1. Luật sư Rudy Giuliani tin rằng Donald Trump sẽ là tổng thống, dựa trên những lá phiếu trung thực
Theo ông Rudy Giuliani, nguyên thị trưởng New York, và nay là luật sư của Tổng thống Trump đã có những bất thường ở Nevada. Trái ngược với yêu cầu của ủy ban bầu cử là phải “trực tiếp kiểm tra từng lá phiếu, thay vào đó, một số lá phiếu được chạy qua một máy để so sánh các chữ ký.” Không có quy định nào trong hiến pháp của Nevada cho phép điều đó”, ông Giuliani nói.
Ông Giuliani cũng bình luận về cách hành xử của Georgia đối với các lá phiếu được bỏ bằng thư. Ông nói rằng mặc dù tiểu bang coi những lá phiếu như vậy là “rất nguy hiểm, nhưng lại không có phiếu bầu qua thư nào được xác minh chữ ký, theo một nghị định mà họ đã đồng ý ký tên”.
Trong khi đó, cơ quan lập pháp Arizona “yêu cầu các lá phiếu phải được kiểm tra” nhưng “các quan chức bầu cử đã không làm điều đó. Các quan chức cũng phớt lờ cơ quan lập pháp trong trường hợp liên quan đến 36,000 người bỏ phiếu bất hợp pháp. Họ không đủ điều kiện để bỏ phiếu nhưng đã được phép bỏ phiếu”.
Ông Giuliani nói: “Tổng quan của việc này là: khi bạn nhìn vào sự tương đồng của các trường hợp gian lận, trong tám quận, trong đó chúng tôi đã đưa ra các khuôn mẫu tương tự về cách thức họ che dấu, cách thức họ tìm cách loại những người cộng hòa, bạn sẽ thấy đây là một phần của một kế hoạch hoặc một chương trình tổng thể. Điều này hoàn toàn không được phát triển một cách tự phát bởi tám hoặc chín nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ, nhưng đã được tính toán từ trước”.
Nhận xét về các sự kiện được trình bày, Giuliani nói rằng “chúng có thể được chứng minh khá nhanh chóng”.
“Đây là điều quan trọng để chúng ta bầu ra một vị Tổng thống xứng hợp”. Ông nhấn mạnh rằng “Donald Trump sẽ là tổng thống, dựa trên những lá phiếu trung thực”.
Một tổng thống phải là “người tốt nhất cho chức vụ này, chứ không phải tốt nhất vì biết cách gian lận,” ông nói thêm.
Ông Giuliani nói với các ký giả rằng ông có niềm tin tuyệt đối vào các bằng chứng của mình
Source:Life Site News
2. Đức Thánh Cha phải hủy bỏ buổi lễ tôn kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại quảng trường Tây Ban Nha vì đại dịch coronavirus
Lần đầu tiên từ 1953, Đức Thánh Cha sẽ không kính viếng Đức Mẹ tại quảng trường Tây Ban Nha
Hôm 30 tháng 11, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết vì hoàn cảnh đại dịch coronavirus, năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không đến thăm quảng trường Tây Ban Nha của Rôma trong buổi lễ tôn kính Đức Mẹ nhân ngày lễ trọng mừng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
Thay vào đó, Đức Phanxicô sẽ đánh dấu ngày lễ bằng “một hành động sùng kính riêng, giao phó thành phố Rôma, cư dân của thành phố và nhiều người bệnh tật ở mọi nơi trên thế giới cho Đức Mẹ,”
Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1953, Đức Thánh Cha không đến kính viếng tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8 tháng 12. Ông Bruni giải thích rằng Đức Phanxicô sẽ không đến quảng trường để tránh mọi người tụ tập và lan truyền virus.
Tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bên cạnh quảng trường Tây Ban Nha, nằm trên đỉnh một cột cao khoảng 12m. Tượng đài này đã được thánh hiến vào ngày 8 tháng 12 năm 1857, ba năm sau khi Đức Giáo Hoàng Piô IX ban hành sắc lệnh công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Kể từ năm 1953, đã có một phong tục là các vị Giáo Hoàng đến đây vào ngày 8 tháng 12 để tôn kính bức tượng và cầu nguyện cho thành phố Rôma. Đức Giáo Hoàng Piô XII là người đầu tiên làm như vậy, và ngài gây xúc động mạnh khi đi bộ gần 3.2 km từ Vatican đến đó.
Các nhân viên cứu hỏa của Rôma thường có mặt trong buổi cầu nguyện, để vinh danh vai trò của họ trong lễ khánh thành bức tượng năm 1857. Thị trưởng Rôma và các quan chức khác cũng tham dự.
Trong những năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô thường mang những vòng hoa đến kính Đức Mẹ. Lính cứu hỏa sau đó sẽ đưa một vòng hoa lên cánh tay dang rộng của bức tượng. Theo truyền thống, các vị Giáo Hoàng cũng đưa ra một lời cầu nguyện ban đầu trong buổi lễ.
Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một ngày lễ nghỉ trên toàn quốc của Ý và đám đông thường tụ tập tại quảng trường để chứng kiến nghi thức tôn kính Đức Mẹ.
Theo thông lệ đối với các lễ trọng kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 8 tháng 12 từ cửa sổ phòng làm việc của ngài ở Dinh Tông Tòa nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô.
Do đại dịch đang diễn ra, các nghi lễ Giáng sinh của Đức Thánh Cha tại Vatican sẽ diễn ra mà không có sự hiện diện của công chúng.
Source:Catholic News Agency
3. Các giám mục Pháp thắng trong vụ kiện chống lại giới hạn chỉ được 30 người tham dự thánh lễ
Hội đồng Nhà nước Pháp đã ra phán quyết rằng giới hạn tối đa chỉ được 30 người tham dự các Thánh lễ và các hình thức thờ phượng công cộng khác, đã được thủ tướng Pháp đề xuất trước đó, là một biện pháp “không cân xứng” và phải được sửa đổi trước ngày 2 tháng 12.
Phản ứng trước quyết định này của Hội đồng Nhà nước, các giám mục bày tỏ niềm vui và nói trong một tuyên bố rằng “lý trí đã được nhìn nhận.”
Hội Đồng Giám Mục đã đệ trình đơn kháng cáo pháp lý khẩn cấp lên Hội đồng Nhà nước hai ngày trước đó, và tuyên bố rằng Hội đồng có “nhiệm vụ phải bảo đảm quyền tự do thờ phượng ở đất nước chúng ta”.
Với phán quyết này, Hội đồng Nhà nước, định chế pháp lý cao nhất tại Pháp đã cho Thủ tướng Jean Castex ba ngày để đề xuất một phương thức thay thế nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus tại các nơi thờ phượng.
Thủ tướng đã gặp một phái đoàn gồm các giám mục Pháp vào đêm Chúa Nhật để thảo luận về một biện pháp mới cho việc tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự sau khi Pháp trải qua lần cô lập thứ hai.
Các giám mục ban đầu đã đề xuất một giao thức mở lại các buổi phụng vụ công cộng ở mức một phần ba sức chứa của các nhà thờ, với giãn cách xã hội được tăng thêm.
“Tôi thấy thủ tướng tỏ ra công bằng hơn sau quyết định của Hội đồng Nhà nước,” Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, cho biết sau cuộc họp kéo dài một giờ, theo mạng lưới phát thanh France Bleu.
Bộ trưởng nội vụ và tổng giám đốc y tế của Pháp cũng có mặt trong cuộc họp tại dinh thủ tướng, cũng như Đức Cha Dominique Blanchet, Giám Mục của Belfort-Montbéliard, Đức Cha Olivier Leborgne, Giám Mục của Arras, và Đức Tổng Giám Mục Dominique Lebrun của Rouen, và Đức Cha Stanislas Lalanne, Giám Mục của Pontoise.
Đức Tổng Giám Mục Moulins-Beaufort nói: “Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Chúng tôi đã nói với thủ tướng rằng quyết định tàn bạo của ông ấy có thể khiến một số người cảm thấy bị xúc phạm. Ông ấy hiểu rõ điều đó.”
Đức Cha Moulins-Beaufort, Tổng Giám Mục của Reims, là đầu mối liên hệ chính trong các cuộc đàm phán của các giám mục với chính phủ Pháp kể từ khi các thánh lễ công cộng bị đình chỉ vào ngày 2 tháng 11.
Source:Catholic News Agency
4. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với nhà lãnh đạo Chính thống giáo: Tôi tin tưởng chúng ta sẽ đạt được sự hiệp nhất hoàn toàn
Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Thượng phụ Đại kết Constantinople hôm thứ Hai 30 tháng 11 rằng ngài tin tưởng rằng người Công Giáo và người Chính thống sẽ đạt được sự hiệp thông trọn vẹn.
Trong một thông điệp gửi tới Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhân Ngày Lễ Thánh Anrê, bổn mạng của Giáo Hội Chính Thống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi những nỗ lực của Tòa Thượng Phụ Đại Kết nhằm thúc đẩy sự hợp nhất của các Kitô hữu.
“Chúng ta có thể tạ ơn Chúa vì mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thượng Phụ Đại Kết đã trưởng thành hơn nhiều trong thế kỷ qua, trong khi chúng ta tiếp tục khao khát đạt được mục tiêu của sự phục hồi sự hiệp thông trọn vẹn thể hiện thông qua sự cùng tham gia với nhau tại bàn thờ Thánh Thể”.
“Mặc dù vẫn còn những trở ngại, nhưng tôi tin tưởng rằng bằng cách đồng hành cùng nhau trong tình yêu thương lẫn nhau và theo đuổi đối thoại thần học, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đó.”
Đức Thánh Cha gửi một thông điệp mỗi năm vào ngày 30 tháng 11 tới Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, người được coi là người kế vị Thánh Anrê Tông đồ và “đứng đầu trong số những vị Thượng Phụ người bình đẳng” trong Giáo hội Chính thống.
Source:Catholic News Agency