Chuyện phiếm: Chuyện làng tôi đầu năm Cọp

Ông bạn viễn cư Từ Hoè của làng tôi nghe tin Cha Nguyễn Mạnh Hiếu được phong làm giám mục Canada thì sung sướng lắm và rất muốn về Toronto dự lễ phong chức, nhưng về không được vì công việc làm ăn. Ông tiếc hùi hụi. Tôi an ủi rằng tôi sẽ mua cho ông một bộ phim nhưng ông không chịu. Ông bắt tôi phải tả buổi lễ trên giấy để ông còn đọc và đem về cho chú em kết nghĩa. Ông bảo vừa xem phim vừa đọc bài viết trên giấy, mới sướng. Thế là tôi phải chiều ý ông bạn vàng. Và đây là đoạn tôi ghi cho ông, xin chép lại để các cụ phương xa cùng đọc cho vui. Tôi viết thế này:

Chúng tôi biết tin Cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu được Tòa Thánh Roma chọn làm giám mục Toronto ngay từ đầu tháng 11. Ai cũng náo nức chờ mong ngày lễ phong chức. Ngày đó đã đến hôm qua, 13.I.2010, lúc 3 giờ chiều. Thời tiết Toronto tuần trước rất lạnh, nhiều gió nhiều tuyết. Nhưng chiều ngày đại lễ thì trời ấm hẳn lên, hết gió, hết tuyết. Cụ Chánh trong làng bảo đây là điềm lành.

Lễ phong chức được diễn ra tại Nhà Thờ St. Michael, nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận Toronto, ngay trung tâm thành phố. Ngôi nhà thờ lịch sử này đã trên 100 tuổi, sức chứa 1100 chỗ. Giáo dân VN được dành 400 ghế, và được ưu đãi xếp ngồi ngay giữa lòng nhà thờ, đối diện với 400 ghế dành cho các linh mục Canada, còn các dòng tu nam nữ và khách mời da trắng phải ngồi hai bên hông. Phóng viên các đài truyền hình, truyền thanh và báo chí được xếp chỗ bên các hàng cột lớn của giáo đường.

Tôi đã từng dự nhiều buổi lễ phong chức linh mục, nhưng chưa hề dự một lễ phong chức giám mục bao giờ, nên cảm thấy rất hứng khởi và sôi nổi trong lòng. Buổi lễ bắt đầu đúng 3 giờ, như đã ghi trên giấy mời. Đúng là giờ Canada. Canada số một. Mở đầu là đoàn các linh mục mang lễ phục trắng, những gần 400 vị. Các ngài về từ khắp nơi, trong số này có tới 20 linh mục VN. Rồi giám mục đoàn, hơn 30 vị. Trong đoàn giám mục này người ta nhận thấy có hai vị mang lễ phục Giáo Hội Đông Phương. Cuối cùng là giám mục tân cử Nguyễn Mạnh Hiếu và vị chủ tế là Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins.

Buổi lễ đã diễn ra trong bầu không khí rất trang nghiêm và sốt sắng. Ca đoàn nổi tiếng St. Michael Choir của Nhà Thờ Chính Toà đã phụ trách phần âm nhạc. Đầu lễ là phần chào mừng của Đức Cha chủ tịch hội đồng giám mục Canada, và Sứ thần Tòa Thánh. Vị sứ thần này đã đọc thư chúc mừng của Đức Thánh Cha Benedict 16, rồi sứ thần bày tỏ sự vui mừng được bắt tay vị tân giám mục có gốc lịch sử oai hùng, gốc VN một cội nguồn văn hóa lớn, gốc con cháu 4 đời của một thánh tử đạo VN, và gốc một thuyền nhân tỵ nạn. Sau các lời chào mừng là phần thánh lễ. Lễ nghi bằng Anh ngữ. Riêng phần thánh thư đã được một nữ lưu khăn đống áo dài tiến lên bàn thờ đọc bằng tiếng VN. Lễ nghi phong chức diễn ra sau phần Phúc Âm. Vị chủ tế đọc lời cầu xin và chúc lành, rồi xức dầu thánh và đặt tay trên đầu vị thụ phong. Rồi tất cả các giám mục đã lần lượt đến để tay trên đầu vị tân chức và đọc lời chúc phúc. Sau khi được vị chủ phong đội mũ giám mục và trao gậy chủ chăn, Đức Giám Mục Hiếu đã đi khắp nhà thờ để ban phép lành cho mọi người.

Thánh lễ đã kéo dài trong 2 giờ đồng hồ, và kết thúc bằng những tràng pháo tay dài bất tận. Lúc đó mọi người mới có dịp chào hỏi những ngươi chung quanh. Đây là lúc tôi được gặp nhiều người và biết thêm được nhiều tin về vị tân giám mục.

Vị tân chức hiện là giám mục Canada trẻ nhất, mới 43 tuổi. Giám mục đoàn Canada hiện có 84 vị, Đức Cha Hiếu là giám mục thứ 84. Ngài sinh năm 1968 ở Saigon, vượt biên năm 1983, được tàu Nhật Bản vớt và đưa về Nhật. Ngài được nhận vào Canada năm 1985. Ngài đã không ở với ông bác ruột là người bảo trợ mà sống ở nhà thờ với Cha Phạm Hoàng Bá lúc đó là quản nhiệm cộng đoàn Công Giáo VN Toronto. Ngài đã cảm thấy có ơn gọi làm linh mục từ ngày vượt biên. Chú Hiếu 17 tuổi đã học lớp 11 và 12 ở Toronto, và đã đậu thủ khoa trong lễ tốt nghiệp trung học. Rồi chú lên đại học ngành điện. Sau 4 năm chú Hiếu đậu kỹ sư. Sau đó chú không hành nghề kỹ sư nhưng đã vào Đại Chủng Viện Toronto. Ngài đậu Cử nhân thần học và được phong linh mục năm 1998 lúc vừa tròn 30 tuổi, như tuổi Chúa Giêsu ngày xưa khi vào đời giảng đạo. Cha Hiếu được bổ nhiệm làm phó xứ, rồi chánh xứ. Nhiệm sở cuối cùng là giáo xứ St. Cecilia của người Canada da trắng và Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo VN của giáo dân VN. Giáo quyền đã nhìn thấy sự đạo đức thánh thiện và sự thông thái của ngài nên sau đó đã cử ngài về làm việc tại Toà Tổng Giám Mục rồi cử ngài đi du học Roma. Ngài đậu bằng cao học thần học và giáo luật. Khi về lại Canada, Ngài giữ rất nhiều chức vụ quan trọng, như là thành viên trong ban đại diện của linh mục đoàn gồm 800 linh mục, làm Curia moderator một chức như tổng quản trị. Sau khi giữ chức phó chưởng ấn 3 tháng, ngài được đề cử chức chưởng ấn, chancellor. Ngài giữ chức này mới 3 tháng thì được nâng lên chức giám mục. Tính ra, ngài mới làm linh mục 12 năm. Được biết Tổng Giáo Phận Toronto có hơn 1 triệu tín hữu, 225 giáo xứ, chia làm 4 miền, mỗi miền có một giám mục phụ tá trông coi. Tân Giám Mục Hiếu sẽ coi miền đông Toronto và sẽ giúp thêm Đức Tổng Giám Mục Collins điều hành văn phòng trung ương.

Trong buổi tiếp tân, tôi được dịp nói chuyện với nhiều người. Ai cũng ca tụng Đức tân Giám mục Hiếu là con ngươi đạo đức, thánh thiện, khiêm nhường, học giỏi và có tài lãnh đạo. Ngài có vóc dáng người VN trung bình, tiếng nói nhỏ nhẹ. Trong lễ phong chức, tôi thấy ngài chỉ đứng tới vai của vị chủ tế.

Hội đồng Giám Mục Canada có trên 80 vi, toàn da trắng. Đức Cha Hiếu là vị giám mục đầu tiên da vàng. Canada có khoảng 100 sắc dân thiểu số, trong đó dân da vàng Nhật Bản, Phi Luât Tân, Đại Hàn, Trung Hoa, Lào, Cao Mên, và dân Trung Đông rất đông. Dân VN tại Canada có khoảng 200 ngàn, trong đó giáo dân Công Giáo VN có khoảng 35 ngàn, thế mà Đức Cha Hiếu gốc dân VN thuyền nhân tỵ nạn được chọn làm giám mục đại diện cho các sắc dân thiểu số. Nào còn gì vinh quang và đáng hãnh diện hơn!

Một ông bạn thân đã ghé vào tai tôi nói nhỏ câu này: Cái gốc dân Nam Định nó vĩ đại lắm. Trà Lũ và Ninh Cường là 2 làng ở huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định, là nơi đầu tiên ở VN tiếp nhận đạo Công Giáo năm 1533. Sử Triều Nguyễn có ghi rõ ràng biến cố này. Ngoài ra, Nam Định là một trong những nơi có nhiều thánh tử đạo nhất VN thời các vua Triều Nguyễn cấm đạo. Giáo Hội xưa nay vẫn dạy rằng: Máu các thánh tử đạo là những hạt giống sinh ra nhiều hoa trái tốt đẹp. Quả đúng vậy. Cái gốc lớn Nam Định đã sinh ra những cây đại thụ. Hiện nay ở hải ngoại mới có 2 giám mục VN, đó là Đức Cha Mai Thanh Lương bên Hoa Kỳ, nay có Đức Cha Nguyễn Mạnh Hiếu ở Canada, cả hai vị đều có cha mẹ gốc Nam Định. Rõ ràng địa linh sinh nhân kiệt.

Một ông bạn khác cũng nói: Tôi không theo Công Giáo, nhưng tôi rất hãnh diện và sung sướng về việc Ngài Nguyễn Mạnh Hiếu được phong chức giám mục. Lâu nay qua truyền thông chúng ta được biết rất nhiều người VN ở hải ngoại đã nổi danh thế giới trong các lãnh vực khoa học, ngoại giao, kinh tế, chính trị, tôi cũng tưởng chỉ có thế, ai ngờ trong lãnh vực tôn giáo, người VN chúng ta cũng có những ngôi sao sáng ngời. Đức Cha Hiếu là một tin vui lớn. Đồng bào ơi, chúng ta hãy tự hào là người Việt Nam.

Hai ông bạn tôi nói đúng qúa chứ, phải không cơ ? Tối ngày lễ, sau khi được dự lễ phong chức, ăn tiệc, nói chuyện với nhiều người, và nhất là được bắt tay Đức Cha tân phong, tôi đã ngủ rất ngon. Chưa bao giờ ngon như vậy. Tạ ơn Chúa và tạ ơn tổ tiên đã cho con làm người Việt Nam.

Lúc đọc xong bài tôi viêt trên đây, ông Từ Hoè vừa cười vừa nói: Bạn viết trúng ý tôi qúa. Cái chú em kết nghĩa của tôi mà đọc xong thì chắc chú ấy sẽ sướng ngất. Bạn có biết tại sao không ? Thưa, vì chú ấy sinh ở Nam Định, cùng quê với tân giám mục. Xưa nay chú ấy vẫn tự hào chú cùng quê với cụ Tú Xương. Nay thì chú sẽ còn tự hào hơn nữa vì quê Nam Định không những đẻ ra nhà văn lớn Trần Tế Xương mà còn đẻ ra hai giám mục, một bên Mỹ một bên Canada. Kỳ này về tôi sẽ cho chú ấy bộ phim ngày lễ va bài viết của bác.

Các cụ phương xa có biết không, buổi lễ phong chức tân Giám Mục Hiếu được trực tiếp truyền hình trên các đài lớn của Canada, và sau lễ 3 ngày thì các đài rao bán bộ phim DVD ngay. Ông Từ Hoè có bộ phim phong chức là thế.

Chuyện Đức Cha Hiếu đưa các cụ đi xa qúa rồi. Canada còn nhiều chuyện hay khác nữa. Chuyện nóng nhất khi tôi viết bài này là lễ khai mạc ‘Thế Vận Hội Mùa Đông 21’ ở Vancouver miền tây Canada. Xứ này là xứ thể thao, chơi thể thao cả mùa hè cả mùa đông. Canada đất rộng, giầu có nên đã được tổ chức thế vận hội những 3 lần. Lần đầu tiên là Thế Vận Hội mùa hè năm 1976 tại Montreal, miền Québec. Tiếp theo là Thế Vận Hội mùa đông năm 1988 ở Calgary miền tây. Và thứ ba là năm 2010 này ở Vancouver cũng miền tây. Canada đã chuẩn bị mọi thứ cho thế vận hội từ mấy năm nay. Ngọn lửa thiêng đã được đốt lên từ Hy Lạp ngày 22 tháng 10 năm qua. Đuốc thế vận hội đã được rước khắp nơi, qua 255 thành phố trên thế giới. Lễ khai mạc vào ngày 12 tháng Hai, tức là trước ngày Tết Canh Dần của ta 2 ngày. Các cụ có biết biểu hiệu của thế vận hội này ra sao không ? Thưa đó là hình một cái cổng đá đứng trên 5 vòng tròn tượng trưng 5 châu. Cái cổng đá là một kiến trúc của người Da Đỏ. Người Da Đỏ thường dựng cái cổng này để đánh dấu chặng đường hay để tôn kính tổ tiên. Cụ nào mê trượt tuyết, mê đánh banh trên tuyết, xin mời đến Vancouver dịp tết này nha. Cụ sẽ hỏi tôi Vancouver ở đâu ư? Thưa nó ở bên trên Seattle thuộc tiểu bang Washington miền tây Hoa Kỳ, nơi mà những năm xưa các cụ ở California ưa lái xe lên mua trái cây nhãn, vải, chôm chôm ấy mà.

Ngoài việc tổ chức Thế Vận Hội trên đây, năm 2010 này Canada được thế giới uỷ cho tổ chức hai đại hội lơn, đó là các cuộc họp của khối nhà giầu G8 và G20 để lo ổn định kinh tế thế giới và lo việc bảo vệ môi sinh toàn cầu.

Tin nóng tiếp theo là cả nước Canada đang ào ạt cứu trợ các nạn nhân động đất ở Haiti. Xứ Canada này sở dĩ được giàu có, thịnh vượng, và nhiều phước lành nhất thế giới có lẽ là vì người dân có lòng bái ái đặc biệt. Đâu có tai nạn là nơi đó có bàn tay giúp đỡ của Canada. Nói gì đâu xa, lấy ngay nước Việt Nam của chúng ta r a mà coi: Năm 1954 Việt Nam chia đôi đất nước, Canada đã tham gia uỷ ban kiểm soát đình chiến, giúp cho nhiều đồng bào thoát vòng cản của Việt Minh để xuống tàu chạy vào miền Nam. Sau năm 1975, cao trào thuyền nhân tỵ nạn VN lên cao. Nếu xét theo tỷ lệ đầu người, Canada là nước nhận tỵ nạn VN nhiều nhất thế giới. Trước năm 1975, Canada có khoảng 200 người VN, đa số là những du học sinh củaVNCH, bây giờ có khoảng 200.000 người mà đa số là thuyền nhân tỵ nạn.

Theo tin mới nhất thì đầu tháng Hai này, nhiều ngoại trưởng những nước lớn sẽ nhóm họp ở Montréal thuộc Canada để phối hợp sự cứu trợ toàn cầu cho Haiti.

Hiện nay, các cơ sở công tư đều có ban cứu trợ. Nhà thờ các giáo phái, cả các chùa nữa, đâu đâu cũng có các ban cứu trợ. Hiện Canada đã mang sang Haiti một ngàn binh sĩ để giúp an ninh và thiết lập các bệnh viện dã chiến. Tôi thấy trên truyền hình nhiều người Canada đã ôm các trẻ em bị thương và vô thừa nhận về Canada săn sóc. Bộ Di Trú vừa cho biết sẽ dễ dãi trong việc xét các đơn của người Haiti trước đây xin định cư ở Canada Một trong những lý do khiến Canada hăng say cứu giúp Haiti là vì bà Toàn quyền Michael Jean là người gốc Haiti. Các cụ biết truyện này chứ. Canada xưa nay vẫn ở trong Khối Liên Hiệp Anh, vẫn nhận nữ hoàng Anh làm quốc trưởng. Vì nữ hoàng ở xa, nên bà đã chọn một vị đại diện cho bà ở Canada này, gọi là Toàn Quyền, Governor. Hiện nay vị Toàn Quyền là bà Jean người da mầu chính gốc Haiti. Bà Jean được chọn vì bà mang quốc tịch Canada và có chồng là người da trắng Canada. Các cụ phương xa đã thán phục Canada chưa ?

Nghe tôi nói đến đây thì ông già ODP nhìn tôi rồi cười hà hà. Ông bảo sở dĩ Bà Michael Jean được chọn làm quan toàn quyền là vì người ta đưa bà về nguồn mà thôi. Cả làng ngơ ngác không hiểu gì cả. Ai cũng xin ông nói rõ thêm. Ông nhìn tôi, vừa cười vừa nói tiếp: Theo lịch sử thì thổ dân nguyên thủy ở Haiti là người Taino Indian tức dân Da Đỏ nói tiếng Arawakan. Mà tất cả người Da Đỏ ở Mỹ Châu này thuộc dòng giống da đỏ phát xuất từ Canada. Mà theo cụ Trà Lũ đây thì người Da Đỏ ở Canada có gốc từ Việt Nam. Đó là con cháu của nhóm 50 con của Mẹ Âu Cơ ngày xưa đã theo mẹ lên núi. Lên núi đây là lên hướng bắc. Lên tận cùng hướng bắc hết đường thì quay sang phía tây gặp eo biển Bering. Từ Bering đoàn con của mẹ Âu Cơ đã tiến xuống phía nam và gặp giải đất bây giờ là Canada. Rồi đoàn Da Đỏ sinh sôi nảy nở, rồi tiến xuống phía nam là Hoa Kỳ, di chút nữa là xuống tới Haiti, rồi Nam Mỹ. Đoàn con mẹ Âu Cơ đã đi một đoạn đường thiên lý, sương nắng gió bụi đã làm nét mặt da vàng biến đổi đi nhiều, nhưng nét chính vẫn còn phảng phất nét Việt Nam.

Nhấp một hớp trà rồi ông ODP giảng tiếp: Tôi nói dài dòng như vậy để cả làng nắm vững lý lịch và gốc gác người Da Đỏ. Xin trở lại bà toàn quyền Michael Jean của Canada. Bà có gốc da đỏ Taino Indian, nên bà làm quan toàn quyền ở Canada, đất nguồn cội Da Đỏ là đúng qúa rồi, ý tôi nói ở trên là vậy. Đa số người Haiti có mầu da nâu đen. Sở dĩ có mầu như thế là vì hồi thế kỷ 15 người Tây Ban Nha cai trị Haiti đã bắt dân Phi Châu làm nô lệ và đã đem một số nô lệ Phi châu da đen sang Haiti. Do đó sự pha giống đã xảy ra. Bà tòan quyền Jean tuy da nâu đen nhưng có nét đẹp tây phương, chắc dòng họ của bà ngày xưa đã pha giống với người da trắng. Nhưng thôi, chuyện pha giống, chuyện Da Đỏ dài vô cùng, xin tạm ngưng ở đây.

Tôi chưa kể chuyện ông Từ Hoè đãi làng món hổ. Cái ông này gớm lắm, nhiều chước lắm, đúng y như lời hội viên Cao Xuân đã nói từ trước. ÔngTừ Hoè phụ trách nấu ăn ngày tết và năm con nào thì ông cho làng ăn món con đó. Năm ngoái là năm con trâu nên ông đã cho làng ăn món thịt trâu xào rau cần và ăn bánh sữa trâu theo kiểu người Ý. Năm nay là năm con cọp, ai cũng hồi hộp chờ món cọp và trong bụng ai cũng biết là chắc chắn ông Từ Hoè không thể có thịt cọp được. Đến bữa ăn, các món ăn ngày tết, thịt cá bánh chưng dưa hành được bày ra, nhưng không hề có món cọp. Đang lúc mọi người hồi hộp chờ đợi thì ông Từ Hoè mang ra một chai rượu. Ông cười ha hả rồi nói: Thưa cả làng, năm nay là năm con cọp. Tôi không mua được thịt cọp nhưng có món xương cọp ngâm rươu, xin mời cả làng uống khai vị. Cả làng ồ lên một tiếng lớn. À ra thế. Cô Cao Xuân lên tiếng: Biết ngay mà, tôi đã nói với mọi người từ lâu là cái bác Từ Hoè này nhiều chước lắm. Năm cọp không được ăn thịt cọp nhưng được uống rươu xương cọp, tức cao hổ cốt thì cũng qúa đã rồi. Xin bái phục quan bác !

Ông Từ Hoè được người đẹp xứ Huế khen thì thích lắm, ông cao hứng nói luôn: Hôm nay xin mời cả làng uống rượu cọp, ngày mai tôi xin nấu món bò Huế thay cho món thịt cọp. Xin bảo đảm ngon nhức răng. Món bún bò Huế của tôi chỉ thua món bún bò Huế của Mệ Lựu có chút xíu thôi. Hai hội viên gốc Huế là Cao Xuân và Tôn Nữ tròn xoe mắt kinh ngạc: Bác cũng biết Mệ Lựu sao ? Ông Từ Hoè thích chí cười vang: Ai ở Huế lâu mà không nghe tiếng bún bò Huế Mệ Lựu. Ngày xưa tôi đóng quân ở đó mà, xém lấy vợ Huế đó nha. Mệ Lựu nấu món này ngon nhất đất Thần Kinh và được chấm điểm là ‘ Thập Toàn’ mà. Cả làng lại ngơ ngác, thập toàn là cái chi vậy hè ? Để tỏ ra mình biết rõ ngọn ngành, ông Từ Hoè đáp ngay: Đó là 10 điều toàn bích của tô bún: ngọt ngào, thơm tho, đậm đà, bổ dưỡng, tinh khiết, bắt mắt, khéo chọn, khéo tay, khéo nấu và khéo bày.

Cả làng xuýt xoa khen tô bún bò Huế ngon, mới nghe tả mà đã thấy ngon qúa sức. Rồi Cụ B.95 lên tiếng: Đang tết con cọp mà sao bữa nay các bác không nói chuyện cọp mà lại nói chuyện bún bò xứ Huế là sao vậy ? Thấy chưa ai giải thích được việc này, anh H.O. giơ tay xin phát biểu: Cả làng đi xa đề tài cọp tại vì ly rược hổ cốt mạnh qúa và bổ qúa. Cháu xin trở về con cọp. Xin kể chuyện bia con cọp, bia 33 của hãng BGI ở Saigon năm xưa. Gọi nó là 33 vì dung lượng chai bia chỉ có 0.33 lít. Khi lính Mỹ đến Saigon thì vừa uống bia Mỹ là Budwiser, vừa uống bia địa phương là 33 Con Cọp. Các chú Mỹ thấy bia 33 của Saigon ngon hơn Budwiser. Các chú mê luôn. Và thay vì gọi tên bia 33 thì các chú gọi là Tiger’s Piss, nghĩa đen là ‘ nước đái con cọp’. Bậy thế, láo thế và cũng tếu đến thế là cùng.

Rồi anh John cũng xin góp chuyện. Anh bảo trong các chuyện bình dân của VN anh thích nhất chuyện con cọp đòi xem trí khôn của loài người. Chuyện này rất ngắn gọn, đơn sơ, dễ hiểu, được viết trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa cho trẻ em mới biết đọc biết viết. Chuyên đơn sơ mà mang một triết lý cao sâu. Rằng thời hồng hoang loài người và loài vật cùng chung một tiếng nói. Một hôm con cọp đi qua cánh đồng, nó thấy con trâu vất vả kéo cầy, đôi lúc còn bị thằng người quất roi, con cọp liền nói khích con trâu: Ngươi to lớn khoẻ mạnh như vậy, cớ sao ngươi lại phải chịu phép một thằng người bé nhỏ hơn ngươi làm vậy ? Con trâu đáp ngay: Nó bé nhỏ nhưng nó hơn tao cái trí khôn. Con cọp liền quay vào bác nông phu xin xem trí khôn. Bác nông phu liền bảo: trí khôn tao để ở nhà. Con cọp liền xin bác về lấy cho xem, bác trả lời là bác rất sẵn lòng nhưng bác chỉ sợ khi bác về nhà nó sẽ ăn thịt con trâu của bác. Bác bảo: ‘ Muốn cho tao an lòng thì mày hãy để tao trói mày vào gốc cây cho chắc ăn, rồi tao sẽ về nhà lấy trí khôn ra đây cho mày xem ‘. Con cọp nghe bùi tai liền chịu cho bác thợ cầy trói chặt nó vào một gốc cây. Trói xong thì bác mới cười ha hả, bác lấy bắp cầy đánh cho chú cọp một trận tơi bời, vừa đánh bác vừa nói: đây, trí khôn của tao đây.

Rồi anh John kết: Tôi kể câu chuyện này cho các trẻ em Canada, đứa nào cũng thích hết. Con cọp được phong là ‘chúa sơn lâm’ là vì trên trán con cọp, qúy vị nhìn kỹ mà coi, thường có 3 vêt ngang và một vệt dọc màu đen, đó là chữ Vương trong Hán tự. Vương là vua. Rõ ràng nó có số làm vua. Thế nhưng nó không thông minh bằng con người, con người ở trên nó. Câu chuyện trên đây đã chứng việc này. Cũng như trong Kinh Thánh khi Chúa tạo lập vũ trụ muôn loài, Chúa có nói với ông tổ Adam là Chúa cho ông cai tri muôn loài. Chuyện Việt Nam này đã nói đúng sách Kinh Thánh của người Thiên Chúa Giáo.

Ai cũng khen anh John này thâm thúy.

Trong bữa ăn có món giò heo nấu giả cầy do cụ B.95 nấu. Cụ bảo món thịt heo nấu giả cầy này mà có mẻ và củ chuối nữa thì tuyệt vời. Nghe Cụ B.95 Bắc Kỳ chính cống nói ‘thịt heo’ thì Chị Ba Biên Hoà cười ha ha, rất sảng khoái. Chị bảo: Xin ca ngợi Bác đã tinh thông tiếng Nam Kỳ của bọn cháu. Năm 1995 khi mới sang đây Bác toàn nói ‘thịt lợn’ không hà. Cháu đố Bác biết con lợn Bắc Kỳ khác con heo Nam Kỳ ở chỗ nào ? Cụ B.95 liền quay ngay vào ông Từ Hoè: Bác Hoè ơi, bác cứu tôi với. Cô Ba hỏi lão già nhà quê này một câu khó qúa.

Ông Từ Hoè đáp ngay: Xin tuân lệnh Lão Bà. Xin trả lời Chị Ba như sau: Con ủn ỉn đó ngoài Bắc gọi là con lợn, trong Nam gọi là con heo. Cô gái kia mập phì thì ngoài Bắc chê là ‘béo như lợn’, trong Nam chê là ‘mập như heo’. Nhưng người Bắc lại thích ‘nói toạc móng heo’, còn người Nam lại thích ‘bánh da lợn’. Phim ‘Hiệp Sĩ Lợn’ là phim con lợn đóng vai chính và là phim hay cho các em thiếu nhi, còn ‘phim con heo’ thì không phải con heo đóng vai chính mà con khác đóng, kỳ lắm, các em thiếu nhi và người lớn không nên coi.

Nghe đến đây thì cả làng cười ầm lên.

Đầu năm con cọp, làng tôi đang bàn chuyện cọp, rồi bàn lan sang chuyện heo, vui như vậy đó. Kính chúc các cụ năm mới vui vẻ và đầy tiếng cười.