Hãy Đứng Thẳng Và Ngẩng Đầu Lên!
(Chúa Nhật I Mùa Vọng C)
Một năm Phụng vụ mới lại về. Tôi đã từng ví ngày Chúa Nhật I Mùa Vọng như là ngày Tết của đức tin. Với người dân trên hoàn cầu, cách riêng với con dân đất Việt thì những sự kiện, những sứ điệp… trong dịp đầu năm vốn thường mang tính thiêng thánh cách nào đó. Người ta nhận ra điều này qua những tục lệ kiêng cử, kỵ úy hay những tập tục hái lộc, xin xăm…Tín hữu Công Giáo Việt Nam đã quen với việc hái lộc Lời Chúa dịp đầu xuân dân tộc. Có thể nói rằng các bài trích đọc Lời Chúa trong Chúa Nhật I Mùa Vọng không phải là lộc hái mà chính là lộc ban cho đoàn con cái Chúa Công Giáo. Xin được tuần tự mở lộc để không chỉ xem “Thánh phán” mà nhất là còn để thực thi “Thiên Ý”.
Lời Chúa trong sách ngôn sứ Giêrêmia (Gr 33,14-16): “Sấm ngôn của Đức Chúa: Này sẽ đến những ngày Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Isrsel và về Giuđa…” (33,14). Điều tốt lành mà Thiên Chúa hứa ban đó là sẽ cho mọc lên một Đấng Công Chính. Đấng ấy sẽ giải cứu dân và cho dân được an cư lạc nghiệp bằng các chủ trương, chính sách, luật lệ đầy chính trực và công minh.
Đây là một quẻ tốt, nói như anh em lương dân. Kitô hữu thì khẳng định đó là một tin vui, một sứ điệp tràn trề hy vọng. Thế nhưng cái quẻ ấy, cái sứ điệp ấy đã ứng nghiệm cách đây hơn hai ngàn năm nơi Đức Giêsu Kitô. Vậy còn gì để mong, còn gì để chờ? Xin thưa vẫn còn. Chúa Kitô đã từng hứa rằng “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đấng Công Chính mãi ở cùng nhân loại chúng ta cách huyền nhiệm nơi thánh Phaolô, người đã từng khẳng định: “tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà Chúa Kitô đang sống trong tôi” (Gl 2,20), nơi thánh Gioan Vianey, người được một cụ ông xác nhận trước tòa phong thánh rằng đã thấy Thiên Chúa hiện diện nơi Ngài. Chắc hẳn Chúa Kitô hằng khát mong mỗi người chúng ta góp phần để cho sứ điệp hy vọng ấy được ứng nghiệm trong môi trường, hoàn cảnh và thời đại chúng ta. Mong cho sứ điệp hy vọng được ứng nghiệm là điều tốt, nhưng góp phần làm cho sứ điệp ấy thành hiện thực thì tốt hơn nhiều. Xin đừng quên, mang danh Kitô hữu thì phải có trách vụ làm cho Đức Kitô hiện diện nơi con người và cuộc sống của mình, nghĩa là hãy làm cho mình, cuộc sống của mình trở thành sứ điệp của niềm hy vọng.
Thánh Phaolô tông đồ đã nhìn nhận tình yêu thương, liên đới giữa các tín hữu Thêxalônica. Và Ngài khuyên nhủ họ hãy bền tâm vững chí trong sự thánh thiện, tấn tới nhiều hơn nữa trong việc yêu thương nhau hầu xứng đáng đón chờ Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Các nhà chú giải Thánh Kinh cho ta hay thánh Tông đồ dân ngoại thuở ấy những tưởng rằng Chúa Kitô sắp giáng lâm. Giờ ngày Chúa Kitô tái giáng tức là ngày tận thế thì không một ai có thể biết, ngay cả với Chúa Kitô khi còn tại thế (x.Mc 13,32). Tuy nhiên cái ngày giờ mỗi người chúng ta ra khỏi trần gian này thì có thể lường đoán cách nào đó vì nó có giới hạn. Chúa sẽ đến với anh, với chị, với bạn, với tôi không biết khi nào, nhưng chắc chắn là không quá xa. Vấn đề đặt ra là thái độ của chúng ta khi đón Chúa đến. Và thái độ ấy tùy thuộc vào niềm tin của chúng ta.
Bài trích Tin mừng thánh Luca Chúa Nhật này hé mở cho chúng ta về mục đích việc Chúa lại đến. Chúa đến để cứu độ chúng ta, ban hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Chúa Kitô khẳng định sự thật này: “Khi những biến cố ấy (những điềm lạ của thiên nhiên) bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 28). Chúa đến để ban ân phúc thì sao ta lại hãi sợ? Trái lại, trong niềm tin thì chúng ta phải hân hoan vui mừng. Tuy nhiên cần phải tỉnh thức, canh chừng chớ để vuột mất ân phúc Chúa ban tặng. Đây chính là sứ điệp Chúa Kitô muốn nhắn gửi chúng ta. Người nhắc bảo chúng ta hãy “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, đừng để “ lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” và “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Qua các mệnh lệnh của Chúa Kitô trên đây chúng ta có thể xếp thành hai chuỗi động thái hữu quan như sau:
1.Đứng thẳng: đây là động thái dứt mình khỏi hố sâu tội lỗi, hay những đam mê bất chính mà cụm từ “chè chén say sưa” minh họa. Để có thể đứng thẳng lên, nghĩa là ra khỏi tình trạng tội lỗi thì tiên vàn phải biết mình, một kiểu biết theo ngôn ngữ triết học là phản tỉnh và ngôn ngữ đạo đức là tỉnh thức. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã từng nhận xét rằng cái hiểm họa của con người thời đại hôm nay không phải là phạm nhiều thứ tội mà là không còn ý thức về sự tội. Không ý thức việc mình vấp té thì sẽ không bao giờ có chuyện chỗi dậy. Không biết mình ngã quỵ thì không bao giờ có chuyện đứng lên.
2.Ngẩng đầu lên: Đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả hơn. Thiên Chúa dựng nên mọi sự ở trần gian này đều là tốt đẹp (x. St 1). Tuy nhiên thần dữ đã ma mãnh sử dụng những thiện hảo giới hạn, chóng qua để kìm giữ con người không vuơn lên đến với nguồn của mọi thiện hảo. Là người, chúng ta phải chu toàn những sự ở đời này, nhưng đừng để chúng trói buộc chúng ta không cho chúng ta hướng thượng, bay lên. Chúa Kitô đã từng lập luận kiểu so sánh mạng sống với của ăn, thân thể với áo mặc, để dạy bảo chúng ta phải biết kiếm tìm thiện hảo cao hơn và cao nhất là Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người (x.Mt 6,25-34). Và Người đã cảnh tỉnh rằng nhiều khi chúng ta đã để cho cái việc “lo lắng sự đời” trở nên nguyên cớ khiến chúng ta đánh mất vĩnh phúc.
Để có thể thoát khỏi những ràng buộc của những thiện hảo hữu hạn thì không gì hơn là phải biết ngẩng đầu lên. Cầu nguyện chính là cách thế ngẩng đầu lên, chiêm ngắm, gặp gỡ Đấng là nguồn mọi thiện hảo. Gặp được Đấng ban ơn lành thì chúng ta sẽ dễ dàng tự do với các ơn lành. Tiếp xúc với nguồn hạnh phúc đích thật, vĩnh tồn, thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng tự do với những thiện hảo hữu hạn và chóng qua.
Sứ điệp đầu năm đã tuyên ban hay nói như anh em lương dân là quẻ đã mở. Không phải ngồi chờ quẻ ứng, Kitô hữu chúng ta đón nhận sứ điệp là phải sống, phải gắng công, nỗ lực làm cho sứ điệp thành hiện thực. Đó là đứng dậy ra khỏi tình trạng tội lỗi, ngẩng đầu lên trong sự hướng thượng, vươn tới những giá trị cao cả, để trở nên một dấu chỉ hy vọng cho tha nhân bằng tình yêu trong sự công mình chính trực hay nói như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là bằng “Bác Ái trong Chân Lý”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
(Chúa Nhật I Mùa Vọng C)
Một năm Phụng vụ mới lại về. Tôi đã từng ví ngày Chúa Nhật I Mùa Vọng như là ngày Tết của đức tin. Với người dân trên hoàn cầu, cách riêng với con dân đất Việt thì những sự kiện, những sứ điệp… trong dịp đầu năm vốn thường mang tính thiêng thánh cách nào đó. Người ta nhận ra điều này qua những tục lệ kiêng cử, kỵ úy hay những tập tục hái lộc, xin xăm…Tín hữu Công Giáo Việt Nam đã quen với việc hái lộc Lời Chúa dịp đầu xuân dân tộc. Có thể nói rằng các bài trích đọc Lời Chúa trong Chúa Nhật I Mùa Vọng không phải là lộc hái mà chính là lộc ban cho đoàn con cái Chúa Công Giáo. Xin được tuần tự mở lộc để không chỉ xem “Thánh phán” mà nhất là còn để thực thi “Thiên Ý”.
Lời Chúa trong sách ngôn sứ Giêrêmia (Gr 33,14-16): “Sấm ngôn của Đức Chúa: Này sẽ đến những ngày Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Isrsel và về Giuđa…” (33,14). Điều tốt lành mà Thiên Chúa hứa ban đó là sẽ cho mọc lên một Đấng Công Chính. Đấng ấy sẽ giải cứu dân và cho dân được an cư lạc nghiệp bằng các chủ trương, chính sách, luật lệ đầy chính trực và công minh.
Đây là một quẻ tốt, nói như anh em lương dân. Kitô hữu thì khẳng định đó là một tin vui, một sứ điệp tràn trề hy vọng. Thế nhưng cái quẻ ấy, cái sứ điệp ấy đã ứng nghiệm cách đây hơn hai ngàn năm nơi Đức Giêsu Kitô. Vậy còn gì để mong, còn gì để chờ? Xin thưa vẫn còn. Chúa Kitô đã từng hứa rằng “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Đấng Công Chính mãi ở cùng nhân loại chúng ta cách huyền nhiệm nơi thánh Phaolô, người đã từng khẳng định: “tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà Chúa Kitô đang sống trong tôi” (Gl 2,20), nơi thánh Gioan Vianey, người được một cụ ông xác nhận trước tòa phong thánh rằng đã thấy Thiên Chúa hiện diện nơi Ngài. Chắc hẳn Chúa Kitô hằng khát mong mỗi người chúng ta góp phần để cho sứ điệp hy vọng ấy được ứng nghiệm trong môi trường, hoàn cảnh và thời đại chúng ta. Mong cho sứ điệp hy vọng được ứng nghiệm là điều tốt, nhưng góp phần làm cho sứ điệp ấy thành hiện thực thì tốt hơn nhiều. Xin đừng quên, mang danh Kitô hữu thì phải có trách vụ làm cho Đức Kitô hiện diện nơi con người và cuộc sống của mình, nghĩa là hãy làm cho mình, cuộc sống của mình trở thành sứ điệp của niềm hy vọng.
Thánh Phaolô tông đồ đã nhìn nhận tình yêu thương, liên đới giữa các tín hữu Thêxalônica. Và Ngài khuyên nhủ họ hãy bền tâm vững chí trong sự thánh thiện, tấn tới nhiều hơn nữa trong việc yêu thương nhau hầu xứng đáng đón chờ Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Các nhà chú giải Thánh Kinh cho ta hay thánh Tông đồ dân ngoại thuở ấy những tưởng rằng Chúa Kitô sắp giáng lâm. Giờ ngày Chúa Kitô tái giáng tức là ngày tận thế thì không một ai có thể biết, ngay cả với Chúa Kitô khi còn tại thế (x.Mc 13,32). Tuy nhiên cái ngày giờ mỗi người chúng ta ra khỏi trần gian này thì có thể lường đoán cách nào đó vì nó có giới hạn. Chúa sẽ đến với anh, với chị, với bạn, với tôi không biết khi nào, nhưng chắc chắn là không quá xa. Vấn đề đặt ra là thái độ của chúng ta khi đón Chúa đến. Và thái độ ấy tùy thuộc vào niềm tin của chúng ta.
Bài trích Tin mừng thánh Luca Chúa Nhật này hé mở cho chúng ta về mục đích việc Chúa lại đến. Chúa đến để cứu độ chúng ta, ban hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Chúa Kitô khẳng định sự thật này: “Khi những biến cố ấy (những điềm lạ của thiên nhiên) bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21, 28). Chúa đến để ban ân phúc thì sao ta lại hãi sợ? Trái lại, trong niềm tin thì chúng ta phải hân hoan vui mừng. Tuy nhiên cần phải tỉnh thức, canh chừng chớ để vuột mất ân phúc Chúa ban tặng. Đây chính là sứ điệp Chúa Kitô muốn nhắn gửi chúng ta. Người nhắc bảo chúng ta hãy “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, đừng để “ lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” và “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”. Qua các mệnh lệnh của Chúa Kitô trên đây chúng ta có thể xếp thành hai chuỗi động thái hữu quan như sau:
1.Đứng thẳng: đây là động thái dứt mình khỏi hố sâu tội lỗi, hay những đam mê bất chính mà cụm từ “chè chén say sưa” minh họa. Để có thể đứng thẳng lên, nghĩa là ra khỏi tình trạng tội lỗi thì tiên vàn phải biết mình, một kiểu biết theo ngôn ngữ triết học là phản tỉnh và ngôn ngữ đạo đức là tỉnh thức. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã từng nhận xét rằng cái hiểm họa của con người thời đại hôm nay không phải là phạm nhiều thứ tội mà là không còn ý thức về sự tội. Không ý thức việc mình vấp té thì sẽ không bao giờ có chuyện chỗi dậy. Không biết mình ngã quỵ thì không bao giờ có chuyện đứng lên.
2.Ngẩng đầu lên: Đây là động thái hướng thượng, vươn mình lên tới những giá trị cao cả hơn. Thiên Chúa dựng nên mọi sự ở trần gian này đều là tốt đẹp (x. St 1). Tuy nhiên thần dữ đã ma mãnh sử dụng những thiện hảo giới hạn, chóng qua để kìm giữ con người không vuơn lên đến với nguồn của mọi thiện hảo. Là người, chúng ta phải chu toàn những sự ở đời này, nhưng đừng để chúng trói buộc chúng ta không cho chúng ta hướng thượng, bay lên. Chúa Kitô đã từng lập luận kiểu so sánh mạng sống với của ăn, thân thể với áo mặc, để dạy bảo chúng ta phải biết kiếm tìm thiện hảo cao hơn và cao nhất là Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người (x.Mt 6,25-34). Và Người đã cảnh tỉnh rằng nhiều khi chúng ta đã để cho cái việc “lo lắng sự đời” trở nên nguyên cớ khiến chúng ta đánh mất vĩnh phúc.
Để có thể thoát khỏi những ràng buộc của những thiện hảo hữu hạn thì không gì hơn là phải biết ngẩng đầu lên. Cầu nguyện chính là cách thế ngẩng đầu lên, chiêm ngắm, gặp gỡ Đấng là nguồn mọi thiện hảo. Gặp được Đấng ban ơn lành thì chúng ta sẽ dễ dàng tự do với các ơn lành. Tiếp xúc với nguồn hạnh phúc đích thật, vĩnh tồn, thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng tự do với những thiện hảo hữu hạn và chóng qua.
Sứ điệp đầu năm đã tuyên ban hay nói như anh em lương dân là quẻ đã mở. Không phải ngồi chờ quẻ ứng, Kitô hữu chúng ta đón nhận sứ điệp là phải sống, phải gắng công, nỗ lực làm cho sứ điệp thành hiện thực. Đó là đứng dậy ra khỏi tình trạng tội lỗi, ngẩng đầu lên trong sự hướng thượng, vươn tới những giá trị cao cả, để trở nên một dấu chỉ hy vọng cho tha nhân bằng tình yêu trong sự công mình chính trực hay nói như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI là bằng “Bác Ái trong Chân Lý”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột