Chút Tâm Tình Sống Mùa Vọng

Niên lịch Phụng Vụ lại mở sang một trang mới. Một năm cũ kết thúc và năm mới lại bắt đầu. Cái bầu khí kết thúc năm cũ và khởi đầu năm mới của niên lịch Phụng vụ duờng như không mấy rộn ràng và đầy vẻ hoành tráng như biến cố chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới theo Dương Lịch hay Âm lịch. Duới góc nhìn “thánh thiêng” của tình cảm thuần tuý, thì Kitô hữu nói chung, ít có người có được cảm xúc “thiêng liêng” trong dịp khởi đầu một năm mới theo niên lịch Phụng vụ, dĩ nhiên không kể các tập thể Chủng Viện, Tu Viện…là những nơi được các nhà đào tạo quan tâm tổ chức đêm canh thức, buổi cầu nguyện, giờ chầu sám hối, hay giờ thánh… Phải chân thành thú nhận rằng cái bầu khí khởi đầu niên lịch Phụng vụ vẫn còn thiếu chút gì đó thâm sâu, thiêng thánh nếu không muốn so sánh với phút giao thừa hay đón năm mới Dương Lịch hay Âm Lịch và nếu so với thời điểm đầu Mùa Chay (Thứ Tư Lễ Tro) thì cũng còn kém và thiếu nhiều điều bên ngoài lẫn cả bên trong.

Một Thánh Lễ Chúa Nhật, phẩm phục màu tím, không có “bài ca Vinh Danh” cùng với sự đơn sơ trong việc trang trí bàn thờ…chắc hẳn chưa đủ gây được cảm xúc hay tâm tình thiêng sâu cho người tham dự nếu nhìn và xét từ bên ngoài. Nhưng dẫu sao đi nữa thì Mùa Vọng vẫn đã lại về. Với tiết trời tự nhiên, ở nhiều nước, đặc biệt các nước vùng ôn đới, quảng thời gian một năm được phân thành bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Những từ xuân, hạ, thu, đông là những từ quy ước. Còn các từ của những mùa theo niên lịch Phụng vụ lại mang một ý nghĩa nào đó. Chẳng hạn Mùa Chay là mùa nhấn mạnh đến việc chay tịnh, sám hối để chuẩn bị lòng tín hữu đón nhận các mầu nhiệm trong cuộc khổ nạn thương khó của Đức Kitô. Mùa Vọng là mùa mong chờ Chúa đến. Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai đã đến thế gian cách đây hơn hai ngàn năm. Kitô hữu đã tin nhận chân lý này. Thế sao còn phải chờ mong Chúa đến?

“Trời cao hãy đổ sương xuống…” Trong mùa Vọng, Hội Thánh dạy đoàn con sống hai tâm tình. Tâm tình đầu tiên là hiệp với dân Chúa xưa sống niềm mong đợi Đấng Thiên Sai và tâm tình thứ hai là sống niềm đợi trông Chúa Kitô lại đến trong vinh quang.

Hiệp với dân Chúa xưa sống niềm mong đợi:

dân Chúa xưa vốn ý thức và xác tín rằng họ là dân được Chúa tuyển chọn. Ý thức mình là dân được Chúa tuyển chọn, thế mà thực tế lịch sử của dân tộc rất hiếm trang sử màu hồng mà quá nhiều trang sử màu xám xịt. Vừa hết làm tôi Ai Cập thì long đong thời lập quốc với bao cuộc chiến. Lập quốc ổn định chưa bao lâu thì lại bị phân chia, rồi làm nô lệ các đế quốc Assyri, Babilon, Ba tư, Hy Lạp, La mã. dân Chúa xác tín rằng không phải do sức mạnh của quân ngoại bang, nhưng do chính tội lỗi của họ, nhất là tội bất trung với Thiên Chúa nên họ phải hứng chịu những tai ương khốn khó, cảnh lầm than của kiếp đời nô lệ. Và thế là họ luôn khát khao mong chờ, đúng hơn là luôn kêu cầu Chúa đến cứu độ giải thoát. Họ tin rằng Chúa hằng luôn tín thành với lời đã hứa cùng các tổ phụ cha ông, Chúa sẽ gửi Đấng Thiên Sai đến giải thoát họ khi họ biết sám hối ăn năn. Các Ngôn sứ là những người gieo rắc niềm tin này, đồng thời thanh luyện niềm tin ấy. Đấng Thiên Sai sẽ đến không chỉ giải thoát dân khỏi ách nô lệ theo chiều kích chính trị mà còn giải thoát dân khỏi ách nô lệ thần dữ.

Lạy Chúa, xin hãy xé trời mà ngự xuống. Lạy Chúa, xin phục hồi chúng con… Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa và ban ơn cứu độ cho chúng con. Chúng con là loài sành sứ, Chúa là người thợ gốm. Chúa đã làm ra chúng con thì Chúa sẽ không bỏ rơi chúng con. Ngôn sứ Isaia thân thưa với Chúa lời cầu xin và cũng là lời tuyên tín rằng Chúa sẽ sai Đấng cứu độ đến giải thoát dân Người.

Cùng hiệp thông với niềm mong đợi của dân Chúa xưa, Kitô hữu chúng ta hôm nay và mọi thời muốn khẳng định rằng Đức Giêsu Kitô chính là Đấng Thiên Sai, đã đến thế gian cách đây hơn hai ngàn năm. Và chúng ta sẽ long trọng cử hành đại lễ mừng Người Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12. Khi tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Độ, thì chúng ta cũng tuyên xưng rằng chỉ có Người mới ban sự sống đời đời cho nhân loại chúng ta, chỉ có Lời của Người mới dẫn đưa chúng ta đến chân lý, đến hạnh phúc đích thực.

Đợi trông Chúa Kitô lại đến trong vinh quang:

Với Kitô hữu trưởng thành thì có đó chút gì nghịch lý giữa lời tuyên xưng đức tin và hiện thực cuộc sống cũng như tâm lý thường tình của kiếp nhân sinh. Mong chờ Chúa Kitô lại đến trong vinh quang nghĩa là hướng lòng về cái ngày tận cùng của thế giới và qua đó nhớ đến ngày mình sẽ giả từ trần gian. Trong đức tin thì ai ai cũng mong gặp Chúa, mong được rỗi linh hồn, được lên thiên đàng, thế nhưng nếu hỏi rằng có muốn lên thiên đàng ngay hôm nay, giờ này không, thì có lẽ chỉ có một số người già yếu bệnh tật mới trả lời dứt khoát là muốn ngay. Còn với đại đa số tín hữu thì vẫn muốn nhưng lại thầm xin Chúa hãy cứ từ từ, xin Người hãy khoan đến ngay bây giờ.

Ít có ai mong muốn tận thế ngay hoặc bản thân lìa đời bây giờ. Vậy làm sao để sống nội hàm lời tuyên xưng đức tin là mong chờ Chúa lại đến. Thiết tưởng không gì hơn là hãy thực thi lời Chúa Kitô truyền dạy đó là nỗ lực kiếm tìm lương thực cho sự sống đời đời và thu tích kho tàng ở trên trời, nơi mối mọt không thể gặm nhấm, kẻ trộm không thể đào ngạch lấy mất. Tìm lương thực cho sự sống đời đời là tin vào Đức Giêsu và thực thi lời của Người. Kho tàng trên trời chính là những nghĩa cứ bác ái yêu thương cách riêng dành cho những mãnh đời bất hạnh, cô thế cô thân đang cận kề bên chúng ta (x.Ga 6; Mt 6,19-21; 25,31-46), vì như lời thánh tông đồ dân ngoại mọi sự rồi sẽ qua đi, duy chỉ đức ái mới tồn tại mãi mãi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột