Trong diễn văn đầu năm 2010 với ngoại giao đoàn, Đức Bênêđíctô XVI có đề cập tới số phận không mấy tốt đẹp của các Kitô Hữu tại Trung Đông và để hỗ trợ họ, một Thượng Hội Đồng đặc biệt sẽ được tổ chức tại Rôma vào Mùa Thu này. Nói tới các Kitô hữu tại Trung Đông, phần đông người ta chỉ nghĩ tới các Kitô hữu nói tiếng Ả Rập và vì thế Thượng Hội Đồng trên được coi là chủ yếu bàn tới mối liên hệ với Hồi Giáo. Điều này đối với các khách hành hương Đất Thánh xem ra càng hiển nhiên hơn. Vì tới đâu, họ cũng chỉ gặp người Kitô hữu hoặc nói tiếng Ả Rập hoặc nói các thứ tiếng Tây Phương như Anh, Pháp, Ý, Đức… Thậm chí, nhiều hướng dẫn viên du lịch còn quả quyết: người Do Thái Công Giáo thường phải dấu căn tính mình nếu muốn sống còn. Có lẽ vì thế mà Zenit chạy tít cho bản tin ngày 12 tháng Giêng năm nay là “Catholics Hidden Among Jews” (những người Công Giáo dấu mặt giữa người Do Thái). Tuy nhiên, đó chỉ là cách chạy tít cho giật gân, chứ nội dung bài báo cho ta một hình ảnh trái ngược. Vì theo Zenit, cộng đồng người Công Giáo nói tiếng Híp-ri tại Giêrusalem là một cộng đồng hết sức sinh động và họ sẽ có đại diện tại Thượng Hội Đồng nói trên. Vì theo vị đại diện tòa Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem đặc trách người Công Giáo nói tiếng Híp-ri, tức linh mục David Neuhaus, Dòng Tên, thì tuy tòa đại diện này khá nhỏ và hầu như thầm lặng, nó vẫn có một sứ điệp quan trọng để công bố tại THĐ trên và tại bất cứ nơi nào khác. Sứ điệp đó như sau “sống chung, hòa giải, đối thoại và phong phú hóa lẫn nhau là điều có thể thực hiện được”.

Trong cuộc phỏng vấn với Zenit gần đây, linh mục Neuhaus cho biết lai lịch của tòa đại diện này. Theo ngài, tòa đại diện được đặt trực thuộc Tòa Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem, mặc dù các thành viên của tòa không sống trong thế giới nói tiếng Ả Rập, mà trong thế giới nói tiếng Híp-ri. Theo cha, có lẽ đó là một dấu chỉ cánh chung, một hứa hẹn của hòa bình và hoà giải vì cha tin rằng “Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên thành một, và đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù hận” (Eph 2:14).

Thực vậy, người Công Giáo nói tiếng Híp-ri tin rằng thành công của việc sống sâu sắc sự hiệp thông với các anh chị em mình trong đức tin, tức anh chị em Kitô hữu Ả Rập, trong khung cảnh tranh chấp quốc gia, sẽ là một dấu chỉ hy vọng lớn lao cho đất nước, cho quê hương của họ.

Tòa đại diện có nguồn gốc từ năm 1955 khi những người tiên phong gồm nhiều nam nữ tu sĩ, linh mục và giáo dân lập ra Liên Đoàn Thánh Giacôbê để đương đầu với hoàn cảnh mới do việc thiết lập ra Nhà Nước Do Thái và phong trào nhập cư ồ ạt của người Do Thái đặt ra, trong đó nhiều người là tân tòng Do Thái, là phối ngẫu Công Giáo của người Do Thái và là người Công Giáo tới Do Thái làm việc. Thánh Giacôbê vốn đứng đầu Giáo Hội tiên khởi của Giêrusalem thòi các Thánh Tông Đồ. Vốn là người Do Thái ngoan đạo, ngài đã lập ra cộng đoàn đầu tiên bao gồm cả người Do Thái lẫn dân ngoại, kết hợp với nhau trong niềm tin chung vào Chúa Giêsu Kitô (Cv, chương 15).

Trong những năm đầu, các cộng đoàn giáo xứ nói tiếng Híp-ri được thiết lập tại mọi thành phố lớn, dành cho hàng ngàn người Công Giáo không phải là Ả Rập, nhưng đã trở thành công dân Do Thái hay thường trú nhân lâu dài. Qui chế thành lập của liên đoàn chú trọng tới công tác mục vụ; tuy nhiên cũng lưu tâm không kém tới việc đối thoại với người Do Thái và việc hòa giải. Các cộng đoàn giáo xứ trên cũng đã trở thành nơi cầu nguyện cho hòa bình và là cầu nối giữa Giáo Hội chủ yếu gồm người Palestine nói tiếng Ả Rập và dân chúng Do Thái của Israel.

Cầu nguyện bằng tiếng Híp-ri, sống Đạo Công Giáo bằng tiếng Híp-ri, sống như một thiểu số Công Giáo giữa lòng xã hội Do Thái quả là một thực tại hết sức mới mẻ đối với Giáo Hội. Các nhà tiên phong trên đã dành rất nhiều công sức để phiên dịch phụng vụ, khai triển một nền âm nhạc thánh bằng tiếng Híp-ri, tạo ra một ngữ vựng thần học Kitô giáo bằng tiếng Híp-ri, và bắt đầu bồi đắp một sự hiện diện Kitô giáo có tính hòa giải và thân quen lẫn nhau bên trong xã hội Do Thái.

Tuy nhiên, sau một thời gian, con số tín hữu của tòa đại diện có suy giảm. Lý do không phải chỉ do di dân, mà còn do hội nhập nữa. Thế hệ mới của người Công Giáo Do Thái nói tiếng Híp-ri có khuynh hướng hội nhập vào xã hội duy tục của Do Thái. Tòa đại diện không có các định chế giáo dục hay bất cứ định chế nào khác. Các cộng đồng quá nhỏ bé của họ không tạo ra được một môi trường xã hội cho giới trẻ, là những người sẵn sàng kết hôn với người Do Thái Giáo và thường trở lại Do Thái Giáo để kết hôn. Thành ra, một trong các thách đố lớn hiện nay của tòa đại diện là thông truyền đức tin cho thế hệ mới, để họ thấy trong đó không phải chỉ là vấn đề quan tâm mà còn là trợ giúp cho cuộc sống hàng ngày của họ.

Trong khoảng 20 năm vừa qua, các cộng đoàn trên đã được tăng cường nhờ sự nhập cư đông đảo từ Liên Bang Xô Viết cũ. Trong số hàng trăm ngàn người nói tiếng Nga này, hàng chục ngàn là Kitô hữu, trong số ấy không ít là người Công Giáo. Hiện nay, tòa đại diện có phong trào tông đồ bằng tiếng Nga, nhưng con cái các di dân này chẳng bao lâu sau đã trở thành người nói tiếng Híp-ri, nên thách đố của tòa đại diện hiện nay là duy trì đức tin cho các con em này và chuẩn bị cho các em sống trong xã hội Do Thái, nói tiếng Híp-ri, tại Israel.

Năm 1990, lần đầu tiên, Thượng Phụ Latinh, Michel Sabbah, bổ nhiệm một linh mục đại diện cho ngài để trông coi các cộng đoàn trên đó là linh mục dòng Biển Đức, Viện Phụ Jean-Baptiste Gourion. Năm 2003, Đức Gioan Phaolô II nâng ngài lên hàng giám mục. Biến cố ấy đã làm cho sự hiện diện của Giáo Hội tại Israel rõ nét hơn. Sau cái chết sớm sủa của ngài vào năm 2005, vị quản lý Thánh Địa, linh mục Pierbattista Pizzaballa, Dòng Phanxicô, được đề cử thay thế. Và năm 2009, linh mục David Neuhaus, Dòng Tên, cựu thu ký của toà đại diện, được cử làm đại diện các cộng đoàn Công Giáo nói tiếng Híp-ri tại Đất Thánh.

Một sự kiện nữa là việc chào đón các công nhân ngoại quốc tới đây dài hạn và học tiếng Híp-ri để kiếm công ăn việc làm. Con cái sinh ra tại đây của họ cũng phải tới trường để học tiếng Híp-ri. Và theo định nghĩa, họ cũng là những người Công Giáo nói tiếng Híp-ri.

Hiện nay, tòa đại diện có 6 trung tâm trên toàn quốc (4 trung tâm tại Jerusalem, Tel Aviv-Jaffa, Haifa và Beer Sheba; 2 trung tâm dành cho tín hữu nói tiếng Nga) và 9 linh mục phục vụ. Nhiệm vụ thực tế là đi tìm những con chiên lạc, tức những người không biết rằng hiện đang có một Giáo Hội nói tiếng Híp-ri tại Israel và rằng người ta có thể sống cuộc sống Công Giáo bằng tiếng Híp-ri ấy giữa lòng xã hội Do Thái theo Do Thái Giáo.

Theo cha Neuhaus, điều khó khăn hiện nay là trên thực tế, cái Giáo Hội nói tiếng Híp-ri ấy gần như vô hình. Các nhà thờ hay định chế Công Giáo như trường học, bệnh viện và trung tâm xã hội một là nói tiếng Ả Rập hai là nói tiếng ngoại quốc, dù các khách hành hương tới Đất Thánh hiện nay đã không chỉ lưu ý tới những viên đá của thánh điện hay thánh điểm mà còn lưu ý tới các viên đá sống động tức các cộng đoàn Kitô hữu, trong đó có những người Công Giáo nói tiếng Híp-ri. Cha cho hay trong các năm qua, thế giới Kitô Giáo đã trợ giúp nhiều cho anh chị em Kitô hữu nói tiếng Ả Rập. Điều ấy thật là chính đáng vì anh chị em Kitô hữu nói tiếng Ả Rập hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc sống còn. Tuy nhiên, những người Công Giáo nói tiếng Híp-ri cũng có những nhu cầu của họ mà đôi khi thật khó kiếm được phương tiện để thực hiện các công trình cần thiết cho việc duy trì sự hiện hữu rất đặc biệt này của Giáo Hội tại Đất Thánh.

Hiện nay, toà đại diện có một số dự án quan trọng. Dự án thứ nhất là ấn hành một loạt sách giáo lý cho trẻ em, mà loạt đầu tiên tựa là “Gặp Gỡ Đấng Được Xức Dầu” vừa được phát hành với sự trợ giúp của tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Túng Thiếu (Aid to the Church in Need) của Đức. Dự án thứ hai là tổ chức các sinh hoạt huấn luyện cho giới trẻ. Dự án thứ ba là đào tạo các linh mục và giáo lý viện…

Các thách đố

Hiện nay, tòa đại diện có 3 thách đố chính:

1. Thiết lập và nuôi dưỡng các cộng đoàn Công Giáo nói tiếng Híp-ri tại quốc gia Israel để người Công Giáo hoà nhập vào cuộc sống của xã hội Israel theo Do Thái Giáo. Làm người Công Giáo nói tiếng Híp-ri trong một môi trường chủ yếu theo Do Thái Giáo là một kinh nghiệm mới trong lịch sử Giáo Hội.

2. Làm cây cầu giữa Giáo Hội Hoàn Vũ và dân tộc Israel qua việc củng cố mối liên hệ giữa người Do Thái Giáo và người Kitô Giáo và gọt dũa ý thức của Giáo Hội đối với nguồn gốc Do Thái của mình và căn tính Do Thái của Chúa Giêsu và của các Tông Đồ. Các tín hữu của tòa đại diện cam kết tham dự trọn vẹn vào đời sống của xã hội

Do Thái theo Do Thái Giáo và vào đời sống của Giáo Hội Công Giáo.

3. Trong tư cách thành viên của Giáo Hội tại Đất Thánh, làm chứng cho các giá trị hòa bình và công lý, tha thứ và hòa giải trong bối cảnh bạo lực và chiến tranh.

Một số nhân vật tiêu biểu của tòa đại diện

Nhiều nhân vật nổi bật của tòa đại diện tự hào về căn tính Do Thái của mình. Một số là người sống thoát nạn Diệt Chủng của Thế Chiến II, trở lại Đạo Công Giáo trong thời chiến và cả sau đó nữa, và nay tha thiết cổ vũ tình yêu đối với người Do Thái và quốc gia Israel nói chung trong lòng Giáo Hội. Linh mục Neuhaus giải thích như sau: “chúng tôi tự coi mình như bén rễ trong xã hội Do Thái với lòng kính trọng thực sự đối với người Do Thái Giáo y như họ tự thấy họ. Chúng tôi theo lịch phụng vụ Do Thái và tuân giữ nhiều ngày lễ của họ, như lễ Sukkot và Hanukkah

Một trong các người Công Giáo nói tiếng Híp-ri đầu tiên là linh mục Daniel. Tư cách linh mục Công Giáo nói tiếng Híp-ri, sinh ra đã là người Do Thái và sau đó theo chủ nghĩa Xion của ngài đã tạo ra tiền lệ trong lịch sử luật pháp của Israel khi ngài nạp đơn xin nhập quốc tịch tại đó dựa vào bộ Luật Hồi Hương (Law of Return), tức bộ luật bảo đảm quyền công dân theo yêu cầu cho bất cứ người Do Thái nào nhập cư Israel.

Sinh ra vốn mang tên là Oswald Rufeisen trong một gia đình Do Thái Giáo Chính Thống tại thành phố Ba Lan có tên Oswiecim tức Auschwitz theo tiếng Yiddish. Lúc nhỏ, vị linh mục này là đoàn viên của Đoàn Thanh Niên Bnei Akiva của phong trào Xion. Khi Đức xâm lăng Ba Lan năm 1939, ngài trốn Ba Lan theo hướng đông, nhưng kết cục cũng trở thành lao công khổ sai của Đức Quốc Xã tại Lithuania. Trốn một lần nữa, nhờ năng khiếu ngôn ngữ đã lấy được căn cước mới và làm thông dịch cho cảnh sát tại thị trấn Mir, hiện thuộc Belarus. Ở đó, ngài có công cứu hàng trăm người Do Thái nhờ thông báo trước cho họ về kế hoạch Quốc Xã sắp san bằng khu biệt cư Mir và giúp đặt kế hoạch cho họ trốn thoát. Chính ngài cũng đi trốn suốt thời gian còn lại của cuộc chiến trong một tu viện địa phương, và trong thời gian này, ngài đã quyết định trở lại Đạo Công Giáo.

Năm 1959, khi tới Israel, Rufeisen, lúc ấy là một đan sĩ dòng Cát Minh, đã nạp đơn xin nhập quốc tịch theo Đạo Luật Hồi Hương. Dù có nhiều dư luận dị biệt về việc này, nhưng chính phủ đã quyết định bác bỏ đơn của ngài, vì cho rằng Đạo Luật trên chỉ áp dụng đối với những người Do Thái không theo tôn giáo khác. Ngài kháng án lên Tòa Án Tối Cao, nhưng tòa này cũng bác bỏ đơn của cha với tỷ số 4/1. Tuy nhiên sau đó, ngài vẫn trở thành công dân Do Thái nhờ thủ tục nhập quốc tịch khác và đã sống ở đó như một thành viên chủ yếu của cộng đoàn Công Giáo nói tiếng Híp-ri tại Haifa, cho đến khi qua đời năm 1998.

Vì án lệnh bất lợi cho cha Daniel trước đây, cha Gregorcz Pawlowski, năm nay 78, đã không tới Do Thái dưới Đạo Luật Hồi Hương. Ngài sinh ra với tên Zvi Griner, từ cha mẹ ngoan đạo Do Thái. Lúc ấy gia đình của ngài sinh sống tại Zamosc, Ba Lan. Lúc ngài 11 tuổi, quân đội Đức xâm lăng Ba Lan và sát hại cha mẹ và đứa em gái của ngài. Ngài thoát được cuộc sát phạt ấy, và cả cuộc chiến sau đó nhờ giấy rửa tội giả của Công Giáo, và được các nông dân địa phương cho trú ẩn và ăn uống. Lúc quân đội Nga đánh đuổi quân đức ra khỏi Ba Lan năm 1944, ngài xuýt chết vì đói và bệnh tật. Rất nay, ngài được cứu và đưa vào một viện mồ côi Công Giáo. Tại đây, ngài được học trường các nữ tu. Sau khi sống thoát nạn Diệt Chủng, ngài trở thành một linh mục. Vốn là một thành viên lâu đời của tòa đại diên những người Công Giáo nói tiếng Híp-ri, cha Pawlowski cũng phục vụ cộng đoàn Công Giáo Ba Lan tại Jaffa. Tuy nhiên, cha lại có kế hoạch được chôn cất tại một nghĩa trang Do Thái tại Izbica, Ba Lan, nơi cha mẹ và em gái ngài bị thảm sát. Ngài cũng đã yêu cầu giáo sĩ Michael Schudrich, giáo sĩ trưởng của Ba Lan, đọc kinh Kaddish tại lễ tang của ngài, đây là kinh cầu cho người chết của Do Thái Giáo. Ngài ăn chay trong ngày lễ Yom Kippur của Do Thái. Trên cửa ra vào căn hộ đơn giản của ngài tại số 4 Đường Ben Zvi có ghi 2 tên: Gregorcz Pawlowski viết theo mẫu tự La Tinh và Zvi Griner, theo mẫu tự Híp-ri, hai cái tên của cùng một con người dường như có hai căn tính tôn giáo ít chịu tương hợp với nhau.

Dùng tiếng Ba Lan, và qua một thông dịch viên, Cha Pawlowski kể cho nhà báo nghe câu truyện của mình bằng một giọng đơn điệu, không một cảm xúc nào lộ ra nét mặt. Thảm kịch tuổi trẻ xem ra đã lấy hết đi mọi xúc cảm khỏi trình thuật khá dài của ngài. Ngài không bao giờ mỉm cười.

Người thứ ba chính là vị đại diện hiện nay, cha David Neuhaus. Năm nay 46 tuổi, cha Neuhaus là một linh mục Dòng Tên, từng được dưỡng dục làm người Do Thái ngoan đạo tại Nam Phi. Con đường đưa ngài tới Đạo Công Giáo bắt đầu khi cha mẹ gửi ngài đi học tại một trường Talmudic (yeshiva) ở Giêrusalem lúc thiếu niên.

Chính tại Giêrusalem, cha gặp một nữ tu Chính Thống Giáo xuất thân từ hoàng gia Nga. Cha kể lại: “lúc ấy tôi 15, bà 89 tuổi. Bà có một ảnh hưởng tuyệt diệu đối với tôi xét theo quan điểm thiêng liêng. Bà chiếu tỏa ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Ảnh hưởng của bà khiến tôi đặt ra thật nhiều câu hỏi đối với niềm tin của mình”.

Neuhaus hứa sẽ thảo luận với cha mẹ về hướng đi thiêng liêng của mình và cha đã đợi thêm 10 năm nữa mới thực hiện được lời hứa ấy. Cha trở lại Công Giáo và thụ phong linh mục lúc 26 tuổi!

Cha cho hay: “Hiện nay, tôi thường xuyên tham dự hội đường Cải Cách. Tôi tới đó để nói lên tôi là ai về phương diện lịch sử, xã hội và cả thiêng liêng nữa xét theo một mức độ nào đó. Cung điệu âm nhạc của hội đường gần gũi với tâm hồn tôi nhiều hơn là các bài bình ca trong các đan viện Biển Đức, vì tôi vốn lớn lên với cung điệu âm nhạc ấy. Nhiều thànhn viên của chúng tôi tham dự hội đường để tỏ tình liên đới”.

Ngài cũng cho rằng Israel là xã hội duy nhất nơi đó người Do Thái chiếm đa số. Tôn giáo, lịch sử và văn hóa Do Thái tạo nhịp sinh hoạt cho cộng đồng Công Giáo. Trong một cuộc phỏng vấn của Zenit trước đây, cha vốn phát biểu: “Đối với chúng ta, suy tư của Giáo Hội Phổ Quát về căn tính Do Thái của Chúa Giêsu và các gốc rễ Do Thái của đức tin chùng ta không phải chỉ là một yếu tố trong cuộc canh tân của chúng ta sau Công Đồng Vatican II. Nó còn là một phần của chính sự hiện hữu hàng ngày của ta”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh, cha Neuhaus cho hay: một số thành viên của cộng đồng Công Giáo nói tiếng Híp-ri đã góp phần vào việc lên khuôn cho các canh tân của Công Đồng Vatican II, một cuộc canh tân đã bác bỏ việc lên án người Do Thái giết Chúa, lên án phong trào bài Do Thái và cho phép Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng bình dân. Những canh tân này từng được phát biểu trong qui chế thành lập cộng đồng Công Giáo nói tiếng Híp-ri cả 10 năm trước khi Vatican II được nhóm họp.

Theo cha, cộng đồng của cha đã chỉ cho người Công Giáo phương thức coi người Do Thái là anhnchị em, chứ không phải là những người xấu xa nhất tâm phá hoại Đạo Công Giáo. Các thành viên của cộng đồng này sống theo lời của Đức GH Gioan Phaolô II nói trong cuộc viếng thăm Đại Hội Đường Do Thái tại Rôma ngày 13 tháng 4, năm 1986: “các vị là anh em qúy yêu của chúng tôi, hay, chúng tôi dám nói, các vị là các anh lớn của chúng tôi”.