Bẩy mươi sáu tuổi, tôi mới có thằng cháu đích tôn. Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh chỉ vỏn vẹn nói đích tôn là cháu trưởng. Từ Điển Tiếng Việt của Minh Tân, Thanh Nghị và Xuân Lãm thêm được hai chữ “trai” và “bên nội”, thành: Cháu trai trưởng bên nội. Học Giả Đào Duy Anh chắc theo thuyết ngày xưa “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” (1 trai kể là có 10 gái kể là không), nên cho rằng: cháu trưởng đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của chữ đích tôn rồi. Nhưng đối với tôi, nói như thế không đúng, bởi tôi đã có đứa cháu trưởng cách nay 23 năm, nhưng cháu chưa phải là cháu đích tôn của tôi, dù cháu cũng là cháu trai. Đơn giản chỉ vì cháu là cháu ngoại.
Đứa cháu mới sinh có khác: cháu là con trai đầu của đứa con trai duy nhất của tôi; do đó, đích thị là cháu đích tôn. Bế thằng bé lần đầu ngày 25 tháng 7, sau khi cháu chào đời chưa đầy một ngày, tôi bảo cháu: young man, your’re my đích tôn! Thằng cháu như muốn hiểu, hé đôi mắt chưa định thần ra nhìn. Cũng đủ cho người ông vui hẳn lên.
Cháu nào cũng là cháu
Thật ra thì con nào chả là con và cháu nào chả là cháu. Tôi qúy bốn con gái đầu y hệt qúy anh con trai út và đứa cháu ngoại nào, tôi cũng yêu thương hết mình. Năm năm đầu đời, thằng cháu ngoại đầu tiên ở nhà ông bà ngoại nhiều hơn ở nhà bố mẹ, nhất là từ lúc cháu vào trường mẫu giáo lúc lên ba. Ngày nào hai ông cháu cũng cuốc bộ ra ga, đáp xe lửa, rồi từ ga xe lửa cuốc bộ vào trường mẫu giáo. Vừa đi vừa tung tăng, chạy nhẩy, vui đùa. Con đường ngày nào cũng thấy vắn. Từ trường mẫu giáo ra xe lửa tiếp tục đi làm, lòng ông ngoại lúc nào cũng đầy ắp hình ảnh cháu. Buổi chiều, trên đường đi làm về, bà ngoại tiện xe đến đón cháu, hai bà cháu huyên thuyên chuyện trò, quên cả thời gian. Mười cháu tiếp theo, trai có, gái có, cũng đều thế cả. Dù ông bà ngoại cả hai đều “cày sâu cuốc bẫm”, người ở sở thuế liên bang, kẻ ở xưởng ráp nối dây chuyền.
Ấy thế nhưng cái thằng cháu đích tôn hình như có gì hơi khác. Tôi biết chắc nó là móc xích nối tôi với nhiều thế hệ những người mang tên họ Vũ sau cháu, cũng như tôi từng là móc xích nối liền với bao nhiêu con người cùng mang dòng máu nhà họ Vũ trước tôi. Người theo Đạo Khổng không lưu ý bao nhiêu tới cuộc sống đời sau, thiên đàng địa ngục, hạnh phúc miên viễn bản vị có như thế nào sau khi con người từ giã cõi đời, họ không thèm bàn tới. Nhưng họ rất quan tâm tới cái tính liên tục của những móc xích này: càng bất tận càng hay và bất hạnh thay là những người “vô hậu”. Xét về mặt hữu thể, đứa cháu nào cũng giúp tôi hoàn thành được sứ mệnh liên tục hóa sợi dây xích này theo quan điểm Khổng Giáo. Nhưng tôi vẫn không quên cái nguyên tắc liên hệ hàng dọc (trực hệ) mà không những chỉ có Đông Phương mới coi trọng. Truyền thống Do Thái Kitô Giáo cũng rất quan tâm tới nó.
Gia phả
Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều cẩn thận ghi lại cái dòng chẩy trực hệ này tính từ cha tới con trai, cháu trai, chắt trai… Sách Sáng Thế, trong các chương 4,5 và 10-11, ghi lại dòng dõi trực hệ nam từ Ađam tới Ápraham. Ađam và Evà có ba con trai, Aben bị anh giết chết, còn lại Cain và Sết. Gia phả Cain được nói tới ở chương 4, còn gia phả của Sết được nói tới ở chương 5, tới đời thứ bẩy được người chút hay người chít sống lâu nhất trên cõi đời, tổng cộng “chín trăm sáu mươi chín năm” là Mơtuselác, và chấm dứt với Nôê, con Laméc và là cháu đích tôn của Mơtuselác. Chương 10 và chương 11, nói tới gia phả của Nôê, được gọi là Danh Bạ Các Dân Tộc (table of Nations) do 3 người con trai là Sêm, Kham và Giaphét sinh sôi nẩy nở. Ápram, sau được đổi tên thành Ápraham, thuộc dòng dõi Sêm. Cựu Ước sau đó không ghi gia phả. Người ta phải dựa vào lịch sử để tìm ra gia phả từ đời Ápraham. Nhưng ai cũng biết ông thuộc dòng dõi Sết và từ ông, có Đavít và Chúa Giêsu.
Tân Ước không chỉ kể gia phả của Chúa Giêsu từ thời Ápraham (Tin Mừng Matthêu 1:2-16) mà còn lần lên tới tận Ađam (Tin Mừng Luca 3:23-38). Điều quan trọng là Chúa Giêsu không phát sinh từ dòng dõi Cain mà từ dòng dõi Sết, dòng dõi mà chính Evà cho rằng để “thay thế cho Aben” (St 4:25). Về một phương diện nào đó, câu ca dao tục ngữ của Việt Nam quả thâm thúy: sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Chính “chít chít chít đích tôn” Giêsu đã có tính quyết định đối với bản sắc cha, ông…
Các truyện Thánh Kinh
Tuy nhiên, liên hệ tương tác giữa ông bà và các cháu thì Thánh Kinh ít nói tới. Hầu như không chỗ nào trong Thánh Kinh đề cập tới việc ông bà chăm sóc các cháu như hoàn cảnh hiện nay. Có lẽ vì thời Thánh Kinh, ông bà không đủ tuổi thọ để được chứng kiến cảnh các cháu ra đời và lớn lên. Bởi thế, trong các cuộc đố vui về ông bà và các cháu trong Thánh Kinh, người ta bí đến nỗi phải đặt những câu hỏi như: ai trong Thánh Kinh có hai con trai sinh hoàn toàn cùng một lúc với các cháu trai của mình? Thưa: là ông Lót. Thực vậy: sau khi Xơđôm và Gômôra bị hủy diệt, hai con gái ông Lót vỡ lẽ ra rằng không có đàn ông, họ không thể có con nối dõi cho cha, nên họ đã quyết định biến cha thành chồng. Do đó, Lót vừa là cha vừa là ông hai thằng nhỏ (St 19:29-38).
Tuy thế, vẫn có một số truyện kể lý thú về ông bà và các cháu. Như truyện bà giết cháu (chứ không phải cháu giết ông bà vì thua đánh cá world cup như ở Việt Nam gần đây). Vua Akhátgiahu chết, mẹ là Athangia quyết định cai trị đất nước, nên đã giết trọn hoàng gia trong đó có các cháu trai, chỉ duy hoàng tử Giôát là sống thoát nhờ được một người mang dấu đi (2V 11:1-2). Nhưng cũng có truyện ông cứu cháu. Đó là lúc Ápsalôm, sau khi giết Amnôn, người em cùng cha khác mẹ, để trả thù cho việc em gái Tama của mình bị hiếp, đã chạy tới cầu cứu Tanmai, Vua Gơsua (2Sm 13:37). Tanmai vốn là cha của Maakha, mẹ Ápsalôm (2Sm 3:3).
Ông Nôê có công lớn trong biến cố Hồng Thủy: cứu được dòng giống người và dòng giống mọi loài động vật khỏi bị tận diệt, nhưng lại tỏ ra vô lý đối với cháu của mình: sau Hồng Thủy, nhờ được mùa nho, ông ép làm rượu rồi uống say đến độ lăn quay ra ngủ mình trần trùng trục, không một mảnh vải che thân. Ham, con trai út của ông, “thấy chỗ kín” của cha, đi kể cho hai anh nghe. Hai anh vội lấy vải, đi giật lùi, tới che “chỗ kín của cha”. Giận thằng út, Nôê không mắng nó mà nguyền rủa đứa cháu Canaan vốn là con của Ham: “Canaan đáng bị nguyền rủa! Nó phải là đầy tớ của các anh em nó” (St 9: 20-26).
Nói tới cháu trai trưởng (đích tôn) thì hình như Thánh Kinh không chú trọng bao nhiêu. Truyện kể rằng Giacóp yêu cầu Giuse mang hai con trai tới cho ông chúc phúc. Giuse đặt Mơnaxe, con trai lớn nhất của mình, đứng bên phải Giacóp, còn Épraim, con trai út của mình, đứng bên trái ông nội. Nhưng khi chúc phúc cho chúng, Giacóp lại đặt tay phải của mình lên đầu Épraim và đặt tay trái lên đầu Mơnaxe, trái với lệ thường là đặt tay phải của ông lên đầu đứa đứng bên phải, và đặt tay trái lên đầu đứa đứng bên trái. Khi bị Giuse phản đối, Giacóp bảo: ông muốn làm vậy, vì “em nó sẽ lớn hơn nó và dòng dõi của em nó sẽ thành rất nhiều dân tộc” (St 48: 13-20).
Việc trên dễ hiểu ở điểm chính Giacóp đã “cướp” quyền trưởng nam của anh là Êsau (St 27). Và trong lịch sử Cựu Ước, nhiều lần Thiên Chúa qúy con trai thứ hơn con trai trưởng: Ixaác hơn Ismael, Môsê hơn Aaron, Đavít hơn Êliáp, Salômôn hơn Ađônigia.
Tưởng cũng nên nhớ, Giacóp nhận Épraim và Mơnaxe làm con ngang hàng với các bác các chú, nên từ Giuse, phát sinh hai chi tộc Do Thái, trong khi các người con trai khác của Giacóp, mỗi người chỉ phát sinh một chi tộc. Có điều sau này chi tộc Épraim là một thành phần của Vương Quốc Phía Bắc cho tới lúc vương quốc này bị Assyria xâm chiếm vào năm 723 trước CN, từ đó, chi tộc này được kể là một trong 10 chi tộc thất lạc của Israel, trong đó có cả chi tộc Mơnaxe.
Văn hóa Việt Nam
Trái lại, văn hóa Việt Nam lúc nào cũng trọng con trưởng và cháu đích tôn dù ca dao có những câu như “khó con đầu, giầu con út” hoặc “con út trút gia tài”. Tác giả N.H., trên Dân Trí, thuật truyện ông nội cưng cháu đích tôn: hễ lúc nào có hai ba đứa cháu hiện diện, là ông cụ chỉ chú ý tới cháu đích tôn mà thôi: “ ‘A, cháu đích tôn của ông đã về’ rồi ông ôm lấy Bin và bế cháu vào nhà. Em Tôm thì lon ton chạy sau cũng đòi ông bế”. Thắp hương cho tổ tiên cũng phải là cháu đích tôn, “đích tôn mà!”. Chỉ khoe cháu đích tôn: “đây là thằng đích tôn, cái thằng sinh non được có 1.8 kílô mà bây giờ to khỏe thế này; còn đây là con thằng thứ hai”. Cháu đích tôn còn làm cụ trường thọ “có thằng đích tôn, ông sống được cả trăm tuổi”. Đích tôn có làm sai thì vẫn là đúng, là hay: “tuần trước, hai anh em sang hàng xóm chơi, khi vừa vào đến cửa thjì Bin chạy xộc vào trong mà chưa cởi dép, còn Tôm thì nhớ lời mẹ dặn, lúi húi cởi chiếc dép quai hậu rồi mới bước vào. Về nhà, ông kể chuyện hai anh em. Ông bảo: Thằng Bin thế mà bạo dạn, sang hàng xóm không biết ngại ngần, chạy vào trong luôn, còn cu Tôm xem chừng nhát, cứ đứng ở cửa”.
Tác giả Lê Phú Khải thì kể một câu truyện mà ông ngụ ý cho là có thật, nhưng thiển nghĩ chỉ là một dụ ngôn răn đời về cái thói ưa cháu đích tôn. Ông nội từ Việt Nam qua Đức thăm thằng đích tôn hai dòng máu. Từ đàng xa, bố nhận ra ông nội, chỉ cho con, “chỉ đợi có thế, thằng cháu đích tôn trên vai bố đã dướn hẳn người lên lấy hai tay làm loa và hét lớn một câu bằng tiếng Việt để chào mừng ông nội nó. Bỗng ông nội nó trợn mắt… rồi từ từ đổ gục xuống, máu từ mồm và hai lỗ tai ứa ra… Ông nội nó đã tắt thở trước khi được nhân viên nhà ga sân bay đưa vào bệnh viện”.
Nhờ người bạn thân của “bố”, tác giả hiểu nguyên nhân gây ra cái chết cho ông nội: Bố cưới vợ Đức, đẻ được thằng con lai, nhưng mải làm ăn, quên cả dạy dỗ con, nhất là về tiếng Việt. Con chỉ học được duy nhất một câu tiếng Việt của bố là “Đ… mẹ mày”: thằng con nghe câu này miết, chẳng cần học, cũng thuộc nằm lòng. Và câu nó nói với ông nội ở phi trường Phăng (Frankfurt?) chính là câu đó, cái câu oan nghiệt đem lại đột tử cho ông nội mới gặp lần đầu!
Thằng cháu đích tôn của tôi cũng mang hai dòng máu. Nhưng tôi hy vọng sẽ không vướng vào vòng oan nghiệt này bởi lẽ trong gia đình tôi, không ai biết nói câu oan nghiệt như trên. Vả lại nữa, sự kỳ vọng vào cháu đích tôn của tôi chắc không “nồng nàn” như của ông già Việt Nam tại nhà ga sân bay Phăng, Đức Quốc. Và đường nước chẩy xuôi, theo chiều đi xuống của tôi, có thể “bất phản hồi” hơn của ông già này. Xét về phương diện bản thân, tôi mừng vì thằng đích tôn này sẽ vẫn là móc xích nối liền những người họ Vũ của quá khứ và tương lai, thế thôi.
Dĩ nhiên, tôi mong nhiều hơn thế, tôi mong có thể đóng góp được điều gì vào diễn trình lớn lên của thằng cháu đích tôn, nhất là làm sao thằng cháu đích tôn này không tích cực từ bỏ cội nguồn. Cứ nghĩ tới việc đứt đoạn dòng ký ức về cội nguồn này mà buồn đứt lòng. Ý nghĩ này khiến tôi nhớ lại một cuốn phim Nhật kể về mối lo duy nhất của một người đàn bà sắp qua đời: không biết có còn ai nhớ tới mình nữa không. Vì theo bà: có người còn nhớ tới mình là mình vẫn còn sống, vẫn còn hiện hữu.
Cuộc tranh luận ở Úc về ông bà
Ngoài ra, tôi không mong được đền đáp gì dưới bất cứ hình thức nào. Ở Úc, trùng với ngày ra đời của thằng cháu đích tôn của tôi, người ta bắt đầu tranh luận về viễn tượng có thể trả phụ cấp cho các ông bà chăm sóc các cháu để bố mẹ chúng đi làm. Thực vậy, đó là đề nghị của Productivity Commission trong phúc trình mới đây của họ. Nhưng khi đưa ra đề nghị này, Ủy Ban Năng Xuất, do chính cái tên của nó, cũng chỉ lưu ý tới năng xuất, không hẳn nghĩ tới “công lao” của ông bà. Chính vì thế, nữ ký giả Harriet Alexander của tờ Sunday Telegraph đã chạy một hàng tít “The granny nannies: it's a labour of love, not money” (các người bà vú em: đây là lao động vì yêu thương, không phải vì tiền).
Nữ ký giả này có ý nói tới Susie Balderstone: 5 giờ sáng đã thức dậy, lái xe từ MacMasters Beach ở trung duyên hải (central coast) tới Woy Woy để đáp chuyến xe lửa sớm vào Sydney trước khi con gái rời nhà đi làm. Bà trông coi cháu gái Matilda, đôi khi ngủ lại trên tràng kỷ của con gái, đôi khi chở cháu gái một tuổi về MacMasters để rồi đem cháu trở lại Sydney vào tối thứ Sáu. Khi cuối tuần tới, bà như đã đứt hơi! Nhưng ý nghĩ nhận tiền đối với bà là một anathema! Một vạ tuyệt thông! “Tôi thương Tilly và những ngày giờ bên cháu. Nó mang lại những chiều kích tuyệt diệu cho cả hai cuộc đời bà cháu tôi”.
Một người bà khác ở Woollahra, Louise Leibowitz, coi cháu gái 2 tuổi, nói rằng “tôi làm việc này vì tôi. Tôi không làm vì các cháu tôi, tôi không làm vì con dâu tôi, tôi cũng không làm vì con trai tôi, nên với tôi, tiền bạc sẽ làm hoen ố cái tính đặc biệt của việc này. Tôi tuyệt đối thích làm việc này”.
Nói thế thì nói, riêng tôi vẫn mong rằng giữa ông nội và thằng cháu đích tôn sẽ không có phân cách hay ít nhất có phân cách thì đừng phân cách đến nỗi không thể nào với tới nhau được, dù là bằng các phương tiện kỹ thuật số như hiện nay.
Ngày ông bà
Xã hội hiện nay cũng đang cố gắng giúp thực hiện được hoài mong trên. Ngày Ông Bà ở Mỹ, chính thức có từ thời Tổng Thống Carter năm 1978 với Đạo Luật Công Cộng 96-62, nhưng đã được Tiểu Bang West Virginia chính thức chấp thuận trước đó và được Thống Đốc Arch Moore công bố ngày 27 tháng Năm, 1973. Đây là kết quả một cuộc vận động tích cực và lâu dài của bà Marian McQuade, ở Oak Hill, tiều bang West Virginia.
Theo lời nói đầu của Đạo Luật Công Cộng 96-62, mục đích của ngày này là “…để vinh danh các ông bà, đem lại cho các ông bà cơ hội tỏ lòng yêu thương con cái của các con mình, và giúp các con cháu ý thức được sức mạnh, sự thông tri và sự hướng dẫn mà các vị cao niên có thể hiến tặng”.
Riêng Bà McQuade thì cho rằng trong ngày Ông Bà, làm gì thì làm, tổ chức sinh hoạt nào thì tổ chức, nhưng “ý niệm là để tôn vinh các ông bà và để bồi đắp mối gắn bó với các cháu của các vị. Một phần của sự gắn bó này làm cho con cháu quen thuộc với dòng dõi tổ tiên”. Nói tóm lại, hoài mong của bà vẫn là hoài mong của người đàn bà Nhật lúc sắp lâm chung: còn ai nhớ tới tôi không?
Ông bà trong Thánh Kinh
Thánh Kinh dường như không chú trọng tới chiều kích trên. Thực vậy, những câu Thánh Kinh được người ta trích dẫn nhiều nhất liên quan tới chuyện ông bà, con cháu, thường là những câu nói tới các khía cạnh sau:
1) Giá trị hỗ tương giữa ông bà và con cháu: Triều thiên người già là đàn con cháu, vinh dự của con cái là chính người cha (Cn 17:6).
2) Ảnh hưởng tốt của ông bà trên các cháu: Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lôít, bà ngoại anh, nơi bà Êunikê, mẹ anh, cũng như nơi chính anh, tôi xác tín như vậy (2Tm 1:5).
3) Ông bà phải làm chứng về đức tin cho các cháu: Nhưng anh em hãy ý tứ và cẩn thận giữ mình đừng quên những điều mắt anh em đã thấy, và suốt đời, đừng để cho những điều ấy ra khỏi lòng anh em; trái lại, anh em hãy dạy cho con cháu anh em biết (Đnl 4:9). Sách Xuất Hành cũng có một câu tương tự: Và để ngươi thuật lại cho con cháu ngươi nghe Ta đã giáng họa xuống Ai Cập làm sao và Ta đã thực hiện những dấu lạ nào giữa họ, khiến các ngươi biết Ta đây là Chúa (Xh 10:2)(xem thêm Tv 78:1-7).
4) Ông bà phải dạy con cháu bằng gương sáng: Hãy khuyên các cụ phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Như vậy, họ sẽ dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con (Titô 2:2-4)(xem thêm Cn 16:31).
5) Nhờ công đức ông bà, con cháu được chúc phúc: Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn và Người xử công minh cả với đời con cháu (Tv 103:17) và Người đức độ để gia sản tới đời con cháu (Cn 13:22)(xem thêm Tv 112:1-2). Ngược lại, ông bà cũng đem lại chúc dữ cho con cháu: Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba, bốn đời vì tội lỗi cha ông (Xh 20:5).
Nói tới việc ông bà để đức cho con cháu, và nguyên lý đời cha ăn mặn đời con khát nước, người Kitô giáo Hoa Kỳ thường hay trích dẫn cụ Jonathon Edwards, sinh năm 1703, một người luôn kính Chúa yêu người. Đêm tân hôn, cụ đã cam kết cuộc hôn nhân của mình cho Thiên Chúa. Nhờ vậy dòng dõi cụ có 300 giáo sĩ, 100 luật sư, 60 thẩm phán, 60 bác sĩ, 60 tác giả thuộc loại cổ điển, 100 giáo sư và 14 viện trưởng đại học, 3 thị trưởng các thành phố lớn, 3 thống đốc tiểu bang, một kiểm soát viên Bộ Ngân Khố Mỹ và một phó tổng thống Hoa Kỳ! Ngược lại, Max Dukes, sinh năm 1700, là một người không có đức tin, cưới người đàn bà cũng không có đức tin. Nên trong số 1,200 con cháu được biết tới tên, 310 người chuyên du thử du thực, 440 người sống hoang đàng, 130 người ngồi tù, hơn 100 nghiện rượu, 60 người chuyên trộm cướp, 190 người làm điếm. Người ta ước lượng con cháu của Max Dukes làm tiểu bang New York tốn đến 1.5 triệu dollars, một khoản tiền rất lớn vào hồi đó.
Gương sống ông bà
Trong số các ông bà của Thánh Kinh, Gia Cóp là gương sống sáng chói nhất trong tương quan với con cháu. Thánh Phaolô, ngoài việc ca tụng gương dạy đạo cho con cháu của bà Lôít, bà ngoại của giám mục Timôti ra, đặc biệt ca ngợi “ông nội” Gia Cóp trong thư Do Thái (11:21): “Nhờ đức tin, ông Gia Cóp, khi sắp chết, đã chúc phúc cho mỗi người con của ông Giuse; ông dựa vào đầu gậy, cúi mình xuống sụp lạy”.
Ta chỉ có thể hiểu rõ việc đánh giá Gia Cóp trên đây của Thánh Phaolô khi đọc chương 48 Sách Sáng thế. Đây là lúc Gia Cóp gần sắp chết. Giuse mang hai con tới cho cha chúc phúc lần cuối. Giacóp trân trọng giây phút ở với cháu lần cuối cùng này, nên đã “cố gượng dậy ngồi trên giường”. Và như một chúc thư, ông chia sẻ với con cháu những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho cá nhân ông và cho dòng dõi ông (48:3-6). Nhân tiện, ông chia sẻ các trải nghiệm đau lòng và các cuộc chiến đấu trong đời ông (48:7). Riêng với hai cháu, cụ tỏ lòng âu yếm bằng cách “ôm hôn chúng” (48:10), coi chúng như hồng ân Thiên Chúa ban (48:11). Khi chúc phúc cho hai cháu, cụ Gia Cóp không khỏi hoài mong “nhờ chúng, tên tuổi của cha và của cha ông cha là Ápraham và Ixaác được nhắc tới” (48:16).
Danh thơm tiếng tốt của cha ông muôn đời vẫn là kỳ vọng lớn nhất. Sách Châm Ngôn (22:1) nói thế này: “Lắm của cải đâu qúy bằng danh thơm tiếng tốt, vàng với bạc nào trọng bằng được mến được thương”. Cụ Gia Cóp dù sao vẫn là một con người bình thường dù cụ là ông tổ trực tiếp của 12 chi tộc Israel.
Ông bà là trân châu ngọc qúy
Nhiều người cho rằng ngày nay ông bà đã mất nhiều giá trị đối với thế hệ hiện tại. Nhưng Đức Phanxicô không nghĩ vậy, đối với ngài, “ông bà là trân châu ngọc qúy”. Đó là lời ngài nói trong thánh lễ thường nhật sáng thứ Hai 18 tháng 11 năm 2013 tại Nhà Thánh Mácta. Ngài nói thêm, “giống rượu nho tốt càng để lâu càng thơm ngon hơn, các ông bà Công Giáo để lại cho chúng ta một gia bảo cao qúy’”. “Các vị chuyển giao cho ta lịch sử, tín lý, đức tin và tặng cho ta làm của gia bảo”.
Nhân dịp này, Đức Phanxicô kể lại câu truyện cổ tích về một gia đình kia gồm cha mẹ con cái và một người ông. Người ông này, khi ăn, làm thực phẩm vung vãi tứ tung, lên cả mặt, khiến gia đình khó chịu. Người cha bèn làm riêng cho ông cụ một chiếc bàn ăn, để ông cụ không còn làm phiền ai nữa.
Một ngày kia, khi về đến nhà, người cha thấy đứa con trai đang loay hoay với một phiến gỗ, hỏi “con làm gì thế?” thì nó thưa: "làm một chiếc bàn". “Tại sao?” “để cho cha, khi cha già như ông nội!”.
Đức Phanxicô cho hay: “truyện cổ tích này giúp ích cho tôi rất nhiều trong suốt cuộc sống của tôi”.
Không hẳn đứa cháu nào cũng vô tình với ông nội. Tôi cảm thấy ấm lòng hẳn lên. Thoạt đầu tôi tưởng Đức Thánh Cha đọc truyện cổ tích này từ Sách “Tập Đọc Một” của Nhóm Ông Bùi Văn Bảo. Nhưng xem kỹ thì không phải. Vì truyện “Cha Nào, Con Nấy” trong Sách Ông Bào nói rằng “Cha của Cốc bèn lấy cái gáo dừa làm chén để dưới đất cho ông (nội) ngồi ăn riêng. Một hôm, Cốc chơi lấy ván ráp thành cái máng cho heo ăn. Cha Cốc hỏi: ‘con làm gì thế?' ‘Con làm cái máng này dành khi cha già, con trộn cơm cho cha ăn’.
Thế mới biết truyện Việt Nam không nhẹ nhàng như truyện Á Căn Đình! Chưa hết, truyện của Ông Bào kể tiếp: “Một hôm, người cha đẩy xe bỏ ông nội Cốc vào rừng. Cốc đem xe về nhà. Người cha hỏi, Cốc trả lời rằng: ‘Con đem cái xe này về để khi cha già, sẽ đẩy bỏ cha trong rừng'. Chỉ tới nước này, người cha mới “sợ hãi trở vào rừng, tìm cha đem về. Từ đó, cha Cốc ăn ở với ông nội Cốc rất hiếu thảo”.
Thực ra, cả Ông Bùi Văn Bào và Đức Phanxicô dường như đều mô phỏng truyện cổ tích của anh em nhà Grimm, tuy truyện nguyên thủy này có hơi khác: ông nội ở đây rất già, mắt mờ, tai điếc, đầu gối run lẩy bẩy. Ngồi bên bàn ăn, tay ông run run cầm chiếc thìa, súp bắn tung ra khăn trải bàn, súp chảy quanh miệng và nhỏ giọt xuống bàn. Hai vợ chồng đứa con trai của ông kinh tởm trước chuyện đó, do vậy ông cụ phải ra ngồi ăn ở góc nhà, sau cái lò sưởi. Hai vợ chồng cho ông ăn bằng một cái bát sành và cũng chẳng bao giờ cho ăn no. Những lúc đó ông buồn rầu nhìn cái bàn và nước mắt cứ vậy tràn ra. Có một lần hai tay run lẩy bẩy ông không giữ được cái bát, để nó rơi vỡ trên nền nhà. Người con dâu quở mắng, ông cụ nín thinh và chỉ biết thở dài. Cô ta mua cho ông một cái bát khác bằng gỗ giá vài xu để cho ông cụ ăn. Có lần, hai vợ chồng người con ngồi bên bàn ăn thì đứa con trai bốn tuổi nhặt ở đất những mảnh bát vỡ chắp lại. Ba nó hỏi:- Con làm gì đó? Đứa con trả lời:- Con làm một cái máng đựng thức ăn, nếu con lớn con sẽ cho bố mẹ ăn bằng cái đó. Lúc đó hai vợ chồng nhìn nhau một lúc rồi òa lên khóc, đưa ông cụ lại bàn. Và từ đó trở đi hai vợ chồng để ông cụ ngồi ăn chung bàn, cũng chẳng nói gì nếu ông có chót để súp rơi vãi ra khăn trải bàn.
Truyện của Grimm và của ông Bào đều có hậu, happy ending. Truyện của Đức Phanxicô không có hậu. Nhưng ý nghĩa vẫn như nhau: Ông Bà là những người tối quan trọng ta cần trân qúy. Sứ điệp này được Đức Phanxicô nhấn mạnh ngay từ những ngày đầu thi hành thừa tác vụ Phêrô, nhất là tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Rio de Janeiro. Ngài là vị giáo hoàng đề cập tới ông bà nhiều nhất. Không những ông bà nói chung, mà là người bà thân yêu của ngài là cụ Rosa trong vai trò dạy dỗ ngài về đức tin: chúc thư thiêng liêng của cụ hiện vẫn còn nằm trong sách nguyện của ngài và ngay trong những bài giảng công cộng, ngài không ngại trích dẫn lời bà nội!
Tại đại hội giới trẻ thế giới nói trên, nhân lễ hai thánh Gioakim và Anna, ông bà “ngoại” của Chúa Giêsu, trong khi đọc kinh truyền tin với hàng ngàn bạn trẻ tụ tập bên ngoài toà TGM Rio, Đức Phanxicô đề cập tới tầm quan trọng của ông bà “đối với đời sống gia đình và việc chuyển giao di sản nhân bản và tôn giáo hết sức chủ yếu đối với xã hội".
Và ngay trong sinh hoạt Giáo Hội, Đức Phanxicô không quên đem hình ảnh người ông trong gia đình áp dụng vào vị tiền nhiệm còn tại thế của ngài là Đức Bênêđíctô XVI. Việc bầu ngài làm giáo hoàng trong khi vị tiền nhiệm vẫn hiện diện tại Vatican khiến nhiều người lo ngại đến độ công khai nghi hoặc, căn cứ vào những bóng ma lịch sử thuở nào. Nhưng trên đường từ Rio trở về, ngài chính thức coi vị tiền nhiệm như người ông trong gia đình Giáo Hội, người mà tất cả chúng ta tìm đến vấn an học hỏi, lãnh nhận lời khuyên, lời bảo ban. Hình ảnh ông bà quả in sâu vào tâm não vị Giáo Hoàng đến từ Á Căn Đình này.
Tôi không bao giờ có cái cao ngạo thằng cháu đích tôn sẽ là một nhân vật trổi vượt như Đức Phanxicô để có thể dạy người ta bài học tôn kính ông bà. Tôi cũng không dám mơ ước nó đọc được ca dao tục ngữ Việt Nam và hiểu thấu những câu như “ngó lên lạt buộc mái nhà, bao nhiêu lạt buộc nhớ ông bà bấy nhiêu”. Tôi chỉ mong nó không bao giờ hét lớn giữa đám đông người “Đ… mẹ mày” hay tương tự như thế, mà vỏn vẹn chỉ là hai chữ “ông nội” như đứa chị ruột 2 tuổi của nó hiện đang nói.
Đứa cháu mới sinh có khác: cháu là con trai đầu của đứa con trai duy nhất của tôi; do đó, đích thị là cháu đích tôn. Bế thằng bé lần đầu ngày 25 tháng 7, sau khi cháu chào đời chưa đầy một ngày, tôi bảo cháu: young man, your’re my đích tôn! Thằng cháu như muốn hiểu, hé đôi mắt chưa định thần ra nhìn. Cũng đủ cho người ông vui hẳn lên.
Cháu nào cũng là cháu
Thật ra thì con nào chả là con và cháu nào chả là cháu. Tôi qúy bốn con gái đầu y hệt qúy anh con trai út và đứa cháu ngoại nào, tôi cũng yêu thương hết mình. Năm năm đầu đời, thằng cháu ngoại đầu tiên ở nhà ông bà ngoại nhiều hơn ở nhà bố mẹ, nhất là từ lúc cháu vào trường mẫu giáo lúc lên ba. Ngày nào hai ông cháu cũng cuốc bộ ra ga, đáp xe lửa, rồi từ ga xe lửa cuốc bộ vào trường mẫu giáo. Vừa đi vừa tung tăng, chạy nhẩy, vui đùa. Con đường ngày nào cũng thấy vắn. Từ trường mẫu giáo ra xe lửa tiếp tục đi làm, lòng ông ngoại lúc nào cũng đầy ắp hình ảnh cháu. Buổi chiều, trên đường đi làm về, bà ngoại tiện xe đến đón cháu, hai bà cháu huyên thuyên chuyện trò, quên cả thời gian. Mười cháu tiếp theo, trai có, gái có, cũng đều thế cả. Dù ông bà ngoại cả hai đều “cày sâu cuốc bẫm”, người ở sở thuế liên bang, kẻ ở xưởng ráp nối dây chuyền.
Ấy thế nhưng cái thằng cháu đích tôn hình như có gì hơi khác. Tôi biết chắc nó là móc xích nối tôi với nhiều thế hệ những người mang tên họ Vũ sau cháu, cũng như tôi từng là móc xích nối liền với bao nhiêu con người cùng mang dòng máu nhà họ Vũ trước tôi. Người theo Đạo Khổng không lưu ý bao nhiêu tới cuộc sống đời sau, thiên đàng địa ngục, hạnh phúc miên viễn bản vị có như thế nào sau khi con người từ giã cõi đời, họ không thèm bàn tới. Nhưng họ rất quan tâm tới cái tính liên tục của những móc xích này: càng bất tận càng hay và bất hạnh thay là những người “vô hậu”. Xét về mặt hữu thể, đứa cháu nào cũng giúp tôi hoàn thành được sứ mệnh liên tục hóa sợi dây xích này theo quan điểm Khổng Giáo. Nhưng tôi vẫn không quên cái nguyên tắc liên hệ hàng dọc (trực hệ) mà không những chỉ có Đông Phương mới coi trọng. Truyền thống Do Thái Kitô Giáo cũng rất quan tâm tới nó.
Gia phả
Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều cẩn thận ghi lại cái dòng chẩy trực hệ này tính từ cha tới con trai, cháu trai, chắt trai… Sách Sáng Thế, trong các chương 4,5 và 10-11, ghi lại dòng dõi trực hệ nam từ Ađam tới Ápraham. Ađam và Evà có ba con trai, Aben bị anh giết chết, còn lại Cain và Sết. Gia phả Cain được nói tới ở chương 4, còn gia phả của Sết được nói tới ở chương 5, tới đời thứ bẩy được người chút hay người chít sống lâu nhất trên cõi đời, tổng cộng “chín trăm sáu mươi chín năm” là Mơtuselác, và chấm dứt với Nôê, con Laméc và là cháu đích tôn của Mơtuselác. Chương 10 và chương 11, nói tới gia phả của Nôê, được gọi là Danh Bạ Các Dân Tộc (table of Nations) do 3 người con trai là Sêm, Kham và Giaphét sinh sôi nẩy nở. Ápram, sau được đổi tên thành Ápraham, thuộc dòng dõi Sêm. Cựu Ước sau đó không ghi gia phả. Người ta phải dựa vào lịch sử để tìm ra gia phả từ đời Ápraham. Nhưng ai cũng biết ông thuộc dòng dõi Sết và từ ông, có Đavít và Chúa Giêsu.
Tân Ước không chỉ kể gia phả của Chúa Giêsu từ thời Ápraham (Tin Mừng Matthêu 1:2-16) mà còn lần lên tới tận Ađam (Tin Mừng Luca 3:23-38). Điều quan trọng là Chúa Giêsu không phát sinh từ dòng dõi Cain mà từ dòng dõi Sết, dòng dõi mà chính Evà cho rằng để “thay thế cho Aben” (St 4:25). Về một phương diện nào đó, câu ca dao tục ngữ của Việt Nam quả thâm thúy: sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Chính “chít chít chít đích tôn” Giêsu đã có tính quyết định đối với bản sắc cha, ông…
Các truyện Thánh Kinh
Tuy nhiên, liên hệ tương tác giữa ông bà và các cháu thì Thánh Kinh ít nói tới. Hầu như không chỗ nào trong Thánh Kinh đề cập tới việc ông bà chăm sóc các cháu như hoàn cảnh hiện nay. Có lẽ vì thời Thánh Kinh, ông bà không đủ tuổi thọ để được chứng kiến cảnh các cháu ra đời và lớn lên. Bởi thế, trong các cuộc đố vui về ông bà và các cháu trong Thánh Kinh, người ta bí đến nỗi phải đặt những câu hỏi như: ai trong Thánh Kinh có hai con trai sinh hoàn toàn cùng một lúc với các cháu trai của mình? Thưa: là ông Lót. Thực vậy: sau khi Xơđôm và Gômôra bị hủy diệt, hai con gái ông Lót vỡ lẽ ra rằng không có đàn ông, họ không thể có con nối dõi cho cha, nên họ đã quyết định biến cha thành chồng. Do đó, Lót vừa là cha vừa là ông hai thằng nhỏ (St 19:29-38).
Tuy thế, vẫn có một số truyện kể lý thú về ông bà và các cháu. Như truyện bà giết cháu (chứ không phải cháu giết ông bà vì thua đánh cá world cup như ở Việt Nam gần đây). Vua Akhátgiahu chết, mẹ là Athangia quyết định cai trị đất nước, nên đã giết trọn hoàng gia trong đó có các cháu trai, chỉ duy hoàng tử Giôát là sống thoát nhờ được một người mang dấu đi (2V 11:1-2). Nhưng cũng có truyện ông cứu cháu. Đó là lúc Ápsalôm, sau khi giết Amnôn, người em cùng cha khác mẹ, để trả thù cho việc em gái Tama của mình bị hiếp, đã chạy tới cầu cứu Tanmai, Vua Gơsua (2Sm 13:37). Tanmai vốn là cha của Maakha, mẹ Ápsalôm (2Sm 3:3).
Ông Nôê có công lớn trong biến cố Hồng Thủy: cứu được dòng giống người và dòng giống mọi loài động vật khỏi bị tận diệt, nhưng lại tỏ ra vô lý đối với cháu của mình: sau Hồng Thủy, nhờ được mùa nho, ông ép làm rượu rồi uống say đến độ lăn quay ra ngủ mình trần trùng trục, không một mảnh vải che thân. Ham, con trai út của ông, “thấy chỗ kín” của cha, đi kể cho hai anh nghe. Hai anh vội lấy vải, đi giật lùi, tới che “chỗ kín của cha”. Giận thằng út, Nôê không mắng nó mà nguyền rủa đứa cháu Canaan vốn là con của Ham: “Canaan đáng bị nguyền rủa! Nó phải là đầy tớ của các anh em nó” (St 9: 20-26).
Nói tới cháu trai trưởng (đích tôn) thì hình như Thánh Kinh không chú trọng bao nhiêu. Truyện kể rằng Giacóp yêu cầu Giuse mang hai con trai tới cho ông chúc phúc. Giuse đặt Mơnaxe, con trai lớn nhất của mình, đứng bên phải Giacóp, còn Épraim, con trai út của mình, đứng bên trái ông nội. Nhưng khi chúc phúc cho chúng, Giacóp lại đặt tay phải của mình lên đầu Épraim và đặt tay trái lên đầu Mơnaxe, trái với lệ thường là đặt tay phải của ông lên đầu đứa đứng bên phải, và đặt tay trái lên đầu đứa đứng bên trái. Khi bị Giuse phản đối, Giacóp bảo: ông muốn làm vậy, vì “em nó sẽ lớn hơn nó và dòng dõi của em nó sẽ thành rất nhiều dân tộc” (St 48: 13-20).
Việc trên dễ hiểu ở điểm chính Giacóp đã “cướp” quyền trưởng nam của anh là Êsau (St 27). Và trong lịch sử Cựu Ước, nhiều lần Thiên Chúa qúy con trai thứ hơn con trai trưởng: Ixaác hơn Ismael, Môsê hơn Aaron, Đavít hơn Êliáp, Salômôn hơn Ađônigia.
Tưởng cũng nên nhớ, Giacóp nhận Épraim và Mơnaxe làm con ngang hàng với các bác các chú, nên từ Giuse, phát sinh hai chi tộc Do Thái, trong khi các người con trai khác của Giacóp, mỗi người chỉ phát sinh một chi tộc. Có điều sau này chi tộc Épraim là một thành phần của Vương Quốc Phía Bắc cho tới lúc vương quốc này bị Assyria xâm chiếm vào năm 723 trước CN, từ đó, chi tộc này được kể là một trong 10 chi tộc thất lạc của Israel, trong đó có cả chi tộc Mơnaxe.
Văn hóa Việt Nam
Trái lại, văn hóa Việt Nam lúc nào cũng trọng con trưởng và cháu đích tôn dù ca dao có những câu như “khó con đầu, giầu con út” hoặc “con út trút gia tài”. Tác giả N.H., trên Dân Trí, thuật truyện ông nội cưng cháu đích tôn: hễ lúc nào có hai ba đứa cháu hiện diện, là ông cụ chỉ chú ý tới cháu đích tôn mà thôi: “ ‘A, cháu đích tôn của ông đã về’ rồi ông ôm lấy Bin và bế cháu vào nhà. Em Tôm thì lon ton chạy sau cũng đòi ông bế”. Thắp hương cho tổ tiên cũng phải là cháu đích tôn, “đích tôn mà!”. Chỉ khoe cháu đích tôn: “đây là thằng đích tôn, cái thằng sinh non được có 1.8 kílô mà bây giờ to khỏe thế này; còn đây là con thằng thứ hai”. Cháu đích tôn còn làm cụ trường thọ “có thằng đích tôn, ông sống được cả trăm tuổi”. Đích tôn có làm sai thì vẫn là đúng, là hay: “tuần trước, hai anh em sang hàng xóm chơi, khi vừa vào đến cửa thjì Bin chạy xộc vào trong mà chưa cởi dép, còn Tôm thì nhớ lời mẹ dặn, lúi húi cởi chiếc dép quai hậu rồi mới bước vào. Về nhà, ông kể chuyện hai anh em. Ông bảo: Thằng Bin thế mà bạo dạn, sang hàng xóm không biết ngại ngần, chạy vào trong luôn, còn cu Tôm xem chừng nhát, cứ đứng ở cửa”.
Tác giả Lê Phú Khải thì kể một câu truyện mà ông ngụ ý cho là có thật, nhưng thiển nghĩ chỉ là một dụ ngôn răn đời về cái thói ưa cháu đích tôn. Ông nội từ Việt Nam qua Đức thăm thằng đích tôn hai dòng máu. Từ đàng xa, bố nhận ra ông nội, chỉ cho con, “chỉ đợi có thế, thằng cháu đích tôn trên vai bố đã dướn hẳn người lên lấy hai tay làm loa và hét lớn một câu bằng tiếng Việt để chào mừng ông nội nó. Bỗng ông nội nó trợn mắt… rồi từ từ đổ gục xuống, máu từ mồm và hai lỗ tai ứa ra… Ông nội nó đã tắt thở trước khi được nhân viên nhà ga sân bay đưa vào bệnh viện”.
Nhờ người bạn thân của “bố”, tác giả hiểu nguyên nhân gây ra cái chết cho ông nội: Bố cưới vợ Đức, đẻ được thằng con lai, nhưng mải làm ăn, quên cả dạy dỗ con, nhất là về tiếng Việt. Con chỉ học được duy nhất một câu tiếng Việt của bố là “Đ… mẹ mày”: thằng con nghe câu này miết, chẳng cần học, cũng thuộc nằm lòng. Và câu nó nói với ông nội ở phi trường Phăng (Frankfurt?) chính là câu đó, cái câu oan nghiệt đem lại đột tử cho ông nội mới gặp lần đầu!
Thằng cháu đích tôn của tôi cũng mang hai dòng máu. Nhưng tôi hy vọng sẽ không vướng vào vòng oan nghiệt này bởi lẽ trong gia đình tôi, không ai biết nói câu oan nghiệt như trên. Vả lại nữa, sự kỳ vọng vào cháu đích tôn của tôi chắc không “nồng nàn” như của ông già Việt Nam tại nhà ga sân bay Phăng, Đức Quốc. Và đường nước chẩy xuôi, theo chiều đi xuống của tôi, có thể “bất phản hồi” hơn của ông già này. Xét về phương diện bản thân, tôi mừng vì thằng đích tôn này sẽ vẫn là móc xích nối liền những người họ Vũ của quá khứ và tương lai, thế thôi.
Dĩ nhiên, tôi mong nhiều hơn thế, tôi mong có thể đóng góp được điều gì vào diễn trình lớn lên của thằng cháu đích tôn, nhất là làm sao thằng cháu đích tôn này không tích cực từ bỏ cội nguồn. Cứ nghĩ tới việc đứt đoạn dòng ký ức về cội nguồn này mà buồn đứt lòng. Ý nghĩ này khiến tôi nhớ lại một cuốn phim Nhật kể về mối lo duy nhất của một người đàn bà sắp qua đời: không biết có còn ai nhớ tới mình nữa không. Vì theo bà: có người còn nhớ tới mình là mình vẫn còn sống, vẫn còn hiện hữu.
Cuộc tranh luận ở Úc về ông bà
Ngoài ra, tôi không mong được đền đáp gì dưới bất cứ hình thức nào. Ở Úc, trùng với ngày ra đời của thằng cháu đích tôn của tôi, người ta bắt đầu tranh luận về viễn tượng có thể trả phụ cấp cho các ông bà chăm sóc các cháu để bố mẹ chúng đi làm. Thực vậy, đó là đề nghị của Productivity Commission trong phúc trình mới đây của họ. Nhưng khi đưa ra đề nghị này, Ủy Ban Năng Xuất, do chính cái tên của nó, cũng chỉ lưu ý tới năng xuất, không hẳn nghĩ tới “công lao” của ông bà. Chính vì thế, nữ ký giả Harriet Alexander của tờ Sunday Telegraph đã chạy một hàng tít “The granny nannies: it's a labour of love, not money” (các người bà vú em: đây là lao động vì yêu thương, không phải vì tiền).
Nữ ký giả này có ý nói tới Susie Balderstone: 5 giờ sáng đã thức dậy, lái xe từ MacMasters Beach ở trung duyên hải (central coast) tới Woy Woy để đáp chuyến xe lửa sớm vào Sydney trước khi con gái rời nhà đi làm. Bà trông coi cháu gái Matilda, đôi khi ngủ lại trên tràng kỷ của con gái, đôi khi chở cháu gái một tuổi về MacMasters để rồi đem cháu trở lại Sydney vào tối thứ Sáu. Khi cuối tuần tới, bà như đã đứt hơi! Nhưng ý nghĩ nhận tiền đối với bà là một anathema! Một vạ tuyệt thông! “Tôi thương Tilly và những ngày giờ bên cháu. Nó mang lại những chiều kích tuyệt diệu cho cả hai cuộc đời bà cháu tôi”.
Một người bà khác ở Woollahra, Louise Leibowitz, coi cháu gái 2 tuổi, nói rằng “tôi làm việc này vì tôi. Tôi không làm vì các cháu tôi, tôi không làm vì con dâu tôi, tôi cũng không làm vì con trai tôi, nên với tôi, tiền bạc sẽ làm hoen ố cái tính đặc biệt của việc này. Tôi tuyệt đối thích làm việc này”.
Nói thế thì nói, riêng tôi vẫn mong rằng giữa ông nội và thằng cháu đích tôn sẽ không có phân cách hay ít nhất có phân cách thì đừng phân cách đến nỗi không thể nào với tới nhau được, dù là bằng các phương tiện kỹ thuật số như hiện nay.
Ngày ông bà
Xã hội hiện nay cũng đang cố gắng giúp thực hiện được hoài mong trên. Ngày Ông Bà ở Mỹ, chính thức có từ thời Tổng Thống Carter năm 1978 với Đạo Luật Công Cộng 96-62, nhưng đã được Tiểu Bang West Virginia chính thức chấp thuận trước đó và được Thống Đốc Arch Moore công bố ngày 27 tháng Năm, 1973. Đây là kết quả một cuộc vận động tích cực và lâu dài của bà Marian McQuade, ở Oak Hill, tiều bang West Virginia.
Theo lời nói đầu của Đạo Luật Công Cộng 96-62, mục đích của ngày này là “…để vinh danh các ông bà, đem lại cho các ông bà cơ hội tỏ lòng yêu thương con cái của các con mình, và giúp các con cháu ý thức được sức mạnh, sự thông tri và sự hướng dẫn mà các vị cao niên có thể hiến tặng”.
Riêng Bà McQuade thì cho rằng trong ngày Ông Bà, làm gì thì làm, tổ chức sinh hoạt nào thì tổ chức, nhưng “ý niệm là để tôn vinh các ông bà và để bồi đắp mối gắn bó với các cháu của các vị. Một phần của sự gắn bó này làm cho con cháu quen thuộc với dòng dõi tổ tiên”. Nói tóm lại, hoài mong của bà vẫn là hoài mong của người đàn bà Nhật lúc sắp lâm chung: còn ai nhớ tới tôi không?
Ông bà trong Thánh Kinh
Thánh Kinh dường như không chú trọng tới chiều kích trên. Thực vậy, những câu Thánh Kinh được người ta trích dẫn nhiều nhất liên quan tới chuyện ông bà, con cháu, thường là những câu nói tới các khía cạnh sau:
1) Giá trị hỗ tương giữa ông bà và con cháu: Triều thiên người già là đàn con cháu, vinh dự của con cái là chính người cha (Cn 17:6).
2) Ảnh hưởng tốt của ông bà trên các cháu: Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lôít, bà ngoại anh, nơi bà Êunikê, mẹ anh, cũng như nơi chính anh, tôi xác tín như vậy (2Tm 1:5).
3) Ông bà phải làm chứng về đức tin cho các cháu: Nhưng anh em hãy ý tứ và cẩn thận giữ mình đừng quên những điều mắt anh em đã thấy, và suốt đời, đừng để cho những điều ấy ra khỏi lòng anh em; trái lại, anh em hãy dạy cho con cháu anh em biết (Đnl 4:9). Sách Xuất Hành cũng có một câu tương tự: Và để ngươi thuật lại cho con cháu ngươi nghe Ta đã giáng họa xuống Ai Cập làm sao và Ta đã thực hiện những dấu lạ nào giữa họ, khiến các ngươi biết Ta đây là Chúa (Xh 10:2)(xem thêm Tv 78:1-7).
4) Ông bà phải dạy con cháu bằng gương sáng: Hãy khuyên các cụ phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Như vậy, họ sẽ dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con (Titô 2:2-4)(xem thêm Cn 16:31).
5) Nhờ công đức ông bà, con cháu được chúc phúc: Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại, dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn và Người xử công minh cả với đời con cháu (Tv 103:17) và Người đức độ để gia sản tới đời con cháu (Cn 13:22)(xem thêm Tv 112:1-2). Ngược lại, ông bà cũng đem lại chúc dữ cho con cháu: Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba, bốn đời vì tội lỗi cha ông (Xh 20:5).
Nói tới việc ông bà để đức cho con cháu, và nguyên lý đời cha ăn mặn đời con khát nước, người Kitô giáo Hoa Kỳ thường hay trích dẫn cụ Jonathon Edwards, sinh năm 1703, một người luôn kính Chúa yêu người. Đêm tân hôn, cụ đã cam kết cuộc hôn nhân của mình cho Thiên Chúa. Nhờ vậy dòng dõi cụ có 300 giáo sĩ, 100 luật sư, 60 thẩm phán, 60 bác sĩ, 60 tác giả thuộc loại cổ điển, 100 giáo sư và 14 viện trưởng đại học, 3 thị trưởng các thành phố lớn, 3 thống đốc tiểu bang, một kiểm soát viên Bộ Ngân Khố Mỹ và một phó tổng thống Hoa Kỳ! Ngược lại, Max Dukes, sinh năm 1700, là một người không có đức tin, cưới người đàn bà cũng không có đức tin. Nên trong số 1,200 con cháu được biết tới tên, 310 người chuyên du thử du thực, 440 người sống hoang đàng, 130 người ngồi tù, hơn 100 nghiện rượu, 60 người chuyên trộm cướp, 190 người làm điếm. Người ta ước lượng con cháu của Max Dukes làm tiểu bang New York tốn đến 1.5 triệu dollars, một khoản tiền rất lớn vào hồi đó.
Gương sống ông bà
Trong số các ông bà của Thánh Kinh, Gia Cóp là gương sống sáng chói nhất trong tương quan với con cháu. Thánh Phaolô, ngoài việc ca tụng gương dạy đạo cho con cháu của bà Lôít, bà ngoại của giám mục Timôti ra, đặc biệt ca ngợi “ông nội” Gia Cóp trong thư Do Thái (11:21): “Nhờ đức tin, ông Gia Cóp, khi sắp chết, đã chúc phúc cho mỗi người con của ông Giuse; ông dựa vào đầu gậy, cúi mình xuống sụp lạy”.
Ta chỉ có thể hiểu rõ việc đánh giá Gia Cóp trên đây của Thánh Phaolô khi đọc chương 48 Sách Sáng thế. Đây là lúc Gia Cóp gần sắp chết. Giuse mang hai con tới cho cha chúc phúc lần cuối. Giacóp trân trọng giây phút ở với cháu lần cuối cùng này, nên đã “cố gượng dậy ngồi trên giường”. Và như một chúc thư, ông chia sẻ với con cháu những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho cá nhân ông và cho dòng dõi ông (48:3-6). Nhân tiện, ông chia sẻ các trải nghiệm đau lòng và các cuộc chiến đấu trong đời ông (48:7). Riêng với hai cháu, cụ tỏ lòng âu yếm bằng cách “ôm hôn chúng” (48:10), coi chúng như hồng ân Thiên Chúa ban (48:11). Khi chúc phúc cho hai cháu, cụ Gia Cóp không khỏi hoài mong “nhờ chúng, tên tuổi của cha và của cha ông cha là Ápraham và Ixaác được nhắc tới” (48:16).
Danh thơm tiếng tốt của cha ông muôn đời vẫn là kỳ vọng lớn nhất. Sách Châm Ngôn (22:1) nói thế này: “Lắm của cải đâu qúy bằng danh thơm tiếng tốt, vàng với bạc nào trọng bằng được mến được thương”. Cụ Gia Cóp dù sao vẫn là một con người bình thường dù cụ là ông tổ trực tiếp của 12 chi tộc Israel.
Ông bà là trân châu ngọc qúy
Nhiều người cho rằng ngày nay ông bà đã mất nhiều giá trị đối với thế hệ hiện tại. Nhưng Đức Phanxicô không nghĩ vậy, đối với ngài, “ông bà là trân châu ngọc qúy”. Đó là lời ngài nói trong thánh lễ thường nhật sáng thứ Hai 18 tháng 11 năm 2013 tại Nhà Thánh Mácta. Ngài nói thêm, “giống rượu nho tốt càng để lâu càng thơm ngon hơn, các ông bà Công Giáo để lại cho chúng ta một gia bảo cao qúy’”. “Các vị chuyển giao cho ta lịch sử, tín lý, đức tin và tặng cho ta làm của gia bảo”.
Nhân dịp này, Đức Phanxicô kể lại câu truyện cổ tích về một gia đình kia gồm cha mẹ con cái và một người ông. Người ông này, khi ăn, làm thực phẩm vung vãi tứ tung, lên cả mặt, khiến gia đình khó chịu. Người cha bèn làm riêng cho ông cụ một chiếc bàn ăn, để ông cụ không còn làm phiền ai nữa.
Một ngày kia, khi về đến nhà, người cha thấy đứa con trai đang loay hoay với một phiến gỗ, hỏi “con làm gì thế?” thì nó thưa: "làm một chiếc bàn". “Tại sao?” “để cho cha, khi cha già như ông nội!”.
Đức Phanxicô cho hay: “truyện cổ tích này giúp ích cho tôi rất nhiều trong suốt cuộc sống của tôi”.
Không hẳn đứa cháu nào cũng vô tình với ông nội. Tôi cảm thấy ấm lòng hẳn lên. Thoạt đầu tôi tưởng Đức Thánh Cha đọc truyện cổ tích này từ Sách “Tập Đọc Một” của Nhóm Ông Bùi Văn Bảo. Nhưng xem kỹ thì không phải. Vì truyện “Cha Nào, Con Nấy” trong Sách Ông Bào nói rằng “Cha của Cốc bèn lấy cái gáo dừa làm chén để dưới đất cho ông (nội) ngồi ăn riêng. Một hôm, Cốc chơi lấy ván ráp thành cái máng cho heo ăn. Cha Cốc hỏi: ‘con làm gì thế?' ‘Con làm cái máng này dành khi cha già, con trộn cơm cho cha ăn’.
Thế mới biết truyện Việt Nam không nhẹ nhàng như truyện Á Căn Đình! Chưa hết, truyện của Ông Bào kể tiếp: “Một hôm, người cha đẩy xe bỏ ông nội Cốc vào rừng. Cốc đem xe về nhà. Người cha hỏi, Cốc trả lời rằng: ‘Con đem cái xe này về để khi cha già, sẽ đẩy bỏ cha trong rừng'. Chỉ tới nước này, người cha mới “sợ hãi trở vào rừng, tìm cha đem về. Từ đó, cha Cốc ăn ở với ông nội Cốc rất hiếu thảo”.
Thực ra, cả Ông Bùi Văn Bào và Đức Phanxicô dường như đều mô phỏng truyện cổ tích của anh em nhà Grimm, tuy truyện nguyên thủy này có hơi khác: ông nội ở đây rất già, mắt mờ, tai điếc, đầu gối run lẩy bẩy. Ngồi bên bàn ăn, tay ông run run cầm chiếc thìa, súp bắn tung ra khăn trải bàn, súp chảy quanh miệng và nhỏ giọt xuống bàn. Hai vợ chồng đứa con trai của ông kinh tởm trước chuyện đó, do vậy ông cụ phải ra ngồi ăn ở góc nhà, sau cái lò sưởi. Hai vợ chồng cho ông ăn bằng một cái bát sành và cũng chẳng bao giờ cho ăn no. Những lúc đó ông buồn rầu nhìn cái bàn và nước mắt cứ vậy tràn ra. Có một lần hai tay run lẩy bẩy ông không giữ được cái bát, để nó rơi vỡ trên nền nhà. Người con dâu quở mắng, ông cụ nín thinh và chỉ biết thở dài. Cô ta mua cho ông một cái bát khác bằng gỗ giá vài xu để cho ông cụ ăn. Có lần, hai vợ chồng người con ngồi bên bàn ăn thì đứa con trai bốn tuổi nhặt ở đất những mảnh bát vỡ chắp lại. Ba nó hỏi:- Con làm gì đó? Đứa con trả lời:- Con làm một cái máng đựng thức ăn, nếu con lớn con sẽ cho bố mẹ ăn bằng cái đó. Lúc đó hai vợ chồng nhìn nhau một lúc rồi òa lên khóc, đưa ông cụ lại bàn. Và từ đó trở đi hai vợ chồng để ông cụ ngồi ăn chung bàn, cũng chẳng nói gì nếu ông có chót để súp rơi vãi ra khăn trải bàn.
Truyện của Grimm và của ông Bào đều có hậu, happy ending. Truyện của Đức Phanxicô không có hậu. Nhưng ý nghĩa vẫn như nhau: Ông Bà là những người tối quan trọng ta cần trân qúy. Sứ điệp này được Đức Phanxicô nhấn mạnh ngay từ những ngày đầu thi hành thừa tác vụ Phêrô, nhất là tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Rio de Janeiro. Ngài là vị giáo hoàng đề cập tới ông bà nhiều nhất. Không những ông bà nói chung, mà là người bà thân yêu của ngài là cụ Rosa trong vai trò dạy dỗ ngài về đức tin: chúc thư thiêng liêng của cụ hiện vẫn còn nằm trong sách nguyện của ngài và ngay trong những bài giảng công cộng, ngài không ngại trích dẫn lời bà nội!
Tại đại hội giới trẻ thế giới nói trên, nhân lễ hai thánh Gioakim và Anna, ông bà “ngoại” của Chúa Giêsu, trong khi đọc kinh truyền tin với hàng ngàn bạn trẻ tụ tập bên ngoài toà TGM Rio, Đức Phanxicô đề cập tới tầm quan trọng của ông bà “đối với đời sống gia đình và việc chuyển giao di sản nhân bản và tôn giáo hết sức chủ yếu đối với xã hội".
Và ngay trong sinh hoạt Giáo Hội, Đức Phanxicô không quên đem hình ảnh người ông trong gia đình áp dụng vào vị tiền nhiệm còn tại thế của ngài là Đức Bênêđíctô XVI. Việc bầu ngài làm giáo hoàng trong khi vị tiền nhiệm vẫn hiện diện tại Vatican khiến nhiều người lo ngại đến độ công khai nghi hoặc, căn cứ vào những bóng ma lịch sử thuở nào. Nhưng trên đường từ Rio trở về, ngài chính thức coi vị tiền nhiệm như người ông trong gia đình Giáo Hội, người mà tất cả chúng ta tìm đến vấn an học hỏi, lãnh nhận lời khuyên, lời bảo ban. Hình ảnh ông bà quả in sâu vào tâm não vị Giáo Hoàng đến từ Á Căn Đình này.
Tôi không bao giờ có cái cao ngạo thằng cháu đích tôn sẽ là một nhân vật trổi vượt như Đức Phanxicô để có thể dạy người ta bài học tôn kính ông bà. Tôi cũng không dám mơ ước nó đọc được ca dao tục ngữ Việt Nam và hiểu thấu những câu như “ngó lên lạt buộc mái nhà, bao nhiêu lạt buộc nhớ ông bà bấy nhiêu”. Tôi chỉ mong nó không bao giờ hét lớn giữa đám đông người “Đ… mẹ mày” hay tương tự như thế, mà vỏn vẹn chỉ là hai chữ “ông nội” như đứa chị ruột 2 tuổi của nó hiện đang nói.