Những điều cần biết đích xác về Hội Linh Mục Xuân Bích (Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice)

1. Tài liệu I:

Bức thư của linh mục Nguyễn Hữu Long, giáo sư Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế gởi linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang ngày 15.12.2007

Đại chủng viện Huế, ngày 15.12.2007

Kính gửi: Cha Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang, Giáo xứ Diên Sanh, Quảng Trị

Kính thưa Cha,

Trong tập SỐNG TIN MỪNG số 88, tháng 11.2007, ở trang X, cha có đăng tải tin và hình về cha Tân Giám Đốc Đại chủng viện Huế; đồng thời bản tin trên cũng được đăng ở báo điện tử Vietcatholic ngày 26.11.2007, trong đó có một vài chi tiết không chính xác mà lại quan trọng, nên con xin cha vui lòng đính chính lại trên trang Vietcatholic, để khỏi gây ngộ nhận cho độc giả.

1/ Đại Chủng viện Huế trước 1975 nhận chủng sinh của giáo tỉnh miền Trung gồm Huế, Đà nẵng, Qui Nhơn, Kontum, Ban mê Thuột và Nha Trang, giao cho các cha Xuân Bích điều hành, và người ta thường gọi là Đại Chủng Viện Xuân Bích.

Nhưng kể từ 1994, khi được hoạt động trở lại, thì là chủng viện của giáo phận Huế, không còn của cả giáo tỉnh nữa, và danh xưng chính thức là ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ, tuy cũng do các linh mục hội Xuân Bích đảm trách.

2/ Cha GB. Nguyễn văn Đán được Cha Bernard Pitaud, Giám Tỉnh hội Xuân Bích Pháp bổ nhiệm làm Giám Đốc Đại Chủng viện Huế, kiêm Đại Diện Giám Tỉnh (Délégué) chứ không phải là “Giám Tỉnh Hội Dòng Xuân Bích Việt Nam”. Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn bình Tĩnh, với tư cách Đại Diện Giám Tỉnh vừa mãn nhiệm, được ủy nhiệm để công bố sự bổ nhiệm này.

3/ Hội Linh Mục Xuân Bích (Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice) là một hội theo giáo luật thuộc “Các Hội đời sống tông đồ” (Sociétés de Vie Apostolique) chứ không phải là “Các Hội Dòng” (Instituts de Vie Consacrée). Các linh mục Xuân Bích vẫn là linh mục giáo phận, nhập tịch vào giáo phận gốc, nhưng nhập vụ tại giáo phận Huế để phục vụ công tác đào tạo linh mục, chứ không phải là linh mục Dòng, vì không có lời khấn dòng.

Nhân tiện đây, con xin gửi một bài viết về lễ Giỗ Tổ Xuân Bích, kèm theo bài cám ơn của cha Tân Đại Diện Giám Tỉnh, cũng là Tân Giám đốc Đại chủng viện Huế trong dịp lễ này, cùng bài thuyết trình của cha Bề Trên Cả hội Xuân Bích về cha J.J. Olier (năm tới kỷ niệm 400 năm ngày sinh của Ngài). Nếu cha thấy tiện thì xin cha gửi cho Vietcatholic đăng cho độc giả biết thêm về hội Xuân Bích và lễ Giỗ Tổ tại Đại chủng viện Huế.

Con xin cám ơn cha, và kính chúc Cha mạnh hồn khỏe xác, mùa Vọng thánh thiện.

Lm. Nguyễn hữu Long

-----------------

2. Tài liệu II:

Lễ Giỗ Tổ Xuân Bích

Hội Linh Mục Xuân Bích (Compagnie des Prêtres de Saint-Sulpice) được cha Jean Jacques OLIER (1608-1657) cưu mang và thành lập trong khoảng những năm 1641-1651 tại Pháp, nhằm mục đích đặc trách công cuộc đào tạo linh mục giáo phận. Hội phát triển ở nhiều nước, hiện có 3 Tỉnh Hội Pháp, Canada và Mỹ. Tại Việt Nam, hội Xuân Bích đã có mặt từ năm 1933, phụ trách Đại chủng viện Liễu Giai (Hà nội).

Năm 1954, chủng viện trải qua nhiều cuộc thăng trầm, di cư từ Hà Nội vào Vĩnh Long, rồi Thị Nghè.

Năm 1962, tại Huế, các cha Xuân Bích được giao phó việc đào tạo linh mục cho giáo tỉnh miền Trung gồm các giáo phận Huế, Đà nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Kontum, Ban mê Thuột cho đến năm 1975.

Từ năm1994, hội Xuân Bích lại được Đức Tổng Giám Mục Huế giao việc điều hành chủng viện của giáo phận. Hai giáo phận Đà nẵng và Kontum cũng gửi chủng sinh theo học.

Hội Xuân Bích nhận lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền thờ (21.11) làm lễ bổn mạng. Trong ngày lễ này, các cha cựu sinh viên cùng họp mặt nhau để mừng lễ tại mái trường chủng viện, vừa là dịp để gặp lại trường cũ thày xưa, vừa để chia xẻ kinh nghiệm cuộc sống mục vụ với đàn em đi sau. Ngày này trở thành ngày Giỗ Tổ Xuân Bích.

Lễ Giỗ Tổ vừa được tổ chức tại chủng viện Huế, nhưng đồng thời cũng được tổ chức tại Tòa Giám Mục Đà lạt đều đặn từ 15 năm nay, qui tụ những anh em cựu sinh viên Xuân Bích ở miền Nam, do tấm lòng quý hóa của Đức Giám Mục Đà lạt, và sự tận tụy tổ chức của cha Trương kim Hương.

Về họp mặt Giỗ Tổ, các cha cựu sinh viên không quên tưởng nhớ và cầu nguyện cho các cha giáo và những anh em đã qua đời, được cụ thể qua nghi thức tưởng niệm đầu thánh lễ. Sau Phụng vụ Lời Chúa, các linh mục lặp lại việc Đức Mẹ đã làm xưa, là hân hoan tiến lên trong lời ca “Quam pulchre graditur” quì trước bàn thờ, lập lại lời tuyên nhận “Chúa là phần gia nghiệp và là phần chén của con”.

Kết thúc thánh lễ, mọi người quây quần trước đài Đức Mẹ ở khuôn viên chủng viện để dâng mình cho Mẹ. Dáng thanh cao thánh thiện của Mẹ đang trìu mến nâng Chúa Giêsu trên đôi vai khiến cho các linh mục cảm thấy vững tâm trên bước đường phụng sự, vì họ đã cùng Mẹ tiến dâng, thì Mẹ sẽ cùng họ sống lý tưởng dâng hiến.

Lễ Giỗ Tổ năm 2007 này, chủng viện hân hạnh đón cha Bề trên Cả hội Xuân Bích Lawrence B. Terrien đến thăm. Ngài cũng hiện diện trong cuộc họp mặt của anh em cựu sinh viên ở Đà Lạt từ ngày 13-15.11.

Cũng trong dịp lễ này, cha GB. Nguyễn văn Đán đã được bổ nhiệm làm Giám Đốc Đại chủng viện Huế, kiêm Đại Diện Giám Tỉnh Xuân Bích Pháp tại Việt Nam.

-----------------

3. Tài liệu III:

Bài cám ơn của cha Tân Giám Đốc Đại Chủng Viện Huế kiêm Tân Đại Diện Giám Tỉnh hội Xuân Bích tại Việt Nam

Kính thưa :

- Đức Tổng Giám Mục Tổng Giáo phận Huế,

- Đức Giám Mục giáo phận Đà Nẵng,

- Đức Tổng Giám Mục và Đức Giám Mục đến từ Thái Lan

- Đức Nguyên Giám Mục Giáo phận Đà Nẵng,

- Đức Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo phận Huế,

- Cha Bề Trên Cả Hội các linh mục Xuân Bích,

- Đức Viện Phụ các Đan viện Biển Đức tại VN,

- Quý Cha,

- Quý Bề trên các dòng, Quý tu sĩ nam nữ

- Và Quý Ông Bà, Anh Chị em tham dự Phụng Vụ

“Quam pulchre graditur”, “đẹp thay là nhịp chân bước”.

Đẹp thay nhịp chân bước của cô bé Maria giả thiết đã tiến lên bậc cấp Đền Thánh Giêrusalem, khi mới lên 3 tuổi, với những bước nhỏ bé nhưng dứt khoát, để thuộc trọn về Thiên Chúa, ngay từ đầu đời thơ bé.

Đẹp thay nhịp chân bước của hàng giáo sĩ, hôm nay tiến lên, để một lần nữa nói lên ý nguyện tận hiến đời mình theo gương Mẹ Maria.

Đẹp thay nhịp chân bước của toàn thể cộng đoàn Phụng Vụ hôm nay đến đây, mặc dầu mưa gió lụt lội đe dọa - có những vị từ ngàn dặm xa, - nói lên mối quan tâm ưu ái và tình thân hữu đặm đà thắm thiết dành cho chủng viện này, cho anh em Xuân Bích và Đại Gia đình Xuân Bích.

Đặc biệt đẹp thay những bước chân của hai Đức Giám Mục và 9 linh mục đến từ Thái Lan và Lào! Chúng con rất hoan hỉ được hân hạnh đón tiếp. Sự hiện diện của phái đoàn cho chúng con niềm vui thật bất ngờ, hiếm có, và cho buổi lễ hôm nay càng long trọng, biểu hiện tính công giáo của Hội Thánh và là dấu hiệu chúng con được Chúa chúc lành đặc biệt, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria. Chúng con kính chúc phái đoàn một cuộc viếng thăm Việt Nam thật tốt đẹp.

Sự hiện diện của Quý Đức Cha, Đức Viện Phụ, Quý Cha, Quý Bề Trên, Quý tu sĩ nam nữ và Quý Vị trong dịp lễ Mẹ Dâng Mình, lễ Bổn Mạng của Hội Xuân Bích, ngày hội lớn của Đại gia đình Xuân Bích Việt nam cũng như của Đại chủng viện Huế, làm cho Anh em Xuân Bích và các chủng sinh thực sự được tràn ngập niềm vui lớn lao. Đặc biệt Đức Tổng Giám Mục và Đức Cha Phụ Tá đã rút ngắn thời gian viếng thăm các giáo phận Thái Lan và Lào để vể với chúng con và còn đem đến cho chúng con niềm vui được đón tiếp phái đoàn của Giáo Hội bạn.

Chúng con cũng phải kể đến sự hiện diện trong tinh thần và lời cầu nguyện của nhiều người, đặc biệt các cha cựu sinh viên, hôm nay không hiện diện ở đây được, vì những lý do khác nhau, nhất là vì đang bị vây hãm bởi nước lụt, nhưng qua điện thoại hay tin nhắn, cho biết, vẫn hướng về cộng đoàn mừng lễ hôm nay, trong tình hiệp thông với Đại gia đình Chủng viện và Xuân Bích.

Tất cả những bằng chứng thương yêu ấy đem lại cho chúng con sự khích lệ và niềm vui lớn lao.

Với niềm vui lớn lao, chúng con xin dâng lời cảm tạ, không những về những gì chúng con nhận hôm nay, mà cả những gì chúng con đã nhận trước đây.

Trước hết chúng con tri ân Đức Tổng Giám Mục Tồng giáo phận Huế đã cho anh em Xuân Bích chúng con cơ hội phục vụ ở Đại chủng viện này, mặc dầu Đức Cha biết những hạn chế của chúng con về nhân sự, vì những hoàn cảnh lịch sử. Và với tư cách là Bề Trên tối cao của chủng viện, theo đúng hiến pháp của Hội Xuân Bích cũng như chiều hướng của Vaticanô II, Đức Cha luôn quan tâm đồng hành với Ban Đào tạo. Chúng con cám ơn các Đức Nguyên Giám Mục và đương kim Giám Mục của hai giáo phận Đà Nẵng và Kontum cũng như Đức Cha Phụ Tá của Tổng giáo phận Huế. Các Đức Cha cùng với Đức Tổng Giám mục Huế, giao cho chùng con trách nhiệm đào tạo các linh mục tương lai của giáo phận, đã luôn nâng đỡ chúng con bằng tinh thần và vật chất, nhất là đã quảng đại cho phép nhiều linh mục gia nhập Hội Xuân Bích, hay ít ra cho phép các cha cộng tác trong việc giảng dậy. Chúng con biết các Đức Cha đã phải hy sinh rất nhiều, đang khi nhu cầu của địa phận rất lớn mà để cho một số linh mục ra đi làm nhiệm vụ dường như rời bỏ giáo phận và không phục vụ trực tiếp cho giáo phận nữa.

Thực ra Hội các Linh mục Xuân Bích không phải là một hội dòng, mà chỉ là các linh mục xuất thân từ hàng giáo sĩ địa phận và vẫn luôn là linh mục địa phận, tập họp lại để theo đuổi một đoàn sủng riêng biệt, đảm nhận một nhiệm vụ của hàng giáo sĩ địa phận, là phục vụ hàng giáo sĩ địa phận, đặc biệt trong khâu đào tạo ở chủng viện, theo đường lối sư phạm cảm hứng từ Cha Olier. Vì thế các linh mục Xuân Bích vẫn là linh mục của giáo phận nhập tịch, một trật còn là linh mục của giáo phận nhập vụ nữa. Vì xuất thân từ hàng giáo sĩ địa phận và phục vụ hàng giáo sĩ địa phận, nên số linh mục Xuân Bích cũng như khả năng phục vụ không những tùy thuộc vào ơn gọi Chúa khơi gợi nơi cá nhân linh mục mà còn tuỳ thuộc vào lòng quảng đại của các Đức Giám mục và hàng giáo sĩ các địa phận.

Nói đến việc các linh mục gia nhập Hội Xuân Bích, chúng con cũng xin được bày tỏ ở đây lòng tri ân đối với Đức Cố Giám mục Nguyễn Minh Nhật của giáo phận Xuân Lộc, Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn của giáo phận Đà lạt, Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt của tồng giáo phận Hà nội, Đức cha Hoàng văn Tiệm của giáo phận Bùi Chu và Đức Cha Nguyễn văn Yến, nguyên giám mục giáo phận Phát Diệm. Các Ngài đã vui lòng chấp nhận cho các linh mục của giáo phận gia nhập Xuân Bích. Riêng Đức Cha Đà Lạt còn đặc biệt tỏ lòng ưu ái với cha Trần khánh Thành, người anh em của chúng con, trong thời gian đau bệnh và khi qua đời, và hằng năm tiếp đón trong ba ngày tại Toà Giám Mục, vào những dịp Giổ Tổ, hàng trăm linh mục cựu sinh viên Xuân Bích.

Chúng con chân thành cám ơn Cha Bề Trên Tổng Quyền Hội các Linh Mục Xuân Bích, về lòng ưu ái đối với Xuân Bích Việt Nam. Trong hai nhiệm kỳ Bề Trên, Cha thông cảm những khó khăn của chúng con, nên dành cho anh em Xuân Bích Việt Nam sự quan tâm và khích lệ đặc biệt, đã đến thăm nhiều lần và dĩ nhiên không từ chối bất cứ sự nâng đỡ nào. Đối với đại gia đình Xuân Bich tại Việt Nam, đây là lần thứ tư Cha đến với chúng con trong dịp Giỗ Tổ như thế này. Cha tham dự cả cuộc họp mặt của các cựu sinh viên tại Đà lạt và ngày họp mặt tại đây. Chúng con tin rằng Cha có ấn tượng tốt đẹp về những gì Hội Xuân Bích đã làm được tại Việt Nam sau hơn 70 năm hiện diện. Cha cũng luôn quan tâm nâng đỡ chúng con, những người tiếp nối sự nghiệp của các tiền nhân rất quý mến, trong công cuộc khiêm tốn phục vụ Hội Thánh tại Việt Nam, với nhân sự và khả năng có thể là còn rất hạn chế của mình.

Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Viện Phụ Thiên An, cha Tổng quyền dòng Thánh Tâm, cha Bề trên dòng Chúa Cứu Thế tại Huế, Quý Cha Hạt Trưởng và quý Cha trong ba giáo phận Huế, Đà Nẵng và Kontum. Đức Viện Phụ và Cha Tổng Quyền dòng Thánh Tâm đã tín nhiệm chúng con và gửi một số tu sĩ đến thụ huấn tại đây. Đức Viện Phụ và cha Tổng Quyền cùng với Quý Cha luôn quan tâm đến chủng viện và cộng tác vào công việc đào tạo bằng những nhận xét, góp ý về chủng viện nói chung và về các chủng sinh nói riêng, nhất là trong các kỳ nghỉ, Nhiều Cha, lúc này lúc khác, còn cho chúng con những món quà vật chất thấm đậm tình thương yêu. Chúng con đặc biệt cám ơn quý Cha đến giảng dạy. Các Cha đã vui lòng chấp nhận bao nhiêu vất vả di chuyển và hy sinh thời giờ, công sức để chia sẻ với Ban giảng huấn trách nhiệm giảng dậy và trao gửi cho các chủng sinh những kiến thức quí báu của các Cha.

Chúng con cám ơn Cha Tổng Đại Diện TpHCM, các Cha và anh em Cựu sinh viên, qua tổ chức Tương Trợ Xuân Bích mà cha Trương Kim Hương có công đầu tổ chức. Hằng năm các Cha quy tụ đông đảo vào dịp Giỗ Tổ tại Toà Giám Mục Đà Lạt và hôm nay, quý Cha và anh em, trong đó có Quý Cha đại diện các cựu sinh viên trong những địa phận miền Nam xa xôi ngàn dăm, về lại chủng viện này. Dù đã qua chủng viện này hay không, các Cha và anh em đều coi chủng viện do các cha Xuân Bích điều hành như tổ ấm, ở đó các Cha và anh em luôn được đón tiếp thân tình. Điều đó nói lên tình nghĩa sâu xa của những người đã cùng gặp gỡ và sống bầu khí gia đình thân thương của Đại gia đình Xuân Bích, không những ở Việt Nam mà còn ở các nơi khác nữa. Tình nghĩa ấy của các cha và anh em còn được thể hiện bằng những món quà dành cho các chủng sinh đàn em, và sự trợ giúp vật chất cho những công trình xây dựng ở chủng viện Huế này.

Còn bao nhiêu là ân tình của Quý Bề Trên các dòng và Quý Ân nhân gần xa trong hàng ngũ tu sĩ nam nữ và những người sống giữa đời đã luôn rất tích cực giúp đỡ chúng con trong mọi lãnh vực, từ lời cầu nguyện đến việc giảng dạy, góp ý đến những ủng hộ vật chất.

Kính thưa Quý Đức Cha, Viện Phụ, Quý Cha, Quý Bề trên, quý tu sĩ nam nữ và quý Vị, Con đã nói nhiều, nhưng vẫn không thể kể hết ân nghĩa của mọi thành phần Dân Chúa luôn dành cho chủng viện và anh em Xuân Bích chúng con. Tất cả chúng con chỉ biết chân thành nói lời cám ơn.

Riêng con trong ngày nhận lãnh cả hai trách nhiệm Giám đốc Đại chủng viện Huế và Đại diện Giám Tỉnh, con xin cám ơn Cha Bề trên Cả, Cha Giám Tỉnh và Hội Đồng Tỉnh đã tin tưởng giao phó cho con các nhiệm vụ này.

Con cám ơn Đức Tổng Giám Mục Huế đã chấp thuận đề nghị của Cha Giám Tỉnh giao cho con nhiệm vụ giám đốc Đại chủng viện của Đức Cha.

Con cám ơn Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, cha Antôn Trần Minh Hiển và cha Đa Minh Trần Thái Hiệp, các vị tiền nhiệm trong chức vụ Đại Diện Giám Tỉnh và Giám Đốc Đại chủng viện này, từ năm 1994, khi chủng viện này trở lại sinh hoạt bình thường. Đức Cha và các Cha đã tận tụy nhận lãnh những khó khăn, gian truân của thời kỳ khởi đầu và tiếp nối, để kiện cường anh em trong tinh thần cũng như trong tổ chức, phát triển thêm nhiều thành viên Xuân Bích mới, làm cho chủng viện có bộ mặt khang trang về cơ sở, vững mạnh về tinh thần. Vì tuổi tác và sức khoẻ, Đức Cha và các cha đã xin được từ chức. Đức Cha và các Cha đã làm hết sức mình để việc bổ nhiệm và chuyển giao này diễn ra xuôi thuận và tốt đẹp. Tất cả những điều đó phản ánh sự nhất quán của đường lối sư phạm cũng như truyền thống tập thể đoàn kết của các linh mục Hội Xuân Bích trong công cuộc phục vụ Hội Thánh, các Đức Giám mục và hàng giáo sĩ địa phận. Những tấm gương sáng ấy cũng như sự nỗ lực hết mình của tất cả Anh Em Xuân Bích cho con niềm tin tưởng vào sự nâng đỡ và cộng tác của Đức Cha và các Cha tiền nhiệm cũng như của tất cả anh em trong Hội, để cùng nhau khiêm tốn phục vụ Hội Thánh, đặc biệt trong công tác phục vụ hàng giào sĩ của ba địa phận Huế, Đà Nẵng và Kontum trong việc đào tạo tại chủng viện này, theo đường lối Cha Olier đã đề ra, dưới sự dẫn dắt của Đức Tổng Giám mục và các Đức Giám Mục của các giáo phận liên hệ.

Cuối cùng, anh em Xuân Bích và chủng sinh chúng con xin một lần nữa cám ơn Quý Đức Cha, Cha Tổng Quyền Xuân Bích, Đức Viện Phụ, Qúy Cha, Quý Bề Trên Dòng, Quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn Phụng Vụ hôm nay. Kính xin Quý Đức Cha, Quý Cha và mọi người tiếp tục nâng đỡ và cầu nguyện cho chủng viện, cho Anh em Xuân Bích và cho Đại gia đình Xuân Bích Việt Nam.

Trong dịp lễ này, chắc chắn chúng con có nhiều điều thiếu sót, chúng con kính xin được niệm tình đại xá.

Ngay sau lễ, xin mời cộng đoàn Phụng Vụ ra trước Tụ Diễm Đài, phó thác đường đời cho Mẹ, dâng lên Mẹ lời nguyện cầu.

Nguyện xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Chúa luôn ban dồi dào mọi ơn phúc lành cho mọi người.

Lễ Mẹ Dâng Mình - Huế, 21. 11. 2007

4. Tài liệu IV:

BÀI NÓI CHUYỆN CỦA CHA BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN VỀ CHA J.J. OLIER, ĐẤNG SÁNG LẬP HỘI XUÂN BÍCH

(tại Đại Chủng Viện Huế, ngày 21.11.2007)

Việc cử hành sinh nhật một người nào đó là một cơ hội không chỉ để nhớ lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, mà còn là dịp để nhắc lại những gì là thiết yếu trong đời người đó, để bày tỏ lòng biết ơn về tất cả những gì Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời đó, và trong trường hợp một Đấng sáng lập như cha Jean-Jacques Olier, đây còn là một dịp để suy tư về những giá trị mà Ngài đã muốn khắc sâu nơi anh em linh mục, và cũng là dịp để chúng ta xem lại cách thức chúng ta sống những giá trị này trong hoàn cảnh hiện tại.

Tôi xin nói về ba yếu tố đánh dấu cuộc đời cha Olier, những yếu tố mà theo tôi có một giá trị nào đó đối với đời sống linh mục hôm nay: một cuộc đời hoán cải thường xuyên, thể hiện qua một cuộc đời cầu nguyện liên lỉ, đi kèm với một lòng nhiệt thành tông đồ truyền giáo. Ba yếu tố này không tách rời, nhưng liên hệ mật thiết với nhau.

Đây là những yếu tố có tầm quan trọng trong đời sống linh mục cũng như những người muốn làm linh mục sau này.

Hoàn cảnh Giáo Hội Pháp vào thế kỷ 17 thật là bi đát. Tám mươi năm sau công đồng Tren-tô, những cải cách của công đồng đã không được thực hiện, do những căng thẳng, bất đồng giữa vua nước Pháp và Toà Thánh. Vì vậy, đến lúc này vẫn chưa có các chủng viện đào tạo linh mục. Trái với hoàn cảnh nước Pháp hiện nay, vào thời đó có quá nhiều linh mục nhưng quá thiếu ơn gọi thật sự đúng nghĩa. Nhiều người trở thành linh mục chỉ để có một việc làm chứ không nghĩ đến việc có được Chúa kêu gọi hay không. Chính bởi vì không có động lực thiêng liêng, nên đời sống linh mục của họ không đáng ngưỡng mộ chút nào cả. Người ta than phiền rất nhiều vào thời đó vì sự kém học hành của hàng giáo sĩ, vì lối sống không tốt, và vì họ chỉ biết kiếm tiền.

Đó cũng là thời kỳ của bổng lộc, và nhiều người trẻ được gia đình khuyến khích theo đuổi một ngành nghề giáo sĩ hơn là tìm kiếm một ơn gọi thật sự.

Trong hoàn cảnh đó, cậu thanh niên Olier cũng được gia đình định sẵn một công việc như thế. Gia đình cậu khá giả, vì ông bố là trạng sư trong pháp viện tối cao và là tổng giám sát của nhà vua ở Lyon. Do vậy, gia đình cho rằng Olier, vốn là người khá thông minh và đạo đức, hẳn là phù hợp với nghề giáo sĩ, một ngày kia có thể trở thành giám mục, và như vậy sẽ đem lại nhiều của cải cho gia đình. Vào tuổi 13, gia đình cho cậu cắt tóc, và vì đây là nghi thức trở thành giáo sĩ, nên từ đây Olier có thể bắt đầu tích góp bổng lộc. Olier được bổ nhiệm làm đan viện phụ của một đan viện, làm cha bề trên của một tu viện, đó là chưa kể đến những tước vị khác. Lẽ dĩ nhiên, cậu thiếu niên Olier không thể thi hành công việc của một đan viện phụ hoặc của một cha bề trên, nên gia đình đã bổ nhiệm một linh mục làm thay, còn gia đình thì thu bổng lộc từ những địa vị này.

Do thời đó không có chủng viện, nên những ai muốn làm linh mục thì phải có nguồn tài chính, phải theo một chương trình học, rồi sau đó đến trình diện với một giám mục để được chịu chức. Cậu thanh niên Olier cũng bắt đầu việc học, trước tiên là triết học với các cha dòng Tên, sau đó là thần học ở Đại học Paris.

Một ngày kia, Olier tham dự hội chợ Saint Germain ở Paris cùng với vài người bạn. Khi ra khỏi một quán rượu, họ giáp mặt một người phụ nữ bảo họ rằng: “Tôi cầu nguyện để các bạn hoán cải. Chúng ta đã có quá đủ các linh mục thế tục rồi”. Điều này đã đánh động chàng thanh niên Olier và chàng đã nghĩ đến việc thay đổi. Suy nghĩ về sự kiện này, Olier đã quyết định không tìm kiếm một nghề giáo sĩ nữa, nhưng sẽ hiến thân phụng sự Thiên Chúa và dân Ngài. Điều này dĩ nhiên khiến mẹ Olier hết sức thất vọng, vì bà mong muốn con mình trở thành giám mục.

Nhưng Chúa vẫn tiếp tục làm việc trên chàng thanh niên Olier. Một thời gian ngắn sau, Olier học xong thần học nhưng vẫn còn quá trẻ nên chưa được chịu chức. Chàng quyết định sang Rô-ma tiếp tục việc học. Olier muốn học tiếng Do thái. Nhưng khi đến nơi thì chàng bị đau mắt và mất dần thị giác. Olier làm một chuyến hành hương đến Lo-ret-tô để cầu xin Đức Trinh Nữ chữa lành. Quả thật, Olier đã được lành bệnh theo lời cầu xin, nhưng theo lời tự thuật thì ngài đã nhận được một hồng ân còn lớn lao hơn nhiều, đó là ơn khát khao cầu nguyện. Ơn này ở với ngài suốt phần đời còn lại. Olier nói đến một cuộc trở về, bởi vì biến cố này đã định hướng lại cả cuộc đời ngài.

Vẫn còn một giai đoạn khác nữa. Trở về Paris, Olier tham dự một cuộc tĩnh tâm với thánh Vinh-sơn Phao-lô để chuẩn bị lãnh chức linh mục. Ngài nhận thánh Vinh-sơn Phao-lô làm cha linh hướng và dưới sự hướng dẫn của thánh nhân, cha Olier khởi đầu tác vụ linh mục bằng việc làm tông đồ rao giảng tại miền quê nước Pháp để kêu gọi người ta sống đức tin. Bây giờ khi đã làm linh mục, ngài có thể nhận chức đan viện phụ của đan viện Pébrac mà ngài đã lãnh nhận trước đây khi còn thiếu niên. Với lòng nhiệt thành truyền giáo, ngài muốn cải tổ đan viện. Thế nhưng ngài đã hoàn toàn thất bại, vì các đan sĩ không hề muốn thay đổi lối sống. Lúc đang ở vùng đó, ngài nghe nói đến nữ tu viện trưởng của một nhà dòng Đa-minh ở Langeac. Ngài đã xin được gặp Mẹ Bề Trên đó và sau nhiều lần thăm viếng nhà dòng, ngài mới được gặp. Nhờ cuộc gặp gỡ này, cha Olier nói đến một cuộc hoán cải mới, vì Mẹ Agnès (tên của vị nữ tu, bây giờ đã được phong chân phước) đã xin cha Olier làm cha linh hướng, và qua những lần gặp gỡ nói chuyện, Mẹ Agnès đã dạy cha Olier việc cầu nguyện chiêm niệm. Với kinh nghiệm này, cha Olier nói đến một cuộc hoán cải, vì vài tháng gặp gỡ với Mẹ Agnès thêm một lần nữa đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ngài, đến độ về sau, ngài nói đến sứ mệnh đem việc cầu nguyện chiêm niệm vào đời sống linh mục địa phận. Và quả thật ngài đã đem hết sức lực tăng cường yếu tố này trong cuộc sống các linh mục mà ngài huấn luyện ở chủng viện.

Thế nhưng câu chuyện về cuộc hoán cải của cha Olier, hay đúng hơn những cuộc hoán cải của ngài, chưa dừng lại ở đó. Ngài tiếp tục làm việc tông đồ rao giảng ở miền quê nước Pháp cùng với nhiều anh em linh mục đồng bạn, và dường như nhóm bạn này đã rất thành công khi vực dậy đời sống đức tin của người dân những nơi các vị đi qua. Các ngài đến với một làng quê trong nhiều tuần lễ, rao giảng, dạy giáo lý, giúp người dân chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận các bí tích, và nhờ đó, đức tin dần dần trở lại trong nước Pháp.

Nhưng một ngày kia, cha Olier rơi vào một cuộc khủng hoảng thiêng liêng. Có nhiều yếu tố tâm lý trong cuộc khủng hoảng này và triệu chứng chủ yếu là tinh thần trầm uất suy sụp. Ngài vẫn tiếp tục công việc tông đồ rao giảng, nhưng theo như lời ngài nói trong hồi ký, ngài không còn biết nói gì khi rao giảng, ngay cả khi giải tội. Ngài đã đánh mất niềm vui thích trong tác vụ này. Vốn là người đã gặp được nhiều an ủi trong việc cầu nguyện, thế mà giờ đây, ngài lại cảm thấy cầu nguyện thật khô khan, chẳng có chút an ủi nào cả, một kiểu đêm tối đức tin kéo dài một năm rưỡi. Chính trong một cuộc hành hương đến Chartres mà ngài đã được giải thoát khỏi cơn khủng hoảng đó, và phần lớn chính nhờ vào một xác quyết thiêng liêng mà ngài đã được giải thoát khỏi thời gian khủng khiếp đó. Cha Olier sau cùng đã ý thức rằng mình đã là tù nhân của tính kiêu ngạo đến thế nào, cũng như là tù nhân của tình yêu vị kỷ. Ngài nói rằng đột nhiên ngài nhận ra là đã quá cậy dựa vào chính mình mà không trông cậy đủ vào Thiên Chúa. Cha Olier đã rất nghiêm túc nhận lấy trách nhiệm sửa lỗi mình, nhưng ngài nhận ra điều này, đó là không phải chính ngài có thể làm thay đổi đời mình. Đúng hơn là phải phó thác cho Chúa Thánh Thần và chính việc phó mình cho Chúa Thánh Thần đem lại cho cha Olier một bản ngã mới, một cái tôi mới có thể đến với Chúa cách trực tiếp hơn. Sau khi đã làm hết sức để sửa chữa những lầm lỗi của mình, ngài nhận ra rằng mình bất lực, không thể làm được. Thật vậy, cứ mỗi lần ngài có vẻ thành công một chút khi sửa được lỗi này lỗi kia, ngài lại thấy rằng thành công nho nhỏ này chủ yếu chỉ nuôi dưỡng lòng kiêu ngạo mà thôi, trong khi lòng kiêu ngạo này lại chính là lỗi lầm lớn nhất. Giờ đây, ngài đã thấy rõ rằng việc làm cho chúng ta thay đổi là công việc của Chúa Thánh Thần mà mỗi người đã được lãnh nhận trong phép rửa tội. Chúa Thánh Thần muốn và có khả năng biến đổi cuộc đời chúng ta, nếu chúng ta để cho Ngài hoạt động. Ngài sẽ biến đổi chúng ta thành hình ảnh con Thiên Chúa. Sau hết, Chúa Thánh Thần đã ngự trong Chúa Giê-su xưa kia cũng chính là Đấng ngự trong chúng ta hôm nay, không hơn không kém. Chúng ta cần phó thác hoàn toàn cho Ngài để Ngài hoàn thành công việc đó.

Kể từ giây phút đó, cha Olier bắt đầu một giai đoạn thành công rực rỡ, đáng kinh ngạc. Ngài được bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ Xuân Bích ở Paris và ngài bắt tay vào việc cải tổ giáo xứ này theo khuôn mẫu công việc mục vụ của thánh Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô. Ngài hướng dẫn một tổ chức nhằm giúp đỡ những người nghèo trong giáo xứ. Với sự trợ giúp của một giáo dân trong xứ, ngài làm hết sức để xoá đi lối thực hành đấu kiếm tay đôi rất phổ biến vào thời đó. Ngài tập họp một nhóm linh mục nhằm giúp ngài trong trách vụ cha sở, và với họ, ngài tổ chức một cuộc sống cầu nguyện cộng đồng. Ngài dựng nên một chủng viện bên cạnh nhà thờ và lập ra Hội các linh mục Xuân Bích nhằm phụ trách chủng viện này. Ngài cũng lập nên những chủng viện khác nữa trong nước Pháp. Cha Olier tổ chức các lớp giáo lý không những cho trẻ em mà cho cả người lớn nữa. Ngài viết nhiều tác phẩm về đàng thiêng liêng cho giáo dân. Nhiều linh mục, nữ tu và giáo dân nhận ngài làm cha linh hướng. Ngài là thành viên của hiệp hội thành phố Mẹ Ma-ri-a, một tổ chức sáng lập nên thành phố Montréal, không nhằm mục đích tạo nên một thuộc địa mới, nhưng đúng hơn nhằm rao giảng Tin Mừng cho các thổ dân ở ở Ca-na-da.

Mỗi khi tôi giảng tĩnh tâm cho các linh mục, tôi thường muốn kể câu chuyện về hành trình thiêng liêng của cha Olier, bởi vì theo tôi, câu chuyện này dạy chúng ta nhiều điều.

Trước hết, đó là việc cha Olier đã nói với chúng ta về một chuỗi những cuộc hoán cải trở về trong đời ngài. Ngày nay chúng ta thường nói đến cuộc hoán cải thường xuyên, và theo tôi, cha Olier đã cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời. Đó là một người khi còn chủng sinh đã đi bước trước trong hành trình hoán cải bằng việc quyết định thôi không tìm kiếm một ngành nghề giáo sĩ nữa, để dấn thân phục vụ Thiên Chúa và dân Ngài. Xác tín này, ngài không bao giờ rời bỏ. Chẳng hạn, khi được bổ nhiệm làm cha sở Xuân Bích, ngài đã thề hứa gắn bó với dân Chúa và phục vụ họ. Điều đó còn chưa đủ. Khi gặp đau ốm, ngài đã nghe theo mời gọi sống một đời cầu nguyện, và ngài đã luôn giữ một lòng khát khao cầu nguyện suốt cả đời. Rồi sau cuộc gặp gỡ với một nữ tu nổi tiếng về sự thánh thiện, ngài đã tận hiến cuộc đời cho việc cầu nguyện chiêm niệm, và đối với ngài, việc cầu nguyện này là phương thế tốt nhất để cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc biến đổi chúng ta thành hình ảnh con Thiên Chúa.

Sau tất cả những việc đó, và giữa công việc mục vụ hết sức hiệu quả, người linh mục tốt lành này gặp phải một bức tường chắn lối. Ngài trải qua một cuộc khủng hoảng cá nhân lớn lao, theo đó, ngài đánh mất tất cả lòng cậy trông và bắt đầu đặt câu hỏi về đời mình. Làm sao mà một người chân thành tìm kiếm sự thiện và trung tín sống đời thiêng liêng như vậy lại có thể gặp một cuộc khủng hoảng lớn lao như thế được? Theo tôi, tất cả chúng ta phải biết rằng chuyện đó cũng có thể xảy đến cho chúng ta vào bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Dĩ nhiên chúng ta cần phải cầu nguyện và cầu xin ơn bền vững kiên trung, cũng như phải tìm kiếm những cách thế để tiếp tục con đường thánh thiện, qua việc linh hướng, qua việc cử hành bí tích sám hối hoà giải thường xuyên, và bằng đời sống cầu nguyện. Việc biến đổi bản thân cũng phải đem lại hoa trái qua lòng nhiệt thành truyền giáo và tông đồ.

Đó là một số nét đặc sắc ghi dấu ấn trên cuộc đời cha Olier, và tôi hy vọng những giá trị này luôn hiện diện hữu hình trong chủng viện chúng ta: việc biến đổi cuộc đời chúng ta thành hình ảnh con Thiên Chúa do tác động của Chúa Thánh Thần, việc nhấn mạnh đến đời sống thiêng liêng, và tầm quan trọng của tinh thần truyền giáo và tông đồ.

(bản dịch của Lm Nguyễn Hữu Đức)