Ơn gọi Đan Tu là vinh dự và nguồn ơn thiêng của Giáo Hội

Nhìn lại lịch sử tồn tại của đời sống Đan Tu Chiêm Niệm, người ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy Ơn Gọi Thánh Hiến này từ khởi đầu cho tới ngày hôm nay không ngừng phải đối mặt với những phê bình, bài bác và thóa mạ từ nhiều phía.

Martin Luther, cha đẻ của hệ phái Tin Lành Lutheraner ở Đức, đã gay gắt kết án đời sống Đan Tu Chiêm Niệm trong Giáo Hội Công Giáo là một lối sống “phản Kitô giáo tai hại, vô đạo, nặc mùi Do-thái, nặc mùi ngoại giáo”, vì ông cho rằng đời sống Đan Tu Chiêm Niệm cậy dựa vào công sức và việc làm của riêng mình(1), chứ không hoàn toàn tin tưởng phó thác vào một mình ân sủng Thiên Chúa và công trình cứu chuộc của Đức Kitô.

Tiếp đến là tầng lớp “trí thức“ ở Âu châu trong một giai đoạn thường được mệnh danh là “thế kỷ ánh sáng“ (le sièchle de la lumière) hay cũng được gọi là “thế kỷ triết học“ vào các thế kỷ XVII và XVIII, đã bài bác và thóa mạ một cách cực đoan vô lý đời sống các Đan Sĩ trong các Đan Viện thuộc các Dòng Tu Chiêm Niệm, như Dòng Biển Đức, Dòng Xitô, Dòng Cát-Minh, v.v… Họ cho đời sống các Đan Sĩ Chiêm Niệm – chuyên lo phụng sự Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn bằng các kinh nguyện và qua nỗ lực hoàn thiện đời sống cá nhân mỗi ngày – không những vô dụng mà còn phản tiến bộ, và như thế là một mất mát to lớn cho phúc lợi chung của xã hội. Thái độ phê bình và bài bác đời sống Đan Tu Chiêm Niệm của tầng lớp tự nhận mình là trí thức này có thể được coi là câu dạo đầu mở màn cho những cuộc bắt bớ các Đan Sĩ Chiêm Niệm, tàn phá hay tục hóa các Đan Viện của họ một cách tàn bạo và bất công do cuộc cách mạng Pháp nói chung và do bạo chúa Nã-phá-luân(2) nói riêng gây ra tại nước Pháp cũng như tại nhiều nước Âu châu khác vào cuối thế kỷ XVIII.

Và sau cùng, kể cả một thiểu số các tín hữu Công Giáo, gồm có giáo dân và giáo sĩ, cũng phê bình đời sống Đan Tu Chiêm Niệm là dư thừa và thiếu hiệu quả, xa lạ với xã hội và dửng dưng trước công cuộc truyền giáo. Họ cho rằng sứ mệnh truyền bá Tin Mừng, sứ mệnh mở mang Nước Chúa và cứu rỗi các linh hồn chỉ bằng lời cầu nguyện suông là hoàn toàn không đủ, nhưng còn cần phải bằng các hoạt động Tông Đồ cụ thể.

Tất cả những thái độ và những phê phán trên đây là cả một sự ngộ nhận tai hại, một sự nhận định hoàn toàn chủ quan, một chiều và lệch lạc về đời sống Đan Tu Chiêm Niệm. Đó cũng là một dấu chỉ cho thấy những người phê bình, bài bác hay đánh giá thấp Ơn Gọi Thánh Hiến này là chưa hiểu được mọi giá trị và vai trò thánh thiêng của kinh nguyện Kitô Giáo trong cuộc sống con người.

Chính Đức Giêsu đã dạy:

• “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến (các biến cố khủng khiếp xảy ra trong ngày thế mạt) và đứng vững được trước mặt Con Người“ (Lc 21,36).

• “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, kẻo phải sa vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, còn thể xác lại yếu hèn“ (Mt 26,41). “Simon, Simon, Sa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin“ (Lc 22,31).

• Và thánh tông đồ Phêrô cũng đã nhắn nhủ các tín hữu: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ là thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”. (1Pr 5,8).

Trong Sắc Lệnh về việc “Canh tân thích nghi đời sống Dòng Tu Perfectae Caritatis (PC)“ thánh Công Đồng Chung Vatican II đã minh nhiên khẳng định:

Trong những Hội Dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, các Tu Sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình, thì cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, những Hội Dòng ấy vẫn luôn giữ một địa vị cao quí trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, làm vẻ vang dân Thiên Chúa bằng những hoa trái Thánh thiện dồi dào, lấy gương lành lôi cuốn và làm cho dân ấy thêm lớn mạnh bằng việc tông đồ tuy âm thầm nhưng phong phú. Họ là vinh dự và là nguồn mạch tuôn trào các ơn thiêng.“ (3)

Trong văn kiện “Chiều kích chiêm niệm của đời sống Tu Trì“ (The Contemplative Dimension of Religious Life), công bố năm 1980, Thánh Bộ Tu Sĩ đã minh định rằng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm nội tâm là căn bản của đời tận hiến. Theo truyền thống cũ xưa kia, đời sống Đan Tu Chiêm Niệm thường được quan niệm là một lối sống chỉ dành riêng cho những người tín hữu ưu tú đặc biệt trong Giáo Hội. Người ta cũng thường trình bày và so sánh đời sống của các Tu Sĩ thuộc các Dòng Chiêm Niệm và các Dòng Hoạt Động như hai lối sống Thánh Hiến hoàn toàn biệt lập, không có gì tương quan với nhau, nếu không muốn nói là đối kháng với nhau. Một thái độ và quan niệm như thế có thể làm cho người ta có cảm tưởng là hai lối sống đời Thánh Hiến ấy đã được “phân công“ rõ rệt: Các Tu Sĩ thuộc các Dòng Hoạt Động như thể những chiến sĩ chiến đấu ngoài tiền tuyến, còn các Đan Sĩ thuộc các Dòng Chiêm Niệm là những nhân công phụ trách sản xuất lương thực ở hậu phương. Nhưng nay với văn kiện này, Giáo Hội muốn sửa lại quan niệm lệch lạc ấy và đồng thời nhắc nhở tất cả mọi Tu Sĩ thuộc các Dòng Tu, Hoạt Động cũng như Chiêm Niệm, đều phải nỗ lực sống Đời Cầu Nguyện Chiêm Niệm mỗi ngày. Văn kiện mô tả sự chiêm niệm như là một sự nỗ lực nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. Đó là tâm tình thờ lạy một cách khiêm tốn và liên lỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người, trong các biến cố của cuộc sống và trong các sự vật.

Đời sống Chiêm Niệm chính là đời sống của ba nhân đức đối thần – tin, cậy, mến. Cũng chính trong đời sống chiêm Niệm Thiên Chúa thông ban mình cho con người bằng việc thông hiệp với Chúa Cha nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Linh.(4) Nhất là trong phần III của văn kiện, Giáo Hội đã đề cao và đánh giá đặc biệt Ơn Gọi Chiêm Niệm.(5) Bởi vì, những hoạt động Tông Đồ bên ngoài mà thiếu tâm hồn cầu nguyện và chiêm niệm bên trong của nhà truyền giáo, thì cũng giống như một cái xác không hồn, như một bức tượng không có sức sống bên trong. Điều đó muốn nói rằng một Tu Sĩ hoạt động tông đồ truyền giáo nhất thiết phải có tinh thần cầu nguyện chiêm niệm và một Đan Sĩ chiêm niệm nhất thiết phải có tinh thần truyền giáo sống động. Đời sống cầu nguyện chiêm niệm và công cuộc truyền giáo luôn liên kết khăng khít với nhau như thể một thực tại duy nhất được biểu lộ ra bên ngoài bằng hai hình thức khác nhau.

Các Đức Thánh Cha nói chung và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói riêng, luôn đề cao các giá trị và vai trò quan trọng bất khả thay thế của Ơn Gọi Đan Tu. Trong Tông Huấn của ngài về “Đời sống Thánh Hiến – Vita Consecrata (VC)“, công bố ngày 25.3.1996, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định đời sống Đan Tu Chiêm Niệm là một vinh dự và là nguồn ơn tuôn đổ trên đời sống Giáo Hội, ngài viết: “Các Hội Dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, là một niềm vinh dự và là nguồn mạch muôn vàn ơn thiêng cho Giáo Hội. Bằng chính đời sống và sứ mệnh của mình, những thành viên của các Hội Dòng này, noi gương Chúa Kitô cầu nguyện trên núi; các vị chứng tỏ quyền tối thượng của Thiên Chúa trên dòng lịch sử và tham dự trước vinh quang mai hậu. Trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, phụng thờ Thiên Chúa, khổ chế bản thân, đọc kinh cầu nguyện, hãm mình và chia sẻ tình huynh đệ, các vị quy hướng trọn vẹn đời sống và mọi sinh hoạt của mình về sự chiêm ngắm Thiên Chúa. Như vậy, các vị cống hiến cho Giáo Hội chứng tá duy nhất về tình yêu mà Giáo Hội dành cho Thiên Chúa, cũng như góp phần vào việc làm tăng trưởng Dân Chúa, bằng một việc tông đồ âm thầm nhưng phong phú.“(6)

Và trong Tông Thư “Hồng Ân Cứu Độ - Redemptionis Donum“ của ngài, thánh Giáo Hoàng còn đào sâu chiều kích thần bí của Ơn Gọi Thánh Hiến như là đời sống mới, đời sống Giao Ước. Bởi vậy, chính thánh nữ Têrêxa Avila đã từng xác tín rằng sự cầu nguyện chiêm niệm là cấp độ cao nhất của con đường trọn lành nên thánh.

Tất cả những giáo huấn công khai và chính thức trên đây của Giáo Hội đã minh định cho ta thấy rằng Ơn Gọi Đan Tu Chiêm Niệm tự bản chất là một điều cần thiết cho đời sống Giáo Hội và cho công cuộc Phúc Âm hóa. Giáo Hội luôn biết ơn và quý trọng đời sống Đan Tu Chiêm Niệm và Cầu Nguyện như một kho tàng vô giá, dĩ nhiên không vì nguồn gốc lịch sử lâu đời của nó trong truyền thống Giáo Hội, mà vì những giá trị thần bí linh thiêng và cao cả của nó. Đó là một lối sống Thánh Hiến biểu hiệu cho Nước Trời, biểu hiệu cho cuộc sống của các Thần Thánh trên Nước Trời, vì cũng như các Thần Thánh hằng phủ phục tôn thờ trước tòa Chúa trên Nước Trời, các Đan Sĩ Chiêm Niệm ngày đêm không ngừng dâng lên trước thánh nhan Thiên Chúa muôn điệu ca du dương thánh thót khi cử hành các Giờ Kinh Thần Tụng, hầu để ca ngợi và tạ ơn, với một cuộc sống trong an bình, thanh thoát, Thánh thiện và xa lánh mọi bon chen vật lộn của cuộc sống thế tục. Và trong quá trình nỗ lực nên trọn lành nên thánh mọi ngày của mình như thế, người Đan Sĩ đi sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa, tiếp cận với Người qua kinh nguyện, và nhờ thế người Đan Sĩ chuyển cầu lên trước tòa Chúa mọi nguyện ước chân chính và khẩn thiết của Giáo Hội, của xã hội và của mọi anh chị em đồng loại của mình.

Nhưng như đã đề cập tới ở trên, đời sống Đan Tu Chiêm Niệm và Cầu Nguyện đưa dẫn người Đan Sĩ tiếp cận với Thiên Chúa, với Đấng Tối Cao, với Đấng Toàn Chân, Toàn Thiện và Toàn Mỹ. Điều đó đòi hỏi người Đan Sĩ phải luôn nỗ lực trở nên hoàn thiện mỗi ngày, để xứng đáng được diện kiến trước thánh nhan Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh dạy: “Đây là cửa dẫn vào nơi Chúa ngự, chỉ những người công chính mới được qua.“(Tv 118,20).

Trong quá trình hoàn thiện bản thân của người Đan Sĩ, điều tiên quyết đòi hỏi người Đan Sĩ phải thực hiện là lột bỏ con người cũ đầy khiếm khuyết và bất toàn của mình, là tránh xa mọi tội lỗi và mọi thói hư tật xấu, vì chính Đức Khổng Tử, một người không phải là Kitô hữu, cũng đã khẳng định: “Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo giã: phạm tội với Trời thì còn cầu nguyện vào đâu được nữa“(7); tiếp đến là thực thi các lời khuyên Phúc Âm, giữ trọn Tu Luật và Nội Quy của Dòng, v.v… Nhưng trên hết phải sống trọn đức ái đối với hết mọi người, vì đức ái là luật tối thượng của đường trọn lành, là dây ràng buộc mọi nhân đức. (x. Cl 3,14). Thánh Augustinô đã từng xác tín: “Đức ái là nhân đức liên kết chúng ta với Thiên Chúa.” Cùng một tâm tình đó, thánh Justinô Tử Đạo nói: “Ôi! Mạnh mẽ biết bao mối dây liên kết với Thiên Chúa.” Vâng, đức ái là mối dây liên kết Thiên Chúa với linh hồn chúng ta qua Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn sống thánh hóa của ta.

Vậy, đời sống Đan Tu Chiêm Niệm và Cầu nguyện là nguồn động lực làm nảy sinh một sự tác động lưỡng diện: một đàng, để sống bền đỗ và sống hạnh phúc Đời Đan Tu của mình, người Đan Sĩ phải nỗ lực hoàn thiện chính bản thân mình mỗi ngày một cách tự nguyện và đầy ý thức; một đàng khác, chính đời sống Đan Tu Cầu Nguyện là động lực thu hút, thúc đẩy và thánh hóa người Đan Sĩ mỗi ngày một thêm thánh thiện và trọn lành hơn.

Sau cùng, như vừa nói ở trên, người Đan Sĩ không sống Ơn Gọi Chiêm Niệm và Cầu Nguyện cho một mình mình, hay nói cách khác, người Đan Sĩ không đến với Chúa một mình, nhưng với mọi anh chị em đồng loại của mình. Lời cầu nguyện của người Đan Sĩ luôn luôn phải trải rộng và bao trùm mọi nhu cầu, mọi ước vọng và mọi niềm vui nỗi buồn của anh chị em đồng loại của mình. Vâng, đời sống Đan Tu của các Đan Sĩ chiêm niệm luôn phải là “nguồn mạch tuôn trào mọi ơn thiêng“ như Công Đồng dạy.(8). Đó chính là sứ mệnh Ngôn Sứ của Ơn Gọi Đan Tu Chiêm Niệm vậy.

Lm. Nguyễn Hữu Thy

____________________________

Chú thích

1. Luther chủ trương con người được cứu rỗi chỉ nhờ đức tin mà thôi, chứ không cần các việc lành phúc đức, như đọc kinh cầu nguyện, làm các việc hy sinh và khổ chế.

2. Nã-phá-luân tên đầy đủ trong tiếng Pháp là Napoléon Bonaparte (1769-1821) xuất thân từ đảo Corse (nằm giữa Ý và Pháp), có tài quân sự xuất chúng, gia nhập quân cách mạng và đã trở thành vị tướng tài ba của quân đội Pháp, bách chiến bách thắng. Sau khi chiếm được chính quyền ở Pháp, ông đã trở thành hoàng đế và một nhà độc tài hung hăng. Ông đã ra lệnh chèn ép Giáo Hội, bắt bớ các Tu Sĩ, tàn phá và tịch thu các Tu Viện. Sau khi thua trận ở Nga vào năm 1812 và tiếp đến ở trận chiến Waterloo vào năm 1815, ông bị truất phê và bị đày ra đảo St. Helena ở phía nam đại tây dương. Ở đây ông đã hồi tâm và thú nhận: “Tội lỗi lớn nhất của trẫm là không chỉ xúc phạm đến loài người mà đã xúc phạm đến Thiên Chúa.“ Trước khi chết ông đã ăn năn trở lại và được chịu Các Phép.

3. Vatican II: PC, số 7.

4. The Contemplative Dimension of Religious Life, số 1.

5. Cùng chỗ, xem từ số 24 đến 29.

6. Gioan Phaolô II: VC, số 8.

7. Luận Ngữ: Bát-dật, III.

8. Vatican II: PC, số 7.