1. Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Ba Lan
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là các cuộc rước kiệu Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại Ba Lan.
Tính cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này, Ba Lan vẫn còn đang phải trải qua tình trạng khó khăn với số người nhiễm bệnh lên đến 832 người trong vòng 24 giờ của ngày 14 tháng 8. Tuy nhiên, các cuộc rước kiệu Lễ Đức Mẹ Lên Trời vẫn được diễn ra trong các thành phố và các vùng quê nơi ít chịu ảnh hưởng của COVID-19.
Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng Tám là một trong 13 ngày quốc lễ trong một năm của Ba Lan. Ngay cả trong thời kỳ cộng sản, ngày 15 tháng Tám vẫn là một ngày quốc lễ, mặc dù bọn cầm quyền cộng sản lúc đó gọi là ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan để kỷ niệm cuộc chiến tại Warsaw vào năm 1920.
Thông tấn xã KAI của Công Giáo Ba Lan cho rằng giải thích của bọn cầm quyền cộng sản chỉ là một lối giải thích miễn cưỡng. Cộng sản không muốn gọi ngày 15 tháng Tám là ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nhưng cũng không dám mừng ngày Các Lực Lượng Vũ Trang Ba Lan một cách trọng thể vì sợ mất lòng Liên Sô. Cho nên, trong suốt thời cộng sản, ngày 15 tháng Tám, dân chúng được nghỉ ngơi đi nhà thờ, không phải tham gia các cuộc mít-tinh hay các cuộc diễn binh, diễn hành trên đường phố.
Năm 1920, hồng quân Liên Sô tấn công Ba Lan. Quân Ba Lan liên tục rút chạy tán loạn trước sức tấn công vũ bão của đối phương. Trước đại họa đất nước bị chìm trong họa vô thần, hàng giáo sĩ Ba Lan kêu gọi anh chị em cầu nguyện đặc biệt với Đức Mẹ nhất là khi gần đến ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Ngày 12 tháng Tám, 1920, hồng quân Liên Sô do Nguyên Soái Mikhail Tukhachevsky lãnh đạo tạo thành 2 gọng kềm tiến đánh thủ đô Warsaw và thành phố Modlin Fortress. Tình thế gần như tuyệt vọng đối với người Ba Lan.
Tuy nhiên, một ngày sau Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, là ngày 16 tháng Tám, 1920, tướng Józef Piłsudski của Ba Lan mở cuộc phản công từ phía Nam thủ đô Warsaw. Hồng quân Liên Sô đại bại, rút chạy tán loạn về phía Đông liều lĩnh bơi qua sông Neman để thoát thân. Trong một ngày duy nhất, hơn 10, 000 quân Liên Sô tử trận, 500 bị mất tích dưới dòng sông Neman đang chảy như thác lũ, 30, 000 quân nhân bị thương và trầm trọng nhất là 66, 000 quân nhân bị bắt sống tại mặt trận. Tướng Józef Piłsudski, một quân nhân chuyên nghiệp, đã tạo ra một chiến công hiển hách lưu danh hậu thế. Nhưng ông là một người khiêm nhường, và đầy đức tin. Ông cho rằng chính nhờ Đức Mẹ và niềm tin vào Đức Mẹ mà quân Ba Lan từ tình trạng đang xuống tinh thần trầm trọng đã có thể đánh một trận oai hùng như vậy.
Thừa thắng xông lên, quân Ba Lan lần lượt thắng hết trận này sang trận khác, quét sạch quân Liên Sô ra khỏi bờ cõi đất nước. Cuối năm đó, Lênin đã phải nuốt nhục ký hiệp ước với Ba Lan.
Đại sứ Anh quốc tại Ba Lan là ông Edgar Vincent nhận xét rằng cuộc chiến ngày 16 tháng Tám, 1920 là cột mốc lịch sử. Nhờ cuộc chiến đó, phần còn lại của Âu Châu đã thoát khỏi mưu đồ bành trướng chủ nghĩa cộng sản của Lênin.
Tháng 6 năm ngoái 2019, lần đầu tiên, sau khi cộng sản sụp đổ trên toàn cõi Âu châu, các tín hữu Ba Lan lại thấy niềm tin Kitô của mình bị công khai xúc phạm trên các đường phố. Liên tiếp trong nhiều tuần lễ bắt đầu từ giữa tháng Sáu, các cuộc diễn hành đồng tính nổ ra trên hầu hết các thành phố lớn của Ba Lan. Có nơi chỉ một vài trăm người, nhưng cũng không thiếu các trường hợp quy tụ được cả chục ngàn người, đặc biệt là người trẻ.
Các nhà hoạt động đồng tính diễn các vở kịch giễu cợt Phụng Vụ Công Giáo, công kích giáo lý Công Giáo, bỉ báng Đức Mẹ, nói những lời lộng ngôn, coi tôn giáo như một rào cản ngăn không cho con người được hưởng tự do.
Nghiêm trọng nhất là vụ phạm thánh hôm 29 tháng 7 trong đó, một nhóm đồng tính đã xúc phạm tượng Chúa Giêsu vác thánh giá. Chúng đã treo cờ đồng tính trên thánh giá Chúa và bịt mặt Chúa bằng một miếng vải có dấu hiệu của những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ. Bức tượng bị nhóm đồng tính tấn công được đặt ngay trước cửa Vương Cung Thánh Đường Thánh giá ở thủ đô Warsaw.
Việc mạo phạm bức tượng Chúa Giêsu Kitô đang vác thánh giá tại trước Vương cung thánh đường Thánh giá đã gây ra nhiều phẫn nộ trong lòng người dân Ba Lan.
Công tố viện đã quyết định khởi tố vụ này và cảnh sát đang một cuộc điều tra về việc xúc phạm các di tích và chống lại tình cảm tôn giáo.
2. Ý nghĩa Lễ Đức Mẹ Lên Trời
Lễ Đức Mẹ Lên Trời, trước đây còn gọi là Lễ Đức Mẹ Mông Triệu, là một ngày lễ quan trọng trong niên lịch Phụng Vụ đối với các Kitô hữu thuộc Giáo Hội Công Giáo Rôma, Chính Thống giáo Đông phương, Cộng đồng Anh giáo, vì các tín hữu tin rằng khi qua đời thì linh hồn và thể xác của Đức Maria đã được đưa về thiên đàng.
Giáo Hội Công Giáo Rôma đã xác định sự kiện này là một “tín điều”; và Đức Giáo Hoàng Piô XII đã ban hành vào ngày 1 tháng 11 năm 1950 qua Hiến chế “Munificentissimus Deus”, nghĩa là Thiên Chúa vô cùng vinh hiển. Trong hiến chế này, Đức Thánh Cha Piô XII tuyên bố rằng: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa vừa vô nhiễm vừa mãi mãi đồng trinh, đã được đưa vào vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác” bởi những lý do: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; thân xác Đức Giêsu sinh ra từ thân xác Đức Maria; thân xác Đức Maria không hề sa sút nhưng vẫn trinh khiết vẹn toàn và bởi đó thật xứng đáng nếu thân xác ấy không bị hư nát sau khi chết; và vì đã liên kết chặt chẽ với Đức Ki-tô trong sứ mạng cứu độ của Người ở trần gian, nên Đức Maria cũng thật xứng đáng được chia sẻ tình trạng vinh quang của thân xác.
Trong thánh kinh không có bằng chứng trực tiếp nào về việc Đức Maria lên trời, nhưng Hội thánh Công Giáo rút ra kết luận đó từ cách gọi Đức Maria đầy ân sủng được ghi trong Tin mừng Luca (Lc 1:28). Vì đầy ân sủng nên Mẹ được gìn giữ khỏi phải chịu hậu quả của tội lỗi, tức là thân xác không phải hư nát sau khi chết và thân xác được hạnh phúc trên trời ngay cả khi ngày tận thế chưa đến. Khi đặt niềm tin vào việc Đức Maria lên trời, Hội thánh không dựa vào Kinh Thánh mà dựa vào truyền thống được kể lại. Đây chắc chắn là giáo lý đã được mạc khải, bởi vì các giám mục Công Giáo trên toàn thế giới đã nhất trí tin rằng đó là một phần trong mạc khải của Thiên Chúa.
Ngoài ra, niềm tin về Đức Mẹ Lên Trời cũng được biết đến như là nền Thần học Thánh Mẫu trong Giáo hội Chính Thống Đông phương.
Đức Mẹ Lên Trời là một ngày lễ lớn, thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 8. Ở một số quốc gia châu Âu, đây là ngày nghỉ lễ chính thức, bao gồm: Áo, Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Ý, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Croatia, Litva, Luxembourg, Tây Ban Nha, một số tổng của Thụy Sĩ và Chí Lợi, Ecuador, Liban, Sénégal.
Lễ Đức Mẹ Lên Trời một ngày nghỉ lễ ở các quốc gia có cộng đồng Chính thống giáo lớn như Cộng hòa Macedonia, Rumani, Gruzia và Hy Lạp.
Thành phố thủ đô của Paraguay được đặt tên là Asunción để tôn vinh sự kiện Đức Mẹ Lên Trời.
3. Câu chuyện “Không Kể Chúa Ba Ngôi, Quỷ Sợ Ai Nhất? ”
Tại thành Marcasona nước Pháp, có một chàng thanh niên khô đạo, dám ngạo mạn khinh chê phép lần hạt Mân Côi mà Đức Mẹ đã truyền dạy thánh Đaminh phải cổ võ mọi người thi hành. Chúa đã để cho y bị quỷ ám để tỏ rõ uy quyền Đức Mẹ.
Các gia nhân phải khó khăn lắm mới đưa được anh ta đến với cha thánh Đaminh xin ngài trừ quỷ. Cha truyền đưa anh ta đến nhà thờ. Và trước mặt đông đảo giáo dân, cha thánh Đaminh lớn tiếng hỏi ma quỷ:
– Trên Thiên đàng, không kể Chúa Ba Ngôi, còn đấng nào mày sợ hơn cả?
Tên quỷ la hét, tru trếu ghê rợn, hắn nhất định không chịu trả lời. Cha Đaminh truyền cho nó phải nói sự thật. Nhưng hắn miễn cưỡng chỉ xin nói nhỏ vào tai cha Đaminh chứ không muốn cho mọi người nghe.
Cha Đaminh nhất định không chịu. Cha liền sấp mình xuống đất nài xin Đức Mẹ bắt ma quỷ nói công khai.
Ma quỷ tinh khôn và xảo quyệt đáo để, nó giả vờ khiêm nhường nói với cha:
– Chúng tôi là kẻ nói dối, xin ngài đừng tin. Xin ngài hãy nhờ các Thiên thần là những kẻ thật thà trả lời cho ngài biết.
Cha Đaminh đâu có chịu thua ma quỷ. Ngài sấp mình xuống trước tòa Đức Mẹ van nài Mẹ dùng quyền phép bắt ma quỷ phải xưng thú ra, để giáo dân biết rõ.
Nhận lời van xin của cha thánh Đaminh, Đức Mẹ thân hiện ra, cầm roi đánh tên quỷ bắt buộc ma quỷ phải nói ra sự thật. Bấy giờ hắn kêu la có vẻ hằn học tức tối với Đức Mẹ. Hắn biết rằng nói ra sự thật thì thiệt hại cho nó lắm, vì như thế người ta sẽ tôn kính Đức Mẹ hơn, và các linh hồn sẽ vuột khỏi tầm tay của hắn. Bất đắc dĩ ma quỷ phải to tiếng công khai rằng:
– Tất cả mọi người hãy lắng tai mà nghe: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa có quyền phép gìn giữ, bảo vệ những ai tôn kính Ngài khỏi sa Hỏa ngục. Ai sùng kính yêu mến Ngài thật tình thì thoát khỏi tay chúng tao. Mỗi lời Bà ấy xin cùng Thiên Chúa thì thần thế và hiệu nghiệm hơn mọi lời các thánh. Ai sắp mất linh hồn sa Hỏa ngục mà kêu tên Mẹ Maria thế nào cũng được cứu giúp. Nếu không có Mẹ Maria giúp đỡ che chở, thì đạo Công Giáo đã phải vô cùng khốn đốn, khó lòng mà đứng vững được trước sức tấn công như vũ bão của chúng tao. Bà ấy ban cho những ai siêng năng lần chuỗi Mân Côi được khỏi sự dữ, được ơn ăn năn thống hối mọi tội và được về Thiên đàng.
Bấy giờ cha thánh Đaminh bảo tất cả mọi người đọc kinh Mân Côi thật chậm và thật sốt sắng. Và một sự lạ đã xảy ra, sau mỗi kinh Kính Mừng mà cha Đaminh và dân chúng đọc chung với nhau, thì một nhóm ma quỷ xuất ra từ thân xác khốn khổ của người đó, dưới hình dạng những cục than đỏ. Khi bọn quỷ ám xuất ra hết, thì người lạc giáo ấy hoàn toàn trở lại bình thường.