Năm 2003 kết thúc với một không khí khá ổn định đối với nền tài chính thế giới.

Nền kinh tế Mỹ có những dấu hiệu phục hồi trở lại. Và các thị trường chứng khoán toàn cầu đã có sự tăng trưởng vào dịp cuối năm, kết thúc vận đen đủi của 3 năm liền thua lỗ.

Thế nhưng vào dịp đầu năm qua, tình hình là rất khác, khi thế giới lúc đó hồi hộp chuẩn bị cho cuộc chiến sắp xảy ra tại Iraq.

Ảnh hưởng của cuộc chiến Iraq

Các thị trường chứng khoán sụt giá mạnh vào giữa tháng Ba. Giới phân tích thì lo nghĩ về những hậu quả của cuộc chiến.

Leo Drollas, kinh tế gia trưởng tại trung tâm nghiên cứu năng lượng toàn cầu, đặc biệt quan ngại về viễn cảnh của việc chấm dứt các lệnh cấm vận đối với Iraq thời hậu Saddam, nhằm cho phép nước này nhanh chóng quay trở lại với các thị trường thế giới.

Theo ông, chuyện này sẽ ảnh hưởng đến giá dầu và sẽ cắt giảm mạnh nguồn thu nhập của các nước xuất khẩu dầu, đặc biệt Arab Saudi.

Ông nói: "Có những vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế Arab Saudi. Họ phụ thuộc rất nặng vào dầu, và chuyện một nước Iraq phục hồi trở lại với một chính phủ dân chủ, nếu so với Arab Saudi vẫn là một chính phủ của giai cấp quí tộc, có thể sẽ làm tăng sự bất ổn tại vùng Vịnh. Trong khi chính phủ Mỹ cho rằng thay đổi tại Iraq sẽ chỉ mang lại điều tốt đẹp, tức là dân chủ cho vùng Vịnh sẽ mở ra nhiều cánh cửa khác, thế nhưng nó có thể sẽ là cội nguồn của mọi vấn đề bất ổn sắp tới".

Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Iraq cũng không gây ra nhiều vấn đề lắm cho thế giới Arab như mọi người đã sợ. Những nỗi lo lắng đó có vẻ bị các nhà đầu tư quên đi khi họ nhìn thấy người Iraq vui mừng hất đổ bức tượng Saddam Hussein.

Tác động kinh tế Mỹ

Đối với người Mỹ, việc tái thiết nền kinh tế và cơ sở hạ tầng Iraq có vẻ như khó khăn hơn so với việc lật đổ ông Saddam Hussein.

Không những thế, việc tái thiết này đè nặng lên vai những người đóng thuế tại Mỹ.

Thâm hụt ngân sách Mỹ giờ đây là khoảng 500 tỉ đôla/năm, tức là bằng khoảng 5% sản lượng cả năm, cao hơn rất nhiều so với con số tại châu Âu.

Những cảnh báo của những người bi quan về việc phục hồi kinh tế Mỹ có vẻ bị lu mờ đi, khi trên thực tế, kinh tế Mỹ phục hồi rất nhanh vào quí Ba.

Những người nghi ngờ thì vẫn quan ngại rằng chuyện phục hồi này có diễn ra trên một nền tảng vững chắc hay không, khi mà nó diễn ra sau khi có những bước gia tăng đột biến chi tiêu của chính phủ và việc giữ mức lãi suất thấp ở mức đáng ngại chỉ có 1%.

Quan hệ kinh tế Âu - Mỹ

Trong khi đó, các nền kinh tế tại đại lục châu Âu lại tụt vào tình trạng suy thoái trong năm 2003.

Hiện vẫn có vẻ có ít tín hiệu phục hồi tại đây, giữa những quan ngại rằng các qui định quá đáng của châu Âu sẽ tiếp tục gây khó khăn cho các công ty tại đây.

Cùng lúc, sự rạn nứt trong quan hệ của Mỹ với Pháp và Đức về vấn đề Iraq đã được lộ rõ qua quan hệ mậu dịch trở nên tồi tệ giữa các nước này.

Thế nhưng mối bế tắc lớn nhất quanh vấn đề thuế thép thì đã được giải quyết vào dịp cuối năm.

Cao uỷ viên các vấn đề thương mại của EU, ông Pascal Lamy, nói rằng quyết định của Mỹ bỏ đi các mức thuế đối với thép nhập khẩu là kết quả của một châu Âu thống nhất.

Nhưng cả Mỹ và châu Âu vẫn bế tắc quanh vấn đề các vụ mùa biến đổi gen.

Tổng thống Bush thì đưa ra sự ủng hộ của mình cho những nỗ lực nhằm quảng bá công nghệ này nói rằng công nghệ sinh học là tối quan trọng để chấm dứt nạn đói tại châu Phi.

Ông Bush nói: "Từ những nỗi sợ không có căn cứ, không có cơ sở khoa học, rất nhiều chính phủ châu Âu đã ngăn chặn hàng nhập khẩu là các sản phẩm sử dụng công nghệ sinh học. Vì những cản trở này mà rất nhiều quốc gia châu Phi đã tránh việc đầu tư vào công nghệ sinh học, vì lo ngại rằng sản phẩm của họ sẽ không thâm nhập được vào các thị trường châu Âu".

Nhưng những người nghi ngờ thì tiếp tục lý lẽ rằng các vụ mùa sử dụng công nghệ sinh học chỉ đơn giản là một con đường dẫn tới lợi nhuận cho các công ty hạt giống tại Mỹ.

Châu Âu, sau một số cuộc nghiên cứu, thì cũng đồng ý cho phép nhập các sản phẩm biến đổi gen, với điều kiện các loại thực phẩm biến đổi gen phải được ghi nhãn rõ ràng, vốn là một điều mà Mỹ nói là không cần thiết.

Cancun sụp đổ

Sự rạn nứt ngày càng lớn giữa châu Âu và Mỹ quanh chuyện an toàn thực phẩm đã không báo hiệu một điều tốt lành gì cho những nỗ lực nhằm tìm ra một sự đồng thuận lớn về mậu dịch giữa các nước giàu và các nước nghèo.

Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức Mậu dịch thế giới, WTO, tại Cancun, Mexico vào tháng Chín vừa qua, là nhằm tạo ra một quan hệ mậu dịch bình đẳng hơn.

Thế nhưng cuộc hội nghị với vài ngàn đại biểu từ rất nhiều quốc gia này đã chẳng đi tới đâu.

Các nước nghèo thì không chuẩn bị mở rộng thị trường trong khi các nước giàu có tiếp tục bảo vệ nông dân của họ khỏi hàng nhập khẩu rẻ tiền từ các nước đang phát triển.

Có vẻ như người ta khó có thể đạt được sự đồng thuận nào nhằm xây dựng một hệ thống mậu dịch công bằng hơn.

Trung Quốc và Nga

Trong khi đó, tại Trung Quốc, năm 2003 lại là một năm tăng trưởng nhanh chóng, có lẽ đối với một số người là quá nhanh, trong khi các nền kinh tế khác phải vật lộn để chấp nhận các ngành sản xuất rẻ tiền và hiệu quả của Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Trung Quốc tiêu thụ nguồn năng lượng khổng lồ cũng khiến nhiều người quan ngại lớn về tình trạng trái đất nóng lên và mực nước biển tăng lên.

Còn tại Nga, doanh nhân giàu có nhất nước này đã phải vào tù. Ông Mikhail Khordorkovsky bị bắt vì những cáo buộc tội trốn thuế.

Những người ủng hộ ông nói rằng chuyện này liên quan tới việc ông ủng hộ cho đối thủ chính trị của Tổng thống Putin.

Sự bất ổn tại Nga xảy ra chỉ vừa sau khi các nhà đầu tư nước ngoài có những cam kết lớn tại đây.

Vào tháng Hai, ông chủ của tập đoàn dầu khổng lồ, BP, Lord Brown, tuyên bố các kế hoạch đầu tư 7 tỉ đôla cho một liên doanh mới tại nước này, cho dù đã bị thua lỗ nặng trong thời gian có khủng hoảng tài chính vào cuối những năm 90.

Ông Browne nói: "Chúng tôi đã đầu tư tại Nga từ năm 97. Và tôi đồng ý rằng chúng tôi đã có thời gian tốt và thời gian tồi tệ: tồi tệ trước, tốt sau. Tôi nghĩ chuyện này là rất quan trọng. Chúng tôi đã học được rất nhiều điều về làm ăn tại Nga".

Các tập đoàn

Trong khi các cổ đông tìm cách chiến đấu lại chuyện trả lương quá hậu hĩnh cho những giám đốc điều hành tại các tập đoàn lớn, như chuyện bỏ phiếu không thông qua các khoản lương bổng khổng lồ cho giám đốc điều hành tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline, thì trong thế giới truyền thông, hai nhà tài phiệt hàng đầu lại có hai số phận khác nhau.

Ông Conrad Black phải từ chức giám đốc điều hành công ty cổ phần lớn kiểm soát các tờ báo Daily Telegraph tại Anh, Chicago Sun Times tại Mỹ và the Jerusalem Post vì những quan ngại về các khoản chi trả khổng lồ.

Trong khi đó, nhà tài phiệt truyền thông sinh tại Úc, Rupert Murdoch, lại thành công trong việc đưa con trai mình trở thành giám đốc điều hành hãng truyền hình vệ tinh BskyB, cho dù các cổ đông đã lên tiếng phản đối chuyện gia đình trị.

Ông Rupert Murdoch bảo vệ cho quyết định của mình, rằng: "Tôi tin rằng con trai tôi có khả năng lãnh đạo hơn bất cứ ứng cử viên nào mà tôi đã thấy. Có một số cái tên ban đầu được niêm yết mà tôi rất muốn lấy vào vị trí này, thế nhưng họ lại không rảnh, thậm chí từ trước khi người ta mời họ vào ứng thí".

Quyết định riêng rẽ

Một điều nữa cũng đáng chú ý về tình hình kinh tế thế giới trong năm qua, đó là chuyện người dân Thuỵ Điển bỏ phiếu không chịu tham gia đồng tiền chung châu Âu, euro.

Người dân thường Thuỵ Điển đã bày tỏ sự không tin tưởng vào một liên minh châu Âu hoạt động vì quyền lợi của những nước lớn như Pháp và Đức.

Một số người Thụy Điển, khi được hỏi, cho rằng chuyện tham gia đồng tiền chung có thể cũng tốt cho nền kinh tế, thế nhưng nó sẽ tồi tệ đối với mọi thứ khác gắn chặt với người Thụy Điển, như an sinh xã hội, cuộc chiến chống thất nghiệp, và những điều tương tự.

Và chuyện người Thụy Điển bỏ phiếu không tham gia đồng tiền chung châu Âu, euro, còn khiến cho việc Anh Quốc tham gia đồng tiền chung này càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.(BBC)