CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
PHỤC SINH KHÔNG GIẾT CHẾT THÁNH GIÁ

Một linh mục bạn chia sẻ: Một nam sinh viên có ý đi tu, đang trọ trong lưu xá của một dòng tu gởi thư và nêu thắc mắc bao gồm nỗi khổ rất lớn, liên quan nhiều đến lý tưởng ơn gọi của bản thân anh. Anh hỏi rằng:

“Thưa Cha, hiện nay con đang hoang mang lo lắng cho ơn gọi của con không được bền đỗ. Con luôn bất an vì linh cảm rằng, rất có thể mình sẽ rời bỏ nhà dòng trong một thời gian không xa.

Bởi từ khi ba con qua đời, nhà nội con không bằng lòng để con đi tu. Mọi người bên nội chống đối ơn gọi của con ra mặt dữ dội, không cần che đậy gì. Con lo sợ lắm, vì nội con nói rằng, nếu đi tu thì từ nay đừng nhìn mặt nội nữa. Nặng hơn, nội không cho để tang khi nội qua đời.

Có hai lý do để nội cấm con vào nhà dòng, thứ nhất, đó là vì con là đứa cháu trai duy nhất của nội. Nhưng lý do thứ hai mới là điều quan trọng. Tuy vậy, đối với con chẳng đáng là gì, nhưng đối với nội, đó là một chuyện quá lớn. Nội bảo, ngày xưa nội rất tin các linh mục, nhưng từ khi cha sở của nội có một vấn đề gì đó, mà nội cho rằng cha sở xúc phạm Mình Thánh Chúa và xúc phạm giáo dân, cho nên nội không còn tin bất cứ một nhà tu nào.

Con xin thú thật, nhiều lúc con thấy bên nội cố chấp quá đáng, nhưng phận làm con cháu, con không thể nói gì hơn, chỉ còn cách trình bày suy nghĩ của mình, nhưng chẳng ai nghe. Con hiểu rằng, lỗi lầm của một ai đó, dù là giáo hoàng đi nữa, cũng đâu phải là cớ đánh mất ơn gọi của mình phải không cha? Nếu nghĩ như nội của con, chắc Giáo Hội sẽ không còn ai đi tu. Từ đó, chắc đến một ngày sẽ không còn Giáo Hội? Nhưng Giáo Hội làm sao mà mất được. Vì bên cạnh nhiều người sống chưa tốt, vẫn có rất nhiều người khác đã nên thánh và vẫn tiếp tục nên thánh trong ơn gọi của mình. Thưa cha, con hiểu rằng, một bên vẫn còn nhiều gương mù, nhưng bên kia vẫn có đó rất nhiều tấm gương sáng. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ để con thấy rằng, sự ham thích đi tu của mình là niềm ao ước quý giá. Nhưng con buồn vì gia đình bên nội của con không thể hiểu được điều đó.

Chỉ có mỗi mình mẹ con vẫn âm thầm chiều ý con, và chấp nhận để cho đứa con trai duy nhất của bà đi tu. Bản thân con thì không sao, vì đi học xa nhà, sống tạm trú tại lưu xá của nhà dòng, nơi con muốn nhập tu. Chỉ có mẹ con là phải chịu đựng mọi nỗi khổ, mọi lời trách móc, thậm chí có lúc nội không dằn lòng được, đã nói những lời lẽ rất khó nghe, nghe rất xót xa, đau đớn, do mẹ con không đứng về phía nhà nội.

Thương mẹ, không muốn để mẹ phải chịu đựng vì mình, đã có lần con nói dối với nội rằng, con đã thay đổi ý định, không muốn đi tu nữa. Chính lúc ấy, nội con có vẻ vui nhưng mẹ con lại đau khổ hơn. Mẹ đã gọi con lại và mắng con như được dịp trút tất cả nỗi đau của bà. Chỉ khi con cho mẹ con biết rằng, con đã nói dối nội, mẹ con mới yên tâm. Nhưng ngay sau đó, con lại giật mình vì biết, mình vừa lừa dối mẹ. Vì thực tế, đã không ít lần, con muốn bỏ ý định đi tu.

Thưa cha, trong suy nghĩ của con bây giờ nhiều mâu thuẫn quá, lòng con hoang mang quá. Con không biết mình chọn lý tưởng tu trì là đúng hay sai? Con cảm thấy thánh giá Chúa gởi cho con lớn quá. Ba mất, con đã mất đi một điểm tựa. Giờ chỉ còn lại mẹ. Mẹ lại phải gánh nặng vì con mình chọn đường tu.

Giờ con rối lắm, không tìm thấy lối thoát. Có những khi con ngồi bên Thánh Thể suốt ngày, mong tìm sự bình an, nhưng rồi trở về với cuộc sống, con lại mất hy vọng. Thưa cha, con phải làm gì bây giờ. Nhiều lúc chính con cũng không thể hiểu nổi mình nữa. Con đã cau có, nặng lời không ít với nhiều người. Dù không dám ghét nội, nhưng con thầm trách nội không ít. Không những thế, nhiều lúc con còn nặng lời một cách thầm kín với vị linh mục đã để lại ác cảm trong lòng nội con. Con có tội không, khi tự mình nổi loạn như thế? Con phải làm sao để có bình an?”

Và trong lá thư hồi âm cho người thanh niên, vị linh mục viết:

“Tôi hiểu bạn lắm. Nỗi khổ tâm của bạn quả là một vấn nạn lớn không dễ gì có thể giải quyết ngay, cũng không dễ gì một mình bạn lại có thể đảm nhận trách nhiệm giải quyết nó. Và nếu tôi có trả lời cho bạn, thì một vài con chữ trên một lá thư như thế này, cũng sẽ không đi tới đâu. Nó không thể giúp bạn giải tỏa những gì mà bạn phải mang, phải gánh, càng không thể giúp người thân của bạn đứng về phía bạn. Vì mọi quyết định cho chính đời sống của mình, tùy thuộc và trở nên quan trọng bởi chính mình, người khác, nếu có, chỉ là một đóng góp rất nhỏ bé mà thôi. Về phần tôi, chỉ có mấy điều tôi có thể làm được cho bạn đó là:

1. Xin cho tôi được đồng cảm bằng một sự cảm thông, chia sớt sâu xa nỗi buồn của bạn. Ước mong với sự thông cảm này, bạn có thêm một người hiểu mình, để bạn hiểu rằng bạn không cô đơn. Chính vì thế, cũng giống như người mẹ kính yêu của bạn, tôi ủng hộ bạn đến cùng trong quyết định dấn thân cho ơn gọi tu trì. Vì đó là một ước muốn tốt; một lý tưởng đẹp; một con đường mà mỗi cá nhân đều có quyền và hết sức tự do quyết định theo hay không theo; một chuẩn bị cho tương lai bằng tất cả sự chọn lựa của cá nhân chứ không phải ai khác có thể chọn lựa thay thế; một hướng sống mà sau khi đã chọn lựa rồi, chính bản thân là người trực tiếp sống cho chọn lựa ấy chứ không phải một người thứ hai nào có thể “nhảy vào” để có thể sống “giùm” mình, sống “giúp” mình, sống “thay cho” mình.

2. Bạn thân mến, chọn lựa có khi là cả một thái độ can đảm, đòi hỏi sự cứng rắn, dứt khoát. Chọn lựa là đón nhận nhưng cũng là hy sinh. Đón nhận điều mình chọn lựa và hy sinh để sự chọn lựa thành toàn. Đã gọi là hy sinh chắc chắn không bao giờ là điều dễ dãi. Ngược lại hy sinh nào cũng đòi phải chết đi, phải chấp nhận thương tích, chấp nhận đớn đau, có lúc ê chề, có lúc nặng nề tưởng như khó có thể mang vác nổi. Tắt một lời: mãi mãi chọn lựa cần chiến đấu. Chiến đấu để vươn lên cho chọn lựa thành toàn.

3. Trong thư có chỗ bạn viết rằng: “Có những khi con ngồi bên Thánh Thể suốt ngày.” Đúng lắm! Bạn đã làm một điều đúng trên tất cả mọi điều đúng. Hãy tiếp tục làm như thế. Vì ơn gọi theo Chúa, chứ không phải theo một ai khác, phải được chính Chúa quyết định cho theo hay không cho theo. Đàng khác, theo ai phải bộc lộ, phải tỏ tình với người mình theo để chiếm lấy họ. Theo Chúa mà không bày tỏ lòng mình, không lo chiếm lấy Chúa thì làm sao có thể theo. Vì thế, cầu nguyện là điều kiện trước nhất và trên hết cho bất cứ ai dấn thân cho ơn gọi tu trì. Không thể hiểu được nếu ai đó nói rằng mình muốn đi tu mà lại lãng tránh sự cầu nguyện.

Bạn đừng lo mỗi khi đến với Chúa Giêsu Thánh Thể “mong tìm sự bình an, nhưng rồi trở về với cuộc sống, con lại mất hy vọng” rồi chán nản bỏ cuộc. Đừng bỏ cuộc dẫu mất hy vọng đến ngàn lần. Càng mất hy vọng và chới với bao nhiêu, càng phải cầu nguyện nhiều bấy nhiêu. Vì chính sự cầu nguyện đã là sức mạnh, là niềm an ủi, là trợ lực giúp ta có khả năng chấp nhận mình, chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận anh chị em quanh mình. Ngay chính sự cầu nguyện đã là biểu hiện của đức tin, càng cho ta thêm lòng tin, thêm niềm yêu mến.

Mặt khác, nếu những khi không còn ai có thể hiểu mình, không còn biết thổ lộ cùng ai, không còn có sức mạnh nào để mình nương tựa, mà lại bỏ luôn cả sự cầu nguyện, nghĩa là bỏ luôn nguồn an ủi cuối cùng, sẽ cô đơn, sẽ đau thương, sẽ mất mát, sẽ càng quay quắt trong chính nội tâm đau khổ không lối thoát của mình… Đó là nguy hiểm lớn bạn ạ. Không còn có nguy hiểm nào bằng khi lòng người chỉ còn mỗi một mình đối diện với thương đau của chính mình. Nó có thể cướp mất đức tin của ta. Có người đã đầu hàng số phận đến nổi tự tìm đến cái chết, coi như đó là cách giải quyết cuối cùng cho một kiếp người bi ai. Có thể người chọn đường tu trì không đi theo cách giải quyết cuối cùng ấy, nhưng tự để mình cô đơn với chính nỗi đau của mình, vẫn là một nguy hiểm khó có thể nói trước điều gì. Vì thế, ngoài sự cầu nguyện, bạn cũng có thể chọn một vị linh hướng đáng tin cậy để vị ấy giúp bạn làm sáng vấn đề. Vị linh hướng cũng sẽ là người cầu nguyện cho bạn, đồng hành với bạn như một người bạn đáng tin cậy.

Quan trọng hơn, khi cầu nguyện, bạn đừng đòi Chúa phải “làm phép lạ” y như mình là chúa của Chúa, Chúa phải nghe mình, phải chiều theo ý muốn của mình lập tức vậy. Không! Bạn đừng hiểu sự cầu nguyện một cách lệch lạc như thế. Đúng hơn, cầu nguyện là tìm thánh ý Chúa để vâng theo, là tìm sức mạnh trong ơn Chúa, nhờ đó giúp mình can đảm chấp nhận thực tại mà mình đang đối diện.

4. Điều cuối cùng, tôi muốn mời gọi bạn, đó là hãy mở Thánh Kinh ra và suy niệm mỗi ngày, những tấm gương kiên trung của đức tin nơi những con người dám đặt đời mình trong tay Thiên Chúa. Chẳng hạn: ông Abraham, ông Môisen, ông Gióp, ông Samson, tiên tri Êlia, tiên tri Giêrêmia, thánh Gioan Tẩy Giả, các tông đồ của Chúa Giêsu, nhất là tấm gương của Đức Mẹ, cũng như của chính Chúa Giêsu...

Mở Thánh Kinh ra và suy niệm về đời sống của cha ông mình, ta sẽ thấy nơi các ngài cả một lòng tin đáng kính phục, sẽ thêm nghị lực, thêm sức mạnh giúp ta chấp nhận những gì đang phải đối mặt. Bởi những gì ta phải gánh lấy hôm nay, đâu phải chỉ riêng ta, nhưng Con Thiên Chúa và biết bao nhiêu người đi trước cũng đã từng gánh lấy.

Mở Thánh Kinh ra, bạn cũng sẽ nhận thấy một sự thật rằng, hình như tất cả những ai theo Chúa, được Chúa yêu thương đều phải sống trong thử thách triền miên, có lúc nặng nề đến mức như không thể thoát ra khỏi màn đêm của u uất, của thất bại. Bạn và tôi đang đối mặt với đau khổ, phải chăng, đó chính là dấu ấn của tình thương Thiên Chúa dành cho ta như đã dành cho nhiều kẻ mà Người yêu thương đã từng có mặt trong cuộc đời, trước chúng ta!”.

Hôm nay, sống mùa Phục Sinh, tôi muốn ghi lại hai lá thư trên để bạn và tôi cùng cảm nhận điều mà vị linh mục cảm nhận: Đau khổ “chính là dấu ấn của tình thương Thiên Chúa dành cho ta”. Bởi không phải đơn giản, và nếu không có chiều sâu nội tâm, hay thiếu tinh thần cầu nguyện, lại có thể thốt lên những lời đáng trân trọng như thế.

Tôi nghĩ rằng, cả hai lá thư, nhất là những lời động viên của vị linh mục rất cần thiết cho bạn và tôi. Vì có những lúc đau khổ tột cùng, những lúc tưởng như cuộc đời mình bế tắc…, chúng ta có dám đặt đời mình, đặt cả con người mình trong vòng tay Thiên Chúa nữa hay không? Ta có cảm nhận rằng “đó chính là dấu ấn của tình thương Thiên Chúa dành cho ta”?

Đọc các bài tường thuật Chúa Phục Sinh hiện ra bằng chính hình ảnh của Đấng đã chịu đóng đinh, nay sống lại, sẽ là câu trả lời quý giá về nỗi đau trong cuộc đời của bạn và của tôi. Vì hiểu được ý nghĩa của Tin Mừng Phục Sinh, sẽ giúp ta vững tin hơn.

Chẳng hạn, bài Tin Mừng Chúa nhật II Phục sinh (Ga 20, 19-31), chỉ là một bài Tin Mừng không dài lắm, nhưng thánh Gioan có đến hai lần kể lại việc Chúa Phục sinh hiện ra cùng các môn đệ.

Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: hôm nay Hội Thánh đang cử hành mầu nhiệm Phục sinh là mầu nhiệm của niềm vui, một niềm vui lớn. Đàng khác bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ, lại là một niềm vui không nhỏ. Vậy mà từ đầu tới giờ, tôi chỉ toàn nói đến đau khổ.

Vì sao lại nói đến đau khổ giữa mùa Phục sinh? Bởi vì không tự nhiên mà phục sinh. Chúa phục sinh từ trong đau khổ. Chúa phục sinh từ trên thánh giá.

Hôm nay, dù sống lại, chiến thắng khải hoàn, thân xác Phục sinh chói ngời đã cùng quyền năng Thiên Chúa bước vào vô biên, bước vào vĩnh cửu… nhưng bây giờ hiện ra, thân xác Phục sinh rạng rỡ ấy vẫn còn y nguyên dấu thập giá.

Cả hai lần, đoạn Tìn Mừng (Ga 20, 19-31) đều chứng minh Chúa hiện ra với cùng một hình ảnh. Lần thứ nhất, ngay khi hiện ra “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người”.
Bạn có biết điều gì trên tay và cạnh sườn mà Chúa cho xem? Nơi ấy, dấu thập giá không bị phai nhòa. Trên đôi cánh tay và cạnh sườn ấy, còn nguyên dấu tích của cây đinh, lưỡi đòng đâm thấu qua.

Chỉ sau khi xem tay và cạnh sườn bị thương tích, các môn đệ mới hết nghi ngờ, mới cảm thấy “vui mừng vì xem thấy Chúa”. Như vậy dấu của thập giá là bảo đảm cho đức tin của các môn đệ.

Nhưng lần ấy, khi Chúa hiện ra, thánh Tôma không có mặt, ông nhất quyết không tin. Bởi đó tám ngày sau, Chúa lại hiện ra lần nữa, có mặt thánh Tôma.

Lần này thái độ của Chúa mạnh hơn, dứt khoát hơn lần trước. Chúa Phục sinh không chỉ cho xem tay và cạnh sườn, mà còn lên tiếng đòi: “Tôma, hãy xỏ ngón tay của con vào lổ đinh trên tay Thầy đây, hãy thọc bàn tay của con vào cạnh sườn của Thầy. Con đừng cứng lòng tin nữa, mà hãy tin”.

Ví dụ một ngày nào Chúa hiện ra và cũng nói với bạn những lời đã từng nói với thánh Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, hãy thọc bàn tay con vào đây”, bạn còn dám nhìn Chúa không? Chẳng những không dám nhìn, càng không dám đưa ngón tay, đưa bàn tay, mà có khi run rẫy chết khiếp, bạt vía kinh hồn.

Thánh Tôma không hề là trường hợp ngoại lệ. Mới hôm nào dõng dạc tuyên bố: “Nếu tôi chưa xỏ ngón tay tôi vào lỗ đinh của Chúa, nếu tôi chưa thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, tôi không tin”.

Mạnh mẽ, kiên quyết và dứt khoát là thế, nhưng bây giờ trước dấu thập giá còn in một cách hùng hồn trên thân thể của Đấng Phục sinh, thánh Tôma đã phải cúi đầu tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi.” Một lần nữa, thánh Gioan lại cho thấy, dấu thập giá là bảo đảm cho đức tin của chúng ta.

Vì dấu thập giá là bảo đảm cho đức tin, nên trong mùa phục sinh, ta bàn về vấn đề đau khổ, cũng là điều hợp lý.

Chúa Phục sinh đã không tự xóa bỏ dấu vết đau khổ trên thân thể của mình. Trái lại, dấu vết của đau khổ, của thập giá vẫn còn trên thân thể sáng láng của Đấng Phục sinh, lại làm cho các môn đệ dễ nhận ra đức tin, vững tin và được củng cố đức tin.

Người ta nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Cũng vậy, đau khổ rèn đức tin người có đạo. Đau khổ là trường dạy đức tin cho những ai dám dấn mình theo Chúa.

Trường hợp anh sinh viên bên trên, tôi tin, nếu anh chịu khó nghiền ngẫm Lời Chúa, suy nghĩ nhiều về cuộc đời của Chúa Kitô, về sự chết và sống lại của Chúa, chắc anh sẽ có chọn lựa đúng đắn, phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa và phù hợp với chính niềm hy vọng của anh.

Chính khi phải chọn lựa giữa muôn vàn thử thách, chọn lựa trong đau đớn nhưng ngoan cường, dứt khoát, anh mới nhận ra giá trị lớn vô cùng của ơn gọi.

Cái giá phải trả cho ơn gọi mà mình chọn lựa không phải là vật chất, hay chỉ một tiếng đáp trả là xong, nhưng là cả một sự tự hiến rát xót. Vì thế, ơn gọi không bao giờ là một chọn lựa dễ dãi, càng không bao giờ là một trò chơi để khi thích thì tham gia, hết thích thì nghỉ chơi.

Có nhận ra ơn gọi quý giá như thế, mới mong sự chọn lựa của anh là một chọn lựa tinh ròng trong tự do, trong sự quả cảm, cả đến hy sinh nhức buốt.

Nhưng đâu chỉ là người thanh niên ấy. Mỗi chúng ta đều có nỗi buồn: gia đình đang sum họp, bỗng dưng người vợ hay người chồng phản bội, rẽ sang hướng khác. Gia đình đang sung túc, bỗng dưng một người thân ra đi vĩnh viễn, mà người thân đó có khi là cột trụ của đời sống, của kinh tế gia đình, như trường hợp anh thanh niên mất cha, chỗ dựa của cần thiết của anh.

Hay con đường tương lai, sự thành công đang ở trước mặt, bỗng dưng một biến cố đau thương xảy đến, làm mất hết tất cả. Hay hy vọng đang ngời ngời sáng phía trước, bỗng dưng mất mát người thân yêu nhất đời mình…

Mất mát thật to, nỗi buồn càng lớn. Những lúc bi đát đến cùng cực ấy, bạn và tôi hãy nhớ lời vị linh mục: “Đó chính là dấu ấn của tình thương Thiên Chúa dành cho ta” mà cố giữ lấy đức tin, vượt qua thác ghềnh, chèo chống đến cùng để tự tin đạp trên mọi sóng gió, mọi thăng trầm của đời mình.

Chúng ta rất may mắn vì được tôn thờ một Thiên Chúa đã từng biết đến đau khổ. Và hôm nay, sau khi phục sinh, Chúa của chúng ta vẫn còn nguyên trên thân thể dấu tích của khổ giá.

Chính vì thế, những lỗ gai nhọn đâm vào đầu, những lỗ đinh xuyên thủng bàn tay, bàn chân, và dấu của cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm thấu… mãi mãi vẫn là câu trả lời trọn vẹn nhất cho chính đau khổ của chúng ta.

Bởi Chúa đã phục sinh từ trên thánh giá, ta cũng đi qua “chốn lưu đày” mà bước vào vinh quang của Đấng Cứu Chuộc, nay đã Phục Sinh.

Đó cũng chính là lý do vì sao tôi cứ miên man suy nghĩ về sự đau khổ, trong khi những ngày này vang vọng lời ca Allêluia hạnh phúc, chúc tụng Đấng Phục Sinh vinh quang và khải hoàn.

Bởi lẽ Chúa cứu chuộc chúng ta trên thánh giá, nhưng Chúa không làm điều đó một mình, mà cần đến sự cộng tác của ta, cần đến thánh giá đời ta tháp nhập vào thánh giá của Chúa.

Mới hay rằng Chúa đã chiến thắng, nhưng Chúa không xóa vết tích của thánh giá. Điều đó có nghĩa là:

PHỤC SINH KHÔNG BAO GIỜ GIẾT CHẾT THÁNH GIÁ.