1. Cảnh tượng tại Vũ Hán ngày nay đặt ra những câu hỏi rất lớn cho nhiều người
Những cảnh tượng vui hết biết và đông hết biết mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây không phải xảy ra tại Hoa Kỳ, Âu Châu hay bất cứ nơi nào khác trong thế giới phương Tây. Nó diễn ra tại Vũ Hán, Trung Quốc. Thông tấn xã Reuters /roi-tơ-s/ cho biết như trên.
Ở đây đám đông thanh niên đang vui đùa, đông chật cứng trong các hộp đêm và các quán bar mà không cần phải đeo các khẩu trang y tế. Họ cũng được tự do thưởng thức các món ăn trên đường phố. Tất cả những cảnh tượng này hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra hồi cuối tháng Giêng cho đến tháng Năm vừa qua.
Thành phố miền trung của Trung Quốc này đã là tâm chấn ban đầu của COVID-19, nhưng bảy tháng sau khi thoát ra khỏi một trong những nơi có chốt chặn nghiêm ngặt nhất thế giới. Cuộc sống về đêm của nó đã trở lại sôi động.
Sự hồi sinh lạ lùng của Vũ Hán hoàn toàn khác biệt với một thế giới đang vất vả đối phó với đại dịch coronavirus đợt một và nay là đợt hai. Ở Âu Châu những người lạc quan lắm mới dám tin rằng đến cuối năm 2021, sau khi vắc xin COVID-19 được triển khai toàn cầu, may ra cuộc sống mới bình thường trở lại. Nhưng oái oăm thay, điều đó đã là một thực tại ở Vũ Hán, tâm chấn ban đầu của dịch bệnh kinh hoàng này.
Nhất Nhất (Yi Yi - 一一) là một cư dân Vũ Hán nói:
“Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, Vũ Hán thực sự là một thành phố chết. Nhưng sau khi nó mở cửa trở lại, tôi chưa bao giờ thấy nhiều người như vậy. Bây giờ mọi người đều ra ngoài để ăn uống và vui chơi.”
Vào đầu năm nay, thành phố công nghiệp 11 triệu dân bị cô lập với phần còn lại của đất nước, giao thông đường bộ hoàn toàn bị cắt đứt.
Theo con số do bọn cầm quyền Bắc Kinh báo cáo, gần 3,900 trong số 4,634 trường hợp tử vong vì COVID-19 được ghi nhận là ở Vũ Hán.
Thành phố đã không báo cáo một trường hợp mới lây truyền tại địa phương kể từ đầu tháng Năm, nhưng nền kinh tế của nó vẫn đang phục hồi sau những thiệt hại lớn trong thời gian đóng cửa, đặc biệt là các khách sạn và nhà hàng.
Hiện tại, những người thích tiệc tùng như Trương Quỳnh (Zhang Qiong, 张琼) rất vui khi khám phá lại các điểm nóng về đêm của Vũ Hán:
“Sau khi trải qua đợt đại dịch đầu tiên ở Vũ Hán và sau đó được giải phóng, tôi cảm thấy như mình đang sống một cuộc sống thứ hai. Tôi chỉ thực sự muốn trân trọng khoảng thời gian này, bởi vì trong cuộc sống bạn không bao giờ biết khi nào nó sẽ kết thúc.”
Cố nhiên, chúng ta không mong cho người dân Vũ Hán cứ tiếp tục phải gánh chịu những đau khổ cùng với thế giới. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra tại Vũ Hán khiến cho nhiều người lo ngại rằng bọn cầm quyền Trung Quốc vừa có thuốc độc, vừa có thuốc giải.
Source:Reuters
2. Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng: Đức Thánh Cha đã được cố vấn sai lầm về Trung Quốc
Ông Chris Patten là Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng và là người đứng đầu ủy ban cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc cải tổ và hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc của Tòa thánh. Trong cuộc hội thảo do tờ The Tablet tổ chức hôm 18 tháng 12, ông bày tỏ âu lo rằng những người cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong chính sách đối với Trung Quốc đã sai lầm một cách nghiêm trọng.
Sarah MacDonald của Catholic News Service, cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, có bài tường thuật nhan đề: “Last Hong Kong governor: Pope ‘badly advised’ on China bishops’ pact” nghĩa là “Thống đốc cuối cùng của Hương Cảng cho rằng Đức Giáo Hoàng đã được ‘cố vấn sai lầm’ về hiệp ước giám mục với Trung Quốc”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Tuần báo Công Giáo quốc tế, The Tablet, đã tổ chức một cuộc thảo luận trực tuyến với chủ đề “Trung Quốc và các nền dân chủ tự do - Chúng ta có phải đối mặt với một cuộc Chiến tranh Lạnh mới không?”. Trong cuộc thảo luận này, ông Chris Patten đã kêu gọi Vatican “cho chúng tôi biết những gì có trong thỏa thuận”.
Các chi tiết của thỏa thuận song phương đến nay vẫn còn bí mật. Thỏa thuận này đã được gia hạn vào tháng 10 bất chấp sự chỉ trích của Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền.
“Theo tôi, ý tưởng rằng đây là thời điểm tốt để thực hiện các thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc thật đáng kinh ngạc,” Patten nói và nhấn mạnh rằng từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thế giới đã phải chứng kiến quyền con người và tự do tôn giáo ở Trung Quốc bị tấn công ở mức kinh hoàng.
Ông Patten, người từng là thống đốc Hương Cảng từ năm 1992 đến năm 1997 và giám sát việc bàn giao thuộc địa của Anh này cho Trung Quốc theo nguyên tắc một quốc gia, hai hệ thống, nói rằng thỏa thuận của Vatican sẽ không vượt qua được “trắc nghiệm Dietrich Bonhoeffer”.
Ông Patten nhấn mạnh rằng Bonhoeffer, một mục sư và nhà thần học người Lutheran, đã nói rằng “im lặng khi đối mặt với cái ác tự nó là cái ác. Ông ấy khẳng định rằng không nói là nói, không hành động là hành động, khi người ta đang thực hiện những điều khủng khiếp”.
“Tôi nghĩ đây là một ví dụ về những lời cố vấn quá sức tồi tệ, là những gì sẽ quay trở lại và làm tổn thương Giáo Hội chúng ta”.
Ông Chris Patten nguyên là một chính trị gia của Đảng Bảo thủ, là người đứng đầu ủy ban cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc cải tổ và hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc của Tòa thánh, cho biết thỏa thuận này nên được xem xét để xem hoàn cảnh của người Công Giáo có được cải thiện hay không kể từ khi được ký kết hơn hai năm trước. Trước các tin tức về làn sóng bách hại ngày càng tăng tại Hoa Lục và cả tại Hương Cảng ông tin rằng “chính xác điều ngược lại đã xảy ra.”
“Tôi là một người rất ngưỡng mộ, hết sức quý mến Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng tôi nghĩ chính sách này, đã được người ta cố vấn cho ngài, là hoàn toàn sai lầm.”
Cho đến nay, người ta chỉ có thể hiểu lờ mờ rằng thỏa thuận tạm thời giữa Vatican và Trung Quốc nêu ra các thủ tục để bảo đảm rằng các giám mục Công Giáo được cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc, mà trên thực tế là Đảng Cộng sản Trung Quốc, bầu chọn và được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn trước khi tấn phong và bổ nhiệm.
Các quan chức Vatican nói rằng việc từ bỏ toàn quyền đối với việc lựa chọn giám mục sẽ không phải là điều mà Vatican hy vọng, nhưng thỏa thuận này là bước đầu tiên khá tốt để bảo đảm tự do và an ninh hơn cho cộng đồng Công Giáo ở Trung Quốc.
Ông Patten cáo buộc Trung Quốc đã hành xử một “cách tàn bạo và bắt nạt” như đã được minh chứng qua việc họ giết lính Ấn Độ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, đánh chìm tàu đánh cá của các nước khác ở Biển Đông, đe dọa Đài Loan và tranh cãi với Úc Đại Lợi và Canada và sử dụng một thứ ngoại giao cưỡng chế.
Ông cảnh báo: “Họ đã đưa ra luật an ninh quốc gia ở Hương Cảng, có hiệu lực đặt Đảng Cộng sản Bắc Kinh vào vị thế nắm quyền ở Hương Cảng và phá hủy mức độ tự chủ của nó”.
Patten nói rằng ông không chấp nhận rằng những hành động này là kết quả của Chiến tranh Lạnh nhưng ông tin rằng đang “có một cuộc tấn công của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào các giá trị tự do của các xã hội Anh, Mỹ”.
Ông nhấn mạnh rằng: “Những gì chúng ta phải làm khi người Trung Quốc cư xử tồi tệ là tất cả chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để chống lại họ và phải cùng nhau làm điều đó”.
Ông cũng chỉ trích sự im lặng của Vatican đối với sự đàn áp của Trung Quốc đối với Phật tử ở Tây Tạng và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và so sánh cách đối xử này với những gì đã xảy ra khi người Do Thái ở Âu châu bị tấn công trong những năm 1930 và 40.
Cựu chính trị gia Patten cũng chỉ trích mạnh mẽ cách đối xử của Vatican đối với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, một nhà phê bình thẳng thắn đối với Trung Quốc. Ông lưu ý rằng trong khi các nhà lãnh đạo Công Giáo vẫn sẵn sáng bắt tay với ngoại trưởng Trung Quốc, thì khi Đức Hồng Y Quân đến Rome, ngài đã không được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến.
“Điều đó thật đáng hổ thẹn,” ông nói.
Source:Catholic News Service