KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2010

CHƯƠNG 3: LẠM PHÁT TĂNG MẠNH (tiếp theo).

B. Công việc Quản lý kinh tế Việt Nam yếu kém vì dựa vào nguyên tắc ‘hồng hơn chuyên’ trọng dụng các đảng viên hơn chuyên viên, chứ không phải vì Quê Hương không có nhân tài để thiết lập một cơ cấu xây dựng và quản lý một nền kinh tế bền vững và lâu dài. Kế hoạch sai vì mục đích của nền kinh tế Việt Nam hiện nay chỉ nhắm vào con số tăng trưởng kinh tế, bất kể sự nguy hiểm cho ổn định kinh tế và sự nghèo nàn của người dân.

Sự quản lý kinh tế yếu kém của bộ chính trị đảng cộng sản có thể thấy qua hai sự kiện sau:
- ‘vneconomy.vn’, ngày 24.02.2011, đăng lời phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn đức Kiên nói về tình hình giá cả tăng cao: « Giờ cầm 100 nghìn đi chợ cứ như đi tay không, rất may là có bà vợ đi chợ giúp chứ không lương của tôi mà ra chợ bây giờ chỉ được mươi mười lăm ngày là hết. »

Khi nhà báo hỏi nhận định về việc chính phủ chuẩn bị một nghị quyết riêng về vấn đề lạm phát, ông cho rằng: « Chính phủ đã tỏ ra tích cực, khẩn trương trong ứng phó với lạm phát cao. Nhưng cần khẩn trương và tích cực hơn nữa. Đến giờ mà mới chuẩn bị ban hành nghị quyết cho vấn đề này thì cũng đã là chậm. »
Là Phó chủ tịch Quốc hội, đảng viên trung kiên, đại nhân của chế độ, ông Nguyễn đức Kiên còn than như vậy, thì người dân thường còn khổ đến mực nào?

II. LẠM PHÁT ĐẦU NĂM 2011.

Ngày 12.01.2011, Tổng bí thư xuất nhiệm Nông đức Mạnh trình bày tại phiên khai mạc Đại hội XI, đã đưa ra vài con số cụ thể tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng Tổng Sản lượng Nội địa (TSLNĐ) bình quân 7-8%/năm, TSLNĐ bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 mỹ kim... giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong TSLNĐ… Sau đó, ông Mạnh rời Bộ Chánh trị nhường chức Tổng bí thư cho Nguyễn phú Trọng, nhưng quyền hành nằm trong tay Nguyễn tấn Dũng, tiếp tục chức vụ Thủ tướng Chính phủ. Hiện tượng ‘sùng bái số lượng’ tiếp tục…

1.- Lạm phát tại Việt Nam tháng 01.2011 tăng 1,74% so với tháng trước.

Ngày 24.01.2011, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc tháng 01.2011 tăng 1,74% so với tháng 12.2010. Tuy thấp hơn so với mức 1,98% của tháng 12.2010, nhưng con số này cao hơn khá nhiều so với mức 1,36% của tháng 01.2010. So với tháng 01.2010, lạm phát tại Việt Nam tháng 01.2011 tăng 12,17% so với thời kỳ trước.

Quan sát rổ hàng hóa, ‘giáo dục’ là nhóm có số bách phân tăng giá mạnh nhất trong tháng với mức 2,9% so với tháng trước. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tăng mạnh nhưng con số 2,47% của tháng đã có phần giảm hơn so với bách phâân 3,31% của tháng 12.2010. Chỉ ‘bưu chính viễn thông’ là nhóm duy nhất giảm giá với mức 0,06% so với tháng trước.

Mức tăng Chỉ số giá tiêu dùng tại khu vực nông thôn trong tháng là 1,86%, cao hơn so với mức trung bình toàn quốc và tại khu vực thành thị. Vùng Tây Bắc là khu vực có mức lạm phát tăng mạnh nhất trong nước với 2,68% so với tháng 12.2010.

2.- Lạm phát tại Việt Nam tháng 02.2011 tăng 2,09% so với tháng trước.

Ngày 23.02.2011, Tổng cục Thống kê công bố: chỉ số giá tiêu dùng tháng 2.2011 đã tăng 2,09% so với tháng 1.2011. Tỷ lệ lạm phát này được xem như là ‘trung bình’ trong tháng Tết nguyên đán, tiêu dùng tăng nên chỉ số giá tăng cao.

Quan sát 10 năm qua, chúng ta thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 đã có 8 năm (trừ năm 2009: 1,17% và năm 2010: 1,96% so với tháng giêng trước đó) vượt mức tăng 2% và tháng 2 năm nay cũng đạt mức tăng thấp nhất trong 8 năm vừa nêu. Tuy nhiên, nếu so sánh với các tháng trước, thì mức tăng tháng 2 này đã tăng cao hơn mức của hơn 30 tháng liền.

Phân tích các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, tháng 2 là tháng ăn Tết, nên nhóm ‘hàng ăn và dịch vụ ăn uống’ đã có mức lạm phát tăng 3,65% so với tháng 01.2011 (trong đó, chỉ số chi dùng lương thực tăng 1,51%; thực phẩm tăng mạnh 4,53% và ăn uống ngoài gia đình tăng 3,31%). CPI nhóm thuốc lá cũng đã tăng 2,14%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,38%; giao thông tăng 1,01% (do tăng giá vé của nhiều loại hình vận tải); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,83% (do tiêu dùng điện, nước tăng trong khi giá xi măng, thép… cũng đã cao hơn trước); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,64%... Tuy không tính vào ‘rổ hàng hóa và dịch vụ’, chỉ số giá mỹ kim tháng này đã tăng 0,94% so với tháng trước và, Ngược lại, chỉ số giá vàng giảm 0,35%.

3.- Lạm phát 2 tháng đầu năm 2011 tăng 2,09% so với tháng 12.2010.

Chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc tháng 01.2011 tăng 1,74% so với tháng 12.2010 và đã tăng, trong tháng 02.2011, 2,09% so với tháng 01.2011. Như vậy, tổng số chỉ số giá tiêu dùng trong 2 tháng này đã tăng 3,87% so với tháng 12.2010 và đã tăng 12,31% so với tháng 02.2010.

Lưu ý: Chỉ số giá tiêu dùng toàn quốc 2 tháng đầu năm 2011 không phải là (1,74% + 2,09%) = 3,87% mà là:
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01.2011: 1 + (1 x 1,74%) = 1,0174 hay 101,74%;
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02.2011: 1,0174 + (1,0174 x 2,09%) = 1,0174 + 0,0213 = 1,0387 hay 3,87%

Trong đó, có thể viết: 100% là 1; 1,74% là 0,0174 và 2,09% là 0,0209.

4. Việt Nam giới hạn bách phân lạm phát năm 2011 ở mức 7% so với năm 2010?

a.- Chiều ngày 08.11.2010, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7-7,5%, lạm phát không quá 7%. Nghị quyết được 84,58% số đại biểu tán thành. Trước đó, báo cáo tổng hợp thảo luận của đại biểu Quốc hội nêu rõ, đa số ý kiến nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.

b.- Từ ngày 20.02.2011, người dân đất Việt được biết chắc Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tăng giá bán điện, từ ngày 01.03.2011, lên 15,28% so với giá trung bình thực hiện năm 2010, tức sẽ là 1.242 đồng/KWh.
Căn cứ vào mức điều chỉnh đó thì các hộ có mức tiêu thụ điện từ 50 KWh/tháng trở xuống sẽ phải trả thêm khoảng 5.000 đồng/tháng, các hộ có mức tiêu thụ điện dưới 100 KWh/tháng sẽ trả thêm khoảng 21.000 đồng/tháng, các hộ có mức tiêu thụ đến 200 kWh/tháng sẽ trả thêm trên 53.000 đồng/tháng và tiêu thụ đến 400 kWh/tháng sẽ phải trả thêm từ 100.000-135.000 đồng/tháng.

Theo các chuyên gia kinh tế, với việc tăng giá điện này, một loạt các hàng hóa và dịch vụ cũng sẽ điều chỉnh tăng. Yếu tố lạm phát do tăng giá điện này cũng có thể bị đẩy thêm từ 1%-2%.

c.- Ngày 24.02.2011, Chính phủ Việt Nam loan báo quyết định tăng giá xăng dầu thêm 2.900/lít. Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng mức tăng như vậy chưa phải là cao vì, nếu tính đủ thuế và chi phí, lẽ ra xăng phải tăng thêm 6.493 đồng/lít trong đợt điều chỉnh này. Viên chức này còn đe: « Từ quý 2-2011 trở đi nếu giá thế giới tăng sẽ tăng giá trong nước, nếu giá thế giới giảm sẽ khôi phục mức thuế nhập khẩu, sau đó mới thực hiện giảm giá bán. »

d.- Ngoài ra, dựa vào chỉ số giá tiêu dùng nhóm ‘hàng ăn và dịch vụ ăn uống’ hàng tháng đều tăng và tăng nhanh vì giá lương thực và thực phẩm ngày càng tăng trên thị trường thế giới do thời tiết khắc nghiệt. Riêng tại Việt Nam, do sự tham nhũng lan tràn của các đảng viên cộng sản, diện tích canh tác nông nghiệp bị giới hạn do cướp đất đai để xây cất các dự án không vì công ích, nhất là chiếm để làm sân golf.

e.- Kết luận, với bao nhiêu sự tăng giá đầu vào về nguyên, nhiên liệu đó thì bắt buộc giá thành sản phẩm và dịch vụ phải gia tăng. Thêm vào đó, giá xăng dầu gia tăng thì phí vận chuyển cũng gia tăng. Nhưng tăng giá thành, giảm lợi nhuận bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc quản lý, sắp xếp sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của từng đơn vị trong nền kinh tế. Do đó, việc điều hành giá năm 2011 với mục tiêu lạm phát tăng không quá 7% so với 2010 sẽ gặp rất nhiều khó khăn và, nếu không khéo, chỉ số giá tiêu dùng năm nay cũng sẽ là 2 con số.

III. THỜI NÀO DÂN VIỆT SƯỚNG NHẤT.

Đó là tựa đề một bài có địa chỉ như sau: http://baotoquoc.com/2009/11/01/th%E1%BB%9Di-nao-dan-vi%E1%BB%87t-s%C6%B0%E1%BB%9Bng-nh%E1%BA%A5t/

Trong đó, tác giả Nguyễn Hội đã đọc sách về phát triển kinh tế tại Miền Nam Việt Nam từ 1955 đến 1975 do Douglas C. Dacy của đại học Austin (Texas) viết vào năm 1986 và viết về lương công nhân từ 1956 đến 1974 để so sánh với lương công nhân năm 2006 (một trong những năm phát triển mạnh nhất của Việt Nam cộng sản, có nguồn từ: http://www3.tuoitre.com.vn/ViecLam/Index.aspx?ArticleID=166977&ChannelID=269 ).

1.- Lương Công nhân lao động được phân biệt có nghề hay không có nghề chuyên môn và sự chêch lệch giữa hai loại lương này rõ ràng nhất vào năm 1956 với 76%:

Năm | lương ngày cho thợ chuyên môn | lương ngày cho thợ nam | Chỉ số giá tiêu thụ của dân lao động (1962=100) | Giá gạo
(1 kg)
1956 | 88,9 | 50,5 | 96,4 | 4,6
1957 | 91,5 | 58,6 | 92 | 4,4
1958 | 101,5 | 72,3 | 90,2 | 4,8
1959 | 100 | 69,3 | 92,4 | 3,9
1960 | 102,5 | 72,3 | 91,2 | 4
1961 | 102,7 | 73,7 | 97 | 5,2
1962 | 106,1 | 75,7 | 100 | 5,2
1963 | 110,6 | 77,2 | 107,9 | 5,3
1964 | 114,4 | 81 | 110,4 | 5,5
1965 | 126,6 | 90,1 | 128,4 | 6,5
1966 | 190,6 | 132,6 | 209,6 | 10,5
1967 | 314,5 | 208,2 | 299,4 | 20,3
1968 | 371,9 | 255 | 380 | 20,7
1969 | 449,9 | 311,6 | 463,1 | 31,4
1970 | 592,6 | 416,4 | 633,5 | 40,2
1971 | 772,9 | 516,5 | 749,3 | 48
1972 | 870,1 | 652,1 | 938,3 | 72,3
1973 | 1104 | 843 | 1355,5 | 111,7
1974 | 1493 | 1039 | 2004,5 | 171,3
… | | | | …
2006 | 54000 | 32000 | | 6283


Lương của người lao động vào năm 2006 được tính dựa vào dữ kiện của trang báo ‘Tuổi Trẻ’ nói trên. Theo đó, lương tháng công nhân là 800.000đ và lương của nhân viên bảo dưỡng sửa chữa trung bình 1.350.000đ (từ 1.200.000đ – 1.500.000đ). Công nhân làm việc 6 ngày một tuần, mỗi tháng làm việc ít nhất 25 ngày, vì thế lương ngày của công nhân là 32000 = 800.000/25 và cho công nhân có tay nghề là 54000. Giá gạo cho năm 2006 được tính theo giá trung bình từ cách tỉnh miền Tây Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long lấy từ bài http://vietbao.vn/Kinh-te/Gia-gao-lien-tuc-tang/20645402/88/.

Lương của người lao động không có nghề tăng 50% trong vòng 6 năm từ 1956 đến năm 1962 trong khi đó vật giá chỉ tăng tổng cộng 3,6% trong thời gian này. Nghĩa là đời sống của người dân tăng rất cao, ít nhất 46% trong vòng 6 năm trời. Đặc biệt vật giá giảm hơn 4,4% vào năm 1957 và giảm gần 2% trong năm 1958 trong khi lương thợ tăng hơn 23% trong năm này.

2.- Mỗi ngày người lao động làm được bao nhiêu kí gạo?

Phương pháp so sánh lương người lao động giữa các thời đại tại Việt Nam hữu hiệu nhất là so sánh đồng lương tính ra bằng sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như phần trên chúng ta đã so sánh với những năm từ 1956 đến 1974. Để có thể so sánh với năm 2006 cụ thể và đon giản nhất chúng ta là tính ra bằng gạo. Sự so sánh này có tính cách tương đối, bởi vì người lao động và gia đình của họ tiêu thụ những sản phẩm khác ngoài gạo hàng ngày, đồng thời giá cả sản phẩm nông nghiệp giảm mạnh do cải tiến kỹ thuật trong ngành nông nghiệp:

Năm | lương thợ tính ra kg gạo | lương thợ chuyên môn tính ra kg gạo
1956 | 11| 19,3
1957 | 13,3 | 20,8
1958 | 15,1 | 21,1
1959 | 17,8 | 25,6
1960 | 18,1 | 25,6
1961 | 14,2 | 19,8
1962 | 14,6 | 20,4
1963 | 14,6 | 20,9
1964 | 14,7 | 20,8
1965 | 13,9 | 19,5
1966 | 12,6 | 18,2
1967 | 10,3 | 15,5
1968 | 12,3 | 18
1969 | 9,9 | 14,3
1970 | 10,4 | 14,7
1971 | 10,8 | 16,1
1972 | 9 | 12
1973 | 7,5 | 9,9
1974 | 6,1 | 8,7
2006 | 5,1 | 8,6


Biểu thị trên đây cho chúng ta thấy ‘Lương của người lao động’ trong năm 2006 tính ra được 5,1 kg gạo một ngày trong khi năm 1960 họ làm được 18,1 kg và ‘Lương của người lao động’ Việt Nam có lương cao nhất trong những năm thời Đệ nhất Cộng hoà, trước đây nửa thế kỷ, và thấp nhất trong năm 2006 trong thời ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, người dân thiện chí Việt Nam ghi ơn ông Ngô đình Diệm, vị Tổng Thống yêu nước, thương dân và thanh sạch.

Thế giới mỗi ngày mỗi phát triển, đời sống con người mãi cải thiện, thăng tiến. Tại sao đời sống người dân Việt Nam mãi đi thoái lui?