Chuyện phiếm hồi ký
Gia đình tôi từ Bắc di cư vào Nam năm 1954, định cư trong vùng Bắc Kỳ Công Giáo toàn tòng, cho nên hàng năm, nếu có bất kỳ ngày lễ trọng đại nào, là Hội Đồng Giáo Xứ lại tổ chức rước sách linh đình và diễn lại những hoạt cảnh đúng như các nghi thức phụng vụ trong kinh thánh của ngày lễ ấy, rất là rềnh rang. Đặc biệt nhất là các nghi thức trong Tuần Thánh, đã tạo cho tuổi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ rất nhiều ấn tượng sâu đậm cho đến ngày nay.
Tôi xin được kể ra đây một vài nghi thức trong Tuần Thánh, mà giáo xứ của chúng tôi đã diễn thành những hoạt cảnh sống động, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
Hồi đó vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, Lễ Tiệc Ly và nghi thức Rửa Chân được cử hành. Ban Hành Giáo cắt cử 12 vị đại diện của các giáo họ và các đoàn thể làm tông đồ, thường là các ông từ 50 tuổi trở lên. Những giáo dân ở vào tuổi lưng mưng hay bậc trung niên thường bàn tán, chế diễu các cụ. Nào là cụ này chân thơm, cụ kia chân hôi.
Có một chàng thanh niên phát biểu một câu: “Tớ mà được làm tông đồ, tớ sẽ đi ra ruộng lội bùn, rồi đưa chân cho cha rửa mới đã”.
Nói chơi, thì nói như vậy thôi; Chứ tôi thấy bất cứ ai được đề cử làm tông đồ, cũng lo lắng tắm táp và rửa chân cho thật sạch, có khi rửa đến năm lần, bảy lượt trước khi đi lễ.
Ông quản Mừng ở kế bên nhà tôi, được Ban Hành Giáo đề cử làm tông đồ. Trước Chúa Nhật Lễ Lá, tôi nghe lén được, ông Mừng bắt bà nhà đi chợ, mua cho ông một lố xà bông hiệu Cô Ba. Bà Mừng nói: Cái ông ranh này, sao mà kỳ này lại dở chứng, cứ bắt mình phải đi mua xà bông cho bằng được, để làm cái gì? Mãi về sau có người mách lẻo, cho biết ông nhà được đề cử làm tông đồ. Bà Mừng mới té ngửa ra, là ông phải lo lắng rửa chân cho sạch để đi làm tông đồ. À! Thì ra là thế….Hồi đó xà bông nhãn hiệu Cô Ba có tiếng là thơm nhất miền Nam Việt Nam.
Đó quí vị thấy chưa? Hễ ai nhận việc gì trước công chúng, thì cũng phải lo lắng cho việc đó ngay!
Ngày thứ Năm Tuần Thánh, tôi thấy Ban Hành Giáo làm một chồng bánh dầy và một con chiên bự, nhìn giống như con chiên thật, trần trụi, được nặn bằng cơm nếp mật, sau đó người ta lấy từng cụm bông gòn gắn vào khắp mình, cho nó giống như một bộ lông xù trắng tinh, trông rất đẹp. Trên đầu con chiên có hai cái xừng làm bằng hai củ khoai mì dài. Con chiên này được dùng cho ngày lễ sát tế chiên vượt qua,
Trong lúc cử hành Thánh Lễ, khi đọc đến đoạn phúc âm Lễ Vượt Qua, thì một số người đã được cắt cử lên giết chiên, xẻ thịt ra ăn. Lúc đó chúng tôi còn nhỏ phải ngồi vào chỗ đoàn thể Nghĩa Binh rất gần gian cung thánh, nên được chứng kiến rõ sự lạ này, chúng tôi cứ tủm tỉm cười. Có đứa cười to, đã bị ông bà quản quất cho mấy roi tre, đau quắn cả người.
Sau nghi thức rửa chân, là cuộc tung hoa rước Thánh Thể đến các nhà tạm được thiết kế thật lộng lẫy, dựng trên con đường kiệu chung quanh khuôn viên nhà thờ, với đèn đuốc sáng trưng.
Các giáo họ và các đoàn thể thứ tự phân chia, thay phiên chầu lượt suốt đêm.
Ngoài các giờ chầu, bọn trẻ chúng tôi kéo nhau ra ngoài, tụm năm túm ba lại, nói chuyện đùa giỡn với nhau tới khuya vẫn chưa muốn về.
Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày phụng vụ dài nhất. Khoảng 1 giờ chiều, bố mẹ chúng tôi đã hối chúng tôi chuẩn bị đi đến nhà thờ, cách nhà tôi khỏang 2 cây số để tham dự chặng Thánh Giá.
Xin được lược qua vị trí Nhà Thờ của giáo xứ chúng tôi, để quí vị hiểu khái quát. Địa thế giáo xứ của chúng tôi năm dọc trên một nửa con kênh dài khoảng 6 cây số. Hai bên bờ kênh có hai con đường và nhà dân chúng ở kế ngay sát mặt đường, mổi nhà cách nhau khỏang 30 mét. Nhà thờ chính ờ giữa, hai nhà thờ nhỏ của hai giáo họ ở cách xa hai bên nhà thờ chính. Mỗi nhà thờ nhỏ cách nhà thờ chính xứ khỏang 2 cây số. Thánh Lễ Chúa Nhật và các ngày lễ lớn, chúng tôi phải tập trung về nhà thờ chính. Chặng Đàng Thánh Giá mỗi năm phải đổi hướng đi đến một giáo họ khác, cho có sự phân chia công bằng giữa 2 giáo họ.
Ngày ăn chay thứ Sáu Tuần Thánh năm đó, ông Hịu ở khu tôi đóng vai thằng quỉ đi cám dỗ Chúa và dân thành. Người ta trang điểm cho ông giống hệt như thằng qủi, đầu thì đội cái mũ có gắn cặp sừng, mặt bôi lọ nồi đen bóng, ở trần, đóng khố, ông cầm cái đòng 3 chĩa vừa đi, vừa nhảy múa tưng tưng trước đoàn người, trông rất dữ tợn.
Vì đóng khố, nên trong lúc ông Hịu nhảy, cái khố lỏng ra, Củ Từ của ông cứ thập thò ra ngoài cái khố. Chúng tôi trông thấy nó, nên cười như nắc nẻ, ông thấy chúng tôi cười to, ông tưởng là mình diễn hay, nên càng nhảy hăng. Càng nhảy hăng, thì cái “Củ Từ” càng thập thò mạnh ra ngoài. Chúng tôi lại càng cười bạo. Chiều hôm đó, có người về mách bà Hịu. Tôi nghe nói, lúc ông về nhà, bị bà xã dũa cho một trận te tua. Ông Hịu có thằng con tên là Hiu học cùng lớp với tôi. Về sau mỗi khi đi học, chúng tôi hay trêu chọc nó, vì điển tích của bố nó. Chúng tôi đặt cho nó cái tên hỗn danh là “Hiu Củ Từ”.
Mỗi lần đi Chặng Đàng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh, thì HĐGX cắt cử các đoàn thể sắp xếp và chuẩn bị đầy đủ các trang cụ sẵn sàng. Cha chủ sự, ca đoàn và ban chiêng, trống được xuống kênh, ngồi trên những chiếc xuồng, chèo theo đoàn rước và hướng dẫn đoàn rước, với hệ thống loa và âm thanh đem theo.
Ba hồi chiêng trống bắt đầu vang lên từ trên xuồng. Hoạt cảnh quan Phi La Tô xử án Chúa được diễn ra.
Đoàn Liên Minh Thánh Tâm và đoàn Thanh Niên cử các diễn viên đóng vai quân dữ và quan Phong-Xi- Ô-Philatô, hội Gia Trưởng chọn một ông thuộc họ nhà xứ làm diễn viên đóng vai Chúa Giêsu mặc áo đỏ, được quân dữ trói, điệu ra dinh quan trấn, nơi bậc thềm tam cấp trên cao ở cuối nhà thờ, dùng làm toà án. Một màn kịch ngắn xử án Chúa tại dinh quan Philatô. Chúa Giêsu bị kết án tử hình. Quan truyền lệnh phải đóng đinh treo trên thập tự.
Kết thúc bản án, quân lính đội lên đầu cho Chúa một mạo gai tròn, làm bằng cành găng có gai.
Ca Đoàn bắt đầu cất hát bài Thánh Ca:
Lạy Chúa con đường nào Chúa đã đi qua,
Con đường nào Ngài ra pháp trường
Lạy Chúa xin cho con đóng đinh với Ngài,
Xin cho con cùng chết Ngài, để được sống với Ngài trong vinh quang
Thì quân dữ bắt đầu dẫn Chúa xuống bậc thềm nhà thờ, rồi lôi kéo Chúa đi ra tới chỗ có cây Thánh Giá chặng thứ I đã được dựng sẵn. Các chặng đàng có cắm dấu thứ tự dọc trên con đường theo hai bên bờ kênh. Các ông đóng vai quân lính cho hạ cây Thánh Giá xuống, bắt Chúa Giêsu vác đi.
Cuộc vác thánh giá như thật được diễn tiến theo các bài đọc trong Kinh Thánh. Khi cha chủ sự và ban phụng vụ đi đò dưới kênh đọc và suy gẫm tới đâu, thì những diễn viên và giáo dân đi trên đường làm theo như vậy. Chặng đàng nào Chúa vác Thánh Giá bị té, thì diễn viễn cũng phải té theo. Đi trên đường, có cả diễn viễn đóng vai ông Simon, sớ rớ đến gần đấy coi, bị quân lính thộp cổ, đẩy vào vác thánh giá đỡ Chúa Giêsu. Một nhóm các bà trong hội Các Bà Mẹ đóng vai dân thành Giêrusalem than khóc khi Chúa đi qua.
Nhiều người bên lương thờ ông bà, ở chung quanh làng, cũng kéo nhau ra xem. Lúc bấy giờ, chúng tôi cứ tưởng như mình là dân Do Thái đang đứng xem một cảnh xử án thật.
Tôi còn nhớ năm đó ông Chưởng thuộc họ nhà xứ đóng vai Chúa Giêsu. Vì phải đóng vai nhân vật chính quan trọng, nên vào trước lúc trưa hôm đó, ông Chưởng chuẩn bị cẩn thận, ăn uống no nê, để khi diễn xuất vác thánh giá trên đường dài không bị mệt và đỡ đói.
Muốn cho tinh thần thêm phấn chấn. Bố Chưởng nhà ta uống thêm 2 ly xây chừng rượu đế cho hăng tiết vịt và lên tinh thần. Tuần Thánh ở VN thường bắt đầu vào mùa hè nên rất nóng nẩy. Trên đường vác thập giá, ông Chưởng khát nước và xin nước uống lia chia, nhưng lại không dám đi xả.
Hôm đó, lúc đến chặng thánh giá cuối, ông Giêsu Chưởng bị quân Do Thái cột dây hai tay, hai chân và bụng.
Họ giả bộ đóng đinh ông, rồi treo ông lên trên Thánh Giá. Lúc đó ông Giêsu Chưởng khá thấm mệt và mặt mày hơi choáng váng, xanh lè.
Khi Thánh Giá vừa dựng, treo ông lên cao được chừng vài chục phút, thì ông cảm thấy khó chịu buồn nôn.
Trong lúc đó các bà đóng vai Mẹ Maria, Madalena và..v.v…đang kéo nhau, quì ôm chân thánh giá khóc than Chúa thảm thiết. Ông Chưởng không biết phải làm sao để kêu các bà tránh ra xa cho ông ói một cái. Ông cố nín, nhưng không được nữa, đành phải giả giọng Chúa Giêsu phán ra một câu thật lớn:
“Các con hãy giang xa ra, kẻo mọi sự khốn khó sẽ đổ trên đầu các con”
Các bà đang than khóc dưới chân Thánh Giá mùi mẫm, nghe thấy Chúa Giêsu Chưởng phán vậy, thì nghĩ rằng ông đang diễn theo lời Chúa, nên các bà lại càng hăng hái khóc to và đáp trả, lạy Thầy:
“Dù có phải chịu trăm ngàn sự khốn khó, chúng con vẫn ở bên Thầy”.
Ông Giêsu Chưởng không còn nín được nữa, choáng váng mặt mày, ông ói mửa và phun tùm lum xuống trên đầu các bà. Thế là các bà lãnh đủ một màn mưa, phun châu nhả ngọc của ông Chưởng với những thức ăn chua léc đầy đầu.
Các ông đóng vai quân Do Thái đứng gác gần đó, mặt mày đang hầm hầm sát khí, thấy vậy phải vội vã chạy lại hạ thánh giá, tháo đinh và gỡ dây cột cho ông Chưởng ngay tức khắc. Những giáo dân đang đứng chung quanh xem cũng tái mặt, rồi tức giận.
Ông Chưởng thoát khỏi cây thập tự, trốn về nhà biệt tăm. Từ đàng xa, có những bà tức quá nên phát biểu: “Đã biết mình đóng vai quan trọng như thế, mà còn nốc cho đẫy vào”.
Sau Chúa Nhật Phục Sinh ông Chưởng đã bị nhiều người nói này, nói kia. Cha Xứ phải lên tiếng trong nhà thờ, để dẹp tan dư luận. Những năm kế tiếp Ban Hành Giáo phải chọn người rất cẩn thận.
Xin được kể tiếp, đến phần cuối, kết thúc chặng đàng thánh giá là phần phụng vụ tháo đinh táng xác. Hội Đồng Giáo Xứ đã dựng sẵn Thánh Giá có tượng Chúa, được phủ màn tím, phía bên trong nơi cuối nhà thờ. Khi phụng vụ đọc đến đoạn sách tháo đinh thì các ông đóng vai: Thánh Giuse, Gioan, Nicôđêmô vác thang đến, leo lên tháo đinh, hạ xác Chúa xuống, đặt trên một cái bàn phủ khăn trắng. Trong khi tượng Chúa đang được tẩm liệm, thì 12 đạo tùy khiêng quan tài đến và họ đặt tượng Chúa vào trong quan tài, kiệu đám tang ra ngoài, đi chung quanh khuôn viên nhà thờ với giáo dân cầm đèn đuốc trên tay, thắp sáng trưng cả khu vực rước. Khi quan tài đi hết một vòng ngoài nhà thờ, thì được di chuyển vào bên trong thánh đường đến mồ huyệt đã làm sẵn, an táng Chúa trong đó. Nắp quan tài của Chúa được mở ra cho giáo dân chiêm ngắm và trốc quan tài phía dưới chân của Chúa cũng được mở ra để mọi người đến kính viếng và hôn chân.
Bên trong quan tài, người ta trải nẻ rang rất thơm, bằng bắp nổ trắng, đổ chung quanh xác Chúa và rất nhiều nẻ nơi phía chân Chúa đang nằm.
Trong mồ huyệt, hai bên quan tài có 2 chỗ cho nhóm các bà than hang đá, ngồi ngâm nga, hát ê! a! khóc than Chúa theo điệu hát quan họ Bắc Ninh. Bên kia quan tài là nhóm các ông trong hội Bát Âm, ngồi thổi kèn tàu, kéo đàn nhị và thổi sáo theo cung điệu than khóc của các bà, thật não nề, thảm thương. Giáo dân thứ tự sắp hàng, theo nhau lên hôn chân Chúa.
Lần đầu tiên, tôi hôn chân Chúa, mẹ tôi dắt tay tôi sắp hàng và đẩy tôi lên theo sau đoàn người. Tôi cảm thấy sợ sợ, nhưng khi tôi thấy chúng bạn cùng sắp hàng đi lên, tôi vững bụng đi lên theo. Khi đến gần, thấy chân Chúa có máu, tôi sợ, mếu máo khóc.
Mẹ tôi an ủi, bà nói: Có gì đâu mà sợ, chân Chúa bằng gỗ mà. Tôi vừa run, vừa hôn chân Chúa, Mẹ tôi chỉ cách cho tôi bốc nẻ.
Sau đó bà bốc cho tôi thêm hai nắm nữa, thế là tôi có thêm rất nhiều nẻ, vì tay Mẹ tôi to hơn tay tôi. Thấy bạn bè cùng trang lứa, đứa nào khi lên hôn chân Chúa cũng bốc được đầy 2 bàn tay nẻ, ra ngoài nhồm nhoằn đứng ăn khoái chí.
Khi hôn chân Chúa xong, tôi đi ra ngoài, có nẻ trên tay, tôi vui vẻ ăn hết, rồi bạo dạn làm màn U Turn sắp hàng theo bạn bè lên hôn chân Chúa tiếp, mục đích để bốc nẻ.
Lúc này tôi đã quen và mạnh dạn hơn, không cần mẹ tôi đẩy tôi lên nữa, mà tự tôi sắp hàng đi lên, giống như những đứa bé đạo đức khác.
Mấy năm sau tôi lớn khôn hơn. Cứ đến thứ Sáu Tuần Thánh thì bọn choai choai tụi tôi rủ nhau mặc áo dài đen, (còn gọi là áo chùng thâm) xếp hàng lên hôn chân Chúa để bốc nẻ. Thay vì những năm cũ tôi bốc nẻ, thì năm nay tôi hốt nẻ. Tức là tôi xếp hàng, đi vào gần đến sát quan tài Chúa, tôi nhanh chân quì xụp xuống theo kiểu ngồi chèo đò, lết vào sát chân Chúa, đưa vạt áo ra, phủ dài trên chân, rồi hai tay tôi đưa ra phía trước, lùa xuống phía dưới chân Chúa, vừa cào, vừa hốt nẻ vào vạt áo dài, nhanh tay túm lại rồi đi ra.
Người lớn, ai mà xếp hàng theo sau chúng tôi, thấy cũng đều phì cười, chẳng còn nguyện ngắm gì được nữa.
Có kẻ lén đi méc ông bà quản, họ rình chúng tôi lên hôn chân Chúa, thấy chúng tôi hốt nẻ. Ông bà quản bất ngờ thò cái roi dài ra, quất vào tay chúng tôi. Bọn tôi co giò, kéo nhau vọt chạy.
Hàng năm cứ vào tối thứ Sáu Tuần Thánh, sau khi táng xác, giáo xứ của chúng tôi tổ chức thi ngắm đứng (còn gọi là ngắm nhân tài).
Các thí sinh khi lên ngắm đứng, phải mặc áo tang, thắt khăn bỏ giọt trắng trên đầu, thể hiện đúng cung cách, ngân nga cho đúng chỗ, bái qùi theo mỗi đoạn ngắm.
Ai bái sai, ngâm sai sẽ bị gõ mõ, trừ điểm.
Ai ngắm đúng sẽ được thưởng một hồi chiêng, trống và giải thưởng là một chồng bánh đa (bánh tráng) 10 cái, với 1 nải chuối sứ.
Giờ đây nghĩ lại! cũng thấy hay và vui! Vui! Thế vậy mà đã trên 50 năm đã trôi qua.
Jo. Vĩnh SA
Gia đình tôi từ Bắc di cư vào Nam năm 1954, định cư trong vùng Bắc Kỳ Công Giáo toàn tòng, cho nên hàng năm, nếu có bất kỳ ngày lễ trọng đại nào, là Hội Đồng Giáo Xứ lại tổ chức rước sách linh đình và diễn lại những hoạt cảnh đúng như các nghi thức phụng vụ trong kinh thánh của ngày lễ ấy, rất là rềnh rang. Đặc biệt nhất là các nghi thức trong Tuần Thánh, đã tạo cho tuổi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ rất nhiều ấn tượng sâu đậm cho đến ngày nay.
Tôi xin được kể ra đây một vài nghi thức trong Tuần Thánh, mà giáo xứ của chúng tôi đã diễn thành những hoạt cảnh sống động, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
Hồi đó vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, Lễ Tiệc Ly và nghi thức Rửa Chân được cử hành. Ban Hành Giáo cắt cử 12 vị đại diện của các giáo họ và các đoàn thể làm tông đồ, thường là các ông từ 50 tuổi trở lên. Những giáo dân ở vào tuổi lưng mưng hay bậc trung niên thường bàn tán, chế diễu các cụ. Nào là cụ này chân thơm, cụ kia chân hôi.
Có một chàng thanh niên phát biểu một câu: “Tớ mà được làm tông đồ, tớ sẽ đi ra ruộng lội bùn, rồi đưa chân cho cha rửa mới đã”.
Nói chơi, thì nói như vậy thôi; Chứ tôi thấy bất cứ ai được đề cử làm tông đồ, cũng lo lắng tắm táp và rửa chân cho thật sạch, có khi rửa đến năm lần, bảy lượt trước khi đi lễ.
Ông quản Mừng ở kế bên nhà tôi, được Ban Hành Giáo đề cử làm tông đồ. Trước Chúa Nhật Lễ Lá, tôi nghe lén được, ông Mừng bắt bà nhà đi chợ, mua cho ông một lố xà bông hiệu Cô Ba. Bà Mừng nói: Cái ông ranh này, sao mà kỳ này lại dở chứng, cứ bắt mình phải đi mua xà bông cho bằng được, để làm cái gì? Mãi về sau có người mách lẻo, cho biết ông nhà được đề cử làm tông đồ. Bà Mừng mới té ngửa ra, là ông phải lo lắng rửa chân cho sạch để đi làm tông đồ. À! Thì ra là thế….Hồi đó xà bông nhãn hiệu Cô Ba có tiếng là thơm nhất miền Nam Việt Nam.
Đó quí vị thấy chưa? Hễ ai nhận việc gì trước công chúng, thì cũng phải lo lắng cho việc đó ngay!
Ngày thứ Năm Tuần Thánh, tôi thấy Ban Hành Giáo làm một chồng bánh dầy và một con chiên bự, nhìn giống như con chiên thật, trần trụi, được nặn bằng cơm nếp mật, sau đó người ta lấy từng cụm bông gòn gắn vào khắp mình, cho nó giống như một bộ lông xù trắng tinh, trông rất đẹp. Trên đầu con chiên có hai cái xừng làm bằng hai củ khoai mì dài. Con chiên này được dùng cho ngày lễ sát tế chiên vượt qua,
Trong lúc cử hành Thánh Lễ, khi đọc đến đoạn phúc âm Lễ Vượt Qua, thì một số người đã được cắt cử lên giết chiên, xẻ thịt ra ăn. Lúc đó chúng tôi còn nhỏ phải ngồi vào chỗ đoàn thể Nghĩa Binh rất gần gian cung thánh, nên được chứng kiến rõ sự lạ này, chúng tôi cứ tủm tỉm cười. Có đứa cười to, đã bị ông bà quản quất cho mấy roi tre, đau quắn cả người.
Sau nghi thức rửa chân, là cuộc tung hoa rước Thánh Thể đến các nhà tạm được thiết kế thật lộng lẫy, dựng trên con đường kiệu chung quanh khuôn viên nhà thờ, với đèn đuốc sáng trưng.
Các giáo họ và các đoàn thể thứ tự phân chia, thay phiên chầu lượt suốt đêm.
Ngoài các giờ chầu, bọn trẻ chúng tôi kéo nhau ra ngoài, tụm năm túm ba lại, nói chuyện đùa giỡn với nhau tới khuya vẫn chưa muốn về.
Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày phụng vụ dài nhất. Khoảng 1 giờ chiều, bố mẹ chúng tôi đã hối chúng tôi chuẩn bị đi đến nhà thờ, cách nhà tôi khỏang 2 cây số để tham dự chặng Thánh Giá.
Xin được lược qua vị trí Nhà Thờ của giáo xứ chúng tôi, để quí vị hiểu khái quát. Địa thế giáo xứ của chúng tôi năm dọc trên một nửa con kênh dài khoảng 6 cây số. Hai bên bờ kênh có hai con đường và nhà dân chúng ở kế ngay sát mặt đường, mổi nhà cách nhau khỏang 30 mét. Nhà thờ chính ờ giữa, hai nhà thờ nhỏ của hai giáo họ ở cách xa hai bên nhà thờ chính. Mỗi nhà thờ nhỏ cách nhà thờ chính xứ khỏang 2 cây số. Thánh Lễ Chúa Nhật và các ngày lễ lớn, chúng tôi phải tập trung về nhà thờ chính. Chặng Đàng Thánh Giá mỗi năm phải đổi hướng đi đến một giáo họ khác, cho có sự phân chia công bằng giữa 2 giáo họ.
Ngày ăn chay thứ Sáu Tuần Thánh năm đó, ông Hịu ở khu tôi đóng vai thằng quỉ đi cám dỗ Chúa và dân thành. Người ta trang điểm cho ông giống hệt như thằng qủi, đầu thì đội cái mũ có gắn cặp sừng, mặt bôi lọ nồi đen bóng, ở trần, đóng khố, ông cầm cái đòng 3 chĩa vừa đi, vừa nhảy múa tưng tưng trước đoàn người, trông rất dữ tợn.
Vì đóng khố, nên trong lúc ông Hịu nhảy, cái khố lỏng ra, Củ Từ của ông cứ thập thò ra ngoài cái khố. Chúng tôi trông thấy nó, nên cười như nắc nẻ, ông thấy chúng tôi cười to, ông tưởng là mình diễn hay, nên càng nhảy hăng. Càng nhảy hăng, thì cái “Củ Từ” càng thập thò mạnh ra ngoài. Chúng tôi lại càng cười bạo. Chiều hôm đó, có người về mách bà Hịu. Tôi nghe nói, lúc ông về nhà, bị bà xã dũa cho một trận te tua. Ông Hịu có thằng con tên là Hiu học cùng lớp với tôi. Về sau mỗi khi đi học, chúng tôi hay trêu chọc nó, vì điển tích của bố nó. Chúng tôi đặt cho nó cái tên hỗn danh là “Hiu Củ Từ”.
Mỗi lần đi Chặng Đàng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh, thì HĐGX cắt cử các đoàn thể sắp xếp và chuẩn bị đầy đủ các trang cụ sẵn sàng. Cha chủ sự, ca đoàn và ban chiêng, trống được xuống kênh, ngồi trên những chiếc xuồng, chèo theo đoàn rước và hướng dẫn đoàn rước, với hệ thống loa và âm thanh đem theo.
Ba hồi chiêng trống bắt đầu vang lên từ trên xuồng. Hoạt cảnh quan Phi La Tô xử án Chúa được diễn ra.
Đoàn Liên Minh Thánh Tâm và đoàn Thanh Niên cử các diễn viên đóng vai quân dữ và quan Phong-Xi- Ô-Philatô, hội Gia Trưởng chọn một ông thuộc họ nhà xứ làm diễn viên đóng vai Chúa Giêsu mặc áo đỏ, được quân dữ trói, điệu ra dinh quan trấn, nơi bậc thềm tam cấp trên cao ở cuối nhà thờ, dùng làm toà án. Một màn kịch ngắn xử án Chúa tại dinh quan Philatô. Chúa Giêsu bị kết án tử hình. Quan truyền lệnh phải đóng đinh treo trên thập tự.
Kết thúc bản án, quân lính đội lên đầu cho Chúa một mạo gai tròn, làm bằng cành găng có gai.
Ca Đoàn bắt đầu cất hát bài Thánh Ca:
Lạy Chúa con đường nào Chúa đã đi qua,
Con đường nào Ngài ra pháp trường
Lạy Chúa xin cho con đóng đinh với Ngài,
Xin cho con cùng chết Ngài, để được sống với Ngài trong vinh quang
Thì quân dữ bắt đầu dẫn Chúa xuống bậc thềm nhà thờ, rồi lôi kéo Chúa đi ra tới chỗ có cây Thánh Giá chặng thứ I đã được dựng sẵn. Các chặng đàng có cắm dấu thứ tự dọc trên con đường theo hai bên bờ kênh. Các ông đóng vai quân lính cho hạ cây Thánh Giá xuống, bắt Chúa Giêsu vác đi.
Cuộc vác thánh giá như thật được diễn tiến theo các bài đọc trong Kinh Thánh. Khi cha chủ sự và ban phụng vụ đi đò dưới kênh đọc và suy gẫm tới đâu, thì những diễn viên và giáo dân đi trên đường làm theo như vậy. Chặng đàng nào Chúa vác Thánh Giá bị té, thì diễn viễn cũng phải té theo. Đi trên đường, có cả diễn viễn đóng vai ông Simon, sớ rớ đến gần đấy coi, bị quân lính thộp cổ, đẩy vào vác thánh giá đỡ Chúa Giêsu. Một nhóm các bà trong hội Các Bà Mẹ đóng vai dân thành Giêrusalem than khóc khi Chúa đi qua.
Nhiều người bên lương thờ ông bà, ở chung quanh làng, cũng kéo nhau ra xem. Lúc bấy giờ, chúng tôi cứ tưởng như mình là dân Do Thái đang đứng xem một cảnh xử án thật.
Tôi còn nhớ năm đó ông Chưởng thuộc họ nhà xứ đóng vai Chúa Giêsu. Vì phải đóng vai nhân vật chính quan trọng, nên vào trước lúc trưa hôm đó, ông Chưởng chuẩn bị cẩn thận, ăn uống no nê, để khi diễn xuất vác thánh giá trên đường dài không bị mệt và đỡ đói.
Muốn cho tinh thần thêm phấn chấn. Bố Chưởng nhà ta uống thêm 2 ly xây chừng rượu đế cho hăng tiết vịt và lên tinh thần. Tuần Thánh ở VN thường bắt đầu vào mùa hè nên rất nóng nẩy. Trên đường vác thập giá, ông Chưởng khát nước và xin nước uống lia chia, nhưng lại không dám đi xả.
Hôm đó, lúc đến chặng thánh giá cuối, ông Giêsu Chưởng bị quân Do Thái cột dây hai tay, hai chân và bụng.
Họ giả bộ đóng đinh ông, rồi treo ông lên trên Thánh Giá. Lúc đó ông Giêsu Chưởng khá thấm mệt và mặt mày hơi choáng váng, xanh lè.
Khi Thánh Giá vừa dựng, treo ông lên cao được chừng vài chục phút, thì ông cảm thấy khó chịu buồn nôn.
Trong lúc đó các bà đóng vai Mẹ Maria, Madalena và..v.v…đang kéo nhau, quì ôm chân thánh giá khóc than Chúa thảm thiết. Ông Chưởng không biết phải làm sao để kêu các bà tránh ra xa cho ông ói một cái. Ông cố nín, nhưng không được nữa, đành phải giả giọng Chúa Giêsu phán ra một câu thật lớn:
“Các con hãy giang xa ra, kẻo mọi sự khốn khó sẽ đổ trên đầu các con”
Các bà đang than khóc dưới chân Thánh Giá mùi mẫm, nghe thấy Chúa Giêsu Chưởng phán vậy, thì nghĩ rằng ông đang diễn theo lời Chúa, nên các bà lại càng hăng hái khóc to và đáp trả, lạy Thầy:
“Dù có phải chịu trăm ngàn sự khốn khó, chúng con vẫn ở bên Thầy”.
Ông Giêsu Chưởng không còn nín được nữa, choáng váng mặt mày, ông ói mửa và phun tùm lum xuống trên đầu các bà. Thế là các bà lãnh đủ một màn mưa, phun châu nhả ngọc của ông Chưởng với những thức ăn chua léc đầy đầu.
Các ông đóng vai quân Do Thái đứng gác gần đó, mặt mày đang hầm hầm sát khí, thấy vậy phải vội vã chạy lại hạ thánh giá, tháo đinh và gỡ dây cột cho ông Chưởng ngay tức khắc. Những giáo dân đang đứng chung quanh xem cũng tái mặt, rồi tức giận.
Ông Chưởng thoát khỏi cây thập tự, trốn về nhà biệt tăm. Từ đàng xa, có những bà tức quá nên phát biểu: “Đã biết mình đóng vai quan trọng như thế, mà còn nốc cho đẫy vào”.
Sau Chúa Nhật Phục Sinh ông Chưởng đã bị nhiều người nói này, nói kia. Cha Xứ phải lên tiếng trong nhà thờ, để dẹp tan dư luận. Những năm kế tiếp Ban Hành Giáo phải chọn người rất cẩn thận.
Xin được kể tiếp, đến phần cuối, kết thúc chặng đàng thánh giá là phần phụng vụ tháo đinh táng xác. Hội Đồng Giáo Xứ đã dựng sẵn Thánh Giá có tượng Chúa, được phủ màn tím, phía bên trong nơi cuối nhà thờ. Khi phụng vụ đọc đến đoạn sách tháo đinh thì các ông đóng vai: Thánh Giuse, Gioan, Nicôđêmô vác thang đến, leo lên tháo đinh, hạ xác Chúa xuống, đặt trên một cái bàn phủ khăn trắng. Trong khi tượng Chúa đang được tẩm liệm, thì 12 đạo tùy khiêng quan tài đến và họ đặt tượng Chúa vào trong quan tài, kiệu đám tang ra ngoài, đi chung quanh khuôn viên nhà thờ với giáo dân cầm đèn đuốc trên tay, thắp sáng trưng cả khu vực rước. Khi quan tài đi hết một vòng ngoài nhà thờ, thì được di chuyển vào bên trong thánh đường đến mồ huyệt đã làm sẵn, an táng Chúa trong đó. Nắp quan tài của Chúa được mở ra cho giáo dân chiêm ngắm và trốc quan tài phía dưới chân của Chúa cũng được mở ra để mọi người đến kính viếng và hôn chân.
Bên trong quan tài, người ta trải nẻ rang rất thơm, bằng bắp nổ trắng, đổ chung quanh xác Chúa và rất nhiều nẻ nơi phía chân Chúa đang nằm.
Trong mồ huyệt, hai bên quan tài có 2 chỗ cho nhóm các bà than hang đá, ngồi ngâm nga, hát ê! a! khóc than Chúa theo điệu hát quan họ Bắc Ninh. Bên kia quan tài là nhóm các ông trong hội Bát Âm, ngồi thổi kèn tàu, kéo đàn nhị và thổi sáo theo cung điệu than khóc của các bà, thật não nề, thảm thương. Giáo dân thứ tự sắp hàng, theo nhau lên hôn chân Chúa.
Lần đầu tiên, tôi hôn chân Chúa, mẹ tôi dắt tay tôi sắp hàng và đẩy tôi lên theo sau đoàn người. Tôi cảm thấy sợ sợ, nhưng khi tôi thấy chúng bạn cùng sắp hàng đi lên, tôi vững bụng đi lên theo. Khi đến gần, thấy chân Chúa có máu, tôi sợ, mếu máo khóc.
Mẹ tôi an ủi, bà nói: Có gì đâu mà sợ, chân Chúa bằng gỗ mà. Tôi vừa run, vừa hôn chân Chúa, Mẹ tôi chỉ cách cho tôi bốc nẻ.
Sau đó bà bốc cho tôi thêm hai nắm nữa, thế là tôi có thêm rất nhiều nẻ, vì tay Mẹ tôi to hơn tay tôi. Thấy bạn bè cùng trang lứa, đứa nào khi lên hôn chân Chúa cũng bốc được đầy 2 bàn tay nẻ, ra ngoài nhồm nhoằn đứng ăn khoái chí.
Khi hôn chân Chúa xong, tôi đi ra ngoài, có nẻ trên tay, tôi vui vẻ ăn hết, rồi bạo dạn làm màn U Turn sắp hàng theo bạn bè lên hôn chân Chúa tiếp, mục đích để bốc nẻ.
Lúc này tôi đã quen và mạnh dạn hơn, không cần mẹ tôi đẩy tôi lên nữa, mà tự tôi sắp hàng đi lên, giống như những đứa bé đạo đức khác.
Mấy năm sau tôi lớn khôn hơn. Cứ đến thứ Sáu Tuần Thánh thì bọn choai choai tụi tôi rủ nhau mặc áo dài đen, (còn gọi là áo chùng thâm) xếp hàng lên hôn chân Chúa để bốc nẻ. Thay vì những năm cũ tôi bốc nẻ, thì năm nay tôi hốt nẻ. Tức là tôi xếp hàng, đi vào gần đến sát quan tài Chúa, tôi nhanh chân quì xụp xuống theo kiểu ngồi chèo đò, lết vào sát chân Chúa, đưa vạt áo ra, phủ dài trên chân, rồi hai tay tôi đưa ra phía trước, lùa xuống phía dưới chân Chúa, vừa cào, vừa hốt nẻ vào vạt áo dài, nhanh tay túm lại rồi đi ra.
Người lớn, ai mà xếp hàng theo sau chúng tôi, thấy cũng đều phì cười, chẳng còn nguyện ngắm gì được nữa.
Có kẻ lén đi méc ông bà quản, họ rình chúng tôi lên hôn chân Chúa, thấy chúng tôi hốt nẻ. Ông bà quản bất ngờ thò cái roi dài ra, quất vào tay chúng tôi. Bọn tôi co giò, kéo nhau vọt chạy.
Hàng năm cứ vào tối thứ Sáu Tuần Thánh, sau khi táng xác, giáo xứ của chúng tôi tổ chức thi ngắm đứng (còn gọi là ngắm nhân tài).
Các thí sinh khi lên ngắm đứng, phải mặc áo tang, thắt khăn bỏ giọt trắng trên đầu, thể hiện đúng cung cách, ngân nga cho đúng chỗ, bái qùi theo mỗi đoạn ngắm.
Ai bái sai, ngâm sai sẽ bị gõ mõ, trừ điểm.
Ai ngắm đúng sẽ được thưởng một hồi chiêng, trống và giải thưởng là một chồng bánh đa (bánh tráng) 10 cái, với 1 nải chuối sứ.
Giờ đây nghĩ lại! cũng thấy hay và vui! Vui! Thế vậy mà đã trên 50 năm đã trôi qua.
Jo. Vĩnh SA