1. Đại sứ tự do tôn giáo Hoa Kỳ lên án Trung Quốc sử dụng công nghệ để đàn áp tôn giáo
Đại sứ tự do tôn giáo tuyên bố Mỹ đã lên tiếng chống lại việc Trung Quốc gia tăng sử dụng công nghệ để đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo.
“Hoa Kỳ hôm nay tuyên bố rằng chúng tôi sẽ theo đuổi chủ đề lạm dụng công nghệ để đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo,” Sam Brownback, Đại sứ Toàn quyền về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc họp báo ngày 17 tháng 11 về Nâng cao Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng.
Đại sứ Brownback đã đề cập đến sự ngược đãi của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ; và lưu ý rằng Bắc Kinh đã tạo ra một “quốc gia cảnh sát ảo” để theo dõi các chuyển động của dân chúng và dự phần vào việc hình thành các chính sách.
“Chúng tôi đang thấy điều này được thực hiện thật rõ rệt ở Tân Cương, nơi các hệ thống quan sát công nghệ cao sử dụng trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt đang áp chế phần lớn người Hồi giáo, không cho họ thực hành đức tin của mình. Điều này cần phải được xem xét chung với việc giam giữ trong các trại cải tạo hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo,” ông Brownback nói.
Callista Gingrich, Đại sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa thánh, đã tuyên bố hôm 16 tháng 11 rằng “bảo vệ quyền tự do tôn giáo không chỉ là một nghĩa vụ đạo đức. Đó còn là một mệnh lệnh an ninh quốc gia. Khi các quốc gia bảo vệ tự do tôn giáo một cách hiệu quả, họ sẽ an toàn hơn, thịnh vượng hơn và an ninh hơn”.
Source:Catholic News Agency
2. Đức Hồng Y Becciu kiện tuần báo L’Espresso
Trong thông cáo, được công bố hôm 18 tháng 11, Đức Hồng Y Becciu cho biết đã nhờ văn phòng luật sư Cellipari del Foro ở thành phố Verona, phía bắc Italia, kiện báo L’Espresso để đòi bồi thường, vì những thiệt hại lớn lao đã gây ra cho ngài.
Đức Hồng Y viết: “Những tài liệu đệ trình tòa án chứng tỏ sự tuyệt đối vô căn cứ của những tin đăng trên tuần báo này. Quyền và nghĩa vụ thông tin không liên hệ gì với những gì báo này viết về tôi, ngày càng xuyên tạc sự thật, những xuyên tạc đó cố ý tàn hại và bóp méo hình ảnh của tôi như một con người và như một linh mục”.
Đức Hồng Y Becciu cũng viết rằng: “Đứng trước thiệt hại quá to lớn, mà những bài gọi là “điều tra” của báo L’Espresso đã gây ra cho bản thân tôi, và quan trọng hơn nữa là cho toàn thể Giáo hội, một yêu cầu bồi thường rất lớn đã được đưa ra, và tiền này sẽ hoàn toàn được chuyển cho các tổ chức bác ái. Tôi tiếp tục phụng sự Giáo hội và hoàn toàn trung thành với Đức Thánh Cha và sứ vụ của ngài, nhưng tôi sẽ dành trọn năng lực còn lại của tôi để sự thật được tái lập qua những tiến trình pháp lý mà tôi đã khởi xướng”.
Báo L’Espresso thuộc khuynh hướng tả phái và thường khai thác tận tình những tai tiếng trong Giáo hội. Văn phòng luật sư của Đức Hồng Y Becciu đòi số tiền bồi thường là 10 triệu Euro. Báo này phản ứng với một bài tựa đề “Cuộc tấn công gây ngạc nhiên của Becciu chống báo L’Espresso và Đức Giáo Hoàng. Trong tư cách là một công dân Italia, Angelo Becciu có toàn quyền thưa kiện để đòi bồi thường. Tòa án sẽ quyết định về vấn đề này và báo chúng tôi không có gì phải sợ”.
Trước đó, trong một tuyên bố hôm 17 tháng 10, luật sư của Đức Hồng Y Becciu, là ông Fabio Viglione, cho biết “đứng trước sự chú ý dai dẳng của một số nhà báo đến phiên tòa của Đức Hồng Y Pell, buộc phải nhắc lại một cách mạnh mẽ rằng ngài chưa bao giờ can thiệp vào phiên tòa này bằng bất kỳ cách nào”.
Luật sư cũng cho biết “ để bảo vệ danh dự của mình, đã bị tổn hại nghiêm trọng,” Đức Hồng Y Becciu có thể nhờ đến pháp lý chống lại một số phương tiện truyền thông vì họ liên tục đưa tin về “nhằm bôi nhọ mặc dù không có bằng chứng nào ngài đã can thiệp vào phiên tòa để chống lại Đức Hồng Y Pell. “
Lời phủ nhận mới nhất của Đức Hồng Y Becciu được đưa ra sau khi các báo cáo đồn đoán trên các tờ báo Ý hồi đầu tháng cho thấy ngài đã bị buộc tội chuyển tiền từ một tài khoản của Vatican sang Úc trong khi Đức Hồng Y Pell đang phải đối mặt với một phiên tòa hình sự năm 2018, vì bị cáo gian lạm dụng tình dục hai bé trai khi còn là Tổng giám mục Melbourne vào thập niên 1990.
Đức Hồng Y Pell đã bị kết án về tội danh đó và được trả tự do vào ngày 7 tháng 4 năm 2020, sau khi Tòa án Tối cao của Úc đồng thanh kết luận rằng bồi thẩm đoàn trong phiên tòa xét xử ngài đã không hành động hợp lý khi chạy theo những lời kết án của các phương tiện truyền thông bài Công Giáo.
Những thông tin cho rằng Đức Hồng Y Becciu có thể đã chuyển tiền sang Australia để chống lại Đức Hồng Y Pell đã thu hút sự chú ý của quốc tế.
Source:La Croix
3. Tân Hồng Y Raniero Cantalamessa xin Đức Thánh Cha miễn việc tấn phong Giám Mục cho ngài
Trong thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó Chúa Kitô vào các ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, chúng ta thường thấy một vị linh mục giảng trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha, giáo triều Rôma, cùng các tín hữu. Vị linh mục ấy là Cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng.
Trong hơn 60 năm, Cha Raniero Cantalamessa đã rao giảng Lời Chúa với tư cách là một linh mục - và Ngài có kế hoạch sẽ tiếp tục làm như vậy, ngay cả sau khi ngài nhận chiếc mũ đỏ Hồng Y vào ngày thứ Bẩy 28 tháng 11.
“ Sự phục vụ duy nhất của tôi đối với Giáo hội là công bố Lời Chúa, vì vậy tôi tin rằng việc tôi được bổ nhiệm làm Hồng Y là một sự công nhận tầm quan trọng thiết yếu của Lời Chúa đối với Giáo hội, hơn là sự công nhận con người của tôi,” vị linh mục dòng Phanxicô Capuchin nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm 19 tháng 11.
Vị Tân Hồng Y 86 tuổi sẽ là một trong 13 vị Tân Hồng Y được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong trong một công nghị vào ngày 28 tháng 11. Theo thông lệ, một linh mục phải được tấn phong giám mục trước khi nhận chiếc mũ đỏ, Cha Cantalamessa đã xin Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho phép vẫn đơn giản là “một linh mục”.
Vì đã hơn 80 tuổi, Đức Tân Hồng Y Cantalamessa, người đã từng đưa ra các bài giảng trước các mật nghị bầu Giáo Hoàng năm 2005 và 2013, sẽ không tự mình bỏ phiếu trong mật nghị tương lai.
Việc được chọn vào Hồng Y Đoàn được coi là một vinh dự và sự công nhận cho sự phục vụ trung thành của ngài trong hơn 41 năm với tư cách là Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng.
Đức Tân Hồng Y đã từng giảng trước 3 vị Giáo Hoàng, Nữ hoàng Elizabeth II, nhiều giám mục và Hồng Y, cùng vô số giáo dân và các tu sĩ. Ngài cho biết sẽ tiếp tục chừng nào Chúa cho phép.
Khi không ở Rôma, và những khi không thuyết giảng, ngài sống trong Tu viện ẩn tu Tình yêu Thương xót ở Cittaducale, Ý. Đức Tân Hồng Y nói trong một cuộc phỏng vấn, qua email với CNA từ tu viện này, rằng việc loan báo đức tin luôn đòi hỏi một điều là Chúa Thánh Thần.
“Vì thế, nhu cầu của mỗi sứ giả là phải nuôi dưỡng một sự cởi mở lớn đối với Chúa Thánh Linh. Chỉ như thế, chúng ta mới có thể thoát khỏi lý trí của con người, vốn luôn cố gắng khai thác Lời Chúa cho các mục đích ngẫu nhiên, cá nhân hoặc tập thể”.
Lời khuyên của ngài là để rao giảng tốt chúng ta hãy bắt đầu bằng cách quỳ gối và hỏi Chúa rằng những lời Ngài muốn làm vang dội cho dân Ngài là những gì.
Khi được hỏi về yêu cầu xin được miễn không tấn phong giám mục trước khi được phong Hồng Y, Cha Cantalamessa cho biết:
“Vâng, tôi đã xin Đức Thánh Cha cho phép miễn tấn phong giám mục theo quy định của giáo luật dành cho những người được tấn phong Hồng Y. Có hai lý do. Giám mục, như chính danh xưng này, chỉ định sứ vụ của người chịu trách nhiệm trông coi và nuôi dưỡng một phần đàn chiên của Chúa Kitô. Bây giờ, trong trường hợp của tôi, tôi không có trách nhiệm mục vụ, vì vậy chức danh giám mục sẽ là một chức danh không có dịch vụ tương ứng mà danh xưng này ngụ ý. Thứ hai, tôi muốn vẫn là một tu sĩ Capuchin, theo thói quen và phần đời còn lại. Sự thánh hiến giám mục, e rằng một cách hợp pháp, sẽ đặt tôi ra ngoài dòng.
Đã có một số tiền lệ cho quyết định của tôi. Một số tu sĩ trên 80 tuổi, đã được tấn phong Hồng Y với tước hiệu danh dự giống như tôi, đã yêu cầu và được phê chuẩn miễn tấn phong giám mục, tôi nghĩ vì những lý do tương tự như của tôi”.
[Các vị Cha Cantalamessa đề cập đến bao gồm các Hồng Y Henri De Lubac, Paolo Dezza, Roberto Tucci, Tomáš Špidlík, Albert Vanhoye, Urbano Navarrete Cortés, Karl Josef Becker].
Source:Catholic News Agency