ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU SƠN NHO QUAN - NINH BÌNH



Cho tới nay, Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan đã trải qua một chặng hành trình lịch sử 72 năm với biết bao sự kiện vui buồn, chia ly và hạnh phúc…

Thuở khai sinh

Bối cảnh khai sinh Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn thật đặc biệt. Đức Giám mục tiên khởi người Việt Nam Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng đã ngỏ ý xin cha Bề trên Đan viện Xitô Phước Sơn, Quảng Trị cử một nhóm đan sĩ ra Miền Bắc lập dòng trong địa phận Phát Diệm "để nên như cây thu lôi thiêng liêng, cùng với nhà dòng kín bênh đỡ Giáo phận bằng lời cầu nguyện và hãm mình"[1].

Ngày 08/09/1936, cha bề trên Anselmô Lê Hữu Từ chính thức khai sinh cộng đoàn Xitô Châu Sơn. Cộng đoàn tọa lạc trên khu đất chiều dài 12 km, rộng 9 km thuộc xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cách rừng Quốc gia Cúc Phương 17 km, cách Tòa Giám Mục Phát Diệm 70 km về hướng đông và cách Hà Nội 97 km về hướng Bắc.

Tôn Chỉ và Mục Đích

Lao động và Cầu nguyện (Ora et Labora) là tôn chỉ của Đan viện.

Những bước thăng trầm theo dòng lịch sử

Giai đoạn xây dựng (1940 - 1948)

Có thể nói những năm 1940 - 1948 là thời điểm Đan viện Châu Sơn lớn mạnh và bắt đầu đơm bông kết trái. Giai đoạn này có nhiều linh mục triều, chủng sinh và thầy giảng xin gia nhập cộng đoàn. Năm 1941 Đan viện đã có 71 đệ tử.

Lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Thánh đường và khuôn viên Đan viện được cử hành vào ngày 18/2/1939, dịp lễ kính các thánh Tử đạo Việt Nam[2]. Thánh đường khánh thành ngày 4/11/1945.

Năm 1944, cha bề trên Đan viện Châu sơn Anselmô Lê Hữu Từ được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Phát Diệm.

Giai đoạn gian khó (1950 - 1988)

Từ năm 1950, các đan sĩ bị ép buộc thường xuyên tham gia những cuộc hội họp, học tập chính trị xã hội… Đan viện bị cơ quan an ninh nhà nước giám sát chặt chẽ. Nhiều tu sĩ đã bị bắt đi cải tạo, giam giữ, tù đầy không cần xét xử và thậm chí một số đã chết rũ tù.

Năm 1952, phần lớn các tu sĩ Xitô Châu Sơn lên đường di cư vào Miền Nam. Năm 1954, Cộng đoàn chỉ còn 14 thành viên, trong đó có 2 linh mục, 6 thày và 6 cố dòng ba.

Ngày 30/11/1957, Đức Tổng Phụ Dòng Xitô Sighard Kleiner đặt cha Philipphê Năng làm Bề trên.

Theo dòng thời gian, hầu hết đất đai của Đan viện bị hợp tác xã quản lý hoặc do dân tứ phương đến lấn chiếm định cư canh tác. Đan viện chỉ còn một phần rất nhỏ đất vườn và ruộng cấy khô cằn. Các đan sĩ phải tích cực canh tác nhưng vẫn không đủ cho nhu cầu; có những lúc trong nhà hết lương thực, các thày phải đi làm thuê kiếm tiền sinh sống.

Về đối ngoại, mọi liên lạc với bên ngoài rất khó khăn; nội bất xuất, ngoại bất nhập, kiểm soát rất chặt chẽ, ai ra vào Đan viện đều được theo dõi kỹ lưỡng, mọi đề đạt của Đan viện đều bị chính quyền lãng quên, không được giải quyết.

Vào những năm 1980 - 1981, Đan viện Châu Sơn chỉ còn một cha, một thày và hai cố dòng ba.

Giai đoạn hồi sinh và phát triển (1988 - 2008)

Sau một mùa đông dài khô cằn, Đan viện Châu Sơn dần được hưởng mùa xuân triển nở.

Năm 1989, cha Bề trên Philipphê làm đơn xin cho 4 người vào đan viện, nhưng chính quyền chỉ chấp thuận hai người vào giúp việc chứ không phải là vào học tu. Trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn nhân sự, được hai người vào giúp việc cũng là một ân huệ lớn lao rồi! Bóng người trẻ trong nhà đã thắp lên niềm hy vọng tương lai phục hồi Đan viện mà bấy lâu nay các Đấng Bề trên hằng mong ước. Từ đó, hàng năm đều có người xin gia nhập cộng đoàn.

Năm 1994, cha Gêrađô Nguyễn Văn Thất đắc cử Viện phụ Châu Sơn Đơn Dương. Ngài tích cực củng cố cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan trên nhiều phương diện: tinh thần, vật chất, đào tạo nhân sự và cử một số linh mục ra giúp đỡ. Ngài tiếp tục đón nhận những anh em dự tu của Châu Sơn Nho Quan vào đào tạo tại Châu Sơn Đơn Dương.

Ngày 10/6/1998, Cha Jean Berchmans Nguyễn Văn Thảo, từ Đan viện Châu Thuỷ ra Châu Sơn Nho Quan làm Bề trên thứ năm của cộng đoàn. Châu Sơn Nho Quan đã thực sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Ngài tổ chức cộng đoàn đi vào nền nếp theo truyền thống đan tu. Các giờ kinh trong ngày được cử hành đầy đủ. Giờ hội chung và mọi sinh hoạt hàng ngày trong Đan viện được thực hiện theo như Tu Luật, Hiến Pháp và Thói lệ Hội Dòng ấn định.

Năm 2005, Đan viện mở lại tập viện để đào tạo tại chỗ. Sau khi khấn tạm, khấn sinh có thể được gửi đi học triết và than học ở học viện của Hội Dòng hoặc học ngành nghề ngoài xã hội để phục vụ cộng đoàn.

Hiện Đan viện Châu Sơn Nho Quan có tổng số 91 thành viên, trong đó có 5 linh mục, 22 đan sĩ khấn trọng, 20 Tu sĩ khấn tạm, 24 Tập sinh và 20 Dự tu.

Ngoài ra, cộng đoàn còn quan tâm đặc biệt đến việc đón tiếp quý khách. Vì theo tinh thần Tu luật Biển Đức: "Mọi khách đến Đan viện phải được tiếp đón như Chúa Kitô" [3]. Từ những năm mới thành lập, đã có nhiều người tìm đến Đan viện xin cầu nguyện, tĩnh tâm. Cộng đoàn sẵn sàng đón tiếp, chia sẻ và cùng đồng hành cầu nguyện giúp họ hoán cải và đón nhận ơn Chúa.

Hôm nay, tiếp bước gương lành các bậc Tiền nhân, việc đón tiếp quý khách đến Đan viện cầu nguyện, tĩnh tâm vẫn được ưu tiên hàng đầu. Nếu quý vị cá nhân hay nhóm nào có nhu cầu tĩnh tâm tại Đan viện, xin liên hệ theo địa chỉ:

Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn

Xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam

Điện thoại: +84 (30) 3866 416 - Email: chauson@hotmail.com


Đồng thời, Cộng đoàn thường xuyên giúp mục vụ anh chị em giáo dân các họ đạo chung quanh Đan viện và tham gia công tác cứu trợ những nơi gặp thiên tai, trợ cấp học bổng, xây dựng các trường mầm non cho con em địa phương, thăm hỏi phát gạo cho người neo đơn, giúp đỡ kinh phí cho một số gia đình có cơ hội sửa chữa nhà ở hoặc xây mới hoàn toàn.

Ngày 4/ 11/ 2005, Toà Thánh ban phép cho cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan mở Năm Thánh, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Cung hiến Thánh đường. Và ngày 8/ 9/ 2006, một lần nữa, Toà Thánh ban phép cho cộng đoàn Châu Sơn Nho Quan mở Năm Thánh, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Đan viện.

Định hướng tương lai

Nối gót các bậc tiền nhân, cùng với Hội Thánh Việt Nam, ý thức rõ sứ mạng của mình, người đan sĩ Châu Sơn hôm nay nguyện một lòng nhiệt tâm, khơi dậy và làm sáng tỏ hơn lý do hiện hữu và mục tiêu nền tảng của dòng mình nơi nhiệm thể Chúa Kitô trong tin yêu và phục vụ.

Thế hệ đan sĩ trẻ Châu Sơn cần được đào tạo và tự đào tạo cho mình luôn trung thành gìn giữ di sản của Đấng sáng lập được tinh tuyền, không lai tạp và biến hoá theo dòng xoáy của thời cuộc. Như thế, đời sống của các đan sĩ Châu Sơn một mặt trung thành với Đoàn sủng của mình, mặt khác vẫn có thể vươn tới tiếp thu những tinh hoa, dung hoà và thích nghi theo đà tiến của thời đại đã được gạn đục khơi trong dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua Mẹ Hội Thánh [4]. Đoàn sủng của Xitô chiêm niệm là một ân huệ của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội, và qua Giáo hội cho toàn thế giới. Trong bối cảnh của một thế giới đang từng ngày biến chuyển sâu xa, Giáo hội mời gọi mỗi đan sĩ tích cực tham dự vào tiến trình phúc âm hoá: Đi theo Chúa Giêsu; định hướng quy về mầu nhiệm; huấn luyện đời cộng tu; thuộc về Dòng; hiệp thông với Giáo hội; biện phân văn hoá; hội nhập gia sản; đối thoại đại kết và liên tôn.[5]

Người trẻ Châu Sơn Nho Quan hôm nay đã có thể kế thừa và tiếp nối công trình của các bậc tiền nhân đi trước, dù gặp nhiều thử thách gian lao, nhưng cậy vào ơn Chúa, anh em luôn vững bước hướng về tương lai. Xin tạ ơn Thiên Chúa, tri ân công đức các bậc tiền nhân đã khai lối mở đường với bao hy sinh trong thầm lặng; các ngài đã đổ nhiều mồ hôi nước mắt và ngay cả mạng sống mình với một niềm cậy trông phó thác vững bền nơi Thiên Chúa, để ươm trồng, gìn giữ và làm phát triển một Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn hôm nay như dấu chỉ tình thương Chúa giữa lòng Hội Thánh Việt Nam.

(Viết theo Lược sử Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn)

....................................................................................

[1] Trích Kỷ yếu Phát Diệm, trang 33.

[2] Theo lịch Phụng vụ thời bấy giờ.

[3] X. Tu luật thánh Biển Đức, chương 53.

[4] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II. Sắc lệnh về Canh Tân thích nghi đời sống dòng tu, số 2.

[5] X. Bernado Olivera, Ocso, Du monde d'aujourd'hui, Dịch giả Duyên Thập Tự, 1998, tr.