Tối thứ Tư 25 tháng 11, Tối Cao Pháp Viện truyền rằng các hạn chế của tiểu bang New York trong thời gian xảy ra đại dịch coronavirus đã vi phạm sự bảo vệ của Tu chính án thứ nhất đối với hoạt động tự do tôn giáo. Sau phán quyết, Đức Giám Mục Brooklyn, là nguyên đơn trong vụ kiện, nói rằng việc thờ phượng cần phải được coi là điều thiết yếu trong đại dịch coronavirus.

“Đã đến lúc – lẽ ra phải nói trước đó - rằng, trong khi đại dịch đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng, thì không có chỗ nào trong Hiến pháp dung thứ cho các sắc lệnh hành pháp được vẽ vời nhằm mở lại các cửa hàng rượu và cửa hàng xe đạp nhưng lại đóng cửa các nhà thờ, hội đường Do Thái và đền thờ Hồi giáo,” Thẩm Phán Neil Gorsuch đã viết như trên trong phán quyết vào tối thứ Tư, trong đó tạm thời ngăn chặn các hạn chế đối với việc thờ phượng được ban hành vào ngày 6 tháng 10 bởi Thống đốc New York Andrew Cuomo.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện là tạm thời, vì các vụ kiện do Giáo phận Brooklyn và các hội đường Do Thái ở New York sẽ tiếp tục, mặc dù quyết định của Tòa án Tối cao có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kết quả của những vụ kiện đó.

Các giới hạn của tiểu bang cấm hơn 10 người tham dự các buổi lễ tôn giáo trong các vùng được tiểu bang chỉ định là “vùng màu đỏ” và 25 người ở “vùng màu cam”.

“Ở các khu vực màu đỏ, trong khi một hội đường Do Thái hoặc một nhà thờ Công Giáo không được nhận quá 10 người, các doanh nghiệp trong vùng được xếp vào loại 'thiết yếu' có thể nhận bao nhiêu người tùy thích. Và danh sách các doanh nghiệp 'thiết yếu' như thế bao gồm những thứ như cơ sở châm cứu, khuôn viên cắm trại, nhà để xe, tất cả các nhà máy sản xuất hóa chất và vi điện tử và tất cả các phương tiện vận chuyển.”

“Những phân loại như thế dẫn đến kết quả đáng lo ngại,” phán quyết của Tối Cao Pháp Viện cho biết thêm.

“Không có một bằng chứng nào cho thấy những người nộp đơn đã góp phần vào việc lây lan COVID-19. Trái lại, họ còn có nhiều quy tắc khác được thông qua để giảm thiểu rủi ro cho những người tham dự các buổi lễ tôn giáo.”

Tối Cao Pháp Viện cũng phàn nàn rằng sức chứa của các nhà thờ Công Giáo và các hội đường Do Thái Giáo đã không được tiểu bang tính đến khi quy định số người tham dự tối đa tại một buổi lễ tôn giáo.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện nhấn mạnh rằng:

“Ngay cả trong thời đại dịch, Hiến pháp không thể bị bỏ quên và lãng quên.”

Quyết định 5-4 cho thấy Thẩm phán mới được xác nhận Amy Coney Barrett đã đứng về phía Đức Cha Nicholas DiMarzio, trong khi Chánh án John Roberts đứng về phía tiểu bang New York cùng với ba thẩm phán cấp tiến.

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm 26 tháng 11, Đức Cha Nicholas DiMarzio, Giám Mục Brooklyn cho biết ngài “hài lòng với quyết định của các Thẩm phán tại Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, là những người đã công nhận sự vi phạm rõ ràng Tu chính án đầu tiên của tiểu bang New York và vấn đề cần được khắc phục khẩn cấp trong trường hợp này”.

“Tôi tự hào được lãnh đạo Giáo phận Brooklyn và đấu tranh cho quyền thờ phượng thiêng liêng và hợp hiến của chúng ta.”

“Các nhà thờ của chúng ta không phải là nguyên nhân của bất kỳ vụ bùng phát nào. Chúng ta đã thực hiện cuộc chiến pháp lý của mình đến mức này vì chúng ta phải được coi là thiết yếu.”


Source:Catholic News Agency