NHẬN XÉT VÀ ĐỊNH HƯỚNG VỀ CHÁU BÉ NPA

Bài nhận xét nầy gồm có ba phần :

- Phần thứ nhất do Cha Mẹ thực hiện.

- Phần thứ hai: Dựa vào những quan sát của Cha Mẹ, tôi mạo muội đưa ra những nhận xét về những khó khăn hiện tại của cháu NPA.

- Phần thứ ba, tôi sẽ đề xuất một vài phương thức định hướng cụ thể, nhằm giúp cháu NPA khắc phục những khó khăn hiện tại của mình.

***

I. PHẦN THỨ NHẤT : NHỮNG QUAN SÁT CỦA CHA MẸ

Họ tên: NPA

Sinh: 28/12/1995, tại Bệnh viện Từ Dũ

Nặng: 2,3kg

Chiều cao hiện nay: 138cm

Cân nặng: 31 kg

* Đặc điểm:

Sinh 7 tháng non

Khi sinh bị ngạt, sau đó suy hô hấp và nằm dưỡng sinh 10 ngày,

Có thở oxy.

Lúc 3 tháng: Thoát vị bẹn - Đến nay không còn hiện tượng,

Phát hiện dãn não thất qua siêu âm,

Lúc 9 tháng: Phát hiện teo gai thị.

* Phát triển Vận động:

4 tháng: lật sấp. Không thấy lật ngữa và ngưng phát triển.

9 tháng: tập vật lý trị liệu tại BV Nhi Đồng 1

10 tháng: tự ngồi được một mình.

2 tuổi: tự bò và di chuyển trong không gian quen thuộc,

4 tuổi : Đứng và sau đó đi

-Nói được một tháng sau khi biết đi. Khi nói được, thì sử dụng luôn nguyên câu.

- Từ 12 tháng đến 9 tuổi: mang nệp điều chỉnh kéo gót xuống và nâng, vòm chân bẹt.

- 11 tuổi: sử dụng tay để đưa thức ăn rắn vào miệng, mang giầy, chưa thực hiện được vận động tinh, chưa phối hợp hai tay, tay/mắt, tay/chân.

- Có thể đạp xe đạp 3 bánh, có thể đi xe đạp đôi ngoài đường.

*Phát triển Ngôn ngữ:

Cho đến 4 tuổi: chỉ “ạ”, “dạ”, “mẹ”. Có thể bộc phát phát âm một câu, nhưng không tự chủ.

Hiện nay: Ngôn ngữ phát triển khá tốt, sử dụng từ ngữ tương đối đúng ngữ cảnh.

- Còn khó khăn phát âm âm kép như “tr” “pr”, âm gió “s” cuối từ.

- Được đánh giá có vốn từ vựng khá phong phú.

- Có thể mô tả tình cảm trong bối cảnh cụ thể một cách khá chính xác và tinh tế (vd: “NPA đang bị áp lực đè trên trái tim của NPA”..)

*Phát triển Thị lực:

Cho đến nay được chuyên gia thị lực xếp vào diện khiếm thị, do hẹp thị trường.

Có thể nhìn hình ảnh trên báo chí, nhưng gia đình chưa nắm được qui luật khi nào NPA có thể “nhìn thấy” và khi nào NPA “không thể nhìn thấy”.

Có thể nhận diện logo của OMO, hay MILO tại siêu thị, sau khi tiếp xúc qua các chương trình quảng cáo trên TV.

Không học chữ được, vì lý do không tập trung được vào các chi tiết trên sách.

Có hồ sơ đánh giá của Bệnh Viện Burumgrad và Bangkok đính kèm theo. Theo hồ sơ nầy, vấn đề cơ bản của cháu A là “cortical visual impairment”(yếu kém về thị lực có nguồn gốc ở Hệ Thần Kinh Trung Ương, còn mang tên là Não Bộ).

*Phát triển Trí tuệ

Mức độ chậm so với trẻ cùng tuổi.

Có khả năng suy luận từ một vài sự vật không hiện diện.

Gặp khó khăn trong việc hiểu các khái niệm trừu tượng, chẳng hạn như toán.

Hiện nay học vần qua thính lực: Có thể phân tích âm để ghép vần và các dấu khác nhau trong chính tả Việt, khi phụ âm đi trước. Tuy nhiên gặp khó khăn khi nguyên âm đứng đầu và khi vần phức tạp.

*Phát triển Tâm lý

Linh cảm rất nhạy, với sự hỗ trợ của thính lực cũng rất nhạy.

Khi nhỏ, bé rất ngoan, thân thiện, mặc dù có những lúc giận dữ, “bức xúc”.

Từ 7 tuổi đến 10 tuổi: cắn da tay, sau đó dứt trong 1 năm. Hiện nay, cắn lại da tay.

Tâm lý hiện nay: Rất buồn vì trong mùa hè vừa qua vì không có sinh hoạt. Yêu cầu mẹ phải lo cho mình, vì ở nhà mình không có gì để làm.

Hiện nay, bé cũng rất ngoan, nhưng có biểu hiện chống đối ba, mặc dù vẫn tin ba là người có thể làm được tất cả. Bám vào mẹ, không cho mẹ tiếp xúc với chung quanh, và không cho mẹ đi, nếu NPA không được đi theo. Rất lo sợ mẹ bỏ, thể hiện bằng những hành xử nhiều khi thái quá như khóc la dữ dội, níu kéo mẹ.

*Về Hành vi: (Cho đến nay)

Một vài biểu hiện tự kỷ: xoay người, hay lập lại về một đề tài mà mình lý thú.

Là một trẻ có tình cảm, biết nói lên tình cảm của mình, biết xử lý nhiều tình huống phức tạp bằng tình cảm.

Có những nỗi hoảng sợ không thể nào tự chủ được, chẳng hạn như trời mưa, mẹ không xử lý được một tình huống nào đó...

***

NGUYỆN VỌNG CỦA GIA ĐÌNH :

Định hướng lại cách giáo dục, hướng dẫn phát triển cho bé, do hiện nay NPA đang vào tuổi thiếu niên.

Có được một chương trình giáo dục, phát triển thích hợp với tâm, sinh lý của bé để bé chấp nhận thực tế cuộc sống, tự tin để có thể tự lập.

N.B.- Tôi nhận được bản báo cáo nầy vào ngày 10/11/2007.

***

PHẦN THỨ HAI : NHỮNG NHẬN XÉT CỦA TÔI VỀ CHÁU BÉ

Những khó khăn hiện tại của cháu NPA phát xuất từ các hiện tượng đã có mặt chung quanh ngày sinh: Sinh non (7 tháng), dãn não thất, ngột thở...Thùy (= một vùng của Tân Vỏ Não) đặc trách về thị giác bị tổn thương. Thùy nầy nằm ở giai tầng Tân Vỏ Não. Những tin tức từ mắt đưa lên không được tiếp nhận và lý giải một cách đầy đủ và nhanh chóng. Cho nên thị lực của cháu NPA bị hạn chế. Vì lý do chính yếu nầy, nhiều tin tức có mặt trong môi trường, thoát khỏi khả năng tiếp thu và hiểu biết của cháu.

Trong hành vi của cháu NPA có một vài biểu hiện tương tự như của một trẻ em tự kỷ. Cho nên dựa vào đó, có lẽ có nhiều bác sĩ chuyên môn đã vội vàng định bệnh “tự kỷ”. Phần tôi, tôi khẳng định: cháu NPA không phải là một trẻ em tự kỷ đặc hiệu. Cháu có ngôn ngữ phong phú. Cháu có tư duy. Cháu có trí tưởng tượng. Cháu biết lý luận. Trong những hoàn cảnh vui tươi, bình tĩnh, thoải mái, cháu có thể tiếp xúc và trao đổi qua lại hai chiều với những những người có khả năng khám phá những nhu cầu và yêu cầu cơ bản của cháu.

Trong công việc học hành, cũng như trong những quan hệ tiếp xúc qua lại hằng ngày với cha mẹ và những người quen thân, vì cháu NPA thiếu những tin tức về thị giác, cho nên thông thường, trong rất nhiều tình huống, cháu không hiểu chúng ta. Và chúng ta cũng không biết lắng nghe và tìm hiểu cháu NPA, thể theo phương cách và ở mức độ cháu mong đợi.

Những xung đột giữa cháu NPA với bao nhiêu người trong môi trường, như cha mẹ, nhất là ba...đều phát xuất từ tình huống thiếu hiểu biết và đồng cảm qua lại hai chiều nầy.

Những khi cháu NPA cảm thấy mình không được hiểu biết và đồng cảm, cháu có những hành vi “bùng nổ”, như khóc la và gào thét. Những hành vi bùng nổ nầy có nghĩa là cháu không còn làm chủ tình thế. Cháu không có khả năng diễn tả ra ngoài những cảm nghiệm khó chịu, mất an toàn của mình. Trái lại, trong những lúc vui thích, bình tỉnh, cháu sẽ vận dụng tư duy và khả năng ngôn ngữ của mình, để trình bày những nhu cầu và cách yêu cầu của mình.

Nói tóm lại, trong cuộc sống thường ngày, cháu NPA trình bày hai bộ mặt hoàn toàn khác nhau: Bộ mặt thứ nhất là bùng nổ và bạo động, khi cảm thấy không được hiểu biết và thiếu khả năng diễn tả ra ngoài những nhu cầu cơ bản của mình. Bộ mặt thứ hai là vui tươi, hớn hở, biết trao đổi một cách hài hòa, khi cảm thấy mình được an toàn, được lắng nghe, được hiểu biết và được đồng cảm. Từ đó, cách làm của chúng ta là giúp cháu NPA từ từ hạn chế bộ mặt thứ nhất và cùng với cha mẹ và người thân, ngày ngày phát huy bộ mặt thứ hai.

PHẦN THỨ BA

Tôi xin đề nghị những phương hướng hành động như sau:

ĐỀ NGHỊ THỨ NHẤT : Cháu NPA cần được cư xử và đãi ngộ ở trong gia đình cũng như tại trường học, như một trẻ em KHIẾM THỊ.

Nói như vậy có nghĩa là:

Cháu NPA không có những tin tức giống như chúng ta, vì thị lực của cháu rất hạn hẹp. Khi nhìn thẳng như chúng ta, cháu rất bị hạn chế. Nhằm bù trừ cho sự thiếu sót nầy, cháu sử dụng lối nhìn chéo, nhìn xiên. Theo lối nói chuyên môn, cháu vận dụng lối nhìn ngoại vi nhiều hơn là lối nhìn trực diện ở trung tâm.

Dùng hai giác quan là Thính giác và Xúc giác, để bù đắp cho những thiếu sót của Thị giác. Khi cháu trình bày một điều gì, hãy nghe cháu cho đến nơi đến chốn. Hãy nói lại cho cháu nghe cách chúng ta đã nghe và hiểu cháu, có đúng theo ý cháu không. Ví dụ: “Ba đã lắng nghe con nói. Ba hiểu ý của con là như thế này... Như vậy có đúng ý con chưa. Con cần bổ túc, hay là thêm điếu gì không...”. Thêm vào đó, khi làm điều gì, khi đi đâu, khi có những việc quan trọng, người lớn hãy báo trước cho cháu, nếu cần, lặp lại nhiều lần. Ví dụ: “Ngày mai, mẹ phải về thăm bà ngoại, vì bà ngoại bệnh. Mẹ đi ban sáng và về lại ban chiều lúc 17 giờ. Con nghe rõ chưa? Con nói lại cho mẹ nghe, ngay mai mẹ đi đâu?”. Trước khi ra đi, chúng ta cũng cần nhắc lại cho cháu biết khi nào chúng ta trở về...

Tại học đường, và nhất là khi học đánh vần, cháu NPA có dùng phương pháp Braille (chữ nổi, tiếp cận bằng xúc giác) không? Hiện thời nếu cháu chưa dùng, xin cha mẹ hãy tìm cách đặt câu hỏi với các thầy cô hay là bác sĩ chuyên môn đặc trách về người khiếm thị. Phương pháp nầy dùng xúc giác, để bổ túc những thiếu sót của cháu, trong lãnh vực thị giác.

ĐỀ NGHỊ THỨ HAI : Tôn trọng những xúc động của cháu.

Khi cháu khóc, cháu giận... thay vì cấm đoán, la nạt, ức chế hay là thoa dịu, chúng ta cho phép cháu diễn tả xúc động của mình. Ví dụ: “Con cứ khóc, mẹ có mặt với con, mẹ ở bên con. Khóc xong, con giải thích cho mẹ, con khóc tại vì con buồn? Hay là con tức giận ai...”

Nhằm hóa giải những xúc động của cháu, hơn ai hết, cha mẹ cần thực hiện 4 bước như sau: Bước một là quan sát và ghi nhận hành vi, bất cứ hành vi gì của cháu. Ví dụ: Mẹ thấy con đi học về và không nói gì cả...Bước hai là gọi tên ba loại xúc động của cháu: Con Buồn, Con sợ, Con giận... Bước ba: Tập cho cháu khám phá nhu cầu của mình: Khi con (buồn, sợ, giận) như vậy, con cần gì? Hãy nói ra cho mẹ nghe. Bước bốn: Nhằm thỏa mãn nhu cầu của con, mẹ muốn nghe con nói: con yêu cầu mẹ làm gì cho con? Con muốn xin Ba điều gì?

ĐỀ NGHỊ THỨ BA: Lắng nghe, có mặt, tạo an toàn và vui thích cho cháu.

Cháu cần những loại quan hệ ấy nơi cha mẹ, cũng như cháu cần ăn, cần thở, cần ngủ nghĩ, để có thể sống và lớn khôn...

Để tạo dựng những quan hệ an toàn, gắn bó và vui thích cho cháu, hơn ai hết, cha mẹ, người thân...cần luyện tập những cách làm sau đây:

lắng nghe và tìm hiểu cháu,

có mặt với cháu,

phản ánh bằng ngôn ngữ những tâm tình và xúc động của cháu, nghĩa là diễn tả cho cháu nghe cách chúng ta hiểu cháu như thế nào,

vui đùa với cháu,

cho phép cháu bộc lộ ra ngoài những nhu cầu và yêu cầu của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

***

KẾT LUẬN :

Khi làm việc với NPA, cha mẹ và người giáo viên cần xoáy lui xoáy tới ở 3 lãnh vực:

1.-Phối hợp 3 loại giác quan Thị, Thính và Xúc giác, mỗi khi chúng ta trao đổi và chia sẻ những tin tức với NPA,

2.-Lắng nghe, phản ánh những xúc động của NPA, một cách đặc biệt biết tôn trọng thể thức cháu trình bày và diễn đạt ra ngoài những nhu cầu và yêu cầu của mình,

3.-Trong những trao đổi và tiếp xúc hằng ngày với NPA, ưu tiên mà cha mẹ cũng như giáo viên... cần đặt lên hàng đầu là lắng nghe, tìm hiểu cháu một cách sâu sát. Từ đó, chúng ta tạo điều kiện cho cháu NPA có thể sống trong một bầu khí an toàn và đầy lòng tự tin. Và khi cháu NPA biết tin vào mình và tin vào người khác, cháu sẽ có khả năng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời làm người của mình.

Sau một thời gian làm việc trong tinh thần vừa được đề nghị, nếu cha mẹ gặt hái được những kết quả như thế nào, xin làm ơn chia sẻ lại cho tôi. Dựa vào đó, tôi sẽ điều chỉnh hay là kiện toàn những cách làm được đề nghị trên đây.

Với tất cả tấm lòng.

Lausanne - Thụy Sĩ - Ngày 15-11-2007