1. Trung Quốc bắt giữ ký giả Úc: phát súng cảnh cáo trước mũi tầu

Báo chí tại Úc đã cho chạy những hàng tít lớn cho thấy những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Canberra. Chẳng hạn như hàng tít này của Sky News Australia: “Detainment of Australian journalist is China’s ‘shot across the bows’” liên quan đến vụ bắt giữ một ký giả người Hoa nhưng có quốc tịch Úc.

Lan Vy xin được giải thích một chút về thành ngữ ‘shot across the bows’. Trước đây khi chưa phát minh ra các sóng vô tuyến và các loa phát thanh công suất lớn, tầu bè di chuyển trên biển buộc phải treo các lá cờ để chỉ rõ quốc gia xuất xứ của mình. Những tầu bè không treo cờ có thể bị hải quân các nước đánh chìm.

Đối với tầu bè có treo cờ, hải quân các nước có thể bắn cảnh cáo bằng cách bắn những quả đại bác trước mũi tầu. Thành ngữ ‘shot across the bows’ nghĩa là ‘bắn trước mũi tầu’, tương tự như người Việt thường nói ‘bắn chỉ thiên’, nghĩa là bắn để cảnh cáo chưa có ý muốn sát thương.

Trong một diễn biến cho thấy Trung Quốc đang muốn bắn cảnh cáo Úc Đại Lợi, bọn cầm quyền Trung Quốc đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Úc Đại Lợi rằng chúng đã bắt một ký giả có quốc tịch Úc vào ngày 14 tháng 8.

Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết:

“Các quan chức Úc đã có thăm cô Trình tại một cơ sở giam giữ thông qua liên kết video vào ngày 27 tháng 8 và sẽ tiếp tục hỗ trợ và hỗ trợ cô và gia đình cô. Hiện nay chúng tôi không thể đưa ra thêm các lời bình luận để bảo vệ quyền tư ẩn của cô”.

Người ký giả bị bắt là Trình Lôi (Cheng Lei, 程雷). Cô là người Hoa, sinh quán tại Bắc Kinh

Cô đã sang Úc du học và tốt nghiệp Đại học Queensland, sau đó làm việc 5 năm với Cadbury Schweppes và ExxonMobil ở Melbourne và nhập quốc tịch Úc trước khi trở lại Bắc Kinh vào năm 2003.

Cô cũng là phóng viên Trung Quốc hoạt động cho mạng truyền hình CNBC của Mỹ trong chín năm. Từ năm 2013, cô là phóng viên kinh doanh của mạng truyền thông nhà nước Trung Quốc CGTN-News, kênh tiếng Anh của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.

Cô Trình Lôi có hai người con đang sống ở Melbourne.

Hôm 16 tháng Hai, cô viết trên Facebook rằng nhóm của cô đã năn nỉ cấp trên cho họ đến Vũ Hán để tường trình về tình trạng đại dịch coronavirus. Tuy nhiên, họ đã không thành công.

Sau biến cố này, có thể là vì tự tin vào tư cách công dân Úc của mình, Trình Lôi thường xuyên viết các bài chỉ trích bọn cầm quyền Trung Quốc về mọi chuyện, đặc biệt là những vấn đề xoay quanh COVID-19.

Đoạn video quý vị và anh chị em đang xem thấy đây được Bộ Ngoại giao Úc thực hiện vào năm 2018 để quảng bá cho hệ thống Đại Học của Úc. Cô Trình Lôi đã không tiếc lời ca ngợi hệ thống giáo dục Úc Đại Lợi là tiên tiến và nhân bản.

“Giáo dục Úc, các nền văn hóa và các giá trị Úc đều đan quyện vào nhau và điều đó có nghĩa là có rất nhiều sự tôn trọng tự do, rất nhiều sự tôn trọng cho sự sáng tạo, cá tính, ” cô nói.

“Và tôi nghĩ điều đó đã giúp tôi rất nhiều trong công việc. Nó cho phép bạn tự do suy nghĩ cho chính mình, đặt câu hỏi ngay cả đối với sách giáo khoa, thậm chí cả với các giáo sư, và tự đánh giá, điều này rất quan trọng trong ngành báo chí.”

Đến nay Trình Lôi vẫn chưa bị buộc tội, nhưng đang bị giam giữ. Luật pháp Trung Quốc cho phép các nhà điều tra Trung Quốc giam giữ và thẩm vấn một nghi phạm trong tối đa sáu tháng, mà không được tiếp cận với trợ giúp pháp lý.

Trước đây Dương Hằng Quân (Yang Hengjun, 杨恒君) một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, trở thành công dân Úc năm 2002, đã ngồi tù hơn 18 tháng sau khi bị Cục An ninh Nhà nước Bắc Kinh bắt giữ vì tình nghi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc.

Cô Trình Lôi được tin vẫn còn quốc tịch Trung Quốc. Điều này là một mối nguy hiểm đối với cô.


Source:Sydney Morning Herald

2. Những câu chuyện về sự xâm nhập của người Trung Quốc vào các trường đại học ở Úc là 'thực sự đáng sợ'

Người dẫn chương trình Sky News, Paul Murray nói rằng những câu chuyện được tiết lộ cuối tuần qua về việc chính phủ Trung Quốc xâm nhập vào các trường đại học ở Úc là “ thực sự đáng sợ.”

Ông Murray cho biết theo các báo cáo vừa được tiết lộ University of Technology Sydney, tức là Đại học Công nghệ Sydney, trường Đại Học của nhà nước này đã tuyển dụng một người trước đây từng làm việc cho lãnh sự quán Trung Quốc. Trước đó, Sky News Australia từng tiết lộ rằng tại trường Đại Học này có cả một chi bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hoạt động rất tích cực.

Murray cho biết thêm: “Có cả một học giả Úc lại đang làm việc cho một trường đại học có liên quan đến các thông tin quốc phòng của phía Trung Quốc.”

“Rồi còn có một nghị sĩ Đảng Tự do Nam Úc… cô ấy, theo tờ The Australian, đã cố gắng xóa hết những hình ảnh trên mạng xã hội của mình tại một tổ chức cộng đồng do Bắc Kinh hậu thuẫn.”


Source:Sky News Australia

3. Các Giám Mục Ba Lan bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các hành vi phạm thánh.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào cuối phiên họp toàn thể vào ngày 29 tháng 8, các Giám Mục Ba Lan đã kêu gọi tôn trọng nhiều hơn đối với tình cảm tôn giáo.

Tuyên bố cho biết: “Các Giám Mục bày tỏ quan ngại về những trường hợp xúc phạm những nơi thờ tự và các biểu tượng tôn giáo, ngày càng thường xuyên hơn, gây đau đớn cho rất nhiều người”.

“Hội đồng Giám Mục Ba Lan kêu gọi sự tôn trọng cảm xúc tôn giáo của các tín hữu và tất cả những ai mà những địa điểm và biểu tượng này tạo thành một giá trị độc đáo bất kể thế giới quan của họ là gì.”

Các Giám Mục không trích dẫn bất kỳ ví dụ nào trong tuyên bố của các ngài, nhưng rõ ràng quan tâm của các ngài đã diễn ra theo sau một vụ việc nghiêm trọng vào tháng 7, trong đó những người đồng tính đã gắn cờ cầu vồng lên một bức tượng lịch sử của Chúa Kitô ở thủ đô Warsaw.

Đức Hồng Y Kazimierz Nycz của Warsaw mô tả vụ việc xảy ra bên ngoài Nhà thờ Thánh Giá của thành phố là một “sự xúc phạm” “gây đau đớn cho các tín hữu, giáo dân của Nhà thờ Thánh Giá và nhiều cư dân của thủ đô”.

Trong cuộc họp của các Giám Mục tại Jasna Góra vào tuần trước, các Giám Mục đã ban hành một tài liệu dài 27 trang kêu gọi người Công Giáo tôn trọng những người được xác định là LGBT+ nhưng không chấp nhận quan điểm của họ một cách thiếu cân nhắc. Văn bản có tựa đề “Lập trường của Hội đồng Giám mục Ba Lan về LGBT+” cũng lên án bạo lực bằng lời nói và thể chất đối với những người liên quan đến phong trào LGBT+.

Tại buổi họp mặt từ ngày 27-29 tháng 8, các Giám Mục cũng đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày các bài học tôn giáo được trở lại các trường học ở Ba Lan sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Các ngài thảo luận về tình trạng giáo dục tôn giáo hiện nay, cũng như việc chuẩn bị và đào tạo giáo lý viên thích hợp.


Source:Catholic News Agency