Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), đây là những điều kiện để Việt Nam có thể tiếp tục nhận hỗ trợ từ các nhà tài trợ quốc tế.

Bản báo cáo thường niên của World Bank được đưa ra trước kì họp của các nước tài trợ cho Việt nam sẽ tiến hành vào giữa tháng 12-2002.

Trong khi chính phủ Việt Nam dự đoán kinh tế năm nay tăng trưởng trên 7%, World Bank nói tỉ lệ tăng trưởng dự kiến vào khoảng 6%.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC, giám đốc World Bank tại Việt Nam, ông Klaus Rohland, nói Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới mặc dù đã có nhiều hứa hẹn đưa ra từ hơn 10 năm trước.

Theo cách tính của World Bank, thu nhập bình quân đầu người khoảng 400 đôla một năm là thuộc loại thấp.

Tại Việt Nam, theo ông Klaus Rohland, 25 triệu người, tức 60% lực lượng lao động, hiện không có việc làm, đặc biệt tại khu vực nông thôn.

Quá trình giảm nghèo ở Việt nam cần đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Ông Klaus Rohland cho rằng cần “tập trung chú ý vào khu vực nông thôn, cải thiện cơ sở hạ tầng tại nông thôn để khuyến khích phát triển và đầu tư vào khu vực này.”

Trong bốn năm tới, chiến lược của World Bank tại Việt Nam sẽ tập trung vào ba điểm chính:

World Bank sẽ giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế theo định hướng thị trường. Điểm thứ hai là bảo đảm phát triển trong nước đi kèm công bằng xã hội, thành tựu kinh tế phân bổ đồng đều giữa nông thôn và thành thị. Tiếp theo là thúc đẩy cải cách hành chính với tiêu chí đưa hệ thống quản lý nhà nước trở nên công khai, minh bạch và hiệu quả.

Theo ông Klaus Rohland, những điểm này đã và đang được mang vào các chương trình của World Bank tại Việt Nam trong các lĩnh vực từ cải cách khu vực kinh tế công tới quản lý kinh tế vĩ mô, từ dự án nông nghiệp tới xóa đói giảm nghèo.(BBC)