Các cuộc biểu tình chống chính phủ đã lập tức nổ ra ở các thành phố của Ba Lan, ngay sau khi Tối Cao Pháp Viện của nước này xác nhận phán quyết thắt chặt luật phá thai nghiêm ngặt của quốc gia chủ yếu theo Công Giáo.
Hàng nghìn người phò phá thai đã tập trung bên ngoài tòa án ở Warsaw, để đáp lại lời kêu gọi bùng nổ các cuộc biểu tình mới của các nhóm phụ nữ đã dẫn đầu nhiều tuần biểu tình lớn vào năm ngoái chống lại phán quyết ban đầu được đưa ra hôm 22 tháng 10. Các cuộc biểu tình cũng được tổ chức ở nhiều thành phố khác, bất chấp sự hiện diện đông đảo của cảnh sát.
Tại Warsaw, những người biểu tình sau đó đã tuần hành qua trung tâm thành phố đến trụ sở của đảng Đảng Công lý và Pháp luật đang cầm quyền với các biển hiệu của nhóm phụ nữ phò phá thai và cờ cầu vồng ủng hộ quyền của người LGBT. Giống như trong các cuộc biểu tình năm ngoái, họ bất chấp lệnh cấm tụ tập vì đại dịch của chính quyền Ba Lan.
Hôm 22 tháng 10, năm ngoái, Tòa Bảo Hiến Ba Lan, ở thủ đô Warsaw, hay còn gọi là Varsava, đã phán quyết rằng đạo luật năm 1993 cho phép phá những bào thai khuyết tật là trái với hiến pháp quốc gia. Phán quyết này là chung kết và không thể kiện lên tòa án nào cao hơn. Theo nhiều quan sát viên, phán quyết này sẽ giảm bớt nhiều con số những vụ phá thai ở Ba Lan. Bộ y tế Ba Lan cho biết trong năm 2019, có 1,110 vụ phá thai hợp pháp ở nước này, phần lớn vì bào thai bị coi là khuyết tật.
Ngay sau ngày 22 tháng 10, có nhiều nhóm ủng hộ phá thai đã mang những khẩu hiệu, biểu ngữ ủng hộ phá thai, đột nhập nhiều nhà thờ trong lúc cử hành thánh lễ, để phản đối phán quyết của tòa bảo hiến.
Cùng ngày 25 tháng 10, Đức cha Gądecki, Tổng giám mục giáo phận Poznan, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, đã ra tuyên ngôn kêu gọi những người chống đối án lệnh của tòa bảo hiến, hãy bày tỏ sự chống đối của họ một cách có thể chấp nhận được về mặt xã hội. Ngài nói: “Sự xúc phạm, bạo lực, lạm dụng các biểu ngữ, lăng mạ và làm xáo trộn các buổi lễ đã xảy ra trong những ngày gần đây, mặc dù những hành động ấy có thể giúp một số người giải tỏa cảm xúc, nhưng đó không phải là cách thức hành động đúng đắn trong một quốc gia dân chủ. Tôi bày tỏ đau buồn vì tại nhiều nhà thờ hôm nay, các tín hữu bị cản trở không được cầu nguyện và quyền tuyên xưng tín ngưỡng của họ bị tước bỏ”.
Cả nhà thờ chính tòa của Đức Tổng Giám Mục Gądecki cũng bị những kẻ phản đối chiếu cố và xúc phạm. Ngài nhấn mạnh rằng: “không phải Giáo hội là người quyết định các luật có phù hợp với hiến pháp quốc gia hay không. Về phần mình, Giáo hội không thể ngưng bảo vệ sự sống và cũng không thể không tuyên xưng rằng mỗi người phải được bảo vệ từ khi mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên”.
Source:Crux