XUÂN BÍCH VĨNH LONG (1964-1970)
Xin bổ túc cho đầy đủ loạt bài nói về đại Chủng Viện Xuân Bích tại Việt Nam đăng trên VietCatholic
Cha Pierre Gastine Bùi Đức Tín từ Đại Chủng viện Xuân Bích Kim long (Huế) vào Vĩnh long lập Đại Chủng viện Xuân Bích Vĩnh long.
Niên khóa đầu tiên năm 1964-1965, gồm có:
- Lớp Thần học ba và bốn ở Huế vào,
- Lớp Dự bị gồm các Thầy địa phận Vĩnh long, Cần thơ và Mỹ tho.
Mãn khóa Thần bốn, một số Thầy chịu chức ở Vĩnh long (Thầy Mai Đức Vinh, bây giờ là Đức Ông ở Paris, Thầy Tri, Thầy Phúc, Thầy Thanh, Thầy Huân v.v), một số chịu chức ở Vương Cung Thánh đường Saigon (Thầy Hoàng Thái Ân, Thầy Trương Trọng Tài, Thầy Nguyễn Thanh Hoan (nay là Giám Mục Phan thiết) v.v...
Tiếp đến niên khóa năm 1965-1966 gồm có:
- Lớp Dự bị
- Lớp Triết một
- Với các cụ: Cụ Duy, Cụ Năng, Cụ Sự.
(Lớp Thần ba học xong năm trước ở Vĩnh long trở lại Huế)
Tính ra khóa học trọn vẹn: tám năm:
- Một năm Dự bị,
- Hai năm Triết học,
- Một năm đi thử,
- Bốn năm Thần học.
Và một tháng đầu mùa hè của kỳ nghỉ hè mỗi năm học, toàn trường chia mỗi nhóm ba thầy đi tới các họ đạo trong ba địa phận truyền giáo (thực tập), ba hoặc bốn nhóm có một Cha giáo, kể cả Cha Bề trên đi hướng dẫn. Nhờ vậy mà kẻ viết bài nây thuộc địa phận Saigon xuống học biết đựợc Bình thủy, Đại ngãi, Kế sách, Cù lao Dung v.v…
Xuân Bích Vĩnh long thành lập sau Xuân Bích Huế nhiều năm, nhưng Xuân Bích Vĩnh long được hân hạnh do Cha Bề trên Gastine, Giám Đốc Xuân Bich Huế, đích thân thành lập và làm Giám đốc tạo nên một uy tín rất lớn.
Đức Cha Antôn Nguyễn văn Thiện, Giám mục Vĩnh long và Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện, Giám mục đia phận Mỹ tho thường đến Đại Chủng viện Xuân Bich Vĩnh long. Có lần vào dịp Giang Sinh, kẻ viết bài nầy đang ở trong phòng Cha Bề trên, Đức Cha Antôn xuất hiện, vào phòng vui vẻ bắt tay Cha Bề trên, Cha Bề trên vừa bắt tay vừa quỳ hôn nhẫn và nói: “Đức Cha đến thăm con”, rồi câu chuyện giữa hai ngài thật hồn nhiên, thân mật…, kẻ nầy chuồn lẹ. Đức Cha Giuse Mỹ tho, nói tiếng Pháp như Tây, tới cho các thầy sách “SỐNG” cho biết chương trình của ngài đầu tư cho hai mươi năm, ba mươi năm, Cha Bề trên nói: Nói chuyện với ngài, có khi quên ngài là người Việt nam. Cha Bề trên lên Saigòn, thỉnh thoảng dánh Domino với Cha Bê trên Nguyễn văn Mâu, Giám đốc Đại Chủng viện Saigon. Khi Cha Bề trên Mầu làm Giám mục, Cha Bề trên Gastine lên mừng, nói đùa: “Bây giờ Cha Bề trên làm Giám mục rồi, không đánh Domino với con nữa.
Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngự chấp nhận cho Cha Nguyễn Trọng Quý, tiến sỹ Thần học ở Đức mới về sang dạy Thần học cho Xuân Bích Vĩnh long. Có dịp ngài sang thăm Xuân Bích Vĩnh long, chung tôi ĩ vào lớp lớn nhất, vây quanh ngài, nịnh: “Cám ơn Đức Cha đã cho Cha giáo Quý sang dạy cho chúng con... Cha Quý hiền lắm thưa Đức Cha… Cha Quý…”. Đức Cha trả lời: “Thôi, thôi, tôi biết rồi các thầy ăn hiếp Cha Quý “Cười quá sức ! Đúng là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba…. Cha Giáo Quý có cái đặc biệt “tài” hỏi thăm trong mọi tình huống. Chào ngài, ngài nở nụ cười rồi hỏi: đi dạo về ? Đi đâu về ? Cả khi đi tắm ở bên dãy nhà cũ đi về nhà mới, ngài cũng vui vẻ trả lời câu chào: ‘Thầy tắm về đó, sao không lau khô người đi, để ướt dễ cảm …
Năm 1967, vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Mùi, Đức Cha Brunon sang thăm Xuân Bích, ngài tới Vĩnh long trước. Trong bữa cơm “tết trươc Tết”, Đức Cha Antôn ngồi bàn đối diện với Đức cha Brunon, ngài nói (Cha Bề trên Gastine dịch): “Đức Cha ăn Tết bên Pháp vừa rồi, sang đây không được ăn Tết nữa đâu nhé”. Cả phòng cơm cười thích thú, nhất là cười ào khi nghe Cha Bề trên dịch ra tiếng Pháp).
Năm 1970, Cha Faynet, Bề trên Xuân Bích sang thăm. Cha Villard vội mua tác phẩm “L’Église” của Cha Bề trên mới xuất bản để trong thư viện trước khi Cha Bề trên sang. Kẻ nầy đến phiên phải giúp lễ, tráng chén, Cha Bề trên cứ đứng như “ông tây” giữa bàn thờ, buộc kẻ nầy phải nói “Mon Supérieur, à votre place” (không chuẩn bị, chẳng biết đúng hay sai), ngài vui vẻ trở lại ghế. Cũng năm nầy, Cha Bề trên Gastine xin từ nhiệm chức Bề trên và Cha Chính Tự vừa là Tổng Đại diện Vĩnh long, vừa là Giám đốc Tiểu Chủng viện Vĩnh long sang làm Giám đốc Đại Chủng viện (không còn Đại Chủng viện Xuân Bích nữa), nhưng các Cha giáo vẫn giữ nguyên. Một số linh mục thắc mắc về Đại Chủng viện Vĩnh long, Cha Nguyễn Sơn Lâm, Giám đốc Đại Chủng viện Xuân Bích Huế trong khóa các linh mục tu nghiệp ở Nha trang, trả lời: “Xuân Bích đã hoàn thành nhiệm vụ ở Vĩnh long”. Cha Bề trên Gastine đi nhận một giáo xứ ở miền thôn nước tỉnh Vĩnh long, tránh tới Chủng viện. Chúng tôi đến thăm ngài, cả hai bên không bao giờ nói tới công việc ở Chủng viện.
Có một linh mục đồng hương với kẻ nầy, làm giáo sư Tiểu Chủng viện Vĩnh long phàn nàn chúng tôi có thái độ “chống đối” Cha Bề trên mới. Dị ứng thì có, nhưng chống đói thì không. Chúng tôi năm cuối cùng thấy phải có sự “thích ứng” (adaptation) của chúng tôi, và không thể không có sự tiếc nuối… Chúng tôi thực sự đã giúp Cha Bề trên Tự bằng cách trình lên ngài những ý kiến và vâng theo lời ngài dạy. Một vài thầy lớp khác “đổi đường tu” trước khi ra về cũng có vài lời nói nặng…. Kết quả là Cha Bề trên mới gặt hái kết quả của người cũ đã gieo trong ngày Đức Khâm sứ Henri Le Maitre về nhà thờ Chính tòa Vĩnh long truyền chức linh mục cho chúng tôi ngày 28-4-1972. Và lớp chúng tôi trở về ngày lễ Kính Tổ Xuân Bích (21-11-1973) tại Đại Chủng viện Vĩnh long, rất vui vẻ. (Cha Bề trên mới có tài giữ sinh hoạt của Xuân Bích và ngài đã thành công).
Dịp Cha Adrien Villard Triệu Bá Vi sang thăm Viet nam lần đầu tiên, kẻ hèn nầy lên gặp ngài ở giáo xứ Phú hạnh (tp HCM). Ngài nói: “Cha Gastine rất muốn sang, nhưng thời gian đó ngài sợ liên lụy tới các cha. Kẻ nầy nói chuyện với ngài vì trước đã giúp ngài đi mua coupon Unesco để mua sách bên Pháp cho các Thầy, và đề nghị với một số cha hiện diện: “Mỗi cha học Xuân Bích góp 100 hoặc 50 USD cho quý cha giáo mỗi nam sang thăm học trò”. Ngài lắc đầu và hình như các cha có mặt cũng dồng tình với ngài.
Riêng về nhóm linh mục Xuân Bích lớp đầu tiên 1972 thỉnh thoảng gặp nhau: hai lần gặp ở Tiểu Chủng vi?n Saigon, một lần gặp tại giáo xứ Bình thuận Quận 8, một lần gặp nhau ở giáo xứ Lương hòa m?ng 10 năm Linh mục, một lần gặp ở giáo xứ Tân định, gặp nhau ở Mỹ tho dự đám tang của Lm. Nguyễn Hoàng Đệ cùng lớp; gặp nhau ở Đại Chủng viện Cái Răng dự đám tang của Lm. Ngọc tháng mười năm 2007. Thập niên cuối thế kỷ 20 và kéo dài dài… do sáng kiến của Quý Cha và do Cha Trương Kim Hương làm thủ trưởng tổ chức họp mừng Lễ Kính Tổ (lễ Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền Thờ, ngày 21 tháng 11 hàng năm)…. Kẻ viết bài nầy đã học Đại học Đà lạt, thích cái lạnh ở xứ sương mù, nhưng bây giờ cơ thể không cho phép (sợ lạnh), đành tiếc rẻ vậy.