế hệ cùng đi dự cuộc rước này, ông bà thì dẫn cháu dẫn chắt, cha mẹ thì bồng con trên tay. Em bé nào mặt mũi cũng rạng rỡ, thấy ông già Noel tay vẫy vẫy thì bé nào mặt mũi cũng đờ ra vì sướng qúa. Theo báo chí thì số người ra đường gần 1 triệu. Nói gì đâu xa, cả làng An Lạc của tôi cũng di xem. Xuất hiện hàng đầu cuộc rước năm nay là ông đô trưởng John Tory, đi bên là ông cảnh sát trưởng Mark Saunders, và phia dưới là những ngôi sao thể thao Blue Jays, thần tượng của nhiều người. Đi bên các xe hoa và các ban nhạc là những chú hề, chú nào cùng đeo một túi kẹo nặng trên vai, đi đến đâu là phát kẹo đến đó. Vui ơi là vui. Cụ Chánh bảo cả làng: Chúng ta hãy đi để sống lại tuổi thơ mà chúng ta không có.

Cuộc rước ông già Santa Claus kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Sau đó là mùa bán hàng Giáng sinh bắt đầu. Các cửa hàng đã chăng đèn kết hoa, đã mở nhạc Giáng Sinh, đang bắt đầu mời chào. Dân làng tôi sau khi xem diễn hành, xem các xe hoa, nghe các ban nhạc, xem thấy ông già Santa Claus, tuy không được bắt tay ông và được ông cho quà, nhưng ai nấy đã vui lắm rồi, đúng như lời cụ Chánh, đã được sống lại một mảng đời tuổi thơ, và như anh hàng xóm Mike đã nói, được thấy ông già Santa Claus là năm tới này sẽ hên lắm rồi, cho nên dân làng ai cũng hể hả.

Hết cuộc rước thì mọi người đói bụng. Mệt như thế này thì ai còn sức mà làm bếp. Cụ Chánh tiên chỉ ra lệnh vào nhà hàng. Nghe có l‎ý quá chứ. Ôi, đang mệt nhoài mà được ngồi xuống ghế để người khác phục vụ thì nào còn gì sung sướng bằng. Dân số làng tôi hôm nay đông lắm vì có thêm con thêm cháu mà. Chúng tôi chiếm những 3 bàn. Và mỗi bàn là một lứa tuổi. Mỗi bàn có một thực đơn khác nhau. Hai bàn kia thì đã có cha mẹ con nít lo. Bàn thứ ba là bàn của dân làng đích thực, những 12 vĩ nhân lận. Cụ Bà B.95 thấy con số 12 thì thích lắm, cụ bảo số 12 là số hên, là số 12 tháng, là số 12 con giáp, là số 12 các Thánh Tông Đồ của Chúa GiêSu ngày xưa…Chúng tôi ngồi vừa một cái bàn tròn lớn. Ngồi bàn tròn có cái lợi là ai cũng nhìn rõ mặt nhau và ai nói thì cả bàn đều nghe rõ. Hễ đi họp bạn là chúng tôi chọn bàn tròn.

Phần gọi thức ăn thì dân làng mất khá nhiểu thời giờ để bàn luận, vấn đề tiền bạc không quan trọng, ai thích món gì thì cứ việc gọi món đó. Khi chọn phần canh, phần xúp thì chúng tôi giật mình. Trong món xúp thì món xúp Yến Sào vi cá là qúy nhất vì ai cũng ‎cho món này bổ nhất và ngon nhất. Nhưng chúng tôi đã gặp một bất ngờ là Cụ Chánh lắc đầu không ăn món này. Cụ bảo dân làng cứ kêu món Yến Sào và cứ ăn, riêng cụ thì không ăn. Cuối bữa cụ sẽ cho biết tại sao. Thế rồi cả làng đồng ‎ý‎ bỏ món Yến Sào mà chọn món canh chua cá kho tộ. Trong khi chờ đợi món ăn thì dân làng đều xin Cụ Chánh cho biết tại sao cụ không ăn món xúp Yến Sào.

Ngần ngại mãi rồi cụ mới nói. Rằng trước đây lão cũng thích ăn món xúp này lắm vì cho là món trân qúy đại bổ, nhưng về sau, vì đọc được bài có uy tín viết về đôi chim yến thì lão bỏ không ăn nữa vì lão thương con chim quá. Đọc xong bài này lão toát mồ hôi, và mất ngủ. Lão tìm các sách viết về chim yến để kiểm chứng, và thấy tác giả đã viết rất đúng.

Chim yến là loài trung thành, thủy chung, và là bậc cha mẹ yêu con hết lòng. Một đôi yến bao giờ cũng sống với nhau trọn đời. Khi chúng đã làm tổ thì nơi đây là tổ vĩnh viễn không rời đi nữa. Ta vẫn tự hỏi trong đàn yến hàng mấy ngàn con đang bay rợp trời rợp biển mà sao các cặp yến vẫn nhận ra nhau, không hề nhầm lẫn không hề lang chạ. Hàng vạn tổ yến trên vách đá cheo leo mà sao yến vẫn về đúng tổ, không bao giờ chiếm tổ chim khác. Nếu người đi hái tổ vô tâm mà lấy hết cả tổ không chừa lại chút nào, thì khi chim về thấy mất tổ, chim mẹ đau đớn vô cùng, nhất là những chim mẹ đang chuyển bụng sắp đẻ, chim mẹ thường gieo mình vào vách núi nơi đã làm tổ mà quyên sinh. Con trống sẽ bay lượn điên cuồng, kêu lên những tiếng thảm thiết, rồi lao thẳng vào chỗ vợ đã quyên sinh mà chết theo. Xưa chỉ những người nghèo khổ cùng cực mới làm nghề bạc ác là đi hái tổ yến. Khi đã đủ sống thì bỏ nghề thất đức này chứ không có truyền nghề này cho con cháu, do vậy không cò nghề hái yến gia truyền.

Chim yến xinh đẹp và thủy chung như vậy nhưng lại có đôi chân cực ngắn và mềm yếu. Yến thường treo thân trên vách đá cheo leo về đêm. Chúng bay suốt ngày đêm, săn mồi và ăn trong khi bay, ngủ trong khi bay, ngay cả việc vợ chồng cũng làm lúc đang bay. Ông trời đã cho chim yến biết cách sinh tồn, chỉ cho yến cách sống trên cao, làm tổ nơi vách núi đứng thẳng, hẻo lánh và trơn trượt, hầu tránh việc phá hoại của các loài hung dữ. Nhưng ông Trời đâu có ngờ loài người đã hung dữ và tàn ác đến tàn phá tổ yến. Tổ yến làm bằng nước dãi của chim, và chim đã rút ruột nuôi con. Chim mẹ chim cha cùng xây tổ. Nước dãi kết với chút lông của chính mình để làm ra tổ. Nếu con người khi hái tổ biết để lại một phần tổ thì hai vợ chồng chim sẽ tiếp tục làm tổ lại từ đầu. Nếu nước dãi không đủ thì nó thổ huyết ra cộng với nước dãi, và tước lông từ cánh từ thân mình ra, trơ da trơ thịt ra chịu cảnh buốt giá của gió biển. cố làm cho xong tổ để nuôi con. Thế mà loài người nỡ tâm vất trứng chim xuống biển, vất chim non xuống biển, rồi phá lấy tổ của chúng đem về nấu ăn và gọi món này là đại bổ ‘Hồng Yến’.

Từ khi đọc xong bài báo, lão thương loài chim yến, lão không ăn xúp yến sào nữa. Ăn yến là khuyến khích việc phá tổ con chim yến, một việc bạc ác thất dức. Chim yến là một biểu tượng của tình yêu đẹp tuyệt vời. Ta không thương con chim yến sao ? Ngay ngày xưa còn bé đi học, ai chẳng thuộc bài ‘Không nên phá tổ chim’ mà cha ông đã dạy trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư’.

Cả làng nghe Cụ Chánh kể xong chuyện con chim yến, ai cũng ngẩn ngơ. Các cụ nghĩ sao cơ ?

Lễ Giáng Sinh đang về, xin kính chúc các cụ có mái ấm gia đình bình an hạnh phúc, tổ ấm không bị phá nha.

TRÀ LŨ

LTS: Quà Giáng Sinh và Quà Tết ? Chúng tôi xin nhiệt liệt giới thiệu bộ sách qu‎ý ‘ Chuyện Cười Trà Lũ Toàn Tập ’ gồm 4 cuốn sách 300, 400, 500, 600 chuyện cười khác nhau. Giá 85 Mỹ kim hay Gia kim gồm tiền sách và bưu phí. Đây là món quà trang nhã và ‎ý‎ nghĩa nhất cho Mùa Giáng Sinh và Tết. Xin liên lạc trực tiếp với tác giả: petertralu@gmail.com