CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY (C 2010)

Sám hối: “cú đánh liều tuyệt diệu”

Điểm xuất phát căn bản: Nhận ra thân phận tội lỗi của chính mình.

Nhìn nhận mình là kẻ có tội có phải là một điều đáng hổ ngươi, một nổi nhục cần né tránh ? Trong nhản quan Kitô giáo, nhất là trong lăng kính Tin Mừng của Chúa Giêsu, thì hoàn toàn ngược lại. Thành thật, chân tình nhìn nhận mình là kẻ có tội là một thái độ đạo đức, một hành vi làm nên công chính.

Trong Tin Mừng Luca (18,9-14), Chúa Giêsu đã từng đưa ra 2 mẫu người cùng lên đền thờ cầu nguyện: Một anh chàng Pharisiêu kiêu căng, hợm hĩnh….và một chàng thu thuế đứng cuối nhà thờ đấm ngực ăn năn…Kết quả: Người thu thuế tự nhận mình là kẻ tội lỗi “đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không”.

Trong lịch sử cứu độ và sau nầy, trong lịch sử Hội Thánh, điều đó luôn được minh chứng cách hùng hồn và sống động:

- Đa-vít chỉ là thánh vương khi ngài biết nhìn nhận tội ác và hết lòng sám hối ăn năn.

-Phêrô đã trở thành Thánh Cả Phêrô và làm kẻ thay mặt Chúa để làm người chăn dắt Giáo Hội sau khi đã khóc lóc ăn năn vì tội chối Chúa của mình.

- Maria Mađalêna: Nếu không có những giọt nước mắt ăn năn rớt trên chân Chúa thì làm sao xứng đáng là người thứ nhất mang Tin mừng Phục sinh cho nhân thế?

-Giakêu chắc chắn sẽ không bao giờ được Chúa đột xuất viếng thăm, nếu trong sâu thẳm cõi lòng không có một chuyển hướng nội tâm với lòng ăn năn sám hối khi trèo lên cây sung để xem Chúa cho rõ mặt?

-Làm sao người trộm bên hữu lập tức nhận được lời hứa “hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với ta” nếu từ trong thâm tâm, anh ta đã không triệt để ăn năn tội lỗi ngập đầu của mình để quay hướng nhìn về Đức Kitô để nài xin ơn tha thứ ?

Và nếu việc tự nhận mình là tội nhân không được đánh giá như là hành vi thánh thiện, tốt lành, thì chắc chắn, cộng đoàn phụng vụ chúng ta đã chẳng thực thi việc nầy như một cử hành long trọng, công khai mở đầu cho hết mọi cuộc cử hành Phụng Vụ thánh thiêng của Hội Thánh: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em…”

Chính vì thế, chúng ta có thể khẳng định cách dứt khoát rằng: Điểm xuất phát căn bản cho mọi cuộc hành trình đức tin hướng về Thiên Chúa, mọi cuộc hoán cải để đổi mới cuộc đời đó chính là khiêm hạ nhận ra thân phận tội lỗi của chính mình. Điều nầy nếu được diển tả bằng một ngôn ngữ khác thì chúng ta có thể xem đó chính là thực thi cái mối phúc thứ nhất của con đường “Tám Mối Phúc Thật”: Khó nghèo.

Sống Mùa Chay và chuẩn bị hội nhập sâu xa vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, phải chăng đó là lúc chúng ta dừng lại nhìn sâu vào tận cõi lòng, xem xét toàn bộ cuộc sống, để nhận ra “thân phận khó nghèo”, để ý thức tình trạng đáng thương đầy vết nhơ tội lỗi mà ngước mắt hướng về Thiên Chúa nài xin lòng xót thương cứu độ. Một cõi lòng trơ như đá, một trái tim khô cằn luôn đóng kín với những mặc cảm tự tôn, những sỹ diện kiêu căng tự mãn, thì làm sao có thể mở toang ra để đón nhận luồng gió mới của Thánh Linh mà hình thành một nhân cách mới, một con người mới.

Quả thật “con người trở nên vĩ đại khi biết quỳ xuống”

Tiêu đích để hướng tới: Dám tin vào tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

Nhận ra tội lỗi của mình mới chỉ là một bước khởi đầu cơ bản. Nếu nhận ra để rồi thất vọng nảo nề, để tự ti mặc cảm và rồi lại khép kín tâm hồn trong một trạng thái thất vọng ê chề thì cũng ích lợi gì. Đức Kitô không chủ trương một lối “khắc kỷ” đóng kín trên chính mình mà là một “metanoia” luôn mở toang ra để hướng về Thiên Chúa Tình Yêu. Chính vì thế, điều quan trọng xét cho cùng, không còn là tội lỗi, không còn là nô lệ, không còn là bóng tối…nhưng chính là tình thương của Thiên Chúa, một tình yêu quảng đại, bao dung của người cha nhân ái, luôn mở ra đón đợi tất cả mọi con hoang quay bước trở về (Dụ ngôn Người Cha nhân hậu trong TM Luca).

Dám tin vào tình thương của Thiên Chúa, vì thế, không là chuyện dễ. Nếu Giuđa Is-ca-ri-ốt đã dám tin thì làm gì có chuyện “thắt cổ chết khốn nạn”?.

(Có một tuồng kịch với chủ đề: Trầm Luân Vì Tuyệt Vọng”. Chuyện kể có 2 người bạn thân cả hai làm tướng cướp. Sau cùng một tên sa lưới. Trong tù có thời gian sám hối, vững tin vào tình thương tha thứ, trước ngày lên đoạn đầu đài đã tin tưởng ăn năn và lảnh bí tích Giao Hòa. Chết trong bình an thanh thản. Người kia rút vào rừng vắng, quyết tâm sống những ngày còn lại trong khổ chế ăn năn. Tuy nhiên, vì cứ mãi dằn vặt với những tội ác tầy trời của mình, không dám tin vào thương tha thứ của Thiên Chúa, nên cả thân xác lẫn tâm hồn héo hắt, lụi tàn dần theo năm tháng để rồi tắt hơi trong nổi thất vọng mênh mang…)

Có lẽ không thiếu những lần chúng ta đã sống như thế khi cứ nghĩ rằng: Thiên Chúa sẽ nhìn chúng ta bằng ánh mắt nghiêm khắc của một quan tòa, Giáo Hội sẽ chờ đợi chúng ta như một nhà tù đang mở cửa. Tòa Giải Tội như một “vành móng ngựa” để chúng ta hết đường biện hộ cho những lỗi lầm yếu đuối của mình để chỉ còn lại một điều là cúi đầu nhận lãnh bản án trước những con mắt đố kỵ của những Kytô hữu đạo đức thánh thiện đang bao quanh…Và vì cảm nhận đức tin theo chiều hướng tiêu cực và sai lầm như thế, nên không ít người đã quay lưng lại với Thiên Chúa, là Cha yêu thương, đã xa lìa mái nhà Giáo Hội là nơi để được băng bó chữa lành, đã đố kỵ và sợ hải Tòa Giải Tội là địa chỉ thân thương để tìm lại tình yêu và niềm hy vọng…

Tin vào tìn thương tha thứ của Thiên Chúa đôi khi giống như một “cú đánh liều”. Liều như “người con hoang” chỉ hy vọng nhỏ nhoi sẽ được một vị trí thấp hèn của tôi tớ, với chút canh cặn cơm thừa để bố thí cho kẻ đã tàn đời rách nát thảm thương.

Thế nhưng mọi sự đã ra ngoài dự liệu. Tình thương bao dung của Cha đã lột bỏ đi mọi thứ cũ nát, nhàu rách của quá khứ để mặc lại cho người con hoang chiếc áo mới tinh tươm, đôi giày mới láng bóng ! Và thay vì đi vào góc nhỏ tối tắm để hẩm hiu với bữa cơm của thân phận tôi đòi, đã được dìu vào bàn tiệc để đĩnh đạc chén tạc chén thù cùng cha như đứa con yêu của giây phút trùng phùng tao ngộ. Trong thâ phận của “người con hoang”, quả thật, đây là “cú đánh liều tuyệt diệu” !

Điều đó cũng chẳng khác nào sự ngỡ ngàng choáng ngợp của chàng hôn phu vừa từ giã chốn tội tù, khi nhìn thấy “chẳng phải một dãi ruban tha thứ và đón nhận của hôn thê trên cây sồi đầu xóm mà là một rừng ruban phủ kín cây sồi”. Nhưng tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta sẽ còn nhiều hơn thế nữa.

Mạnh mẽ đứng lên và trở về.

Tội gì chúng ta lại ngồi đó để nguyền rũa bóng đêm mà không tức tốc đứng lên để tiến về phía của ánh sáng, niềm vui và hạnh phúc.

Thiên Chúa, Đấng “xót thương đám dân lầm than trong kiếp phận nô lệ cho người Ai Cập” đã quyết định giải thoát và dẫn đưa họ trở về Đất Hứa. Thế nhưng, làm sao dân Ít-ra-en chạm được tới “biên giới hứa địa” nếu chính họ không quyết tâm lên đường, vượt qua, dứt bỏ niềm luyến tiếc “củ hành củ tỏi và nồi thịt của thân phận nô lệ Ai Cập”. Sau 40 năm trường ra đi với hoang mạc nắng cháy và đói khát, hôm nay họ có thể dừng chân để hoan ca tạ ơn với nghi lễ Vượt Qua long trọng, chính thức khởi đầu một cuộc sống tự do của con cái Chúa, như chính Chúa tuyên cáo với Giosuê: “Hôm nay, ta đã cất sự dơ nhớp của Ai Cập khỏi các ngươi”.

Người con hoang: Nếu nằm lỳ ở trại chăn heo thì sẽ chết dần chết mòn trong cay đắng tũi nhục. Và nó đã đứng dậy đi về cùng cha nó.

Sự hoán cải, đổi mới cuộc đời (Metanoia), như vậy, đã trở thành một động thái thường xuyên trong hành trình đức tin của người Kitô hữu. Chẳng lạ gì, Đức Kitô đã mở đầu chương trình truyền giảng Tin Mừng cũng đã bắt đầu bằng thái độ cơ bản đó: Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, va Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15)

Quả thật, nếu tội lỗi đã làm cho con người đánh mất địa đàng với mối quan hệ thân tình mỗi ngày bên cạnh Thiên Chúa và anh em để lầm lũi bước đi trong sa mạc cuộc đời với cô đơn và tũi nhục, nô lệ và tăm tối; thì hồng ân cứu độ của Đức Kitô sẽ thúc bách con người đứng dậy làm lại cuộc đời để trở về nhà cha, để tiến vào “hứa địa” của hạnh phúc thân tình.

Mùa Chay Thánh với 40 ngày dài chiến đấu thiêng liêng phải chăng là thời gian thích hợp để mỗi người, mỗi cộng đoàn làm cuộc hoán cải nội tâm và đổi đời cuộc sống. Làm sao không có những tháng ngày bội nghĩa vong ân ? làm sao không đi qua những chặng đường của người con hoang một đời lêu lổng ? Cuộc sống thân tàn ma dại của kiếp phận nô lệ tội tình đâu phải là tiêu đích mà Thiên Chúa tình yêu nhắm tới cho thân phận loài người chúng ta ? Và mái nhà thân yêu với yến tiệc linh đình ấm nồng vòng tay Cha đón đợi lại đâu còn là ảo tưởng xa vời vì chính Con Thiên Chúa một mực chỉ đường và truyền rao như thế.

Và như thế, lời hiệu triệu tha thiết của Thánh Phaolô sẽ mãi mãi không bao giờ lạc lõng, dư thừa, nhưng luôn luôn thích đáng để chúng ta cùng lắng nghe và hưởng ứng, không phải chỉ hôm nay, trong Mùa Chay nầy, mà phải là mọi ngày, mọi giây phút trên mọi nẻo đường cuộc sống: “Vì Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hòa với Thiên Chúa” (BĐ 2). Amen.