CHỈ CHỰC ĐỂ VỠ OÀ
“Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi, ‘Ở đây các con có gì ăn không?’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chưa tin” mà “vui mừng”! Thật là lý thú với những phản ứng trái ngược của các môn đệ trước Chúa Giêsu Phục Sinh! “Chưa tin”, có nghĩa là không chắc về điều mình tin; “vui mừng”, có nghĩa là không thể phủ nhận một điều gì đó, cho đến khi niềm vui chín muồi bùng nổ, vì nó ‘chỉ chực để vỡ oà’.

Các môn đệ có lý do khi lưỡng lự để có thể tin vào những gì họ thấy. Có thật Thầy Giêsu, người đã bị đóng đinh, đang đứng trước mặt họ với những vết thương trên tay chân Ngài không? Chúa Giêsu rất tâm lý nên Ngài cũng có cách ‘rất riêng và rất người’ hầu các môn đệ có thể dễ dàng nhận ra Ngài; vì thế, đang lúc chuyện trò, Ngài bất ngờ yêu cầu một cái gì đó để ăn; không thể thực hơn! Họ sốc vì không thể tin được và ngược lại, cũng không thể phủ nhận! Họ muốn trải nghiệm niềm vui vì những gì họ đang nhìn thấy, nhưng có một điều gì đó đang kìm hãm họ. Tất cả những gì đang diễn ra dường như theo một chiều hướng quá tốt, vượt quá ước mơ, nhưng có đúng như vậy không? Phải chăng Thầy của họ đã thực sự chiến thắng sự chết và giờ đây trở lại với họ? Những cảm nhận nhập nhằng đan quyện lẫn nhau khiến những con người này như đang trải qua một trạng thái nửa mơ, nửa tỉnh. Nhưng Tin Mừng nói, họ “vui mừng mà bỡ ngỡ”, và như thế, niềm vui nơi họ dường như đang đợi để nổ tung, đúng hơn, ‘chỉ chực để vỡ oà’.

Làm sao niềm vui không vỡ òa khi Thiên Chúa đã phục sinh Đấng khơi nguồn sự sống, Đấng mà con người đã giết chết trong lúc muốn tha cho tên sát nhân như Phêrô hôm nay giải thích; khác nào con người đã lấy tảng đá lớn lấp nguồn nước sự sống để cho nguồn nước thải chảy vào. Làm sao niềm vui không vỡ òa khi Đấng Thánh, Đấng Công Chính đang hiện diện với họ, ban cho họ sự bình an đích thực của Ngài, “Bình an cho các con!”, bình an vượt trên mọi sợ hãi chốn trần gian.

Ấy thế, phản ứng của các môn đệ cũng là phản ứng của mỗi người chúng ta. Một đôi khi, chúng ta cũng trải qua những trạng thái tương tự khi Thiên Chúa thương ban cho chúng ta một ân huệ nào đó, khi chúng ta được mời dự phần trong vinh quang và ân sủng của Ngài. Rất thường xuyên, khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến gần Ngài hơn, hoặc khi Ngài muốn chúng ta trải nghiệm niềm vui Phục Sinh của Con Một Ngài, chúng ta cũng phản ứng với sự do dự. Chúng ta có thể cảm thấy thật khó để thực sự trải nghiệm thực tế về sự Phục Sinh của Ngài trong ‘cuộc phục sinh’ của chính mình.

Điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do. Chán nản là một trong những lý do khiến chúng ta chần chừ trong việc đón nhận ơn thánh Phục Sinh cách trọn vẹn. Các môn đệ vô cùng nản lòng trước cái chết của Thầy; và dẫu giờ đây, Ngài đã sống lại, đang đứng trước mặt họ, nhưng họ vẫn lần lữa để có thể buông bỏ sự chán nản mà họ đang ôm chặt. Cũng thế, chúng ta có thể dễ dàng để cho sức nặng của thế giới, sức nặng tội lỗi của người khác hoặc ngay cả sức nặng tội lỗi của chính mình kìm hãm; chúng không cho phép chúng ta nhận ra quyền năng Phục Sinh của Thiên Chúa trên chính mình. Vì thế, để có thể nhận ra niềm vui của ơn thánh Phục Sinh, chúng ta phải rời mắt khỏi những tâm thức đó và chăm chú nhìn vào thực tại mà Đấng Phục Sinh muốn chúng ta tập trung vào. Sẽ rất bất lợi nếu chúng ta trở nên nản lòng với các vấn đề đang xảy ra và nó luôn luôn xảy ra cho đến tận thế; thay vào đó, hãy hướng lòng lên Chúa Phục Sinh, Đấng thường xuyên kêu gọi chúng ta nhìn xa hơn hầu có thể đạt tới một điều gì đó vĩ đại hơn. Ngài mời gọi chúng ta nhìn vào chiến thắng của Ngài vốn sẽ giải thoát và tạo ra một niềm tin đáng kinh ngạc; và niềm tin đó sẽ tạo nên một niềm vui tuyệt vời mà Chúa muốn chúng ta sở hữu; đó là một niềm vui ‘chỉ chực để vỡ oà’.

Anh Chị em,

Chỉ trong bữa ăn, bữa tiệc hiệp thông, các môn đệ mới thật sự vui mừng để nhận ra Thầy mình và đón nhận bình an của Ngài. Cũng thế, mỗi ngày trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ước mong chúng ta nhận ra Ngài, nên một với Ngài, để Ngài tan biến trong chúng ta; và như thế, mỗi ngày Chúa Thánh Thần đang lôi chúng ta ra khỏi những nguồn nước nhơ nhớp mà dìm chúng ta vào nguồn nước ban sự sống; ở đó, chúng ta được thanh tẩy, được ánh quang rạng ngời chiếu soi và như thế, tràn đầy niềm vui và bình an của Đấng Phục Sinh. Hãy nhìn ngắm Chúa Phục Sinh, nhìn vào chiến thắng của Ngài để cũng có thể chiến thắng như Ngài, vì tiếng nói sau cùng luôn là tiếng nói của tình yêu, của niềm vui, một niềm vui ‘chỉ chực để vỡ oà’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con quay lưng với hừng đông, nhưng xô con về với mặt trời; ở đó, con được bình an, sưởi ấm và chiếu soi. Xin giúp con trải nghiệm niềm vui lạ thường đến từ việc nhận biết Ngài, Đấng đã phục sinh, cũng là Đấng làm cho niềm vui ‘chỉ chực để vỡ oà’ của con oà vỡ, Amen.

(Tgp. Huế)