Kuala Lumpur - Vụ án Subashini Rajasingham và Saravan Thangathoray đang diễn ra tại Mã Lai Á đã khiến cho các phương tiện truyền thông quốc tế đặt vấn đề về tính chất mơ hồ liên quan đến tự do tôn giáo tại quốc gia này.

Subashini Rajasingham là một phụ nữ trẻ gốc người Ấn, theo Ấn Giáo đang phải vất vả đấu tranh giành giật quyền nuôi con với người chồng phụ bạc Saravan Thangathoray.

Vấn đề ở đây là tại Mã Lai Á có hai hệ thống tòa án. Tòa Hồi Giáo xử theo luật Sharia và tòa thường xử theo luật thế tục. Nếu cả hai bên nguyên cáo và bị cáo đều là Hồi Giáo thì mọi tranh chấp do tòa Hồi Giáo xử. Nếu cả hai bên đều không phải Hồi Giáo thì tòa thường sẽ đảm trách việc xử án. Nếu một bên Hồi Giáo và một bên không Hồi Giáo thì bên không Hồi Giáo phải cố gắng tìm một tòa thường xử cho mình, bằng cứ để cho tòa Hồi Giáo xử thì dù mình có đúng cỡ nào đi nữa thì phần thua là rất cao, “very likely”.

Anh chồng phụ bạc Saravan Thangathoray, một người trước đó theo Ấn Giáo, cũng như nhiều người đàn ông khác tại Mã Lai Á đã cải đạo sang Hồi Giáo để được những “ưu thế” đặc biệt của Hồi Giáo dành cho những người thích trăng hoa. Ưu thế thứ nhất là người phụ nữ Hồi Giáo thường không đặt nặng vấn đề một vợ một chồng. Trong văn hóa và tôn giáo của người Hồi Giáo, một ông có 4 bà là chuyện “người ta thường tình”. Cho nên có vợ bé là người Hồi Giáo thì dễ hơn có vợ bé không phải Hồi Giáo. Ưu thế thứ hai là nếu bà lớn không chấp nhận bà bé Hồi Giáo mà thưa gởi lôi thôi thì bà lớn cầm chắc là thua. Tính toán như thế, nên năm ngoái Saravan Thangathoray đã giã từ Ấn Giáo để cải đạo sang Hồi Giáo và lấy tên mới là Muhammad Shafi Saravanan Abdullah và bưng bà nhỏ về nhà sống chung.

Subashini Rajasingham không phải là một phụ nữ dễ bị bắt nạt. Chị cương quyết không chấp nhận cảnh chồng chung này và bắt buộc anh chồng trục xuất bà nhỏ ra khỏi nhà. Saravan Thangathoray phản ứng lại bằng cách nộp đơn ra tòa Hồi Giáo xin ly dị và đòi án lệnh đuổi bà Subashini Rajasingham ra khỏi nhà trắng tay. Hai vợ chồng Subashini Rajasingham và Saravan Thangathoray có với nhau hai đứa con, một đứa ba tuổi và một đứa một tuổi. Saravan Thangathoray đã mang đứa ba tuổi ra đền thờ Hồi Giáo để cải đạo cho nó sang Hồi Giáo. Tòa Hồi Giáo lập tức ra án lệnh cho Saravan Thangathoray được quyền giữ thằng bé này. Subashini Rajasingham hiện vẫn giữ được đứa bé một tuổi. Hiện nay, Saravan Thangathoray ráo riết xin tòa Hồi Giáo cho y được cải đạo đứa bé này sang Hồi Giáo. Nếu thằng bé này lại bị cải đạo sang Hồi Giáo thì lập tức Saravan Thangathoray được quyền nuôi nó và như vậy chị Subashini Rajasingham phải chấp nhận ra khỏi nhà hoàn toàn trắng tay. Tòa Hồi Giáo đã truyền triệu chị ra tòa nhiều lần nhưng chị cương quyết từ chối với lý do mình không phải là người Hồi Giáo. Chị đòi hỏi một toà thế tục xử cho mình.

Sau khi mòn mỏi lê gót tìm kiếm tòa thường chịu xử cho mình mà không được, chị cương quyết không chấp nhận ra tòa Hồi Giáo nhưng tổ chức họp báo và làm rùm beng chuyện này lên.

Nhờ “dữ” như vậy, hôm 30/3, tòa thượng thẩm Liên Bang Mã Lai Á, tòa cao nhất xứ này, tuyên bố chịu xử cho chị. Bây giờ thì chị Rajasingham nhất quyết đòi phải được quyền giữ cả hai đứa bé để anh chồng tay không ra khỏi nhà.

Một vài vụ kiện khác cho thấy tính chất phức tạp và mơ hồ trong vấn đề quyền tự do tôn giáo tại Mã Lai Á.

Lina Joy là một thiếu nữ Hồi Giáo nhưng cải đạo sang Công Giáo vào năm 1998. Cô nộp đơn xin từ giã Hồi Giáo để trong căn cước của mình không ghi là Hồi Giáo nữa. Nộp đơn nhiều lập đều bị phủ quyết. Không có sự thay đổi này, cô không làm sao kết hôn được với người yêu là một thanh niên Công Giáo gốc Ấn. Tệ hại hơn nữa các viên chức hộ tịch còn tiết lộ ý định bỏ đạo Hồi của cô. Tội “bội giáo” là tội chết, cho nên cô phải trốn tránh khắp nơi không dám ở một chỗ nhất định.

Lina Joy đã nhờ các tổ chức nhân quyền can thiệp và tòa thượng thẩm Liên Bang Mã Lai Á cũng vừa cho biết sẽ xét xử vụ này.

Một trường hợp khác là trường hợp vận động viên Moorthy Maniam, người gốc Ấn, theo Ấn Giáo, anh hùng quốc gia Mã Lai Á, người đã trèo lên đỉnh núi Everest. Khi anh chết đi vào tháng 12/2005, gia đình anh không được chôn cất anh theo nghi thức Ấn Giáo. Một tòa Hồi Giáo truyền phải chôn anh theo nghi thức Hồi Giáo vì anh đã cải đạo sang Hồi Giáo. Vợ anh thưa kiện nhiều nơi vì không biết là anh theo Hồi Giáo hồi nào?

Một trường hợp hợp khác là trường hợp anh Rayappan Anthony, chết tháng 11/2006. Rayappan Anthony là người Công Giáo nhưng vì mê một cô Hồi Giáo đã cải đạo sang Hồi Giáo vào năm 1990. Gia đình anh cho biết anh đã ăn năn trở lại vào năm 1999 nhưng giờ đây khi anh qua đời thì gia đình không làm sao cử hành thánh lễ an táng được vì Hồi Giáo cứ nhất quyết cho rằng anh vẫn cứ là người Hồi Giáo và buộc phải chôn theo nghi thức Hồi Giáo.

Năm ngoái, thủ tướng Abdullah Badawi nói rằng ông sẽ tìm ra phương cách giải quyết tình trạng tài phán lung tung hiện nay. Tuy nhiên, tới giờ này không có tiến triển nào được ghi nhận.