Paulina Guzik, trên tạp chí Crux Now, tường trình rằng gần 1,500 nhà khoa bảng ở Ba Lan vừa công bố lời kêu gọi chống lại điều họ gọi là “vu khống và bác bỏ Đức Gioan Phaolô II” sau khi công bố phúc trình McCarrick của Tòa Thánh ngày 10 tháng 11.
Phúc trình ghi lại sự thăng tiến của cựu Hồng Y Theodore McCarrick bị thất sủng, người bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoàn tục vào năm 2019 sau khi ông bị cáo buộc một cách đáng tin cậy vì lạm dụng các vị thành niên, sau nhiều thập niên tin đồn truyền lan cả ở Hoa Kỳ lẫn ở Vatican về hành vi tình dục sai trái của ông với các chủng sinh.
Đức Gioan Phaolô II đóng một vai trò quan trọng trong việc thăng tiến của McCarrick, bổ nhiệm ông làm Giám mục Metuchen, Tổng Giám mục Newark và Tổng Giám mục Washington trước khi phong ông làm Hồng Y vào năm 2001.
Lá thư của nhóm học thuật viết, “Chúng tôi kêu gọi mọi người có thiện chí suy nghĩ. Đức Gioan Phaolô II, cũng như mọi người khác, đáng được thảo luận một cách trung thực. Bằng cách vu khống và bác bỏ Đức Gioan-Phaolô II, chúng ta không chỉ gây hại cho chính ngài mà còn cho chính chúng ta nữa”.
Trong số những người ký bức thư có Krzysztof Zanussi, đạo diễn từng đoạt giải thưởng và là thầy dạy của một thế hệ các nhà làm phim; Adam Daniel Rotfeld, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; và Hanna Suchocka, người từng là đại sứ Ba Lan tại Tòa Thánh từ năm 2001-2013.
Lời kêu gọi viết, “Các cuộc tấn công vô căn cứ nhằm vào ký ức Đức Gioan Phaolô II được thúc đẩy bởi một luận điểm đã định trước, mà chúng tôi coi là đáng buồn và gây xáo trộn sâu xa”.
Suchocka nói với Cơ quan Báo chí Ba Lan rằng “Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm McCarrick. Điều này không thể phủ nhận được”, nhưng “tuyên bố rằng ngài biết các hành động của McCarrick và ngay cả khi biết như vậy vẫn chỉ định ông ta là không đúng và không phải là khám phá của phúc trình”.
Bà nói thêm “Đức Gioan Phaolô II đã giải quyết các vấn đề một cách không hàm hồ và phù hợp với hiểu biết của ngài. Ngài không bao giờ né tránh hành động hoặc che đậy”.
Trong khi phúc trình McCarrick cho thấy rõ ràng Đức Gioan Phaolô II đã nhận được một lá thư từ Đức Hồng Y John O'Connor của New York, cảnh báo về “lý do vững chắc để tin rằng những tin đồn và cáo buộc về quá khứ có thể xuất hiện (…) với khả thể kèm theo tai tiếng nghiêm trọng và tiếng đồn tùm lum bất lợi”.
Phúc trình nói rằng Đức Gioan Phaolô II đã không làm ngơ vụ việc, nhưng đã yêu cầu các cố vấn đáng tin cậy nhất của ngài điều tra vấn đề này. Phúc trình cũng cho thấy không có lời buộc tội trực tiếp nào từ nạn nhân cho đến năm 2017, khi cuộc điều tra giáo luật được bắt đầu.
Nhóm có tên Środowisko [Môi trường của Đức Giáo Hoàng] gồm những người mà chính Đức Giáo Hoàng gọi là gia đình của ngài - viết trong tuyên bố của họ sau phúc trình rằng “Đức Gioan Phaolô II đã tranh đấu chống lạm dụng tình dục trong giới giáo sĩ và không bao giờ bảo vệ nó”.
Các thành viên của nhóm viết: “Đổ lỗi cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về việc thiếu hành động đối với việc bảo vệ trẻ em là bằng chứng cho thấy sự thiếu hiểu biết hoặc ý xấu của các nhóm loan truyền chúng”.
Danuta Rybicka là một trong những thành viên cao cấp nhất của Środowisko, vốn là bạn của cha Karol Wojtyła từ năm 1951, khi bà còn là một sinh viên 20 tuổi.
Bà nói với Crux “ngài là tất cả của chúng tôi. Một người cha, một người bạn, một người có thẩm quyền để bước theo."
Rybicka là người đã bắt đầu sử dụng biệt hiệu “Wujek” [Chú] để bảo vệ vị mục tử của họ và giới trẻ khi họ đi bộ đường dài và chèo thuyền kayak với linh mục - những hoạt động bị chế độ Cộng sản cai trị Ba Lan vào thời điểm đó cấm đối với các nhóm bao gồm cả giáo sĩ.
Rybicka nói, “Tôi đã chiến đấu chống Hitler trong Thế chiến thứ hai. Tôi đã chiến đấu chống Stalin sau chiến tranh. Tôi đã sống sót sau lệnh thiết quân luật ở Ba Lan vào những năm 80, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy bất lực như vậy khi người thân yêu nhất của tôi bị một số người tấn công một cách bất công ”.
Bà nói: “Tôi không còn đủ thể lực để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - điều duy nhất tôi có thể làm bây giờ là cầu nguyện để sự thật chiến thắng”.
Stephen White, Giám đốc Điều hành Dự án Công Giáo tại Đại học Công Giáo America nói rằng những lời kêu gọi tước việc phong thánh cho Đức Gioan-Phaolô II hoặc bãi bỏ việc tôn kính ngài “không phải là những đề nghị nghiêm túc và chúng hầu hết xuất phát từ những người hoặc nhóm có búa tạ ý hức hệ để nghiền nát”.
Tưởng cũng nên biết Linh Mục Thomas Reese, Dòng Tên, cựu chủ bút tập san America, ngày 19 tháng 11, 2020, đã có bài viết tựa là "It was a mistake to canonize Saint John Paul II so quickly" (Một lỗi lầm là đã phong hiển thánh cho Đức Gioan Phaolô II quá nhanh". Vị linh mục này viết rằng "Phúc trình gần đây chi tiết hóa đáp ứng của Vatican đối với tai tiếng quanh cựu Hồng Y Theodore McCarrick cho thấy tại sao là một lỗi lầm khi phong thánh cho các vị giáo hoàng (hay bất cứ ai) một cách nhanh chóng sau khi họ qua đời"
Mặc dù một số nhóm hiện nay nói rằng Đức Gioan Phaolô II được phong hiển thánh quá nhanh - ngài được phong chân phước vào năm 2011, chỉ sáu năm sau khi ngài qua đời, và được phong thánh chưa đầy ba năm sau đó - White không đồng ý.
“Câu hỏi đặt ra là: Quá nhanh ra sao? Điều ít ra cũng có nghĩa là cho rằng ngài được phong thánh ‘đúng lúc’ - rằng điều mà Giáo hội cần bây giờ là một tấm gương về một vị thánh vừa hiển nhiên thánh thiện vừa hiển nhiên bất toàn”.
White lưu ý các điều tích cực, “Điều quan trọng cần nhớ là hầu hết các biến cố trong Phúc trình McCarrick - ít nhất là những sự kiện liên quan đến việc thăng chức và nâng lên Hồng Y đoàn - đã xảy ra cách đây 20 - 30 năm”; ông nhấn mạnh việc phúc trình cung cấp một cái nhìn sơ lược về hoạt động của Giáo hội trước khi cuộc khủng hoảng lạm dụng ở Mỹ bùng nổ vào năm 2002. Điều này dẫn đến Hiến chương Dallas mang tính bước ngoặt về việc bảo vệ trẻ em cùng năm. Gần đây nhất, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Vos Estis Lux Mundi, đạo luật năm 2019 của Vatican về việc tranh đấu chống giáo sĩ lạm dụng.
White nói với Crux, “Nhiều cải cách về cơ cấu có thể giúp ngăn chặn sự thăng tiến của McCarrick đã được thiết định. Điều quan trọng hơn là đã có một sự thay đổi về văn hóa trong Giáo hội”.
Ông nói, “Điều đó rất quan trọng, bởi vì ngay cả những quy trình và thủ tục tốt nhất cũng sẽ tỏ ra vô hiệu nếu không có một nền văn hóa giáo hội thù nghịch với việc lạm dụng và che đậy. Giáo hội, ít nhất ở Hoa Kỳ, vẫn còn nhiều việc phải làm về vấn đề này, nhưng đang ở gần mục tiêu đó hơn nhiều so với trước đây lúc Theodore McCarrick đang leo lên bậc thang của giáo hội”.
White nhấn mạnh rằng đối với nhiều người, câu chuyện của phúc trình "không thoả đáng - bởi vì chúng ta muốn có ai đó để đổ lỗi," nhưng tài liệu "để lại cho người đọc một cảm thức rõ ràng rằng phần lớn trách nhiệm đạo đức đối với sự thất bại này nằm ở chính Theodore McCarrick".
Ông nói: “Hậu quả của tội lỗi của ông ta đã đụng tới hàng triệu cuộc đời - từ những nạn nhân đầu tiên của ông ta cách đây hơn 50 năm, cho đến tận chúng ta trong Giáo hội ngày nay, những người vẫn đang phải đối phó với thảm họa phát sinh từ những vụ săn mồi của ông ta”.