1. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm người kế vị Đức Hồng Y Tagle tại tổng giáo phận Manila
Hôm thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Jose Fuerte Advincula làm tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân, kế vị Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle.
Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã đưa ra thông báo được chờ đợi từ lâu, vào ngày 25 tháng Ba, Lễ Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ.
Đức Hồng Y Advincula, hiện là Tổng Giám Mục của Capiz, miền trung Phi Luật Tân, đã được tấn phong Hồng Y vào ngày 28 tháng 11 năm ngoái 2020.
Vị Hồng Y sẽ sang tuổi 69 vào ngày 30 tháng 3, tiếp quản quyền lãnh đạo tổng giáo phận Manila từ Đức Hồng Y Tagle, người được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc vào ngày 8 tháng 12 năm 2019.
Đức Hồng Y Tagle đến Rome vào tháng 2 năm 2020 sau khi làm tổng giám mục Manila từ năm 2011. Đức Cha Broderick Pabillo, một Giám Mục Phụ Tá ở Manila, đã được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa trong thời gian Đức Giáo Hoàng xem xét ai sẽ là tổng giám mục tiếp theo.
Việc bổ nhiệm này khiến Đức Hồng Y Advincula trở thành nhà lãnh đạo Giáo hội nổi bật nhất ở Phi Luật Tân, quốc gia có dân số Công Giáo lớn thứ ba thế giới sau Brazil và Mễ Tây Cơ. Khoảng 85% trong số 110 triệu người Phi Luật Tân là người Công Giáo đã được rửa tội.
Vị Hồng Y sẽ chăn dắt một tổng giáo phận với khoảng 2.5 triệu người Công Giáo, lớn hơn đáng kể so với tổng giáo phận Capiz, nơi có khoảng 800,000 người Công Giáo.
Source:Catholic News Agency
2. Đức Hồng Y ở lại Syria nói thời gian không còn nhiều để phục hồi sau 10 năm chiến tranh
Một vị Hồng Y người Ý đã ở lại Syria trong suốt thời gian cuộc nội chiến kéo dài 10 năm đã nói rằng ngài lo ngại “thời gian không còn nhiều” để tái thiết đất nước khi quốc gia này rơi vào cảnh nghèo đói sâu sắc hơn.
Đức Hồng Y Mario Zenari đã cư trú tại Damascus với tư cách là đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lần đầu tiên nổ ra trên các đường phố của nước này vào tháng 3 năm 2011. Ngài đã ở bên trong Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô của Syria khi tòa nhà này bị phiến quân pháo kích, đe dọa tính mạng của ngài vào năm 2013. Và trong năm qua, ngài đã liên tục vận động cho nhu cầu nhân đạo của 11 triệu người Syria, những người mà ngài cho rằng đã phải hứng chịu “quả bom đói nghèo” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi các biện pháp coronavirus.
Đức Hồng Y Zenari cho biết: “Hòa bình, tôi nhắc lại, sẽ không đến với Syria nếu không tái thiết và không phục hồi kinh tế.”
“Nhưng người Syria sẽ phải đợi bao lâu? Thời gian không còn nhiều. Nhiều người đã mất hy vọng. Cần có những giải pháp cấp bách và căn cơ”.
Đức Hồng Y đã phát biểu qua Zoom từ Damascus tại một sự kiện ảo do tổ chức bác ái Công Giáo Caritas Internationalis tổ chức.
Đức Hồng Y Zenari nói rằng “bế tắc chính trị hiện tại” giữa các bên trong cuộc xung đột Syria phải được khắc phục thông qua “các bước hỗ tương và thiện chí, từng bước từ chính phủ Syria, phe đối lập và các bên tham gia quan trọng từ bên ngoài”.
“Tiến trình hòa bình trong thời điểm này bị bế tắc hoàn toàn. Ngược lại, sự nghèo khổ đang chuyển động về phía trước rất nhanh”, ngài nói.
Đức Hồng Y Zenari cho biết, khoảng 90% dân số Syria đang sống dưới mức nghèo khổ, trích dẫn số liệu mới nhất của Liên Hợp Quốc và lưu ý rằng đây là “tỷ lệ cao nhất trên thế giới”.
Ngân hàng Thế giới ước tính nước này đã phải chịu thiệt hại về cơ sở hạ tầng trị giá ít nhất 197 tỷ Mỹ Kim trong cuộc xung đột.
Khi Đức Hồng Y Zenari lần đầu tiên đến Syria với tư cách là Sứ thần Tòa thánh vào năm 2008, nền kinh tế của đất nước đang tăng trưởng với tốc độ khoảng 4% mỗi năm.
Source:Catholic News Agency
3. Gia đình Công Giáo Ba Lan, bị Đức quốc xã giết hại vì giúp đỡ người Do Thái, đang trên con đường tuyên Chân phước
Sáng sớm ngày 24 tháng 3 năm 1944, một đội tuần tra của Đức Quốc xã đã bao vây ngôi nhà của Józef và Wiktoria Ulma ở ngoại ô làng Markowa ở đông nam Ba Lan. Họ phát hiện ra tám người Do Thái đã tìm nơi ẩn náu với cặp vợ chồng và hành quyết họ.
Cảnh sát Đức Quốc xã sau đó đã giết chết Wiktoria, 32 tuổi, đang mang thai, và người chồng 44 tuổi của cô. Khi những đứa con của hai vợ chồng bắt đầu la hét khi chứng kiến cảnh cha mẹ bị sát hại, Đức quốc xã cũng bắn chết họ: Stanisława, 8 tuổi, Barbara, 7 tuổi, Władysław, 6 tuổi, Franciszek, 4 tuổi, Antoni, 3 tuổi và Maria, 2 tuổi.
Người ta cho rằng Wiktoria đã chuyển dạ trong vụ thảm sát vì một nhân chứng sau đó nói rằng anh ta nhìn thấy một đứa trẻ sơ sinh bên cạnh thi thể của cô.
Bây giờ, 77 năm sau, án phong thánh cho Józef và Wiktoria - được người Ba Lan gọi là “Những người Samaritanô nhân hậu của làng Markowa” - đang tiến triển.
Người Công Giáo Ba Lan đánh dấu ngày kỷ niệm họ qua đời trong một thánh lễ buổi sáng tại giáo xứ Thánh Dorothy ở Markowa, thuộc tổng giáo phận Przemyśl. Đức Tổng Giám Mục Adam Szal của Przemyśl chủ sự thánh lễ.
Buổi lễ cũng trùng vào Ngày Quốc gia tưởng nhớ những người Ba Lan giải cứu người Do Thái dưới sự chiếm đóng của Đức.
Vị tổng giám mục bày tỏ sự vui mừng trước sự tiến bộ trong án tuyên thánh của cặp vợ chồng này, là những người hiện được gọi là Tôi tớ của Chúa, một danh hiệu được sử dụng khi bắt đầu tiến trình tuyên thánh.
“Chúng ta cảm ơn tấm gương về cuộc sống của gia đình Ulma. Món quà sự sống của họ là một dấu chỉ cho chúng ta rằng đôi khi chúng ta phải hy sinh mạng sống của mình để cứu người khác.”
Trong bài giảng của mình, Cha Witold Burda, cáo thỉnh viên án tuyên thánh, ca ngợi Józef và Wiktoria là mẫu gương cho các tín hữu Kitô.
“Gia đình Ulma luôn đặt luật Chúa lên trên hết trong cuộc sống hàng ngày,” ngài nói.
Source:Catholic News Agency
4. Mười vị tử đạo tại Guatemala sắp được tuyên chân phước
Ngày 23 Thánh Giêng năm ngoái, 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của ba linh mục thừa sai và bảy giáo dân, trong đó có một thiếu niên mười hai tuổi, bị giết vì sự oán ghét đức tin, trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1991 tại Guatamala.
Ba linh mục vừa nói thuộc dòng Thừa Sai Thánh Tâm Chúa Giêsu, sinh tại Tây Ban Nha. Trước tiên là cha José Maria Gran Cirera, được gửi tới Guatemala năm 1975. Tại đây, cha dấn thân phục vụ và bênh vực dân nghèo và các thổ dân. Cha bị ám sát ngày 4/6 năm 1980 cùng với ông Domingo del Barrio Batz, ông từ nhà thờ và cũng là một giáo lý viên, trong lúc đi viếng thăm mục vụ tại một số làng mạc.
Vị linh mục thứ hai là cha Faustino Villanueva, được gửi sang Guatemala năm 1959, đảm trách nhiều giáo xứ thuộc giáo phận Quiché. Cha bị ám sát ngày 10/7/1980. Thứ ba là cha Juan Alonso Fernández, đến Guatemala năm 1960, năm cha được chịu chức linh mục. Từ năm 1963 đến 1965, cha được gửi đi truyền giáo tại Indonesa và sau đó trở lại Guatemala, cha thành lập giáo xứ Đức Mẹ Nữ Vương ở Lancetillo. Cha đã bị tra tấn và giết chết ngày 15/2/1981.
Cùng với ba linh mục, có bảy giáo dân được phong chân phước, trong đó có bốn giáo lý viên.
Trong sứ điệp công bố hôm 21/3/2021 vừa qua, để thông báo lễ phong chân phước, Hội đồng Giám mục Guatemala đã nhắc lễ phong chân phước năm 2017 cho bốn vị tử đạo trong thời kỳ nội chiến tại nước này và nay “Chúa lại ban cho chúng ta cơ hội được chúc tụng và cảm tạ Ngài vì lễ phong chân phước cho mười vị tử đạo thuộc giáo phận Quiché, vào ngày 23/4 tới đây. Tại giáo phận này, công cuộc loan báo Tin mừng được đẩy mạnh trong thập niên 1940 với sự tham dự của nhiều người dấn thân phục vụ Thiên Chúa, Giáo hội và xã hội. Chứng tá và tấm gương của các vị tử đạo giúp chúng ta củng cố niềm tin nơi sự phục sinh của Chúa Kitô và mang lại cho chúng ta cơ hội được tôn kính các vị vì đã hiến mạng kể cả cho những kẻ thù. Việc nhớ lại cuộc sống và hoạt động của các vị tái khẳng định niềm hy vọng theo đó ta phải chết đi để sống, và không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì tha nhân.”
Các giám mục cũng nhận định rằng “Thiên Chúa thật là cao cả đối với chúng ta, vì giữa bạo lực không thể kiểm soát nổi trong những năm kinh hoàng ở Guatemanla, vẫn có ánh sáng và hy vọng chiếu tỏa rạng người, và ngày hôm nay, chúng ta gặt hái thành quả sự trung thành và sự thánh thiện qua chứng tá của các vị tử đạo”.
Source:Fides