NHẬN XÉT và ĐỊNH HƯỚNG về Cháu NPA

(Bài số 2 : trả lời cho Cha Mẹ)

1.- CÂU HỎI CỦA CHA MẸ

Xin chào Thầy Thành,

Suy nghĩ về bản đánh giá của Thầy tối hôm qua, sáng nay đọc lại một lần nữa, tôi có một thắc mắc xin hỏi thêm Thầy về thị lực của NPA:

1. Nếu như không thấy trực diện, mà chỉ thấy khi nhìn xiên, thì gốc độ nào là tối ưu cho NPA, mình có thể xác định được không và dựa vào những biểu hiện nào? Và nếu xác định được các điểm tối ưu, thì làm sao xác định được những gốc chết trong thị lực của cháu?

2. Thông tin được THÙY xử lý không toàn diện và chậm, như vậy hình ảnh đến với NPA sẽ mất thời gian và NPA sẽ không thể thấy liền phải không, hình ảnh khả năng bị bóp méo không và màu sắc có bị ảnh hưởng không?

3. Có thiết bị nào hiện nay có thể giúp xác định chính xác tình trạng thị lực của NPA không ?

4. Có công cụ nào có thể giúp điều chỉnh thị lực của NPA được tốt hơn không, như mắt kính, hoặc những thiết bị điện tử tinh xảo hơn?

5. Trường Nguyễn Đình Chiểu có dạy Braille, tuy nhiên NPA vẫn không tiếp nhận được sau 1 năm do thiếu tập trung và lại chậm phát triển trí tuệ hơn các bạn. Toán và Braille là hai lãnh vực NPA co vẽ không tiếp thu được.

6. Hiện nay NPA vẫn tiếp xúc với việc học vấn qua phân tích âm thanh. NPA có thể phân tích được các dấu bằng, huyền, sắc, bắt đầu nắm được dấu nặng và còn khó khăn với dấu hỏi và ngã. Các vần kép thì NPA cũng bắt đầu phân tích được nếu đọc chậm và rõ cho cháu nghe.

7. Tôi có thử dạy chữ cho bé trên vi tính, sử dụng những màu sắc tương phản giữa nền và chữ. Tuy nhiên khó khăn đầu tiên là không giải thích được cho bé vì sao một chữ A có thể có nhiều hình dạng: chữ Hoa, Chữ thường, Chữ in, Chữ viết tay, và tất cả các dạng đó là một chữ A. Tôi đã quyết định dạy chữ thường trên vi tính nhưng khi thấy đổi màu sắc để kiểm tra mức tiếp thu của cháu thì khám phá cháu vẫn chưa liên kết được và lẫn lộn.

Thắc mắc nhỏ nhưng đã có rất nhiều câu hỏi. Xin Thầy thông cảm, nếu Thầy có thể trả lời được câu nào, hoặc chia sẻ để gia đình có thể giúp NPA vượt qua giới hạn thị lực là điều vô cùng hạnh phúc.

Cám ơn Thầy và chúc Thầy sức khoẻ.

Ký tên PMT

***

2.- Câu trả lời của tôi

Tôi chưa biết PMT là Anh hay Chị. Cho tôi cứ gọi là anh đi.

Sau 10 năm, với bao nhiêu cố gắng vượt bực của gia đình, cha mẹ và trường học có chuyên môn khá cao về trẻ em khiếm thị, chúng ta –nghĩa là có tôi trong đó- vẫn đang còn đối diện với những vấn đề nan giải của cháu NPA, bao lâu chúng ta VẪN đeo đuổi và thử nghiệm những cách làm cổ điển từ trước tới nay, như :

- Tìm cách điều trị, nghĩa là chữa lành một khiếm khuyết thể lý của não bộ đã có mặt từ ngày cháu sinh ra,

- Tìm cách DẠY với phương pháp đi từ phân tích đến tổng hợp, nhất là trong vấn đề tập đọc, tập viết…

- Sử dụng phương pháp đánh giá, phê bình, sửa sai, chấm điểm, kiểm soát, điều khiển...

Đối với tôi, sau khi đã lắng nghe và ghi nhận những mong đợi « Định Hướng Mới » của PMT, về cháu NPA, tôi đã mạo muội đề nghị một cách làm khác, một con đường « chia sẻ và đồng hành », thay vì « ÁP ĐẶT TỪ TRÊN và TỪ NGOÀI », nghĩa là những điều rất xa lạ và nặng nề, đối với cháu.

Bao lâu chúng ta càng áp đặt, cháu NPA càng chống đối và từ chối,

Bao lâu chúng ta muốn cho cháu NPA học được cái nầy cái khác –như toán học và đánh vần- và vì cháu hiện thời không làm được và không hiểu, cho nên cháu mất an toàn nội tâm. Cháu thiếu tự tin. Cháu tự ti mặc cảm.

Và một cách chống đối và từ chối hiện nay của cháu NPA là « bùng nổ, khóc la, thét gào, đạp đổ… » Những hành vi nầy che giấu ở bên dưới, bao nhiêu là tâm trạng sợ hãi, tức giận, buồn phiền…

Thay vào đó, trong những đề nghị, tôi đã giới thiệu cho Anh và Chị hãy tiếp tục làm những việc bình thường như cũ, nhưng với một tâm hồn và thái độ thanh thản, cởi mở, đón nhận vô điều kiện những gì cháu NPA đang trao đổi qua lại – nghĩa là CHO-, với một tâm hồn sung sướng, hãnh diện và an bình. Và khi cháu đã thật sự sung suớng, hạnh phúc và an toàn với anh chị rồi, cháu sẽ cho lại Anh Chị những niềm vui và hạnh phúc, mà Anh Chị không tìm kiếm.

Hẳn thực, chừng nào cháu NPA có khả năng tin vào mình và vào Anh Chị, cháu sẽ học những điều mà bây giờ cháu không học được, vì tâm hồn đang BẤT AN, đang lo sợ.

Với tất cả tấm lòng của tôi :

Lausanne, Thụy Sĩ, ngày 18-11-2007.

NB.- Tôi không có tham vọng trả lời cho Anh những câu hỏi chuyên môn về y khoa mà Anh đã nêu ra. Nhiều nhà chuyên môn tại Trường học của cháu, những chuyên viên khác trong Thành Phố… cũng như những bác sĩ ngoại quốc đã khám cháu và định bệnh « Cortical Visual Impairment » chắc đã trả lời một cách rốt ráo cho Anh Chị và gia đình.