Chính thức ra đời năm 1948, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hiện có 132 nước thành viên. Có 30 nước khác đang chờ để gia nhập tổ chức này. Việc Trung Quốc trở thành thành viên WTO năm qua là một sự kiện lớn trong lịch sử tổ chức này.

Mục đích trên hết của WTO là thúc đẩy tự do mậu dịch, phá bỏ các hàng rào thuế quan và định chế hóa các quy tắc trao đổi thương mại. Một chức năng cơ bản của WTO là giải quyết các vụ tranh tụng giữa các nước thành viên.

Nhưng trong con mắt những người chống đối WTO bị phê phán là cỗ xe của chủ nghĩa tự do kinh tế, nền tảng của kinh tế tư bản.

Tin từ báo chí trong vùng cho hay có thể Việt Nam đã lỡ mốc thời gian gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO vào năm 2004, vì những chậm trễ trong việc trả lời câu hỏi của các nước đối tác về sự minh bạch trong việc ban hành các luật lệ mới.

Cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, trường hợp Trung Quốc gia nhập WTO và lượng đầu tư nước ngoài vào nước này đã cho thấy có một sự liên quan trực tiếp giữa việc trở thành thành viên của WTO và sự tăng trưởng của đầu tư nước ngoài. Và đầu tư nước ngoài vào TQ trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng hơn 56%.

Trong khi đó, tại Việt Nam, nước láng giềng phía nam, đầu tư nước ngoài lại giảm hơn 30% so với năm ngoái. Vậy việc trở thành thành viên WTO của TQ có để lại bài học gì cho VN hay không? Và cái giá phải trả sẽ là gì khi Việt Nam gia nhập muộn?

Đài BBC đã phỏng vấn ông Uwe Schmidt, người từng giữ chức cố vấn kinh tế cho Viện nghiên cứu Thương Mại thuộc Bộ Thương Mại Việt Nam tại Hà Nội cho đến tháng 10 năm ngoái. Ông cho biết:

Uwe Schmidt: Trở thành thành viên của WTO chính là một dấu hiệu cho thấy cam kết quyết tâm cải cách. Nó cho thấy là chính phủ có một thái độ cải cách nghiêm túc.

Việc TQ vào WTO sau một quá trình đàm phán nhiều năm là một sự thức tỉnh cho giới lãnh đạo Hà Nội. Kinh nghiệm đàm phán vào WTO của TQ đã phá tan ảo tưởng là việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ là một chuyện đơn giản trong tương lai.

Việc thực hiện cam kết của Trung Quốc theo một lộ trình khít khao đã làm Việt Nam thấy là cần phải đẩy mạnh đàm phán gia nhập WTO ngay từ bây giờ trước khi TQ hoàn tất các cam kết cơ bản. Nếu không, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ giảm nhiều vì các nhà đầu tư coi đàm phán và chuẩn bị các bước vào WTO là dấu hiệu cam kết cải cách.

BBC: Thế liệu Việt Nam có học được bài học nào từ kinh nghiệm gia nhập WTO của Trung Quốc hay không?

Tất nhiên là có nhiều bài học rồi. Trước hết là cần phải có một lộ trình gia nhập, hãy bàn trong nội bộ trước đi là mục tiêu quý vị muốn đạt được là gì, rồi mốc thời gian sẽ ra sao. Rồi sau đó, cần phải chuẩn bị lộ trình, lộ trình này sẽ thông qua ở nội bộ trước.

Việt Nam có thể cần phải loan báo công khai phần nào đó của lộ trình này cho người ngoài biết để họ hiểu là Việt Nam đang tiến hành chuẩn bị gia nhập WTO. Về nội bộ mà nói, thì lộ trình cần phải thông báo cho dân cho cán bộ một cách chi tiết hơn, và chính phủ Việt Nam nên nghiêm túc tuân theo lộ trình.

Vì các bộ của Việt Nam một khi nhận được lộ trình rồi thì họ sẽ cùng nhau bắt tay vào thực hiện, nâng cao mức độ phối hợp với nhau.

Xin ông nói rõ là có bài học nào về cải cách hành chính trong việc gia nhập WTO mà Việt Nam có thể học được từ Trung Quốc?

Tôi cho rằng cải cách hành chính là một chủ đề quan trọng vì một nền hành chính hữu hiệu sẽ làm bà đỡ cho nhiều thứ. Cho nên nếu như nền hành chính không hoàn thành chức năng cơ bản của nó thì coi như nó lại cản trở tiến trình gia nhập WTO.

Ở Việt Nam, do lương công chức còn thấp cho, và vì họ có thể kiếm được bổng lộc từ chuyện gây khó dễ cho các nhà doanh nghiệp, cho nên người ta cứ muốn níu kéo cải cách hành chính, vì nếu mà mọi việc đều thông thoáng hết thì còn đâu là bổng lộc và đặc quyền nữa.

Thế thưa ông, liệu theo ông ngoài nền hành chính ra thì Việt Nam còn gặp những trở ngại nào khác về mặt thể chế trong việc gia nhập WTO hay không?

Theo tôi, hiện Việt Nam đang gặp ba trở ngại, chủ yếu xuất phát từ nội bộ. Đó là sự mập mờ về ý chí chính trị. Vì các cam kết mở cửa thị trường từng phần hay toàn diện sẽ để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế gọi là thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Cho nên những người bảo thủ ở Việt Nam vẫn rất cẩn thận với chuyện mở cửa thị trường.

Thứ hai là sự thiếu vắng hoàn toàn một lộ trình gia nhập WTO. Một số quan chức chính phủ đã thừa nhận rằng sau 7 năm chuẩn bị gia nhập WTO, bắt đầu từ đơn xin gia nhập GATT hồi năm 1994, Việt Nam hiện giờ vẫn không có một kế hoạch được công bố công khai trong việc hòa nhập với nền kinh tế thế giới.

Và cuối cùng theo tôi thì ở cấp cao nhất chưa có sự kiên quyết về mặt thể chế để áp đảo những sự trì trệ hay chống đối từ bộ máy hành chính các cấp. Việt Nam rất thiếu sự liên lạc, và phối hợp giữa các bộ ngành với nhau. Tệ nạn này đã thành căn bệnh thiếu hợp tác và là một lực cản trong việc ra các luật phù hợp với tiêu chuẩn của WTO.

Thế theo ông nếu cứ vò đầu bứt trán như thế mãi, thi liệu khi gia nhập WTO chậm thì Việt Nam có bị thiệt thòi gì không?

Tôi cho rằng điều đầu tiên sẽ là đầu tư nước ngoài. Nếu như Việt Nam không có một lộ trình rõ ràng gia nhập WTO, không có một khung thời gian cụ thể thì rất là khó thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong khi TQ đã trở thành một nơi đầu tư rất hấp dẫn.

Thứ hai là nếu nhìn vào cam kết Việt Nam thực hiện khi gia nhập WTO thì nếu nước này càng đợi lâu thì họ phải thực hiện cam kết lớn hơn và khó khăn hơn.

Trong lúc này chúng ta đang có vòng đàm phán tự do hóa thương mại có tên là Doha, và khi vòng này hoàn tất vào năm 2005, các thành viên hiện thời của WTO sẽ cam kết mở cửa thị trường còn lớn hơn nữa, và sẽ động chạm đến những ngành như dịch vụ hay còn giảm thuế hơn nữa.

Tôi e rằng nếu VN mà đợi quá lâu, họ sẽ phải trả một cái giá cao hơn cho việc trở thành thành viên của WTO vì các thành viên WTO sẽ yêu cầu VN phải thực hiện các cam kết giống như họ.(BBC)