Liệu các nền độc tài Ả Rập bị loại trừ tại Tunisia, Ai Cập và Libya có phát sinh ra các xã hội bị các phong trào duy Hồi Giáo thống trị hay không ? Mối lo sợ của Tây Phương hiện nay là tại Tunisia cũng như tại Ai Cập, các đảng phái duy Hồi Giáo kia, vốn là những tổ chức có cơ cấu chặt chẽ nhất, sẽ thắng lớn trong các cuộc tổng tuyển cử đầu tiên. Việc một nền độc tài biến đi sẽ tự động dẫn tới một nền dân chủ tự do như Washington từng hy vọng đối với Iraq, là điều không có chi bảo đảm.

Tunisia : Đảng Ennahda tuyên bố chiến thắng

Ennahda (Phục Hưng) là một đảng Hồi Giáo bảo thủ. Trong cuộc tổng tuyển cử vào hôm Chúa Nhật 23 tháng 10 vừa qua, Đảng này đã chiếm được 40% tổng số phiếu nghĩa là từ 60 tới 65 ghế trong số 217 ghế quốc hội lập hiến, hơn hẳn đảng đối lập với nó là Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (PDP), chỉ chiếm được 10% tổng số phiếu.

Đáng lưu ý hơn nữa, dự án lập liên minh « các người duy hiện đại » để suy yếu hóa Ennahda đã không thành công. Do đó, Ennahda hiện nay đang nắm thế hầu như bá quyền trong việc chọn tổng thống, thành lập một chính phủ và soạn thảo hiến pháp.

Chủ tịch Ennahda là Yadh Ben Achour, không dấu nổi vẻ lạc quan, cho hay : « Cần phải hợp tác với Ennahda, và tôi xin bảo đảm với quí vị rằng nếu có những quá trớn, người dân Tunisia sẽ không để yên đâu » . Ông ta bảo, không thể có mùa đông Ả Rập vì trong tâm hồn người dân Tunisia luôn có khuynh hướng đứng giữa (centriste). Faiza, một thợ làm kiểu tóc, từng bỏ phiếu cho Ennahda, cũng nghĩ như thế : « Không có chuyện khoán trắng. Nều họ không giữ lời, tôi sẽ là người đầu tiên bỏ phiếu chống lại vào kỳ tới ».

Đảng đáng tin hơn hết

Nhưng với Faiza, cho tới nay, Ennahda có khả năng hơn cả trong việc « cứu Tunisia. Họ muốn lấy màn mỏng che mắt chúng tôi, nhưng đó không phải là vấn đề, vấn đề thực sự hiện nay là nạn thất nghiệp và quyền tự do ».

Không bị một tì vết thoả hiệp nào với chế độ cũ, một chế độ từng bách hại, săn đuổi và cầm tù các chiến sĩ của họ, Ennahda xuất hiện như chính đảng đáng tin hơn hết và gần gũi dân chúng hơn cả, nhất là nhờ lời hứa hẹn sẽ đưa ra một kiểu nhà nước biết cung ứng đối với số dân chúng vốn bị ngược đã xưa nay. Kais Saied, một nhà luật học, cho hay : « Đây là lá phiếu trừng phạt, một lá phiếu chống quá khứ. Người Tunisia phải tỏ thái độ đối với cuộc tranh luận phân cực hiện nay giữa người duy hồi giáo và duy cận đại ». Khổ một điều người duy hiện đại tản mác trong quá nhiều chính đảng độc lập khác nhau, trong khi Ennahda chỉ là một khối duy nhất.

Đảng duy Hồi Giáo này ý thức rấr rõ sự chấn động họ gây ra cho xứ sở. Bởi thế, Samir Dilou, một thành viên của bộ chính trị, cho hay : « chúng ta cần phải đưa ra nhiều sứ điệp an dân... Ta cần phải tạo ra một đa số và soạn ra một hiến pháp theo hình ảnh của nhân dân Tunisia, cởi mở, ôn hòa và khoan dung ».

« Một đảng dân sự duy hiện đại »?

Souad Abderrahim, người đứng đầu danh sách Ennahda tại Tunis, vào hôm thứ sáu 21 tháng 10, trong một cuộc họp đảng tại một khu ngoại ô của thủ đô, đã hô hào phải có một đảng dân sự duy hiện đại. « Đã đến lúc phải chấm dứt nỗi sợ sệt mà các đảng khác vốn tuyên truyền » ông ta lớn tiếng như thế, với chiếc đầu để trần, muốn nói lên tính hiện đại của đảng.

Tuy nhiên, theo Kais Saied, đảng rất mơ hồ về các chủ trương của mình, cả các nguồn tài trợ của nó cũng được giữ kín. « Các lãnh tụ của nó lúc thì nói nhân danh cá nhân, lúc thì nói nhân danh đảng và nhờ thế đã thao túng được một cử tri cởi mở và một công chúng có căn bản cấp tiến hơn ». Tóm lại, họ nhẹ nhàng sử dụng thứ ngôn ngữ nhị trùng để phá các đối thủ của mình.

Một chi tiết đáng lưu ý mới đây : Ennahda không lên tiếng kết án vụ bạo động của phe Salafiste (1), là phe đã phá hoại nơi cư trú của viên giám đốc hệ thống truyền hình Nessma, một hệ thống trước đó cho trình chiếu cuốn phim Persepolis .

Tại Libya, Chúa Nhật 23 tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Hội Đồng Chuyển Quyền Quốc Gia là Moustapha Abdeljalil đã lớn tiếng tuyên bố rằng luật pháp của Tân Libya sẽ dựa trên luật Charia của Hồi Giáo : « Là một quốc gia Hồi Giáo, chúng ta đã nhìn nhận Charia là luật chủ yếu và bất cứ luật lệ nào vi phạm Charia đều sẽ vô giá trị ». Ông này trưng dẫn luật về ly dị và hôn nhân ra làm thí dụ. Theo ông, chế độ Gadhafi ngăn cấm đa thê và cho phép ly dị. Luật này nay vô giá trị. Ông cũng tuyên bố sẽ cho mở các ngân hàng duy Hồi Giáo.

Lo lắng trước động thái ấy, các nước Tây Phương, những nước từng hỗ trợ về quân sự để thay đổi chế độ tại đó, ngày 24 tháng 10 qua, đã lên tiếng kêu gọi tân chế độ phải tôn trọng nhân quyền cho người dân Libya. Để trấn an họ, Moustapha Abdeljalil cho hay « Cộng đồng quốc tế hãy an tâm về sự kiện người Libya chúng tôi theo Hồi Giáo, nhưng là người Hồi Giáo ôn hòa. Trong tư cách Hồi Giáo, chúng tôi tôn trọng các luật lệ của Hồi Giáo. Các luật lệ này không đem lại nguy hiểm cho bất cứ đảng phái hay phe phái chính trị nào ».

«Hồi Giáo sẽ là nguồn chính cho luật pháp»

Về luật Charia, ông ta nói rõ : «Việc tôi nhắc đến luật Charia vào ngày hôm qua không có nghĩa sẽ tu chính hay bãi bỏ bất cứ đạo luật nào ». « Khi tôi trưng dẫn luật lệ đang qui định về hôn nhân và ly dị, tôi chỉ muốn đưa ra một thí dụ (về những luật đi ngược lại luật Charia) vì luật hiện hành chỉ cho phép đa thê trong một số điều kiện. Trong khi ấy, luật Charia, dựa vào một câu trong Kinh Kôrăng, thì cho phép đa thê mà không kèm điều kiện nào cả".

Tháng 9 vừa qua, trong một bài diễn văn đầu tiên trước công chúng tại Tripoli, ông ta từng quả quyết rằng « Hồi Giáo sẽ là nguồn chính của luật pháp ». Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên đối với một quốc gia có tới 97% dân số theo Hồi Giáo, trong đó phái sunni chiếm đa số.

Vị trí của Hồi Giáo đã có nhiều diễn biến tại Ai Cập. Chủ nghĩa quốc gia Ả Rập và ý thức hệ cấp tiến của nó đã đẩy tôn giáo (cả Hồi Giáo lẫn Kitô Giáo) vào lãnh vực tư đến nỗi phái Wahhab (2) phải tìm cách bén rễ vào Ai Cập qua ngả các công nhân đi làm tại các xứ vùng Vịnh. Kết quả của việc bén rễ này được diễn dịch qua việc tăng gia con số các phụ nữ trùm khăn tại Ai Cập.

Việc suy thoái về kinh tế mang theo sự suy yếu của giai cấp trung lưu đã cho phép Liên Minh Huynh Đệ Hồi Giáo, vốn phát sinh từ Ai Cập, nới rộng ảnh hưởng nhờ hệ thống trợ giúp xã hội đáng nể của nó, cũng như hệ thống học đường và phân phối thuốc men khắp các nước của nó.

Nếu họ tương đối khuyết diện vào những ngày đầu cách mạng Ai Cập, thì trái lại, ngày nay, Huynh Đệ Hồi Giáo đang tụ họp đông đảo và hưởng được nhiều lợi ích tại đó. Dù họ vẫn chỉ được làm ngơ như trước, nhưng việc mở cửa cho các chính đảng sau thành quả cách mạng đã cho phép họ hiện diện trong các cuộc tuyển cử lập pháp vào ngày 28 tháng 11 tới, dưới danh xưng « Đảng Tự Do Và Công Lý ».

Các đảng duy Hồi Giáo hẳn sẽ chiếm đa số tại Quốc Hội

Hiện nay, Huynh Đệ Hồi Giáo tại Ai Cập được coi là phong trào chính trị được tổ chức qui mô hơn hết. Điều này hẳn giúp họ đạt được số ghế quan trọng tại quốc hội vào kỳ bầu cử sắp tới. Phe Salaf, được đại diện bởi Đảng al Nour, chắc chắn cũng sẽ đạt được một số ghế.

Quốc hội mới này có nhiệm vụ soạn thảo bản hiến pháp mới chắc chắn với nội dung nặng về Hồi Giáo. Olivier Roy, tác giả cuốn « La Laïcité face à l’Islam » nhận định rằng « Phe duy Hồi Giáo, nay đã trở thành người thủ vai trong trò chơi dân chủ, chắc chắn sẽ nắm vai trò đáng kể trong việc kiểm soát phong hóa, nhưng thay vì dựa vào guồng máy áp chế như ở Iran, hay dựa vào thứ tôn giáo cảnh sát như ở Ả Rập Saudi, họ sẽ phải soạn thảo phù hợp với đòi hỏi của tự do, một đòi hỏi không chỉ dừng lại ở việc bầu ra một quốc hội. Một là người duy Hồi Giáo phải tự đồng hóa mình với phe Salaf và phe bảo thủ cổ truyền, nhưng như thế sẽ đánh mất chiêu bài tự coi mình như người suy tư về Hồi Giáo theo lối hiện đại. Hai là họ phải cố gắng khuôn định lại ý niệm của họ về các mối tương quan giữa tôn giáo và chính trị... »

Theo Roy, các biến cố hiện nay phản ảnh một sự thay đổi sâu xa nơi các xã hội của thế giới Ả Rập. «Các thay đổi này từng diễn tiến từ lâu, nhưng chúng bị che đậy bởi các sáo ngữ dai dẳng mà Tây Phương vốn gán cho Trung Đông. Chắc chắn chúng ta không chấm dứt với Hồi Giáo, và nền dân chủ tự do cũng không phải là ‘tận cùng của lịch sử’. Nhưng kể từ nay, người ta phải nghĩ tới Hồi Giáo trong khuôn khổ tự lập của nó trong tương quan với nền văn hóa tự gọi là ‘ả-rập và hồi giáo’ (arabo-musulmane), một nền văn hóa, trong quá khứ cũng như hiện tại, không tự khép kín vào chính mình ».

Theo LIONEL BONAVENTURE / AFP (La Croix, 24/10/2011)

Ghi chú

(1) Phe Salaf là một nhóm tranh đấu của Hồi Giáo Sunni cực đoan. Họ coi họ là người giải thích Kinh Kôrăng đúng đắn nhất và coi người Hồi Giáo ôn hòa là phường ngoại đạo. Họ tìm cách cải đạo mọi tín hữu Hồi Giáo và áp đặt đường lối cực đoan của họ lên khắp thế giới Hồi Giáo.

(2) Phe Wahhab cũng là một phong trào tôn giáo quá khích trong Hồi Giáo, lập từ thế kỷ 18, do nhà thần học Muhammad ibn Abd al-Wahhab (1703–1792), người Ả Rập Saudi. Phong trào này nhằm thanh lọc Hồi Giáo khỏi mọi điều họ coi là nhơ bẩn và đổi mới. Nó mạnh nhờ sự tài trợ của Ả Rập Saudi để xây đền thờ, trường học và các chương trình xã hội. Các hạn từ "Wahhabi" và "Salafi" thường được sử dụng lẫn lộn, nhưng thực ra Wahhabi được coi là một xu hướng đặc thù của phe Salafiste, một xu hướng được nhiều người coi là cực bảo thủ.