Hai thập kỷ trước, Thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, đã mơ về chuyện biến nước ông thành một quốc gia công nghiệp hóa.

Ngày nay, trong khi ông Mahathir chuẩn bị từ chức, Malaysia đã có thể nói về một nền kinh tế hiện đại và đa dạng.

Họ cũng là nước đối phó được với vụ khủng hoảng tài chính châu Á tốt hơn nhiều so với các nước láng giềng.

Người ta đã nhất trí rằng Malaysia sẽ đạt mức tăng trưởng 5.4% vào năm tới, tức là một dự đoán khả quan hơn phần lớn các nước Đông Nam Á khác, trừ Thái Lan.

"Thành công của Malaysia là đã biết đa dạng hóa, từ lúc chỉ xuất khẩu dầu cọ và cao su, chuyển sang xuất khẩu hàng điện tử lắp ráp", giáo sư kinh tế Anne Booth tại Đại học Nghiên cứu về Phương Đông và châu Phi, SOAS, tại Luân Đôn cho biết.

"Sự biến chuyển của nước này trong vòng 20 năm qua là rất ấn tượng, và ông Mahathir là người có công trong chuyện này"

Khó dự đoán

Lãnh đạo lâu nay của Malaysia - ông Mahathir, được nhiều người coi là người nửa thực tế, nửa viển vông - đã thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế của nước này.

Ông Mahathir đã mang lại sự ổn định về chính trị, và giúp hàn gắn các chia rẽ về sắc tộc tại Malaysia, theo nhận định của Graham Richardson, giám đốc khu vực châu Á của Cơ quan tình báo kinh tế.

"Tuy vậy, ông là một nhân vật phức tạp. Đôi khi, những thay đổi của ông làm nản lòng các nhà đầu tư", ông nói thêm.

Ông Mahathir đã từng nổi tiếng khi phê phán nhà tài phiệt George Soros gây ra vụ khủng hoảng tài chính, làm cho nền kinh tế Malaysia bị một phen lảo đảo sau gian đoạn bùng nổ vào những năm 90.

Sau đó, ông Mahathir lại có động thái gây nhiều tranh cãi khi cách ly nền kinh tế bằng việc kiểm soát các nguồn vốn ngắn hạn để không cho ngoại tệ rời khỏi nước này.

Giờ đây, khi nhìn lại, có vẻ như chính sách của ông cũng đã có phần đúng, khi Malaysia phục hồi nhanh về tăng trưởng GDP từ năm 1998.

Việc nước này phụ thuộc vào mậu dịch cũng có nghĩa là sự trì trệ của kinh tế toàn cầu năm 2001 đã gây nhiều hậu quả; thế nhưng, việc chi tiêu của chính phủ đã giúp nước này thoát khỏi cơn nguy hiểm.

Tuy nhiên, mức chi tiêu công cộng, đóng góp từ 3.5% tới 4.8% cho mức tăng trưởng của Malaysia trong giai đoạn 1999 - 2003, theo ngân hàng đầu tư HSBC, có thể sẽ gây ra rắc rối.

Các biện pháp khuyến khích thuế và những điều kiện hậu hĩ cho các nhân viên trong dịch vụ công cộng, đã giúp kích thích nguồn cầu trong nước, nhưng cũng làm cho việc thâm hụt ngân sách tương đương với 5% GDP.

Không những thế, Malaysia giờ đây vẫn đang phải tìm cách đối phó với Trung Quốc, là nước có giá lao động rẻ và là nước xuất khẩu lớn trong khu vực. (BBC)