Chúa Nhật V MÙA CHAY
“TÔI KHÔNG KẾT ÁN CHỊ ĐÂU”
Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11
Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện rất nổi tiếng về một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, bị những người Biệt Phái và Luật Sĩ mang đến cho Chúa Giêsu để xét xử. Ý đồ của họ là xem Chúa Giêsu sẽ xử lý như thế nào trước tình huống này. Xét theo luật Môsê, người đàn bà này phải chịu ném đá cho đến chết vì tội ngoại tình. Nếu Chúa Giêsu xử theo luật này thì xem ra những lời Đức Giêsu nói về lòng thương xót mâu thuẫn với cách hành xử của Người.
Trong khi họ chờ đợi câu trả lời, Chúa Giêsu không nói gì, nhưng chỉ viết trên đất. Các Giáo Phụ giải thích là Chúa Giêsu viết những tội của họ. Sau đó, Chúa Giêsu đứng dậy và nói: “Ai trong các người sạch tội thì hãy ném đá người này trước.”
1- Đức Giêsu: “có với tội nhân, không với tội lỗi”
Với câu nói này, Đức Giêsu đã đảo lộn tình thế. Thay vì lên án và đòi ném đá người phụ nữ, người ta bắt đầu phải quay trở về với chính mình và xét mình có sạch tội hay không mà đòi kết án người khác. Từ đó, từng người một, bắt đầu từ người già nhất cho đến người trẻ, lần lượt bỏ viên đá xuống và rút lui. Chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ đứng ở đó. Bây giờ, Chúa Giêsu hỏi: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Chúa Giêsu nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11).
Đây quả là những lời đẹp nhất của Tin Mừng! Thật vậy, Đức Giêsu đến mạc khải cho chúng ta biết về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Chính Đức Giêsu là hiện thân của lòng thương xót Chúa Cha. Người đến để cứu vớt, chứ không phải để tiêu diệt hay kết án. Đức Giêsu là Thiên Chúa, Người có quyền tha thứ mọi tội lỗi và cho con người cơ hội để làm lại cuộc đời. Như thế, qua cách hành xử theo lòng thương xót, Chúa Giêsu cho thấy rằng: Người luôn có thái độ cảm thông và thương xót đối với mọi tội nhân. Người không kết án họ. Đồng thời, Chúa Giêsu bày tỏ thái độ không chấp nhận tội lỗi khi quả quyết: “Tôi không kết án chị, nhưng từ nay chị đừng phạm tội nữa.” Chúa Giêsu mở ra cho mọi tội nhân một tương lai và một cuộc sống mới. Người chính là hiện thân của một vị Thiên Chúa nói “có” với tội nhân, nhưng lại cương quyết nói “không” với tội lỗi. Đó là niềm hy vọng cho bất cứ tội nhân nào muốn trở về với Chúa.
2- Dễ dàng ném đá người khác
Cũng như những Biệt Phái và Luật Sĩ, chúng ta thường mù lòa về những khuyết điểm của mình, nhưng lại thấy rõ những khuyết điểm người khác. Về điểm này, thánh Têrêsa Avila có một câu nói rất sâu sắc: “Mỗi người chúng ta thường đeo hai cái túi. Một cái sau lưng đựng những điều tốt của người khác. Còn một cái trước mặt đựng những khuyết điểm của họ.” Tâm lý con người thường có khuynh hướng thích lên án và ném đá người khác, khi tự cho mình trong sạch và vô tội. Nhiều lúc chúng ta còn trút lên người khác trách nhiệm và lỗi lầm của mình. Ađam ngày xưa đổ lỗi cho Evà, còn Evà thì đổ lỗi cho con rắn. Điều này cũng có thể xảy ra trong các lãnh vực chính trị, xã hội và đời sống gia đình: vợ đổ lỗi cho chồng, chồng đổ lỗi cho con; cán bộ đổ lỗi cho nhân dân, thầy giáo đổ lỗi cho học trò v.v... Có lẽ đây là căn bệnh kinh niên của con người, căn bệnh không dám nhận lỗi mình nhưng lại đổ lỗi và thích ném đá người khác. Đó là một thứ đạo đức giả và phán xét bất công!
Những người Luật Sĩ và Biệt Phái trong Tin Mừng không phải là những người xấu hơn chúng ta đó sao? Họ thấy cái rác trong mắt của người khác nhưng lại không thấy cái xà trong mắt mình. Chúng ta cũng thường có cám dỗ khi suy nghĩ rằng thế giới này sẽ tốt hơn, xã hội này sẽ công bình hơn nếu người khác biết thay đổi đời sống, nhưng chính chúng ta lại không muốn thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta quên rằng gốc rễ của sự dữ và những điều xấu xa phát xuất từ lòng mỗi người. Chúng làm tổ trong chúng ta. Nhiều lúc những điều xấu xa thường trá hình với những lý do cao thượng vì danh Chúa hay vì lợi ích chung. Chúng ta thường bào chữa cho lòng ích kỷ, sự vô cảm và những thói hư tật xấu của mình.
Thay vì biết mình và nhìn nhận những khuyết điểm của mình, chúng ta tự coi mình là thẩm phán của những người khác. Rõ ràng đây là một điều vô lý. Bởi lẽ, thẩm quyền này chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa, chỉ có Người là vị thẩm phán tối cao. Người thấu rõ tường tận mọi ẩn dấu và hoàn cảnh của mỗi người. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa mới có thể đánh giá chính xác trách nhiệm và tội lỗi của mỗi người.
Chúa Giêsu đã hành xử theo một cách thức rất khác với chúng ta: “Tôi không lên án chị đâu...” Người mời gọi: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa lên án... Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,37-38). Lòng khoan dung của Thiên Chúa chính là bài học mà chúng ta cần noi gương bắt chước. Thay vì lên án người khác, chúng ta học cách hành xử của Chúa Giêsu là sống bao dung và tha thứ cho những lầm lỗi của người khác. Lòng bao dung này mang lại ơn tha thứ mà chúng ta xin trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho những kẻ có nợ chúng con.”
3- Cơ hội quý báu để sám hối
Đức Giêsu đến mở ra cho chúng ta một con đường mới: thay vì lên án người khác, mỗi người chúng ta phải cáo mình, nhận lỗi; thay vì ném đá người khác, chúng ta cần có thái độ bao dung và tha thứ những lỗi lầm của người khác. Bởi vậy, chúng ta cần xin ơn Chúa để thay đổi thái độ sống của mình theo cách hành xử của Chúa Giêsu. Người mời gọi chúng ta hoán cải thái độ sống của mình. Nghĩa là thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận và đánh giá của chúng ta, để có cách hành xử giống với Chúa Kitô. Chúng ta đang ở trong những tuần cuối cùng Mùa Chay thánh và tiến gần tới lễ Phục Sinh. Đây là cơ hội quý báu Thiên Chúa mời gọi chúng ta sám hối. Mỗi người hãy sống kinh nghiệm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải. Nơi đó, Người ban ơn tha thứ cho chúng ta. Chỉ với một tâm hồn sám hối, chúng ta có thể cử hành cách xứng đáng bí tích Thánh Thể.
Lạy Chúa, khi đối diện với Chúa và anh chị em, chúng con là những tội nhân cần đến lòng thương xót. Xin cho chúng con biết từ bỏ thói lên án người khác để sống khiêm tốn và bao dung hơn với tha nhân. Amen!
“TÔI KHÔNG KẾT ÁN CHỊ ĐÂU”
Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11
Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện rất nổi tiếng về một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, bị những người Biệt Phái và Luật Sĩ mang đến cho Chúa Giêsu để xét xử. Ý đồ của họ là xem Chúa Giêsu sẽ xử lý như thế nào trước tình huống này. Xét theo luật Môsê, người đàn bà này phải chịu ném đá cho đến chết vì tội ngoại tình. Nếu Chúa Giêsu xử theo luật này thì xem ra những lời Đức Giêsu nói về lòng thương xót mâu thuẫn với cách hành xử của Người.
Trong khi họ chờ đợi câu trả lời, Chúa Giêsu không nói gì, nhưng chỉ viết trên đất. Các Giáo Phụ giải thích là Chúa Giêsu viết những tội của họ. Sau đó, Chúa Giêsu đứng dậy và nói: “Ai trong các người sạch tội thì hãy ném đá người này trước.”
1- Đức Giêsu: “có với tội nhân, không với tội lỗi”
Với câu nói này, Đức Giêsu đã đảo lộn tình thế. Thay vì lên án và đòi ném đá người phụ nữ, người ta bắt đầu phải quay trở về với chính mình và xét mình có sạch tội hay không mà đòi kết án người khác. Từ đó, từng người một, bắt đầu từ người già nhất cho đến người trẻ, lần lượt bỏ viên đá xuống và rút lui. Chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ đứng ở đó. Bây giờ, Chúa Giêsu hỏi: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Chúa Giêsu nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11).
Đây quả là những lời đẹp nhất của Tin Mừng! Thật vậy, Đức Giêsu đến mạc khải cho chúng ta biết về một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Chính Đức Giêsu là hiện thân của lòng thương xót Chúa Cha. Người đến để cứu vớt, chứ không phải để tiêu diệt hay kết án. Đức Giêsu là Thiên Chúa, Người có quyền tha thứ mọi tội lỗi và cho con người cơ hội để làm lại cuộc đời. Như thế, qua cách hành xử theo lòng thương xót, Chúa Giêsu cho thấy rằng: Người luôn có thái độ cảm thông và thương xót đối với mọi tội nhân. Người không kết án họ. Đồng thời, Chúa Giêsu bày tỏ thái độ không chấp nhận tội lỗi khi quả quyết: “Tôi không kết án chị, nhưng từ nay chị đừng phạm tội nữa.” Chúa Giêsu mở ra cho mọi tội nhân một tương lai và một cuộc sống mới. Người chính là hiện thân của một vị Thiên Chúa nói “có” với tội nhân, nhưng lại cương quyết nói “không” với tội lỗi. Đó là niềm hy vọng cho bất cứ tội nhân nào muốn trở về với Chúa.
2- Dễ dàng ném đá người khác
Cũng như những Biệt Phái và Luật Sĩ, chúng ta thường mù lòa về những khuyết điểm của mình, nhưng lại thấy rõ những khuyết điểm người khác. Về điểm này, thánh Têrêsa Avila có một câu nói rất sâu sắc: “Mỗi người chúng ta thường đeo hai cái túi. Một cái sau lưng đựng những điều tốt của người khác. Còn một cái trước mặt đựng những khuyết điểm của họ.” Tâm lý con người thường có khuynh hướng thích lên án và ném đá người khác, khi tự cho mình trong sạch và vô tội. Nhiều lúc chúng ta còn trút lên người khác trách nhiệm và lỗi lầm của mình. Ađam ngày xưa đổ lỗi cho Evà, còn Evà thì đổ lỗi cho con rắn. Điều này cũng có thể xảy ra trong các lãnh vực chính trị, xã hội và đời sống gia đình: vợ đổ lỗi cho chồng, chồng đổ lỗi cho con; cán bộ đổ lỗi cho nhân dân, thầy giáo đổ lỗi cho học trò v.v... Có lẽ đây là căn bệnh kinh niên của con người, căn bệnh không dám nhận lỗi mình nhưng lại đổ lỗi và thích ném đá người khác. Đó là một thứ đạo đức giả và phán xét bất công!
Những người Luật Sĩ và Biệt Phái trong Tin Mừng không phải là những người xấu hơn chúng ta đó sao? Họ thấy cái rác trong mắt của người khác nhưng lại không thấy cái xà trong mắt mình. Chúng ta cũng thường có cám dỗ khi suy nghĩ rằng thế giới này sẽ tốt hơn, xã hội này sẽ công bình hơn nếu người khác biết thay đổi đời sống, nhưng chính chúng ta lại không muốn thay đổi. Tuy nhiên, chúng ta quên rằng gốc rễ của sự dữ và những điều xấu xa phát xuất từ lòng mỗi người. Chúng làm tổ trong chúng ta. Nhiều lúc những điều xấu xa thường trá hình với những lý do cao thượng vì danh Chúa hay vì lợi ích chung. Chúng ta thường bào chữa cho lòng ích kỷ, sự vô cảm và những thói hư tật xấu của mình.
Thay vì biết mình và nhìn nhận những khuyết điểm của mình, chúng ta tự coi mình là thẩm phán của những người khác. Rõ ràng đây là một điều vô lý. Bởi lẽ, thẩm quyền này chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa, chỉ có Người là vị thẩm phán tối cao. Người thấu rõ tường tận mọi ẩn dấu và hoàn cảnh của mỗi người. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa mới có thể đánh giá chính xác trách nhiệm và tội lỗi của mỗi người.
Chúa Giêsu đã hành xử theo một cách thức rất khác với chúng ta: “Tôi không lên án chị đâu...” Người mời gọi: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa lên án... Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,37-38). Lòng khoan dung của Thiên Chúa chính là bài học mà chúng ta cần noi gương bắt chước. Thay vì lên án người khác, chúng ta học cách hành xử của Chúa Giêsu là sống bao dung và tha thứ cho những lầm lỗi của người khác. Lòng bao dung này mang lại ơn tha thứ mà chúng ta xin trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho những kẻ có nợ chúng con.”
3- Cơ hội quý báu để sám hối
Đức Giêsu đến mở ra cho chúng ta một con đường mới: thay vì lên án người khác, mỗi người chúng ta phải cáo mình, nhận lỗi; thay vì ném đá người khác, chúng ta cần có thái độ bao dung và tha thứ những lỗi lầm của người khác. Bởi vậy, chúng ta cần xin ơn Chúa để thay đổi thái độ sống của mình theo cách hành xử của Chúa Giêsu. Người mời gọi chúng ta hoán cải thái độ sống của mình. Nghĩa là thay đổi cách nghĩ, cách nhìn nhận và đánh giá của chúng ta, để có cách hành xử giống với Chúa Kitô. Chúng ta đang ở trong những tuần cuối cùng Mùa Chay thánh và tiến gần tới lễ Phục Sinh. Đây là cơ hội quý báu Thiên Chúa mời gọi chúng ta sám hối. Mỗi người hãy sống kinh nghiệm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa qua bí tích Hòa Giải. Nơi đó, Người ban ơn tha thứ cho chúng ta. Chỉ với một tâm hồn sám hối, chúng ta có thể cử hành cách xứng đáng bí tích Thánh Thể.
Lạy Chúa, khi đối diện với Chúa và anh chị em, chúng con là những tội nhân cần đến lòng thương xót. Xin cho chúng con biết từ bỏ thói lên án người khác để sống khiêm tốn và bao dung hơn với tha nhân. Amen!