Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn

Tiếp nối truyền thống lâu đời của Tòa Thánh, lúc 11 giờ sáng thứ Hai 13 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến đoàn ngoại giao gồm đại diện của 180 quốc gia có quan hệ cấp đại sứ cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới. Đây là dịp để Đức Thánh Cha kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.

Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ Jean-Claude Michel của Tiểu vương quốc Monaco, Đức Thánh Cha đã lên tiếng chào thăm tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn. Ngài đã đặc biệt nhắc đến và chào mừng các vị đại sứ mới đến trình ủy nhiệm thư.

Vấn đề đầu tiên Đức Thánh Cha muốn đề cập đến là gia đình, bao gồm cả nạn thất nghiệp, nạn đói và nền văn hóa loại bỏ trong đó ngài đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng phá thai lan tràn.

Đức Thánh Cha nói:

“Thật là kinh hoàng khi nghĩa đến có những trẻ em không bao giờ được chào đời, nạn nhân của nạn phá thai hoặc những trẻ em bị sử dụng như những binh sĩ, bị hãm hiếp hoặc bị giết trong các cuộc xung đột võ trang hoặc trở thành hàng hóa trong hình thức kinh khủng là nạn nô lệ tân thời, là nạn buôn người, nó là một tội ác chống lại nhân loại.”

Ngài đề cập đến con số gia tăng các gia đình chia rẽ và bị xâu xé, không những vì trong thế giới ngày nay, cảm thức thuộc về gia đình của con người bị suy yếu, nhưng còn vì những điều kiện khó khăn mà nhiều gia đình đang phải chịu đựng, đến độ họ thiếu cả những thương tiện sinh sống cần thiết. Vì thế, ta thấy cần có những chính sách thích hợp để nâng đỡ, trợ giúp và củng cố gia đình.

Đức Thánh Cha đã nhắc đến những thảm trạng của nhiều người buộc lòng phải chảy trốn những cuộc chiến tranh đang gieo kinh hoàng tại Syria, A Phú Hãn, Iraq và Phi Châu, cũng như nạn hạn hán hoặc bạo lực, nạn cường quyền, nhất là tại Vùng Sừng ở Phi châu và tại miền Đại Hồ. Nhiều người trong số họ đang sống trong các trại tị nạn và tản cư nơi họ không còn được coi như con người, nhưng chỉ đơn giản là những con số vô danh. Những người khác, hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơm, thực hiện một cuộc xuất hành bấp bênh, và nhiều khi họ gặp những tai nạn bi thảm.

Ngài buồn phiền nhận xét rằng:

“Rất tiếc là có một sự dửng dưng của nhiều người trước những thảm trạng như vậy, đó là dấu hiệu thê thảm về sự đánh mất cảm thức trách nhiệm huynh đệ vốn là nền tảng của mỗi xã hội dân sự.”

Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi các chính phủ hãy đưa ra những quyết định dũng cảm dẫn đến hòa bình và đối thoại, đặc biệt là trước những cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở Trung Đông và châu Phi. Ngài cũng kêu gọi hòa bình giữa Nam và Bắc Triều Tiên, và đòi hỏi các Kitô hữu ở châu Phi và châu Á phải được quyền tự do thờ phượng.

Ngài cũng kêu gọi sự tôn trọng và bảo vệ môi trường bởi vì:

“Thiên Chúa luôn tha thứ, chúng ta đôi khi tha thứ, nhưng thiên nhiên, công trình tạo dựng, không bao giờ tha thứ khi nó bị ngược đãi!”

Tòa Thánh có quan hệ ngoại giao chính thức với 180 quốc gia, gần đây nhất là với Nam Sudan. Tuy không có bất kỳ mối quan hệ nào với Saudi Arabia, Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên, Tòa Thánh vẫn có những tiếp xúc với các nước này thông qua các cơ quan quốc tế như Liên Hợp Quốc.

2. Đức Thánh Cha công bố danh sách các vị tân Hồng Y và viết thư cho từng vị

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 12 tháng Giêng, là Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã loan báo danh sách 19 Tân Hồng Y sẽ được vinh thăng trong Công Nghị ngày 22 tháng 2 tới đây.

Cùng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết thư cho 19 vị đã được chọn để trở thành các thành viên mới của Hồng Y Đoàn. Trong thư , Đức Giáo Hoàng nói trở thành một Hồng Y không phải là một "sự thăng chức", nhưng là sự mở rộng sứ vụ phục vụ Thiên Chúa. Vì thế, nếu các tân Hồng Y ăn mừng biến cố này, hãy làm điều đó với niềm vui trong "sự thắt lưng buộc bụng và thanh bần".

Công nghị tấn phong 19 tân Hồng Y sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 2. Các tân Hồng Y đến từ 12 quốc gia, phần lớn là từ thế giới thứ ba.

Trong 19 vị, có 16 vị dưới 80. Ba vị trên 80 đến từ Ý, Tây Ban Nha và St. Lucia được tấn phong Hồng Y vì những đóng góp to lớn của các ngài cho Giáo Hội.

Với 16 tân Hồng Y dưới 80, Giáo Hội sẽ có 120 Hồng Y cử tri cho đến tháng Năm.

Đông nhất trong số 16 vị Hồng Y là các vị thuộc Mỹ Châu La Tinh bao gồm các tổng giám mục của các thành phố lớn là Managua , Santiago de Chile, Rio de Janeiro và Buenos Aires; và một vị là Tổng Giám Mục Quebec, Canada.

Đáng chú ý nhất là Đức Tổng Giám Mục Chibly Langois của Les Cayes. Vào ngày 22 tháng Hai này, ngài sẽ trở thành vị Hồng Y đầu tiên của Haiti.

Như thế, Giáo Hội sẽ có 19 Hồng Y cử tri thuộc Mỹ Châu La Tinh.

Châu Á và châu Phi mỗi nơi sẽ có 2 tân Hồng Y. Hàn Quốc sẽ có vị Hồng Y thứ hai là Đức Tổng Giám Mục Andrew Yeom Soo Jung của Hán Thành. Đây là đất nước tự hào vì có tỷ lệ người gia nhập đạo Công Giáo cao nhất thế giới liên tục trong suốt một thập niên qua. Cùng với ngài, Á Châu sẽ có thêm một Hồng Y nữa là Đức Tổng Giám Mục Orlando Quevedo của tổng giáo phận Cotabato, một khu vực ở miền nam Phi Luật Tân nơi đang gánh chịu bạo lực thường xuyên bởi một nhóm Hồi giáo ly khai.

Hai tân Hồng Y khác sẽ đến từ các thành phố nghèo ở Tây Phi, nơi cũng đang diễn ra những cuộc xung đột đẫm máu là Đức Tổng Giám Mục Jean-Pierre Kutwa của Abdijan ở Bờ Biển Ngà, và Đức Tổng Giám Mục Philippe Nakellentuba Ouédraogo của tổng giáo phận Ouagadougou thuộc Burkina Fasso.

Như thế, Châu Phi sẽ có 14 Hồng Y cử tri và châu Á sẽ có 12 vị.

Bên ngoài giáo triều Rôma, chỉ có hai tổng giám mục châu Âu sẽ được phong Hồng Y. Đầu tiên, hoàn toàn theo đúng dự kiến của nhiều người, là Đức Tổng Giám Mục Vincent Nichols của Westminster tại Anh. Thứ hai là Đức Tổng Giám Mục Gualtiero Bassetti của tổng giáo phận Perugia-Città della Pieve bên Ý. Điều này được xem là bất ngờ với nhiều người vì theo “thông lệ” hai vị Tổng Giám Mục ở Turin và Venice thường được phong Hồng Y trước những nơi khác.

Bốn thành viên trong giáo triều sẽ được phong Hồng Y gồm Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh; Đức Tổng Giám Mục Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, Đức Tổng Giám Mục Gerhard Ludwig Müller, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin; và Đức Tổng Giám Mục Beniamino Stella, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ.

3. Báo Quan Sát Viên Rôma có thêm mục thần học về phụ nữ

Từ tháng Giêng năm nay, báo Quan Sát Viên Rôma có thêm mục thần học về phụ nữ dưới tựa đề "Phụ nữ trong Giáo Hội" (Donna Chiesa Mondo).

Sáng kiến này nhằm đáp ứng lời kêu gọi đã được Đức Thánh Cha Phanxicô lặp đi lặp lại nhiều lần liên quan đến sự tái duyệt "thần học về phụ nữ" trong Giáo Hội.

Chủ bút Lucetta Scaraffia giải thích trong một bài xã luận trong số tháng Giêng rằng mỗi tháng một nhà thần học nam hay nữ sẽ phân tích "câu hỏi trung tâm của Giáo Hội ngày nay" như một phương tiện để "phong phú hóa các thảo luận" về những đóng góp và vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội.

Nhà thần học, cũng là một nhà văn và là một nhà soạn nhạc người Ý là Đức Ông Pierangelo Sequeri đã là người đầu tiên viết trong mục này.

Bên cạnh đó Báo Quan Sát Viên Rôma cũng có thêm một mục về gia đình, là trọng tâm của Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng Mười năm nay.

4. Đức Thánh Cha rửa tội cho 32 trẻ sơ sinh

Lúc 9:30 sáng Chúa Nhật 12 tháng Giêng, Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ ban bí tích Rửa Tội cho 32 trẻ em trong nhà nguyện Sistina gồm 18 bé gái và 14 bé trai, con của các giáo dân nhân viên Tòa Thánh.

Cùng đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha có Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Cha Konrad Krajewski, đặc trách các hoạt động từ thiện của Đức Thánh Cha, Đức Cha Giampietro Gloder, Giám Đốc Trường ngoại giao Toà Thánh, và Đức Cha Fernando Vergez là Tổng thư ký Phủ Thống Đốc Tòa Thánh.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:

"Tôi muốn nhấn mạnh một điều. Anh chị em đang thông truyền đức tin. Anh chị em có trách nhiệm về đức tin của con cái anh chị em. "

Massimo Cara, một hiến binh tại Vatican và vợ là Cristina, đã vui mừng thấy đứa con gái 4 tháng tuổi của họ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô rửa tội đúng vào ngày Giáo Hội mừng kính Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa

Anh Massimo Cara nói:

"Tôi nghĩ rằng đức tin của chúng tôi là sự kế thừa quan trọng nhất mà chúng tôi có thể truyền lại cho con cái mình."

Ông nói rằng bài giảng của Đức Thánh Cha ngắn, nhưng trực tiếp và thông điệp của ngài thực sự gây cho anh xúc động.

Anh nói:

"Khi bạn có hồng ân đức tin, tất cả mọi thứ khác, đặc biệt là vật chất, chỉ là những thứ phụ thuộc."

Trong sáu năm, người lính cứu hỏa Paolo de Angelis đã làm việc tại Vatican. Mặc dù, quen với việc nhìn thấy Đức Thánh Cha Phanxicô, anh vẫn thấy xúc động khi gia đình anh được quây quần quanh Đức Thánh Cha.

Anh Paolo De Angelis nói:

"Con gái tôi là Francesca đang ngủ và khi Đức Thánh Cha rửa tội, nó mở mắt ra và nhìn thẳng vào Đức Giáo Hoàng mỉm cười."

Trong buổi lễ, Đức Thánh Cha nói thêm:

“Hôm nay ca đoàn hát, nhưng mà ca đoàn đẹp nhất là ca đoàn các em bé ồn ào. Một vài em sẽ khóc vì không thoải mái, hay vì các em đói. Các bà mẹ hãy cho con ăn. Cứ tự nhiên vì các em là ‘tác nhân chính’ ở đây.”

Anh Paolo De Angelis nhận xét:

"Tôi nghĩ rằng tuyên bố đó là những gì nổi bật nhất trong buổi lễ. Có lẽ một trong những lời gây xúc động nhất của Đức Thánh Cha."

5. Buổi tiếp kiến chung thứ Tư 15 tháng Giêng.

Thông qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở nên “những môn đệ truyền giáo”

Trong buổi tiếp kiến chung sáng Thứ Tư 15/01/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về tầm quan trọng của bí tích rửa tội: đó là một bí tích đặc biệt chào đón các Kitô hữu vào cuộc hành trình đức tin. Ai đón nhận Bí Tích này thì trở nên một môn đệ Chúa và một nhà truyền giáo.

Bí Tích Rửa Tội cũng là một liên kết nối liền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến ,

Tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về Bí Tích Rửa Tội, hôm nay chúng ta hãy suy tư về cách thế qua Bí Tích Rửa Tội chúng ta trở thành những thành viên của nhiệm thể Chúa Kitô, là Giáo Hội.

Trong mỗi thế hệ, nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được tái sinh trong cuộc sống mới của ân sủng và được kêu gọi để làm chứng nhân cho Tin Mừng trước thế giới. Bí tích Rửa tội làm cho chúng ta trở nên "những môn đệ truyền giáo" trong sự hiệp thông với Giáo Hội. Có một sự liên kết chặt chẽ giữa sự tái sinh của chúng ta trong nước và Thánh Thần với trách nhiệm của chúng ta phải sống cuộc sống mới này trong Giáo Hội, trong gia đình và trong giáo xứ của chúng ta, cũng như sứ vụ mang Tin Mừng đến cho những người khác; để chúng ta trở nên các con kênh mang ân sủng Chúa đến cho muôn dân.

Chúng ta có thể nhìn vào lịch sử đáng chú ý của Giáo Hội tại Nhật Bản, nơi các cộng đồng tín hữu nhỏ bé đã sống sót bí mật trong hơn hai thế kỷ nhờ ân sủng của Bí Tích Rửa Tội. Xin cho gương sáng này giúp chúng ta đánh giá đầy đủ hơn chiều kích huyền nhiệm, cộng đoàn và truyền giáo sâu xa của phép rửa chúng ta đã lãnh nhận.

6. Buổi đọc kinh Truyền Tin lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa

Thời tiết lạnh lẽo đã không ngăn được hàng ngàn người đến với Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 12 tháng Giêng, lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa.

Cuộc sống có mùi vị biết bao, khi chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa tràn ngập, để biết chia sẻ và lo lắng cho nỗi khốn khó và khổ đau của người anh em. Đó là con đường dấn thân của đức tin và tình bác ái, mà bí tích Rửa Tội vạch ra cho từng người trong chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin.

Đức Thánh Cha nói:

“Khi Chúa Giêsu nhận phép rửa thống hối từ Gioan Tẩy Giả, như một dấu chỉ liên đới với dân sám hối mặc dù Người là Đấng vô tội và không cần hoán cải; Chúa Cha đã cho chúng ta nghe tiếng của Người phán từ trời: ‘Này là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng ta mọi đàng’. Đức Giêsu nhận sự phê chuẩn của Chúa Cha trên Trời, là Đấng đã gửi Người đến để chia sẻ điều kiện sống và sự nghèo khó của chúng ta. Chia sẻ là phương thế yêu thương đích thật. Chúa Giêsu không xa cách chúng ta, Người coi chúng ta như em và chia sẻ với chúng ta. Và như thế Người khiến cho chúng ta trở thành Con của Thiên Chúa Cha với Người. Đó là mạc khải và là suối nguồn tình yêu đích thật.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới lẽ nghi ban bí tích rửa tội cho 32 em bé trước đó và nói:

“Mỗi trẻ em sinh ra là một ơn của niềm vui và hy vọng, và mỗi trẻ em được rửa tội là một sự kỳ diệu của đức tin và một lễ cho gia đình của Thiên Chúa.”

Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào tín hữu hiện diện tại quảng trường đặc biệt các cha mẹ có con được rửa tội trong ngày Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa cũng như các cha mẹ đang chuẩn bị cho con cái họ lãnh bí tích Rửa Tội.

7. Tình hình tại Nam Darfur vẫn rất tồi tệ

Thiếu máu, thương hàn, tiêu chảy và ho là những nguyên nhân gây ra hàng ngàn trường hợp tử vong ở Nam Darfur trong năm qua. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giáo cho biết như trên trong bản tin ngày 10 tháng Giêng.

Đặc biệt nghiêm trọng là tại Gireida, phía Nam Darfur, nơi tình hình đang ở mức báo động vì số lượng tử vong cao ở phụ nữ mang thai vì xuất huyết và thiếu máu trầm trọng. Cơ quan y tế địa phương nói với đài phát thanh Dabanga rằng tại thị trấn Gireida, các phụ nữ mang thai thường không tìm được chỗ trong bệnh viện địa phương nơi các bệnh nhân thương hàn và tiêu chảy do điều kiện vệ sinh kém đang nằm la liệt để chờ đến lượt được các bác sĩ khám.

Việc tìm kiếm các nữ hộ sinh hay y tá tại địa phương rất khó khăn; đồng thời chi phí để vận chuyển các sản phụ từ Gireida đến Nyala là quá cao.

8. Hội nghị của Tòa Thánh về tình hình tại Syria

Hôm thứ Hai 13 tháng Giêng, Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh đã tổ chức một hội nghị chuyên viên với chủ đề “Syria: với con số tử vong 126,000 người và 300,000 trẻ mồ côi trong 36 tháng chiến tranh, liệu ta có thể tiếp tục dửng dưng được không?”

Hội nghị đã bàn đến các đề nghị như: thứ nhất “một cuộc ngưng bắn để việc trợ giúp nhân đạo có thể thực hiện được” tại Syria. Thứ hai, chấm dứt “các cuộc bách hại các Kitô hữu để khích lệ cuộc đối thoại liên tôn”. Thứ ba: “một thẩm quyền chuyển tiếp để tổ chức các cuộc tuyển cử và một chính phủ quốc gia thống nhất có trách nhiệm cả về quân đội lẫn an ninh”. Thứ bốn, chấm dứt nạn buôn người và đĩ điếm tại quốc gia tan nát vì chiến tranh này.

Hội nghị này được sự tham dự của nhiều chuyên gia thượng thặng. Hai chuyên gia người Mỹ là Giáo Sư kinh tế gia Jeffrey Sachs, người rất tích cực trong cuộc chiến đấu chống nghèo đói trên thế giới, và ông Thomas Walsh, chủ tịch quốc tế của Liên Minh Hòa Bình Hoàn Vũ và là chuyên viên về liên tôn xây dựng hòa bình và an ninh. Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, người Pháp, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn sẽ đọc diễn văn khai mạc hội nghị.

Các chuyên gia và nhà lãnh đạo khác được mời tham dự hội nghị là Tony Blair, sáng lập viên Qũy Đức Tin Tony Blair và Đại Biểu chính thức của Nhóm Bốn Tổ Chức Về Trung Đông, tức LHQ, Liên Hiệp Âu Châu, Nga và Hiệp Chúng Quốc; Mohamed ElBaradei, cựu Phó Tổng Thống Ai Cập, cựu tổng giám đốc Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế, khôi nguyên Giải Hòa Bình Nobel 2005, và là nhân vật chính trong cuộc cách mạng chống hai tổng thống Hosni Mubarak và Mohammed Morsi; Pyotr Stegny, Đại Sứ Đặc Nhiệm và Toàn Quyền của Liên Bang Nga và là chuyên viên về chính sách ngoại giao thuộc Hội Đồng Quốc Tế Sự Vụ Nga; Joseph Maila, một chuyên viên người Libăng về Trung Đông, Hồi Giáo và chính trị; Miguel Angel Moratinos, nhà ngoại giao Tây Ban Nha và thành viên quốc hội phục vụ 7 năm trong tư cách đại diện đặc biệt của Liên Hiệp Âu Châu trong diễn trình hòa bình cho Trung Đông; Thierry de Montbrial, kinh tế gia người Pháp và là chuyên viên về liên hệ quốc tế.

9. Đức Thánh Cha có nên tiếp tổng thống François Hollande người đang bị tai tiếng ái tình hay không?

Hôm 9 tháng Giêng, phòng báo chí Tòa Thánh đã xác nhận Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp tổng thống Pháp, ông François Hollande, tại điện Tông Tòa của Vatican vào ngày 24 tháng Giêng.

Diễn biến này đang gây quan ngại sâu xa vì tạp chí Closer của Anh, trong ấn bản tiếng Pháp số ra một ngày sau đó, tức là ngày thứ Sáu 10 tháng Giêng đã phơi bày trước công chúng Pháp những hình ảnh liên quan đến tai tiếng ái tình của tổng thống François Hollande với nữ diễn viên Julie Gayet.

François Hollande, sinh năm 1954, đã từng là người Công Giáo nhưng sau đó bỏ đạo. Ông kết hôn với bà Ségolène Royal, và sinh được 4 người con trong thời gian chung sống 30 năm. Ông hiện sống với nữ ký giả Valérie Trierweiler của tờ Paris Match, người đã công khai dọn vào sống chung với ông tại điện Élysée, và vẫn thường tháp tùng ông trong những cuộc công du chính thức.

Ông François Hollande đã được bầu làm vị tổng thống Pháp vào ngày 6/5/2012.

Vụ tai tiếng với nữ diễn viên Julie Gayet cùng với những thất bại trong việc cải thiện tình trạng thất nghiệp tại Pháp có thể sẽ khiến ông không còn chút hy vọng tranh cử một nhiệm kỳ thứ hai. Trong thời gian gần đây, sự ủng hộ ban đầu dành cho François Hollande đang dần biến mất với những chỉ trích như thái độ thiếu quyết đoán trong các chính sách về kinh tế và xã hội. Cả câu chuyện trong chuyến công du đầu tiên ra nước trong tư cách tổng thống hôm 15/5/2012, máy bay của ông bị sét đánh phải quay đầu bay trở lại cũng được khai thác như một điềm gở cho quốc gia này.

10. Trước làn sóng khủng bố của chính quyền Aceh, người Công Giáo chỉ còn giữ được 3 nhà thờ

Thủ phủ Aceh ở phía Bắc Sumatra khét tiếng tại Nam Dương như là trọng điểm của các phong trào thánh chiến Hồi Giáo, và là nơi đầu tiên áp dụng một phần của luật Sharia. Hôm 10 tháng Giêng, thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trích thuật các báo cáo của "Aceh Human Rights Coalition" tức là Liên Minh Nhân Quyền Aceh cho biết từ năm 2012 cho đến nay tại thủ phủ này ít nhất 26 nhà thờ và các nơi thờ phượng của các tôn giáo không phải là Hồi Giáo đã bị đóng cửa.

Những hình ảnh quý vị đang xem cho thấy các Kitô hữu đang quỳ gối van xin đừng san bằng nhà thờ của họ nhưng chính quyền vẫn dùng xe ủi đất để phá sập cơ ngơi mà họ đã vất vả dựng lên.

Indonesia, hay còn gọi là Nam Dương, với dân số 251,160,000 người, trong đó 86.1% theo Hồi Giáo là đất nước có đông người Hồi Giáo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tại nước này tỏ ra ôn hòa và thực tiễn. Họ không chấp nhận áp dụng luật Sharia bất chấp những áp lực của các nhà lãnh đạo Hồi Giáo và của các tổ chức Hồi Giáo cực đoan. Họ e ngại những điều luật cực đoan của Sharia như cấm phụ nữ không được làm việc chung với nam giới sẽ đưa Indonesia đến chỗ tụt hậu so với các quốc gia trong vùng.

Thủ phủ Aceh là một trường hợp cá biệt. Ông Zulfikar Muhammad, điều hợp viên của Liên Minh Nhân Quyền Aceh, một tổ chức bao gồm 30 tổ chức đấu tranh cho nhân quyền, nói với Fides rằng vị thống đốc tại đây là một người Hồi Giáo quá khích đã đưa ra “những luật lệ giới hạn quyền tự do thực hành niềm tin của những nhóm thiểu số và đi ngược lại Hiến Pháp của Indonesia”.

Theo ông Zulfikar Muhammad, năm 2006, Bộ Nội Vụ Indonesia quy định rằng để có thể được cấp giấy phép xây dựng nơi thờ phượng thì cần có đủ chữ ký của tối thiểu là 90 thành viên trong cộng đoàn tôn giáo ấy và ít nhất là 60 chữ ký của người dân địa phương không thuộc tôn giáo này.

Tuy nhiên, vị thống đốc tại Aceh lại quy định rằng cần có đủ chữ ký của tối thiểu là 150 thành viên trong cộng đoàn và 120 chữ ký của dân địa phương. Dưới áp lực và sự đe doạ của các nhóm Hồi Giáo cực đoan, không có dân địa phương nào dám ký. Hậu quả là từ đó đến nay không có ngôi nhà thờ mới nào được xây dựng.

Năm 2012, Zaini Abdullah, một thủ lĩnh Hồi Giáo quá khích được bầu làm thống đốc. Ông này tuyên bố một chương trình Hồi Giáo hóa toàn diện Aceh. Luật xây dựng năm 2007 của Aceh lại được tái xét và cho thêm tính chất hồi tố. Chính vì thế, 26 nhà thờ và các nơi thờ phượng của Kitô Giáo và Phật Giáo lần lượt bị đóng cửa, thậm chí bị san bằng.

Theo số liệu điều tra năm 2010, trong tổng số 4.5 triệu dân tại Aceh các tín hữu Kitô chiếm 1.2% dân số. Người Công Giáo tại đây chỉ còn giữ được 3 nhà thờ tại những điạ điểm có khách du lịch nước ngoài.

11. Cựu thủ tướng Do Thái qua đời

Tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 11 tháng Giêng cho biết cựu thủ tướng Israel, thành viên của đảng Likud và người sáng lập đảng Kadima, là ông Ariel Sharon , đã qua đời hôm 11 tháng Giêng tại một bệnh viện ở Tel Aviv. Ông đã ở trong tình trạng hôn mê kể từ ngày 04 tháng Giêng năm 2006, do xuất huyết não nghiêm trọng.

Ông Ariel Sharon, sinh ngày 26 Tháng Hai năm 1928, là một trong những nhà lãnh đạo chính trong lịch sử của nhà nước Israel. Ông dính líu trong tất cả các cuộc chiến của Israel từ năm 1948. Trong tư cách là Bộ Trưởng Quốc Phòng, ông bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm cá nhân về vụ thảm sát người tị nạn Palestine ở Sabra và Shatila thuộc Li Băng năm 1982. Tuy nhiên, ông lại chính là người đã quyết định đơn phương rút Israel khỏi dải Gaza vào năm 2005.

12. Đức Tổng Giám Mục Jacques Behnan Hindo than thở: Những nhóm phiến quân “hiền nhất” cũng muốn biến Syria thành quốc gia Hồi Giáo

Trong buổi điện đàm dành cho thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc hôm 8 tháng Giêng, Đức Cha Jacques Behnan Hindo , là Tổng Giám Mục Hassaké-Nisibi của Công Giáo nghi lễ Syria, bày tỏ ước ao của ngài rằng Hội Nghị Geneva II đừng biến Syria thành một quốc gia Hồi Giáo.

“Các Kitô hữu sẽ rất vui mừng nếu cái gọi là cách mạng này mở ra con đường dẫn đến dân chủ và tự do. Nhưng bây giờ đây ngay cả những nhóm phiến quân có liên hệ với Quân Đội Syria Tự Do – thường được xem là ôn hoà so với những tổ chức thánh chiến Hồi Giáo – cũng tụ tập dưới ngọn cờ Hồi Giáo, và họ nói rằng nước Syria mới phải áp dụng luật Sharia, vì đó là ý muốn của đa số. Đây là một viễn ảnh mà các Kitô hữu không thể chấp nhận được.”

13. Giáo Hội Phi Luật Tân chú trọng đến các yếu tố tâm lý nơi các nạn nhân của trận bão Hải Yến

Hai tháng sau khi trận bão Hải Yến kinh hoàng tàn phá miền trung Phi Luật Tân, các nạn nhân đang tiếp tục xây dựng lại cuộc sống của họ. Nhưng giữa các nỗ lực cứu trợ tập trung vào việc cung cấp thực phẩm và nhà cửa, Giáo Hội tại Phi Luật Tân cũng chú ý đến những chấn thương tâm lý mà nhiều người đã phải chịu trong thiên tai này. Nhiều người không chỉ bị mất đi ngôi nhà của mình, mà còn mất cả nhiều người thân trong gia đình của họ nữa.

Cha Carlos Ronquillo là giám đốc Học Viện Thần Học và Truyền Giáo Thánh Anphongsô nói:

“Có những nụ cười loé lên khi nhận được hàng cứu trợ, nhưng ngay sau đó tắt ngấm đi trên những khuôn mặt thất thần. Có những người lui vào chính mình, câm nín không bao giờ kể lại những câu chuyện của họ.”

Cha Carlos, là linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, tin rằng giờ đây những nỗ lực cứu trợ cũng cần phải cung cấp, điều mà ngài gọi là một sự can thiệp tâm lý, để giúp các nạn nhân vượt qua được những đau buồn và mất mát của họ.

Cha Carlos nói: "Đó là một phần không thể thiếu trong bất kỳ nỗ lực nào được thực hiện bởi Giáo Hội trong khi ứng phó với các tình huống thiên tai."

Trận bão Hải Yến đã cướp đi sinh mạng của 6,000 người, và ước tính có khoảng 4,1 triệu người vẫn đang sống trong những nơi trú ẩn tạm thời.

14. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga nói thế tục hóa ngày lễ Giáng Sinh là khuynh hướng nguy hiểm

Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga và các Giáo Hội nghi lễ Đông Phương đã cử hành lễ Giáng Sinh theo lịch Julian vào ngày 6 tháng Giêng vừa qua.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Interfax của Nga, Đức Thượng Phụ Kirill Đệ Nhất đã đưa ra nhận xét rằng “Việc hạ thấp ý nghĩa tôn giáo đích thực của Lễ Giáng sinh là một xu hướng rất nguy hiểm. Đây là một hành động chính trị, một hành động cố ý nhằm lật đổ các giá trị Kitô giáo, kể cả các ngày lễ Kitô Giáo khỏi cuộc sống của con người.”

Đề cập đến Tây Âu, Đức Thượng Phụ Kirill nói rằng "không có chút hồ nghi gì xu hướng chính trị nói chung, đường lối chung của giới lãnh đạo chính trị là chống Kitô giáo và bài tôn giáo."

"Chúng tôi đã trải qua một kỷ nguyên của chủ nghĩa vô thần và chúng tôi muốn hét lên cho cả thế giới nghe: dừng lại đi, chúng tôi biết con đường đó sẽ dẫn đến cuộc sống như thế nào."

15. Đại Giáo Trưởng Hồi Giáo Trung Phi tị nạn nơi Tòa Giám Mục, tổng thống sợ tội bỏ trốn

Nhà lãnh đạo Hồi Giáo tại thủ đô nước Cộng Hòa Trung Phi đã xin tá túc trong Tòa Giám Mục Bangui sau khi bị quân Hồi Giáo Séléka tìm giết. Trong khi đó, hôm thứ Sáu 10 tháng Giêng, tổng thống bất hợp hiến Michel Djotodia, người đã được quân Hồi Giáo Séléka đưa lên sau cuộc đảo chính hồi tháng Ba năm ngoái đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài.

Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga của thủ đô Bangui nói với phóng viên của Channel 4, một đài truyền hình Anh, rằng Đại Giáo Trưởng Hồi Giáo Oumar Kobine Layama, là người đã cùng với ngài đưa ra tuyên bố chung hôm 31 tháng 12 nhằm chấm dứt cuộc xung đột quốc gia đã phải xin tị nạn nơi Tòa Giám Mục của ngài sau khi bị phiến quân Hồi Giáo Séléka tìm giết.

Cuộc xung đột tại Cộng Hòa Trung Phi đã khởi sự từ ngày 10 tháng 12 năm 2012 giữa quân đội nước này và phiến quân Hồi Giáo Séléka.

Do các yếu tố bất ngờ, đến cuối tháng 12 năm 2012, quân Hồi Giáo đã chiếm được nhiều thành phố và ngày 24 tháng Ba năm 2013 chiếm được thủ đô Bangui. Lãnh đạo phiến quân là Michel Djotodia được đưa lên làm tổng thống.

Quân Hồi Giáo Séléka bắt tay ngay vào việc cướp bóc, hãm hiếp, và thủ tiêu các tín hữu Kitô. Báo cáo của Human Rights Watch hồi tháng 8/2013 ghi nhận khoảng 212,000 người đã phải bỏ trốn vào rừng sâu để tránh bị quân Hồi Giáo thảm sát. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cảnh cáo Michel Djotodia đang biến Trung Phi thành một mối đe doạ cho sự ổn định của khu vực với một tình trạng vô luật lệ.

Tháng 9/2013, thấy trước nguy cơ bị cáo buộc là tội phạm chống nhân loại, Michel Djotodia tuyên bố giải tán quân Hồi Giáo Séléka và cắt đứt mọi quan hệ với nhóm này. Tuy nhiên, trong thực tế quân Hồi Giáo Séléka vẫn tồn tại và ngày càng hung bạo hơn.

Chỉ trong tháng 12 vừa qua, ước tính có khoảng 1,000 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa quân Hồi Giáo Séléka với lực lượng Anti-Balaka trung thành với tổng thống François Bozizé, quân đội Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình của Châu Phi.

Hôm thứ Sáu 10 tháng Giêng, tại cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Phi Châu ở thủ đô N'Djamena của Cộng Hòa Chad, tổng thống Michel Djotodia đã bất ngờ tuyên bố từ chức và đào vong ở nước ngoài. Chỉ có một lý do biện minh cho hành động này là Michel Djotodia sợ bị đưa ra tòa án quốc tế về những tội ác diệt chủng do quân Séléka mà ông ta là thủ lĩnh gây nên.

Chiến cuộc tại Cộng Hòa Trung Phi vẫn ác liệt sau quyết định đào vong của Michel Djotodia.