1. Tổng thống Trump can thiệp cho các tổ chức bác ái đang bị tiểu bang California quấy rối
Tổng thống Trump đã đích thân can thiệp và yêu cầu Tòa án Tối cao xem xét một yêu cầu của California theo đó các tổ chức bác ái buộc phải tiết lộ cho Bộ Tư Pháp tiểu bang danh sách các nhà tài trợ.
Trung tâm Luật Thomas More, là tổ chức đang thay mặt các tổ chức bác ái chống lại yêu cầu này của tiểu bang California nói rằng yêu cầu như thế sẽ khiến các nhà tài trợ rút lui không dám tài trợ nữa vì sợ bị trả thù, quấy rối và thậm chí phải hứng chịu các hình thái bạo lực như cửa hàng và văn phòng của họ có thể bị đốt phá và cướp bóc.
Động thái từ Văn phòng Tổng luật sư Hoa Kỳ của chính quyền Tổng thống Trump đã nhận được những lời khen ngợi từ John Bursch, cố vấn cao cấp luật sư đoàn trong Liên minh Bảo vệ Tự do.
“Các tổ chức bác ái không thể bị yêu cầu tiết lộ các thông tin liên quan đến các nhà tài trợ của họ cho các quan chức nhà nước, là những người không cần đến những thông tin ấy, và họ là những người không thể bảo đảm đầy đủ rằng danh tính của các nhà tài trợ sẽ không bị tiết lộ ra cho công chúng,” ông Bursch nói.
Ông nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi hài lòng rằng chính quyền của Tổng thống Trump đồng ý rằng trường hợp này gây ra những vấn đề cực kỳ quan trọng cho các tổ chức bác ái, và Tòa án Tối cao nên quyết định ngay lập tức. Việc buộc phải tiết lộ thông tin về nhà tài trợ là mối đe dọa đối với tất cả mọi người và không khuyến khích các hoạt động bác ái.”
Liên minh Bảo vệ Tự do ủng hộ khiếu nại của Trung tâm Luật Thomas More có trụ sở tại Michigan trong vụ việc này. Trong một tuyên bố vào tháng 8 năm 2019, Liên minh Bảo vệ Tự do ca ngợi Trung tâm Luật Thomas More vì “những hoạt động thúc đẩy các vấn đề liên quan đến tự do tôn giáo, các giá trị đạo đức và gia đình cũng như sự tôn nghiêm của cuộc sống con người”.
Tổ chức Người Mỹ vì Thịnh vượng cũng lên tiếng chống lại yêu sách quá quắt của tiểu bang California.
Quyền Tổng luật sư Jeffrey B. Wall đã đệ đơn yêu cầu Tối Cao Pháp Viện mở một phiên điều trần về vụ án. Các tổ chức bác ái đã thắng kiện tại tòa án quận liên bang nhưng đã thất bại trước Tòa phúc thẩm thứ 9. Vì thế, vấn đề phải đưa lên đến Tối Cao Pháp Viện.
Source:Catholic News Agency
2. Các giám mục Anh 'vui mừng' về việc tiếp tục thờ phượng công khai vào ngày 2 tháng 12
Các giám mục Công Giáo của Anh nói rằng các ngài “vui mừng” thấy rằng việc thờ phượng công khai sẽ được tái tục khi lệnh cách ly vì COVID-19 trên toàn quốc hết hạn vào ngày 2 tháng 12.
Vào ngày đó, Anh sẽ có một hệ thống ba cấp hạn chế coronavirus, tùy theo từng vùng, nhưng chính phủ Anh đã xác nhận rằng việc thờ phượng nơi công cộng sẽ được cho phép ngay cả trong các vùng áp dụng cấp độ 3, là cấp độ nghiêm ngặt nhất.
Cha Christopher Thomas, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Anh và xứ Wales nói: “Quyết định này phản ánh tầm quan trọng của nhân quyền căn bản theo đó tất cả mọi người phải được quyền thể hiện đức tin của mình trong việc thờ phượng, nhưng quan trọng hơn, nó là sự thừa nhận về sự hợp tác tích cực mà Giáo Hội chúng ta đã có với các quan chức nhà nước trong việc phát triển các giao thức phòng chống COVID trong các nhà thờ của chúng ta”.
“Khi chúng ta tiến về phía trước, đương nhiên là tất cả những ai đến thờ phượng Thiên Chúa trong các nhà thờ của chúng ta sẽ phải đóng một vai trò của họ trong việc giữ cho mình và những người khác an toàn bằng cách làm theo tất cả các hướng dẫn đã được chuẩn bị. Qua cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể và các bí tích khác được cử hành trong Giáo hội, các công việc bác ái đã được thể hiện qua các tổ chức từ thiện và cộng đồng Công Giáo trong chín tháng qua tìm thấy nguồn gốc và mục tiêu của nó”.
Các giám mục đã đặt vấn đề đối với quyết định của chính phủ cấm các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự khi cuộc cô lập lần thứ hai bắt đầu vào ngày 5 tháng 11. Các ngài tranh luận rằng Giáo Hội Công Giáo đã ban hành các giao thức phòng chống dịch bệnh để làm cho các nhà thờ an toàn cho người dân tham dự.
Tô Cách Lan cũng đã ban hành một hệ thống nhiều cấp để hạn chế coronavirus, nhưng không ngăn chặn việc thờ phượng công cộng. Bắc Ireland, theo gương Anh, cũng cấm các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự trong hai tuần để làm chậm sự lây lan của virus.
Source:Crux
3. Giáo Hội tại Pháp phản đối chính quyền giới hạn tối đa 30 người tham dự Thánh lễ.
Trong khi tại Anh các Giám Mục tỏ ra vui mừng thì tại Pháp các Giám Mục đã bày tỏ những thất vọng của các ngài. Pháp đã nới lỏng tình trạng cách ly chống Covid-19 vào hôm 28 tháng 11. Nhưng các giám mục Pháp không hài lòng với quyết định của chính phủ về việc giới hạn số người tham dự Thánh lễ ở mức 30 người. Các ngài cho rằng đây là quyết định không thực tế.
Tối thứ Ba 24 tháng 11 năm 2020, Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp nói rằng giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng coronavirus thứ hai đã qua. Nhưng ông cảnh báo rằng “Chúng ta phải làm mọi thứ để tránh bị phong tỏa lần thứ ba.” Ông cho biết các nhà hàng, quán cà phê và quán bar sẽ đóng cửa cho đến ngày 20 tháng 1 năm 2021 để tránh tạo nên làn sóng coronavirus thứ ba.
Việc nới lỏng phong tỏa sẽ bắt đầu từ thứ Bảy 28 tháng 11 năm 2020, các cửa hàng sẽ mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa kéo dài một tháng, được áp dụng từ ngày 30 tháng 10 năm 2020. Vào giữa tháng 12 năm 2020, lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ nếu số ca nhiễm mới giảm xuống chỉ còn khoảng 5,000 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận mỗi ngày và mọi người sẽ được tự do đi lại khắp đất nước để gặp gia đình và bạn bè trong dịp Giáng sinh. Các rạp chiếu phim và rạp chiếu phim cũng sẽ được phép mở cửa trở lại.
Tuy nhiên không phải mọi người đều hài lòng với quyết định của chính quyền. Trong một thông cáo, Hội đồng giám mục Pháp cho biết việc cho phép cử hành lại Thánh lễ với tối đa 30 người tham dự vừa gây thất vọng, vừa gây ngạc nhiên.
Thông cáo nói rằng vấn đề đã được thảo luận trong một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp và Chủ tịch Hội đồng Giám mục, là Ðức Tổng Giám mục Eric de Moulins-Beaufort. Ðức Tổng Giám mục đã đăng một tweet vào tối thứ Ba, nói rằng tiếng nói Công Giáo đã không được lắng nghe và Hội đồng giám mục đang yêu cầu sửa đổi các biện pháp.
Hôm thứ Tư 25 tháng 11 năm 2020, các giám mục Pháp cho biết sáng thứ Năm 26 tháng 11 năm 2020 chính phủ Pháp sẽ xác định một biện pháp thực tế, nhưng chặt chẽ, để thực hiện trong hai giai đoạn: thứ Bảy 28 tháng 11 năm 2020 và sau đó sẽ đánh giá lại vào ngày 15 tháng 12 năm 2020.
Sáng thứ Năm 26 tháng 11 năm 2020 Thủ tướng Jean Castex đã xác nhận quyết định của chính phủ về việc hạn chế số người tham dự Thánh lễ.
Các giám mục Pháp đặt câu hỏi về các tiêu chí thực sự được chính phủ sử dụng để đặt ra các điều kiện cho việc hạn chế này. Các Giám mục chỉ rõ: “Dĩ nhiên là các tôn giáo không phải là công việc kinh doanh, nhưng đối xử với các tôn giáo theo cách này là coi đức tin của hàng triệu tín đồ như một điều thứ yếu. Ðây là một sai lầm nghiêm trọng đối với toàn bộ xã hội của chúng ta.”
Thủ tướng cam kết sẽ mở cuộc thảo luận sớm để cho phép sự tham dự tương ứng với kích thước của các nhà thờ. Do đó, Hội đồng Giám mục Pháp kêu gọi “tham vấn thật sự, hiệu quả hơn để đạt được một thỏa thuận.” Hội đồng giám mục Pháp cho biết các Giám Mục không loại trừ khả năng viện tới pháp lý.
Source:Catholic News Agency
4. Các tôn giáo gần như bị xóa sổ hoàn toàn ở Bắc Triều Tiên
Cuộc đàn áp tôn giáo ở Bắc Triều Tiên là một trong những cuộc đàn áp khắc nghiệt nhất trên thế giới. Khi chế độ cộng sản bắt đầu thống trị miền đất này, các tín ngưỡng tôn giáo bị coi là các lực lượng phản động, chống phá nhà nước và các tín hữu bị trừng phạt như những người đã phạm các tội ác chính trị.
Một tầm nhìn rõ ràng về tình hình là không thể có được từ những thông tin ít oi, ỏi rò rỉ từ phía sau bức màn sắt.
Dù chỉ có các dữ liệu hạn chế, Trung tâm Cơ sở dữ liệu về Nhân quyền Triều Tiên, gọi tắt là NKDB, đã xuất bản sách trắng về tự do tôn giáo ở Triều Tiên hàng năm kể từ năm 2007, tổng hợp những thông tin vụn vặt có sẵn, đặc biệt là từ những người đào thoát sang miền Nam.
Năm nay, Trung tâm đã có thể thu thập thông tin từ 1,234 trốn thoát. Họ xác nhận lệnh cấm tất cả các hoạt động tôn giáo và sự đàn áp khắc nghiệt đối với các tín hữu.
Khoảng 46% số người được hỏi xác nhận rằng những người tham gia vào các hoạt động tôn giáo bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức. Khoảng 38.6% nói rằng họ không biết về các hình phạt vì họ không biết gì về tôn giáo.
Theo Trung tâm, cuộc đàn áp tôn giáo đã gia tăng sau khi Kim Chính Ân, hay còn gọi là Kim Jong-un, ban hành một sắc lệnh vào tháng 4 năm 2014 nhằm “bắt giữ những người có liên hệ với Kitô Giáo”.
Kể từ đó, các lực lượng an ninh đã tích cực tìm kiếm các tín đồ tôn giáo trong khi đại sứ quán Triều Tiên ở Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm các Kitô hữu trong số những người Triều Tiên đào tẩu sang Trung Quốc.
Báo cáo nói tiếp rằng, bất chấp cuộc đàn áp, số người “đọc Kinh thánh” đã tăng 4% mỗi năm kể từ năm 2000.
Trước năm 2000, chỉ có 16 người tuyên bố đã có trải nghiệm như vậy. Sau năm 2000, có tới 559 người Bắc Triều Tiên đào tẩu nói rằng họ đã “thấy một cuốn Kinh thánh”.
Trong các năm qua, các nhóm hoạt động nhân quyền tại Nam Hàn đã liên tục thả các bong bóng trong đó có các nhu yếu phẩm, Kinh Thánh và các sách báo khác sang miền bắc.
Source:Asia News