ẨN TÀNG CÁCH MẦU NHIỆM
“Không ai trong nhóm ngồi ăn dám hỏi, ‘Ông là ai?’, vì mọi người đã biết là Chúa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Các cuộc hiện ra của Chúa Giêsu sau khi Ngài phục sinh luôn ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’. Mầu nhiệm không phải vì một điều gì đó khó hiểu hay không chắc chắn, nhưng mầu nhiệm vì chiều sâu thâm thuý và sự kính sợ đầy kinh ngạc được nhìn thấy trong các lần hiện ra đó. Và một lý do khác là con người chưa thể đi vào chiều kích sâu thẳm và thâm thúy đó, một khi chưa được Chúa Thánh Thần soi sáng. Chúa Giêsu có lý do khi Ngài vừa tỏ mình lại vừa ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’ như thế!

Trình thuật hiện ra lần thứ ba của Ngài trong Tin Mừng hôm nay đã chứng tỏ điều đó. Đây là lần đầu tiên sau phục sinh, Ngài ngỏ lời với họ từ bờ biển khi họ đã thức suốt đêm mà không bắt được gì; Ngài bảo họ thả lưới bên hữu thuyền. Họ đã làm theo mà không nhận ra đó là Thầy mình, Đấng đang nói với họ, mãi cho đến khi bắt được nhiều hơn những gì họ có thể, họ mới nhận ra Ngài.

‘Mầu nhiệm’ trong lần hiện ra này có nhiều khía cạnh. Tại sao thoạt đầu các môn đệ không nhận ra Chúa Giêsu? Tại sao Ngài bảo họ quăng lưới bên phải mạn thuyền? Tại sao Thầy của họ được nhận biết sau mẻ cá lớn một trăm năm mươi ba con? Tại sao Đấng Phục Sinh dọn bữa sáng cho các môn đệ trên bờ biển? Và tại sao Gioan lại ghi rằng, “Không ai trong nhóm ngồi ăn dám hỏi, ‘Ông là ai?’”. Như vậy, rõ ràng, cuộc hiện ra của Chúa Giêsu thực sự ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’.

Đúng thế, sau ba năm ở với Thầy, các môn đệ đã kinh nghiệm một điều, không có Thầy, các ông không thể làm gì được; hơn nữa, họ ý thức mình được gọi là để lưới người, chứ không còn lưới cá. Chính vì thế, mẻ cá ấy đủ cho các ông thấy, họ đang vâng lời Đấng đã kêu gọi họ. Thú vị thay, số cá đếm được 153 con! Chẳng ai đi làm cá mà đếm cá, nhưng ‘153’ là tất cả loại cá sống ở biển hồ. Sứ mạng của môn đệ Chúa Giêsu là phải gom về cho Nước Chúa tất cả mọi hạng người trên trần gian; như thế, các môn đệ và trước nhất là ‘Gioan, người Chúa yêu’ phải nhận ra Ngài trong ý muốn ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’ của Ngài. Làm sao trí óc con người có thể hiểu được khi một người đã bị các nhà chức trách và dân mình đánh đập rồi giết chết, nhưng lại phải được loan báo dưới gầm trời này, để không một danh nào khác được ban cho nhân loại, mà nhờ đó, họ được cứu độ! Một kế hoạch cứu độ vượt quá mọi hiểu biết của con người đã thật sự được ẩn tàng dưới viễn cảnh của đau khổ và chết chóc như bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay nói đến.

Trong một cuốn tiểu thuyết, người đọc được cung cấp những manh mối mơ hồ khác nhau để giúp họ tìm ra những bí ẩn và giải quyết nó; các manh mối luôn mập mờ cách cố ý nhằm cho việc giải quyết chúng trở nên hấp dẫn và thách đố hơn. Tuy nhiên, khi nói đến một ‘mầu nhiệm của đức tin’, chẳng hạn mầu nhiệm đức tin chung quanh một cuộc hiện ra của Chúa Giêsu, thì mầu nhiệm này thuộc một loại hoàn toàn khác. Trong trường hợp này, mầu nhiệm có một chiều sâu và một chiều rộng cần khám phá và là một điều gì đó có khả năng lôi kéo chúng ta ngày càng đi sâu hơn, hiểu biết hơn vào bản chất vô hạn của Thiên Chúa và hành động xót thương cứu rỗi của Ngài.

Lấy ví dụ, “Không ai trong nhóm ngồi ăn dám hỏi, ‘Ông là ai?’, vì mọi người đã biết là Chúa”, thì có vẻ như các môn đệ tụ tập quanh Chúa Giêsu, họ ngồi đó với một lòng kính sợ khi Ngài chuẩn bị bữa điểm tâm cho họ. Sự kính sợ thầm lặng của họ đối với Ngài trong lần hiện ra này cho thấy, lời nói là không cần thiết và cũng không đủ. Thông thường, khi nhìn thấy ai đó vui vẻ, chúng ta sẽ chào hỏi, bắt chuyện… nhưng ở đây, các môn đệ vẫn ở trong sự kính sợ thánh thiện, lắng nghe Ngài, tiếp nhận bữa ăn và suy gẫm về mầu nhiệm sự hiện diện phục sinh của Ngài. Đó chính là bài học, cũng là câu trả lời cho lý do tại sao cuộc hiện ra của Chúa Giêsu lại ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’.

Anh Chị em,

Đức tin dạy chúng ta, Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống trong chúng ta, đang hoạt động trong Hội Thánh và trong lòng nhân loại. Ngài là chủ, đang điều khiển lịch sử thế giới theo chương trình của Ngài; nhưng điều ấy vẫn ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’. Cả nhân loại đang phải vật lộn từng ngày với khó khăn, bệnh tật, thiên tai, nghèo đói, chiến tranh… Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn đang có mặt ở đấy! Gia đình, cộng đoàn chúng ta cũng gặp bao biến cố, bất trắc, Ngài vẫn đang có mặt ở đấy! Ngài là Cứu Chúa! Vậy, chúng ta không thể sống như những người không có đức tin. Hãy bước đi trong ánh sáng, tình yêu và niềm vui vì Thiên Chúa đang hiện diện. Đồng thời, hãy phó thác mọi sự và dâng hết cho Ngài, ngõ hầu có thể khám phá ra Ngài đang ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’ mỗi ngày.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã luôn hiện diện và đồng hành với con. Xin ban cho con biết vững tin vào Chúa và biết làm chứng cho niềm tin ấy trong cuộc sống hằng ngày, dẫu những cuộc viếng thăm của Chúa thường ‘ẩn tàng cách mầu nhiệm’”, Amen.

(Tgp. Huế)