Sự sung mãn của đời sống chiêm niệm
(tiep theo)
Sự rao giảng trong thinh lặng
Khi Đan Viện Montecassino được thánh Biển Đức thành lập vào khoảng năm 529 và đã trở thành trung tâm văn hóa, khai hóa cho mọi tầng lớp dân chúng vào thời bấy giờ; vâng, một ngôi trường cho các thế hệ tương lai đã được hình thành, thì cũng chính là lúc trường Triết học ở Athen/Hy Lạp hoàn toàn đóng cửa và giải thể, chấm dứt nền giáo dục thời cổ đại.
Dĩ nhiên, điều đó không muốn nói rằng thánh Biển Đức đã đưa ra một chương trình giáo dục quy mô, trên thực tế thánh nhân chỉ muốn thiết lập “ngôi trường phụng sự Chúa” mà thôi. Và ngôi trường phụng sự Chúa của thánh Biển Đức không chỉ dành riêng cho các Đan Sĩ, nhưng còn cho tất cả dân chúng sống chung quanh các Đan Viện nữa. Nhà văn người Áo Hermann Bahr đã hoàn toàn có lý khi ông phát biểu: “Chúng tôi đã học biết được (từ các Đan Sĩ Biển Đức) các lễ giáo, phong tục tập quán tốt trong gia đình và phong cách sống cho phải đạo.”(6)
Vào thời Trung Cổ các Đan Viện chính là những ngôi trường quan trọng nhất trong việc đào tạo, dạy dỗ và truyền bá văn hóa cho toàn vùng kế cận chung quanh Đan Viện. Vì thế, trong các Đan Viện, ngoài nhà thờ ra thì thư viện là gian phòng quan trọng nhất, và thường được sử dụng làm các trường lớp để dạy học cho các con em trong vùng. Chính Maurus và Placidus là hai thiếu niên được cha mẹ các em giao phó cho thánh Biển Đức giáo dục, và cả hai đã trở nên những Đan Sĩ thánh thiện, vâng, đã trở nên hai vị thánh của Giáo Hội.
Ngay trong khởi đầu thời Tân Đại, qua các công trình nghiên cứu hoàn toàn trong âm thầm, vô vị lợi và đầy vất vả của họ, các Đan Sĩ của các Dòng Chiêm Niệm đã đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn hóa nhân loại. Vì chính Đức Viện Phụ Tarrisse, Bề Trên Cả (1630-1648) của Dòng Biển Đức Cải Cách Saint-Maure, có trụ sở chính tại Đan Viện Saint-Germain-des-Prés ở Paris, đã sáng suốt nhìn nhận rằng tình trạng vô hiểu biết và được giáo dục nửa vời là một điều nguy hiểm nhất cho đời sống Đan Tu và vì thế ngài đã hết sức động viên và đòi buộc các Đan Sĩ của ngài phải có được một vốn liếng học vấn đầy đủ.
Như vậy, chúng ta thấy rằng chính trong sự thanh vắng của các Đan Viện đã phát sinh một truyền thống giáo dục rất thành công, và nhất là sứ mệnh của hàng trí thức từng đã được các Đan Sĩ đào tạo, lại tiếp tục đem vốn liếng văn hóa và tri thức mà họ đã tiếp thu được truyền bá cho các thế hệ trẻ nối tiếp. Và cứ thế, nền văn hóa từ các Đan Viện tiếp tục được lan tỏa ra khắp mọi vùng miền, và qua đó tinh thần Phúc Âm đến được với mọi tầng lớp dân chúng. Chính thánh Biển Đức khi còn sinh thời cũng đã được các mục đồng tìm đến với ngài trong sự thanh vắng của Đan Viện Subiaco và ngài đã dạy cho họ về cuộc sống đạo đức, vâng, ngài đã ban cho họ lương thực sự sống thiêng liêng tinh thần. Sau đó, ở Đan Viện Montecassino thánh Biển Đức cũng đã hoán cải được rất nhiều người đã từng thờ ngẫu tượng của các dân ngoại. Ngày nay, trong một hang đá tại Đan Viện Subiaco, người ta còn đọc thấy trên một tấm bảng hàng chữ: “Ở chỗ này, qua việc ngài dạy dỗ các chú mục đồng, thánh Biển Đức đã liên kết công việc Tông Đồ với đời sống ẩn dật Đan Tu. Đó là con đường lưỡng diện mà vô số các con cái thánh nhân sẽ tiếp tục bước đi.” Thánh Grêgôriô Cả đã đề cử Đan Sĩ Augustinus sang truyền giáo tại Anh quốc và ngài còn truyền chức Linh Mục và Giám Mục cho các Đan Sĩ và giao phó cho họ sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội.
Còn tại Đức quốc thì một trong các sứ giả truyền bá Tin Mừng nổi danh nhất là thánh Bonifatius (qua đời năm 754), vốn là một Đan Sĩ có lòng kính sợ Chúa mãnh liệt và thương yêu các linh hồn sâu xa. Cùng cộng tác với ngài dĩ nhiên còn có các nam nữ Đan sĩ khác nữa. Bên cạnh thánh Bonfatius còn có thánh Đan Sĩ Ansgar, qua đời vào khoảng 865, ngài đã liên kết giữa đời sống Đan Tu và các hoạt động Tông Đồ với khẩu hiệu: “Intus monachus, foris apostolus” (Trong nội vi hoàn toàn là Đan Sĩ, ra bên ngoài hoàn toàn là Tông Đồ).
Tuy nhiên, tinh thần chiêm niệm Đan Tu, nghĩa là tinh thần cầu nguyện, luôn phải là kim chỉ nam, là ngọn hải đăng soi sáng và hướng dẫn cho mọi hoạt động của người Đan Sĩ, kể cả trong trường hợp đặc biệt phải đảm nhận những hoạt động Tông Đồ trong các xứ đạo. Vì những hoạt động Tông Đồ mà thiếu đời sống cầu nguyện kèm theo, thì cũng tương tự như một cái xác không hồn, như một pho tượng đá không có sức sống bên trong.
Sự phát triển và sự khởi đầu mới
Mặc dầu đời sống trong các Đan Viện luôn được hướng dẫn theo Tu Luật của Dòng, nhưng các Đan Sĩ cũng vẫn là những con người có xác thịt bình thường như bao người khác, vì thế cuộc sống trong Đan Viện luôn cần có sự tác động, luôn cần có sự canh tân đổi mới, nếu không muốn nói là luôn cần có “tinh thần cách mạng” của Phúc Âm.
Đó là lý do của những phong trào canh tân hay những khởi đầu mới trong lịch sử đời sống Đan Tu: Từ Biển Đức sang Xitô và rồi từ Xitô sang Trappiste hay Xitô Nhặt Phép, v.v… Vâng, một khi cuộc sống cộng đoàn Đan Viện bị sa sút và đang trên đường biến thể, thì nhất thiết cần phải được canh tân, phải được bắt đầu lại, theo đúng với chí ý Đấng sáng lập, theo đúng với tinh thần của các lời khuyên Phúc Âm. Vì thế, những phong trào canh tân ấy luôn được bắt đầu với tinh thần triệt để sống theo sát Tu Luật của Dòng: nhặt nhiệm, sốt sắng và hăng hái. Một sự khởi đầu như thế luôn gây được sự hứng khởi và có sức lôi cuốn mãnh liệt nơi tâm hồn các Đan Sĩ liên hệ cũng như nơi những người yêu mến đời sống chiêm niệm Đan Tu, và vì thế tạo nên được những ấn tượng và ảnh hưởng tốt trong các cộng đoàn giáo dân sống gần xa chung quanh các Đan Viện.
Từ đó cộng đoàn Đan Viện bắt đầu phát triển qua các sinh hoạt của đời sống Đan Tu cũng như các công trình xây dựng cơ sở vật chất bên ngoài. Đặc biệt nhất là các giờ Kinh Nguyện và các nghi thức Phụng Vụ của Đan Viện được cử hành một cách long trọng, hoành tráng và sốt sắng. Và dĩ nhiên, Đan Viện cũng lần hồi cần phải tham gia vào các sứ mệnh trong Giáo Hội cũng như trong xã hội, theo giới hạn mà đời sống Đan Tu chiêm niệm cho phép. Vì thế, vào thế kỷ VIII hầu hết các Đan Viện và Tu Viện trong Giáo Hội đều lấy Tu Luật thánh Biển Đức làm nền tảng cho các bản Nội Quy và Hiến Pháp của mình.
Ở Đan Viện Cluny, dưới sự hướng dẫn của Đức Viện Phụ Berno Baume, vốn là một Đan Sĩ sống rất nhặt nhiệm, các Đan sĩ đã bắt đầu nỗ lực sống hoàn toàn đúng với tinh thần Tu Luật của thánh Phụ Biển Đức. Và từ Chuny hương thơm đời sống Đan Tu đạo đức của các Đan Sĩ lan tỏa ra khắp nơi trong vùng, rồi cả nước Pháp và dần dà khắp cả Giáo Hội. Sau đó đến đời Đức Viện Phụ Odo thì Đan Viện Chuny đã trở thành Đan Viện Mẹ của phong trào canh tân đổi mới đời sống Đan Tu, đúng theo tinh thần Tu Luật Biển Đức, và trải qua hai thế kỷ liền tinh thần Đan Tu Chuny đã gây nên một ảnh hưởng sâu xa trong toàn Giáo Hội cũng như trong toàn đế quốc. Đó là tinh thần cầu nguyện trong thanh vắng.
Các Đấng kế nhiệm Đức Viện Phụ Odo cũng vẫn tiếp tục thực thi và sống triệt để tinh thần cầu nguyện trong thanh vắng. Và từ đó hầu như tất cả các Đan Viện ở Pháp đều xin gia nhập Hội Dòng Cluny. Nhà thờ Đan Viện trở thành ngôi thánh đường vĩ đại vào bậc nhất Âu châu. Tinh thần canh tân Cluny đã thổi vào trong đời sống Giáo Hội một luồng sinh khí mới, đặc biệt qua nỗ lực kiến tạo “sự an bình trong Chúa”, và nhờ thế, các tranh cãi và đố kỵ của tầng lớp trưởng giả và quý tộc bị dập tắt hoàn toàn. Đức Grêgôriô VII, vị Giáo Hoàng của đại canh tân, tuyên bố trong một bài phát biểu của ngài vào năm 1080 rằng Đan viện Cluny dưới sự dìu dắt của các vị Viện Phụ thánh thiện đã đạt tới được sự hoàn hảo thánh thiện cao vời và đã làm cho tất cả các Đan Viện bên kia dải núi Alpen thêm lòng nhiệt thành phụng sự Chúa. Bởi vậy, Đan Viện Cluny đã trở thành tâm điểm không chỉ trong Giáo Hội mà cả trong toàn thế giới nữa.
Nhưng các Đan Sĩ Cluny cũng chỉ là những con người có đầy đủ mọi tính chất nhân loại như bao người khác, nên khi Đan Viện đã đạt tới được đỉnh cao sự ngưỡng mộ của mọi tầng lớp trong và ngoài Giáo Hội, thì cũng chính là lúc tinh thần Đan Tu của Cluny bắt đầu đi xuống. Thay vì tinh thần đời sống Đan Tu tiếp tục ảnh hưởng được xã hội, thì tinh thần thế tục lại dần dà thâm nhập vào đời sống Đan Tu của các Đan Sĩ, khiến cho các Đan Sĩ không còn sốt sắng mộ mến đời sống Kinh Nguyện trong thanh vắng của họ nữa, nhưng ai nấy đua đòi sống và hành động theo thói đời, tìm kiếm sự khen tặng và vinh hoa của người đời.
Đó là lý do phát sinh tinh thần Xitô do ba Đan Sĩ thánh thiện của Cluny khởi xướng là Roberto Molesme, Albericô và Stephanô Harding. Vì muốn sống đúng với tinh thần chiêm niệm trong thanh vắng của thánh Phụ Biển Đức, các ngài đã cùng nhau tìm vào Xitô (Citeaux), một vùng đất hoàn toàn hoang vu, hẻo lánh và nghèo nàn vào lúc bấy giờ, để thiết lập một cuộc sống Đan Tu mới. Việc thành lập Đan Viện Xitô với tinh thần canh tân cũng là một dấu hiệu phản đối và chối bỏ một Cluny giàu có, sang trọng và bị ảnh hưởng tinh thần thế tục.
Bởi vậy, các Đan Sĩ Xitô đã nỗ lực triệt để sống đúng Tu Luật Biển Đức theo nghĩa đen: hoàn toàn sống đơn sơ và thanh bần. Các Đan Sĩ thực thi sát khẩu hiệu của Dòng: “Ora et Labora” – cầu nguyện và lao động, là tự sinh sống bằng sức lao động của mình, chứ không nhận các biếu tặng này nọ của người đời. Cách sống xa hoa và xuống dốc của Cluny cũng như trong Giáo Hội vào thời bấy giờ đã khiến thánh Bernarđô Claivaux phải ngậm ngùi thốt lên: “Giáo Hội thì huy hoàng rực rỡ bằng những bức hoành phi câu đối quý giá, nhưng lại đói khát trong những người nghèo khổ.”
Nhưng rồi dần dà, đến lượt các Đan Sĩ Xitô cũng lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn, lại giậm lên vết chân các anh em Đan Sĩ của họ trước kia ở Cluny. Vâng, với thời gian, các Đan Sĩ Xitô lại trở nên giàu có: Toàn bộ Đan Viện, từ nhà thờ tới nhà ở và các phòng ốc khác của các Đan Sĩ, được xây dựng một cách hoành tráng sang trọng. Còn đời sống chiêm niệm cầu nguyện lại bị sao nhãng.
Đó lại là lý do khiến Đan Sĩ Xitô Rancé thành lập vào năm 1664 Đan Viện La Trappe, để quay lại sống đúng tinh thần nguyên thủy của Xitô, đặc biệt là triệt để thực thi sự thinh lặng Đan Tu. Và từ đó, mới có tên xưng mới là Trappiste, hay Xitô Cải Cách, hay Xitô Nhặt Phép.
Qua đó, chúng ta thấy rằng trong suốt dòng lịch sử của lối sống Đan Tu, hầu như tất cả các Đan Viện đều đã không học thuộc bài học lịch sử là một khi đã phát triển và đạt tới được một đỉnh cao nhất định và gây được ảnh hưởng tinh thần sâu xa trên xã hội thế tục, thì lần hồi lại bị tinh thần thế tục chi phối và thao túng. Nói rõ hơn, các Đan Viện đã không tránh được cái vòng luẩn quẩn là một khi đã đạt tới đỉnh cao của ơn gọi chiêm niệm của mình, thì tiếp đến là giai đoạn “sa chước cám dỗ”, rơi vào vòng xoáy mãnh liệt của thế tục và rồi lại vùng đứng lên và quay trở về với lý tưởng Đan Tu thủa ban đầu của mình qua sự khởi xướng can đảm của một số Đan Sĩ nhiệt thành và luôn gắn bó với lý tưởng ấy. Vâng, Người ta có thể gọi đó là biện chứng của đời sống tu trì nói chung và ơn gọi chiêm niệm Đan Tu nói riêng.
Đời sống Đan Tu, sức sống của Giáo Hội
Cuộc sống chiêm niệm Đan Tu luôn phải đối mặt với sự phê bình chỉ trích và chống đối từ nhiều phía, kể cả từ phía một số Kitô hữu.
Từ lý do tôn giáo: Martin Luther (nhà cải cách Tin Lành ở Đức) đã cho rằng đời sống Đan Tu chiêm niệm trong Giáo Hội Công Giáo là một lối sống “phản Kitô giáo tai hại, vô đạo, nặc mùi Do-thái, nặc mùi ngoại giáo” vì nó cậy dựa vào việc làm của riêng mình, chứ không cậy dựa vào một mình ân sủng Thiên Chúa và công trình cứu chuộc của Đức Kitô.(7)
Chính một số ít các tín hữu Công Giáo, giáo dân cũng như Giáo sĩ, cũng cho rằng đời sống các Đan Sĩ chỉ giam mình trong Đan Viện thì quá thụ động nhàn rỗi và không hiệu quả, vì chỉ cầu nguyện một mình mà thôi, chứ không có hành động hay việc làm Mục Vụ hay Tông Đồ cụ thể đi kèm theo.
Từ lý do duy lý: Các nhà tư tưởng của Thế Kỷ Ánh Sáng (thế kỷ XVII- XVIII) thì gắt gao kết án đời sống Đan Tu là không chỉ hoàn toàn vô ích lợi, mà còn có thể trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho sự phát triển của xã hội nhân loại nữa.
Nhưng rồi không lâu sau khi tất cả các Đan Viện bị đóng cửa và các Đan Sĩ bị ép buộc hồi tục trong thời kỳ tục hóa (Säkularisation), như vào thời Nã-phá-luân chẳng hạn, thì người ta mới nhận chân được rằng quả thực đời sống Đan Tu rất cần thiết cho nhân loại như thế nào, chẳng hạn qua các hoạt động giáo dục sư phạm và từ thiện bác ái của, nhưng nhất là đời sống Đan Tu là kho tàng vô giá cho toàn thể thế giới Kitô giáo nói chung và cho đời sống Giáo Hội nói riêng qua việc ngày đêm sống và thực hành triệt để tinh thần Phúc Âm và sứ mệnh tìm kiếm Thiên Chúa của các Đan Sĩ.
Bởi vậy, ngay trong các Giáo Hội Kitô giáo Cải Cách thuộc thế kỷ chúng ta ngày nay, các Cộng Đoàn và các Đan Viện đã được thành lập để tìm cách “sống và hiện thực phần nào cuộc sống các Cộng Đoàn Kitô hữu tiên khởi” như chính Thầy Roger Schutz, Đấng Sáng Lập và Bề Trên cộng đoàn Đan Tu Taizé ở Pháp nhận định.
Thực ra, người ta có thể tìm gặp lối sống chiêm niệm Đan Tu trong hầu như tất cả các tôn giáo trên khắp thế giới. Raimon Pannikar, một nhà nghiên cứu chuyên ngành về các tôn giáo, đã viết trong cuốn “Den Mönch in sich entdecken” về tính chất Đan Tu nguyên thủy phổ quát. Qua đó, ông muốn nói lên rằng tận trong thẩm cung tâm hồn mỗi người chúng ta đều chứa ẩn niềm khao khát sự hiệp nhất và vì thế luôn khao khát một sự đơn giản bình dị để vượt lên trên sự đa phức lệch lạc và những mâu thuẫn trong cuộc sống xã hội cụ thể. Ông đề cập tới hai thái độ cơ bản của con người muốn đưa dẫn toàn bộ thực tại quay trở lại hiệp nhất với nhau và muốn cảm nhận được thực tại như là một sự đa phức của những yếu tố bất khả hiệp nhất với nhau.
Đời sống các Đan Sĩ là một dấu chỉ và là một lời phát biểu hùng hồn nói lên niềm khao khát sự hiệp nhất ấy. Các Đan Sĩ chân chính luôn tìm kiếm cho đời mình một ý nghĩa đích thực, một điều quan trọng duy nhất, và vì điều quan trọng duy nhất ấy họ đã sẵn sàng đánh đổi tất cả, sẵn sàng cắt đứt tất cả mọi ràng buộc, vâng, họ sẵn sàng bỏ tất cả mọi sự lại phía sau.
Dĩ nhiên, các Đan Sĩ sẽ sai lầm, nếu như họ coi thế giới riêng tư của mình như là một thế giới phổ quát, vâng, như là một thế giới cho hết mọi người, cũng như nếu họ vì sự đơn sơ giản dị đáng yêu kia mà tìm cách phủ nhận hay bỏ quên sự đa phức của thực tại. Người Đan Sĩ đừng quên rằng cuộc sống Đan Tu không phải là sự chạy trốn thế gian, nhưng là nhằm mang lại cho thế gian nguồn sống chân chính qua sự chiêm niệm cầu nguyện của mình. Vâng, họ đi tìm kiếm Chúa và mang ơn Chúa đến cho các tâm hồn qua đời sống cầu nguyện chiêm niệm của mình
Đó là huyền nhiệm của đời sống Đan Tu: Sống xa đời, chứ không phải bỏ đời. Sống giữa đời, chứ không phải đồng hóa với đời. Vâng, tuy các Đan Sĩ sống trong một thế giới khép kín của một Đan Viện, nhưng hương thơm đạo đức của đời sống Đan Tu cũng như cung điệu du dương của các giờ Kinh Nguyện của họ là nét duyên dáng đáng yêu, là sức mạnh vô hình lôi kéo các tâm hồn đến với họ trong Đan Viện, để quên đi những nhọc nhằn và những ồn ào của thế sự, của cuộc sống kim tiền và để thông công Kinh Nguyện chiêm niệm với họ. Và với sự tiếp cận qua Kinh Nguyện hay qua các buổi tĩnh tâm cấm phòng với các Đan Sĩ trong khung cảnh thanh vắng của Đan Viện, người ta sẽ khám phá ra được cuộc sống Đan Tu chiêm niệm của các Đan Sĩ là đi tìm kiếm sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Ngược lại, qua sự gặp gỡ với các tâm hồn, các Đan Sĩ sẽ tiếp nhận và cảm thông được thực tại đa phức của cuộc sống trần thế và đem liên kết với lời cầu nguyện của mình.
Như thế, nỗ lực tìm kiếm hiệp nhất với Thiên Chúa của các Đan Sĩ trong Kinh Nguyện chiêm niệm không hề nhuộm màu ích kỷ hay là một hình thức sống nhạt nhẽo và trống rỗng, nhưng là những Kinh Nguyện chất chứa tràn đầy thực tại. Nói cách khác, qua Kinh Nguyện chiêm niệm của mình các Đan Sĩ không hề đến với Chúa lẻ loi một mình, nhưng họ mang theo mọi ý nguyện của tất cả mọi anh chị em của họ. Đó là lý do tại sao các Đức Giáo Hoàng gần đây, từ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đến Đức Bênêđíctô XVI và đương kim Giáo Hoàng Phanxicô đều luôn đề cao, cổ xuý và ca ngợi đời sống Thánh Hiến Đan Tu là kho tàng quý báu và là sức sống của Giáo Hội.
Lm JB. Nguyễn Hữu Thy
_____________
Chú thích
1. Franz Xaver Sieber: Jesus Christus der wahre lebendige in die ewigen Lichtwohnungen führende Lichtern – Ein Lehr- und Gebetbuch für Katholische Christen. Augsburg 1845, Verlag Anton Herzog, trang 585, IV.
2. Die Mönche in der Wüste | Fokolar-Bewegung
www.focolare.org/de/news/2015/.../i-monaci-del-deserto/
3. Hans-Günther Kaufmann & Odilo Lechner: Kraft der Stille, München 2001, Verlag Pattloch, trang 8.
4. Sách đã trích dẫn, trang 9.
5. Sách đã trích dẫn, trang 10.
6. Sách đã trích dẫn, trang 10.
7. Xem: Hellig 3 kong 7
www.martinluther.dk/h3kong7.htm
(tiep theo)
Sự rao giảng trong thinh lặng
Khi Đan Viện Montecassino được thánh Biển Đức thành lập vào khoảng năm 529 và đã trở thành trung tâm văn hóa, khai hóa cho mọi tầng lớp dân chúng vào thời bấy giờ; vâng, một ngôi trường cho các thế hệ tương lai đã được hình thành, thì cũng chính là lúc trường Triết học ở Athen/Hy Lạp hoàn toàn đóng cửa và giải thể, chấm dứt nền giáo dục thời cổ đại.
Dĩ nhiên, điều đó không muốn nói rằng thánh Biển Đức đã đưa ra một chương trình giáo dục quy mô, trên thực tế thánh nhân chỉ muốn thiết lập “ngôi trường phụng sự Chúa” mà thôi. Và ngôi trường phụng sự Chúa của thánh Biển Đức không chỉ dành riêng cho các Đan Sĩ, nhưng còn cho tất cả dân chúng sống chung quanh các Đan Viện nữa. Nhà văn người Áo Hermann Bahr đã hoàn toàn có lý khi ông phát biểu: “Chúng tôi đã học biết được (từ các Đan Sĩ Biển Đức) các lễ giáo, phong tục tập quán tốt trong gia đình và phong cách sống cho phải đạo.”(6)
Vào thời Trung Cổ các Đan Viện chính là những ngôi trường quan trọng nhất trong việc đào tạo, dạy dỗ và truyền bá văn hóa cho toàn vùng kế cận chung quanh Đan Viện. Vì thế, trong các Đan Viện, ngoài nhà thờ ra thì thư viện là gian phòng quan trọng nhất, và thường được sử dụng làm các trường lớp để dạy học cho các con em trong vùng. Chính Maurus và Placidus là hai thiếu niên được cha mẹ các em giao phó cho thánh Biển Đức giáo dục, và cả hai đã trở nên những Đan Sĩ thánh thiện, vâng, đã trở nên hai vị thánh của Giáo Hội.
Ngay trong khởi đầu thời Tân Đại, qua các công trình nghiên cứu hoàn toàn trong âm thầm, vô vị lợi và đầy vất vả của họ, các Đan Sĩ của các Dòng Chiêm Niệm đã đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn hóa nhân loại. Vì chính Đức Viện Phụ Tarrisse, Bề Trên Cả (1630-1648) của Dòng Biển Đức Cải Cách Saint-Maure, có trụ sở chính tại Đan Viện Saint-Germain-des-Prés ở Paris, đã sáng suốt nhìn nhận rằng tình trạng vô hiểu biết và được giáo dục nửa vời là một điều nguy hiểm nhất cho đời sống Đan Tu và vì thế ngài đã hết sức động viên và đòi buộc các Đan Sĩ của ngài phải có được một vốn liếng học vấn đầy đủ.
Như vậy, chúng ta thấy rằng chính trong sự thanh vắng của các Đan Viện đã phát sinh một truyền thống giáo dục rất thành công, và nhất là sứ mệnh của hàng trí thức từng đã được các Đan Sĩ đào tạo, lại tiếp tục đem vốn liếng văn hóa và tri thức mà họ đã tiếp thu được truyền bá cho các thế hệ trẻ nối tiếp. Và cứ thế, nền văn hóa từ các Đan Viện tiếp tục được lan tỏa ra khắp mọi vùng miền, và qua đó tinh thần Phúc Âm đến được với mọi tầng lớp dân chúng. Chính thánh Biển Đức khi còn sinh thời cũng đã được các mục đồng tìm đến với ngài trong sự thanh vắng của Đan Viện Subiaco và ngài đã dạy cho họ về cuộc sống đạo đức, vâng, ngài đã ban cho họ lương thực sự sống thiêng liêng tinh thần. Sau đó, ở Đan Viện Montecassino thánh Biển Đức cũng đã hoán cải được rất nhiều người đã từng thờ ngẫu tượng của các dân ngoại. Ngày nay, trong một hang đá tại Đan Viện Subiaco, người ta còn đọc thấy trên một tấm bảng hàng chữ: “Ở chỗ này, qua việc ngài dạy dỗ các chú mục đồng, thánh Biển Đức đã liên kết công việc Tông Đồ với đời sống ẩn dật Đan Tu. Đó là con đường lưỡng diện mà vô số các con cái thánh nhân sẽ tiếp tục bước đi.” Thánh Grêgôriô Cả đã đề cử Đan Sĩ Augustinus sang truyền giáo tại Anh quốc và ngài còn truyền chức Linh Mục và Giám Mục cho các Đan Sĩ và giao phó cho họ sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội.
Còn tại Đức quốc thì một trong các sứ giả truyền bá Tin Mừng nổi danh nhất là thánh Bonifatius (qua đời năm 754), vốn là một Đan Sĩ có lòng kính sợ Chúa mãnh liệt và thương yêu các linh hồn sâu xa. Cùng cộng tác với ngài dĩ nhiên còn có các nam nữ Đan sĩ khác nữa. Bên cạnh thánh Bonfatius còn có thánh Đan Sĩ Ansgar, qua đời vào khoảng 865, ngài đã liên kết giữa đời sống Đan Tu và các hoạt động Tông Đồ với khẩu hiệu: “Intus monachus, foris apostolus” (Trong nội vi hoàn toàn là Đan Sĩ, ra bên ngoài hoàn toàn là Tông Đồ).
Tuy nhiên, tinh thần chiêm niệm Đan Tu, nghĩa là tinh thần cầu nguyện, luôn phải là kim chỉ nam, là ngọn hải đăng soi sáng và hướng dẫn cho mọi hoạt động của người Đan Sĩ, kể cả trong trường hợp đặc biệt phải đảm nhận những hoạt động Tông Đồ trong các xứ đạo. Vì những hoạt động Tông Đồ mà thiếu đời sống cầu nguyện kèm theo, thì cũng tương tự như một cái xác không hồn, như một pho tượng đá không có sức sống bên trong.
Sự phát triển và sự khởi đầu mới
Mặc dầu đời sống trong các Đan Viện luôn được hướng dẫn theo Tu Luật của Dòng, nhưng các Đan Sĩ cũng vẫn là những con người có xác thịt bình thường như bao người khác, vì thế cuộc sống trong Đan Viện luôn cần có sự tác động, luôn cần có sự canh tân đổi mới, nếu không muốn nói là luôn cần có “tinh thần cách mạng” của Phúc Âm.
Đó là lý do của những phong trào canh tân hay những khởi đầu mới trong lịch sử đời sống Đan Tu: Từ Biển Đức sang Xitô và rồi từ Xitô sang Trappiste hay Xitô Nhặt Phép, v.v… Vâng, một khi cuộc sống cộng đoàn Đan Viện bị sa sút và đang trên đường biến thể, thì nhất thiết cần phải được canh tân, phải được bắt đầu lại, theo đúng với chí ý Đấng sáng lập, theo đúng với tinh thần của các lời khuyên Phúc Âm. Vì thế, những phong trào canh tân ấy luôn được bắt đầu với tinh thần triệt để sống theo sát Tu Luật của Dòng: nhặt nhiệm, sốt sắng và hăng hái. Một sự khởi đầu như thế luôn gây được sự hứng khởi và có sức lôi cuốn mãnh liệt nơi tâm hồn các Đan Sĩ liên hệ cũng như nơi những người yêu mến đời sống chiêm niệm Đan Tu, và vì thế tạo nên được những ấn tượng và ảnh hưởng tốt trong các cộng đoàn giáo dân sống gần xa chung quanh các Đan Viện.
Từ đó cộng đoàn Đan Viện bắt đầu phát triển qua các sinh hoạt của đời sống Đan Tu cũng như các công trình xây dựng cơ sở vật chất bên ngoài. Đặc biệt nhất là các giờ Kinh Nguyện và các nghi thức Phụng Vụ của Đan Viện được cử hành một cách long trọng, hoành tráng và sốt sắng. Và dĩ nhiên, Đan Viện cũng lần hồi cần phải tham gia vào các sứ mệnh trong Giáo Hội cũng như trong xã hội, theo giới hạn mà đời sống Đan Tu chiêm niệm cho phép. Vì thế, vào thế kỷ VIII hầu hết các Đan Viện và Tu Viện trong Giáo Hội đều lấy Tu Luật thánh Biển Đức làm nền tảng cho các bản Nội Quy và Hiến Pháp của mình.
Ở Đan Viện Cluny, dưới sự hướng dẫn của Đức Viện Phụ Berno Baume, vốn là một Đan Sĩ sống rất nhặt nhiệm, các Đan sĩ đã bắt đầu nỗ lực sống hoàn toàn đúng với tinh thần Tu Luật của thánh Phụ Biển Đức. Và từ Chuny hương thơm đời sống Đan Tu đạo đức của các Đan Sĩ lan tỏa ra khắp nơi trong vùng, rồi cả nước Pháp và dần dà khắp cả Giáo Hội. Sau đó đến đời Đức Viện Phụ Odo thì Đan Viện Chuny đã trở thành Đan Viện Mẹ của phong trào canh tân đổi mới đời sống Đan Tu, đúng theo tinh thần Tu Luật Biển Đức, và trải qua hai thế kỷ liền tinh thần Đan Tu Chuny đã gây nên một ảnh hưởng sâu xa trong toàn Giáo Hội cũng như trong toàn đế quốc. Đó là tinh thần cầu nguyện trong thanh vắng.
Các Đấng kế nhiệm Đức Viện Phụ Odo cũng vẫn tiếp tục thực thi và sống triệt để tinh thần cầu nguyện trong thanh vắng. Và từ đó hầu như tất cả các Đan Viện ở Pháp đều xin gia nhập Hội Dòng Cluny. Nhà thờ Đan Viện trở thành ngôi thánh đường vĩ đại vào bậc nhất Âu châu. Tinh thần canh tân Cluny đã thổi vào trong đời sống Giáo Hội một luồng sinh khí mới, đặc biệt qua nỗ lực kiến tạo “sự an bình trong Chúa”, và nhờ thế, các tranh cãi và đố kỵ của tầng lớp trưởng giả và quý tộc bị dập tắt hoàn toàn. Đức Grêgôriô VII, vị Giáo Hoàng của đại canh tân, tuyên bố trong một bài phát biểu của ngài vào năm 1080 rằng Đan viện Cluny dưới sự dìu dắt của các vị Viện Phụ thánh thiện đã đạt tới được sự hoàn hảo thánh thiện cao vời và đã làm cho tất cả các Đan Viện bên kia dải núi Alpen thêm lòng nhiệt thành phụng sự Chúa. Bởi vậy, Đan Viện Cluny đã trở thành tâm điểm không chỉ trong Giáo Hội mà cả trong toàn thế giới nữa.
Nhưng các Đan Sĩ Cluny cũng chỉ là những con người có đầy đủ mọi tính chất nhân loại như bao người khác, nên khi Đan Viện đã đạt tới được đỉnh cao sự ngưỡng mộ của mọi tầng lớp trong và ngoài Giáo Hội, thì cũng chính là lúc tinh thần Đan Tu của Cluny bắt đầu đi xuống. Thay vì tinh thần đời sống Đan Tu tiếp tục ảnh hưởng được xã hội, thì tinh thần thế tục lại dần dà thâm nhập vào đời sống Đan Tu của các Đan Sĩ, khiến cho các Đan Sĩ không còn sốt sắng mộ mến đời sống Kinh Nguyện trong thanh vắng của họ nữa, nhưng ai nấy đua đòi sống và hành động theo thói đời, tìm kiếm sự khen tặng và vinh hoa của người đời.
Đó là lý do phát sinh tinh thần Xitô do ba Đan Sĩ thánh thiện của Cluny khởi xướng là Roberto Molesme, Albericô và Stephanô Harding. Vì muốn sống đúng với tinh thần chiêm niệm trong thanh vắng của thánh Phụ Biển Đức, các ngài đã cùng nhau tìm vào Xitô (Citeaux), một vùng đất hoàn toàn hoang vu, hẻo lánh và nghèo nàn vào lúc bấy giờ, để thiết lập một cuộc sống Đan Tu mới. Việc thành lập Đan Viện Xitô với tinh thần canh tân cũng là một dấu hiệu phản đối và chối bỏ một Cluny giàu có, sang trọng và bị ảnh hưởng tinh thần thế tục.
Bởi vậy, các Đan Sĩ Xitô đã nỗ lực triệt để sống đúng Tu Luật Biển Đức theo nghĩa đen: hoàn toàn sống đơn sơ và thanh bần. Các Đan Sĩ thực thi sát khẩu hiệu của Dòng: “Ora et Labora” – cầu nguyện và lao động, là tự sinh sống bằng sức lao động của mình, chứ không nhận các biếu tặng này nọ của người đời. Cách sống xa hoa và xuống dốc của Cluny cũng như trong Giáo Hội vào thời bấy giờ đã khiến thánh Bernarđô Claivaux phải ngậm ngùi thốt lên: “Giáo Hội thì huy hoàng rực rỡ bằng những bức hoành phi câu đối quý giá, nhưng lại đói khát trong những người nghèo khổ.”
Nhưng rồi dần dà, đến lượt các Đan Sĩ Xitô cũng lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn, lại giậm lên vết chân các anh em Đan Sĩ của họ trước kia ở Cluny. Vâng, với thời gian, các Đan Sĩ Xitô lại trở nên giàu có: Toàn bộ Đan Viện, từ nhà thờ tới nhà ở và các phòng ốc khác của các Đan Sĩ, được xây dựng một cách hoành tráng sang trọng. Còn đời sống chiêm niệm cầu nguyện lại bị sao nhãng.
Đó lại là lý do khiến Đan Sĩ Xitô Rancé thành lập vào năm 1664 Đan Viện La Trappe, để quay lại sống đúng tinh thần nguyên thủy của Xitô, đặc biệt là triệt để thực thi sự thinh lặng Đan Tu. Và từ đó, mới có tên xưng mới là Trappiste, hay Xitô Cải Cách, hay Xitô Nhặt Phép.
Qua đó, chúng ta thấy rằng trong suốt dòng lịch sử của lối sống Đan Tu, hầu như tất cả các Đan Viện đều đã không học thuộc bài học lịch sử là một khi đã phát triển và đạt tới được một đỉnh cao nhất định và gây được ảnh hưởng tinh thần sâu xa trên xã hội thế tục, thì lần hồi lại bị tinh thần thế tục chi phối và thao túng. Nói rõ hơn, các Đan Viện đã không tránh được cái vòng luẩn quẩn là một khi đã đạt tới đỉnh cao của ơn gọi chiêm niệm của mình, thì tiếp đến là giai đoạn “sa chước cám dỗ”, rơi vào vòng xoáy mãnh liệt của thế tục và rồi lại vùng đứng lên và quay trở về với lý tưởng Đan Tu thủa ban đầu của mình qua sự khởi xướng can đảm của một số Đan Sĩ nhiệt thành và luôn gắn bó với lý tưởng ấy. Vâng, Người ta có thể gọi đó là biện chứng của đời sống tu trì nói chung và ơn gọi chiêm niệm Đan Tu nói riêng.
Đời sống Đan Tu, sức sống của Giáo Hội
Cuộc sống chiêm niệm Đan Tu luôn phải đối mặt với sự phê bình chỉ trích và chống đối từ nhiều phía, kể cả từ phía một số Kitô hữu.
Từ lý do tôn giáo: Martin Luther (nhà cải cách Tin Lành ở Đức) đã cho rằng đời sống Đan Tu chiêm niệm trong Giáo Hội Công Giáo là một lối sống “phản Kitô giáo tai hại, vô đạo, nặc mùi Do-thái, nặc mùi ngoại giáo” vì nó cậy dựa vào việc làm của riêng mình, chứ không cậy dựa vào một mình ân sủng Thiên Chúa và công trình cứu chuộc của Đức Kitô.(7)
Chính một số ít các tín hữu Công Giáo, giáo dân cũng như Giáo sĩ, cũng cho rằng đời sống các Đan Sĩ chỉ giam mình trong Đan Viện thì quá thụ động nhàn rỗi và không hiệu quả, vì chỉ cầu nguyện một mình mà thôi, chứ không có hành động hay việc làm Mục Vụ hay Tông Đồ cụ thể đi kèm theo.
Từ lý do duy lý: Các nhà tư tưởng của Thế Kỷ Ánh Sáng (thế kỷ XVII- XVIII) thì gắt gao kết án đời sống Đan Tu là không chỉ hoàn toàn vô ích lợi, mà còn có thể trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho sự phát triển của xã hội nhân loại nữa.
Nhưng rồi không lâu sau khi tất cả các Đan Viện bị đóng cửa và các Đan Sĩ bị ép buộc hồi tục trong thời kỳ tục hóa (Säkularisation), như vào thời Nã-phá-luân chẳng hạn, thì người ta mới nhận chân được rằng quả thực đời sống Đan Tu rất cần thiết cho nhân loại như thế nào, chẳng hạn qua các hoạt động giáo dục sư phạm và từ thiện bác ái của, nhưng nhất là đời sống Đan Tu là kho tàng vô giá cho toàn thể thế giới Kitô giáo nói chung và cho đời sống Giáo Hội nói riêng qua việc ngày đêm sống và thực hành triệt để tinh thần Phúc Âm và sứ mệnh tìm kiếm Thiên Chúa của các Đan Sĩ.
Bởi vậy, ngay trong các Giáo Hội Kitô giáo Cải Cách thuộc thế kỷ chúng ta ngày nay, các Cộng Đoàn và các Đan Viện đã được thành lập để tìm cách “sống và hiện thực phần nào cuộc sống các Cộng Đoàn Kitô hữu tiên khởi” như chính Thầy Roger Schutz, Đấng Sáng Lập và Bề Trên cộng đoàn Đan Tu Taizé ở Pháp nhận định.
Thực ra, người ta có thể tìm gặp lối sống chiêm niệm Đan Tu trong hầu như tất cả các tôn giáo trên khắp thế giới. Raimon Pannikar, một nhà nghiên cứu chuyên ngành về các tôn giáo, đã viết trong cuốn “Den Mönch in sich entdecken” về tính chất Đan Tu nguyên thủy phổ quát. Qua đó, ông muốn nói lên rằng tận trong thẩm cung tâm hồn mỗi người chúng ta đều chứa ẩn niềm khao khát sự hiệp nhất và vì thế luôn khao khát một sự đơn giản bình dị để vượt lên trên sự đa phức lệch lạc và những mâu thuẫn trong cuộc sống xã hội cụ thể. Ông đề cập tới hai thái độ cơ bản của con người muốn đưa dẫn toàn bộ thực tại quay trở lại hiệp nhất với nhau và muốn cảm nhận được thực tại như là một sự đa phức của những yếu tố bất khả hiệp nhất với nhau.
Đời sống các Đan Sĩ là một dấu chỉ và là một lời phát biểu hùng hồn nói lên niềm khao khát sự hiệp nhất ấy. Các Đan Sĩ chân chính luôn tìm kiếm cho đời mình một ý nghĩa đích thực, một điều quan trọng duy nhất, và vì điều quan trọng duy nhất ấy họ đã sẵn sàng đánh đổi tất cả, sẵn sàng cắt đứt tất cả mọi ràng buộc, vâng, họ sẵn sàng bỏ tất cả mọi sự lại phía sau.
Dĩ nhiên, các Đan Sĩ sẽ sai lầm, nếu như họ coi thế giới riêng tư của mình như là một thế giới phổ quát, vâng, như là một thế giới cho hết mọi người, cũng như nếu họ vì sự đơn sơ giản dị đáng yêu kia mà tìm cách phủ nhận hay bỏ quên sự đa phức của thực tại. Người Đan Sĩ đừng quên rằng cuộc sống Đan Tu không phải là sự chạy trốn thế gian, nhưng là nhằm mang lại cho thế gian nguồn sống chân chính qua sự chiêm niệm cầu nguyện của mình. Vâng, họ đi tìm kiếm Chúa và mang ơn Chúa đến cho các tâm hồn qua đời sống cầu nguyện chiêm niệm của mình
Đó là huyền nhiệm của đời sống Đan Tu: Sống xa đời, chứ không phải bỏ đời. Sống giữa đời, chứ không phải đồng hóa với đời. Vâng, tuy các Đan Sĩ sống trong một thế giới khép kín của một Đan Viện, nhưng hương thơm đạo đức của đời sống Đan Tu cũng như cung điệu du dương của các giờ Kinh Nguyện của họ là nét duyên dáng đáng yêu, là sức mạnh vô hình lôi kéo các tâm hồn đến với họ trong Đan Viện, để quên đi những nhọc nhằn và những ồn ào của thế sự, của cuộc sống kim tiền và để thông công Kinh Nguyện chiêm niệm với họ. Và với sự tiếp cận qua Kinh Nguyện hay qua các buổi tĩnh tâm cấm phòng với các Đan Sĩ trong khung cảnh thanh vắng của Đan Viện, người ta sẽ khám phá ra được cuộc sống Đan Tu chiêm niệm của các Đan Sĩ là đi tìm kiếm sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Ngược lại, qua sự gặp gỡ với các tâm hồn, các Đan Sĩ sẽ tiếp nhận và cảm thông được thực tại đa phức của cuộc sống trần thế và đem liên kết với lời cầu nguyện của mình.
Như thế, nỗ lực tìm kiếm hiệp nhất với Thiên Chúa của các Đan Sĩ trong Kinh Nguyện chiêm niệm không hề nhuộm màu ích kỷ hay là một hình thức sống nhạt nhẽo và trống rỗng, nhưng là những Kinh Nguyện chất chứa tràn đầy thực tại. Nói cách khác, qua Kinh Nguyện chiêm niệm của mình các Đan Sĩ không hề đến với Chúa lẻ loi một mình, nhưng họ mang theo mọi ý nguyện của tất cả mọi anh chị em của họ. Đó là lý do tại sao các Đức Giáo Hoàng gần đây, từ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đến Đức Bênêđíctô XVI và đương kim Giáo Hoàng Phanxicô đều luôn đề cao, cổ xuý và ca ngợi đời sống Thánh Hiến Đan Tu là kho tàng quý báu và là sức sống của Giáo Hội.
Lm JB. Nguyễn Hữu Thy
_____________
Chú thích
1. Franz Xaver Sieber: Jesus Christus der wahre lebendige in die ewigen Lichtwohnungen führende Lichtern – Ein Lehr- und Gebetbuch für Katholische Christen. Augsburg 1845, Verlag Anton Herzog, trang 585, IV.
2. Die Mönche in der Wüste | Fokolar-Bewegung
www.focolare.org/de/news/2015/.../i-monaci-del-deserto/
3. Hans-Günther Kaufmann & Odilo Lechner: Kraft der Stille, München 2001, Verlag Pattloch, trang 8.
4. Sách đã trích dẫn, trang 9.
5. Sách đã trích dẫn, trang 10.
6. Sách đã trích dẫn, trang 10.
7. Xem: Hellig 3 kong 7
www.martinluther.dk/h3kong7.htm