1. Một dự đoán của Tổng thống Trump đã thành sự thật

Trong bản tin gửi cho các ký giả vào đúng ngày Lễ Tạ Ơn, Tòa Bạch Ốc đã trích thuật một bài báo của Joseph Curl cho thấy thái độ bất công của các phương tiện truyền thông tại Hoa Kỳ đối với Tổng thống Trump.

Bài báo có tựa đề “Media said Trump's COVID-19 vaccine prediction would take 'miracle.' They were wrong”, nghĩa là “Các phương tiện truyền thông cho rằng tiên đoán của Tổng thống Trump về vắc-xin là ‘hoang đường’. Họ sai rồi.” được đăng trên tờ Just The News và được Tòa Bạch Ốc gởi cho các ký giả.

Hồi tháng 5, ngay sau khi COVID-19 tăng vọt trên khắp nước Mỹ, Tổng thống Trump đã đưa ra một dự đoán táo bạo về một loại vắc-xin dành cho coronavirus.

“Chúng tôi đang tìm cách đạt được nó vào cuối năm nếu có thể, có thể là trước đó,” Tổng thống Trump nói ngày 14 tháng 5 trong một sự kiện ở Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc.

Ngày hôm sau, tổng thống viết trên Twitter rằng “Công việc nghiên cứu vắc xin đang có vẻ RẤT hứa hẹn, trước khi kết thúc năm nay.”

Các phương tiện truyền thông chính thống không thích dự đoán đó, họ không thích một chút xíu nào.

NBC News viết ngày 15 tháng 5 trong một bài gọi là “kiểm chứng thực tế”:

“Nhưng các chuyên gia nói rằng việc phát triển, thử nghiệm và sản xuất vắc-xin cho công chúng vẫn còn phải mất ít nhất từ 12 đến 18 tháng và bất cứ điều gì ít hơn như thế sẽ được coi là một phép lạ trong y khoa.”

Mạng NBC News trích dẫn lời Tiến sĩ Paul Offit, giáo sư tại Phân Khoa Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania và là giám đốc Trung tâm Giáo dục về vắc xin tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia. Offit nói: “Tôi nghĩ rằng có thể bạn sẽ thấy một loại vắc-xin trong vòng tay mọi người vào năm tới - vào giữa hoặc cuối năm sau. Nhưng đây là điều chưa từng xảy ra nên rất khó đoán”.

NBC cũng đã tìm kiếm lời bình luận từ Tiến sĩ Stanley Plotkin, người được cho là đã phát minh ra vắc xin phòng bệnh rubella vào năm 1964. “Trong trường hợp sớm nhất, chúng ta có thể có một loại vắc xin - hay được cho là vắc xin - trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng,” Plotkin nói.

Trong khi đó, FactCheck.org đã điều tra các phúc trình cho rằng hồi tháng Chín, Tổng thống Trump cho biết một loại vắc-xin sẽ ra đời “vào cuối năm nay”.

“Tôi không nói những gì bạn vừa nói,” Tổng thống Trump nói trong một cuộc họp báo vào Ngày Lễ Lao động. “Những gì tôi đã nói là 'vào cuối năm nay.' Nhưng tôi nghĩ nó thậm chí có thể sớm hơn thế. Thực ra có thể là vào tháng 10. Có thể là trước tháng mười một”.

“Chúng tôi đã xem xét các bình luận trước đây của Tổng thống Trump về một loại vắc-xin và không tìm thấy bất kỳ trường hợp nào mà ông ấy tuyên bố vắc-xin chắc chắn sẽ có sẵn vào tháng 10 hoặc tháng 11”, FactCheck.org viết vào ngày 11 tháng 9 trong một đoạn tiêu đề: “Tổng thống Trump đang phóng đại các tiến bộ”.

“Nhưng ông ấy đã gợi ý rằng khung thời gian sớm hơn thậm chí còn có nhiều khả năng hơn là phải chờ đến cuối năm. Các chuyên gia và quan chức chính phủ không đồng ý với đánh giá đó”.

Sau đó, CNN đã viết một bài vào tháng 8 với tiêu đề: “Kiểm tra sự thật: Liệu có vắc-xin coronavirus vào tháng 11 không?”

“Không có gì là chắc chắn, và sự lạc quan của Tổng thống Trump có thể bị nghiền nát trong những tháng tới,” CNN viết. “Một số chuyên gia cảnh báo không nên đưa ra các ngày và mốc thời gian cụ thể. Tôi nghĩ rằng rất nguy hiểm vào thời điểm này nếu đưa ra ngày cụ thể”, cựu bác sĩ phẫu thuật, Tiến sĩ Vivek Murthy nói với Wolf Blitzer của CNN.”

Nói cho đúng, Tổng thống Trump đã chính xác. Không chỉ có một loại vắc xin – nhưng có đến ba loại.

Hôm 9 tháng 11, Pfizer cho biết kết quả từ các thử nghiệm gần đây nhất trên người đối với vắc xin coronavirus cho thấy nó có hiệu quả hơn 95%. Giám đốc điều hành của Pfizer là Albert Bourla cho biết hôm thứ Ba rằng một khi vắc xin của họ được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, gọi tắt là FDA phê duyệt, nó sẽ được vận chuyển nhanh chóng đến các địa điểm ở Mỹ.

Sau đó vào tuần trước, một loại vắc-xin mới từ nhà bào chế Moderna - được phát triển cùng với Chiến dịch Warp Speed của chính quyền Tổng thống Trump - đã xuất hiện và cũng có hiệu quả gần 95%, nhưng công ty cho biết vắc-xin mới không phải giữ ở nhiệt độ dưới 0 như vắc-xin của Pfizer.

Và hôm thứ Hai, AstraZeneca và Đại học Oxford cho biết vắc-xin COVID-19 do họ cùng tạo ra đã được chứng minh là có hiệu quả lên đến 90% và dễ phân phối hơn một loại vắc-xin tiềm năng khác.

“Những phát hiện này cho thấy chúng ta có một loại vắc-xin hiệu quả có thể cứu sống nhiều người”, giáo sư Andrew Pollard của Đại học Oxford, người từng là điều tra viên chính của quá trình thử nghiệm loại thuốc này cho biết. “Bởi vì vắc xin có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh, nó có thể được phân phối trên khắp thế giới bằng hệ thống phân phối tiêm chủng thông thường. Và vì vậy đối với mục tiêu được đề ra của chúng ta là bảo đảm rằng chúng ta có vắc-xin có thể sử dụng được ở mọi nơi, tôi nghĩ chúng ta đã thực sự làm được điều đó”.

Pfizer dự kiến sản xuất tới 50 triệu liều vào năm 2020 và lên đến 1.3 tỷ liều vào năm 2021. Moderna dự kiến sản xuất 20 triệu liều vào năm 2020 và lên đến 1 tỷ liều vào năm 2021. Và AstraZeneca dự kiến sản xuất tới 3 tỷ liều vắc xin vào năm 2021.

Vắc xin không chỉ sẵn sàng trước cuối năm 2020 mà còn có thể được sử dụng trong vòng vài tuần tới.

Hôm Chúa Nhật, nhà vắc-xin hàng đầu của Mỹ cho biết việc chủng ngừa COVID-19 có thể bắt đầu trong khoảng ba tuần và Mỹ có thể đạt được tình trạng miễn dịch cộng đồng vào mùa xuân tới.

Moncef Slaoui, người giám sát việc phát triển vắc-xin cho Tòa Bạch Ốc, cho biết trên CNN rằng một khi vắc-xin được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm chấp thuận cho sử dụng khẩn cấp, tất cả 50 tiểu bang sẽ có thể bắt đầu chủng ngừa.

“Kế hoạch của chúng tôi là có thể vận chuyển vắc xin đến các điểm tiêm chủng trong vòng 24 giờ kể từ khi được phê duyệt, vì vậy tôi có thể mong đợi vào Ngày thứ Hai sau khi được phê duyệt,” Slaoui nói trong chương trình “State of the Union” của CNN. “Vào ngày 11 hoặc 12 tháng 12, hy vọng rằng những người đầu tiên sẽ được chủng ngừa trên khắp Hoa Kỳ, trên tất cả các tiểu bang”.

Jake Tapper, người dẫn chương trình của CNN, hỏi:

“Ông đã nói ông có kế hoạch tiêm phòng cho 20 triệu người trong tháng mười hai tại Hoa Kỳ và lên đến 30 triệu người khác mỗi tháng sau đó. Như thế, có bao nhiêu người Mỹ cần được chủng ngừa để cuộc sống có thể trở lại bình thường, và khi nào điều đó có thể xảy ra?”

“Thông thường, với mức độ hiệu quả mà chúng tôi có là 95%, chỉ cần khoảng 70% dân số được chủng ngừa sẽ cho phép khả năng miễn dịch thực sự của cộng đồng diễn ra,” Slaoui nói. “Điều đó có khả năng xảy ra vào khoảng tháng 5, hoặc gần đó dựa trên kế hoạch của chúng tôi.”


Source:The Just News

2. Giám Mục đầu tiên của Trung Quốc được tấn phong theo hiệp định Vatican-Bắc Kinh

Linh mục Tôma Trần Thiên Hào (Chen Tianhao, 陈天豪) 58 tuổi, vừa được tấn phong giám mục cho giáo phận Thanh Đảo (Qingdao,青岛), Sơn Đông (Shandong, 山东). Lễ tấn phong Giám Mục đã diễn ra vào sáng thứ Hai 23 tháng 11 tại nhà thờ chính tòa thành phố, dành để kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae. Giám mục Gioan Phòng Hưng Diệu (Fan Xingyao, 方星耀) của giáo phận Nghi Châu (Linyi, 临沂), cũng là Giám Quản Tông Tòa Yên Đài (Yantai - 烟台), và đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, đã chủ trì buổi lễ sắc phong. Các giám mục đồng tế khác là: Giám Mục Giuse Dương Vĩnh Cường (Yang Yongqiang, 楊永強)của giáo phận Chu Thôn (Zhoucun, 周村) phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc, và Giám Mục Giuse Trương Hiến Vượng (Zhang Xianwang, 張憲旺)của Tế Nam (Jian, 济南), phó chủ tịch của “liang hui”, phiên âm ra tiếng Việt là Lương Huy, (tiếng Tầu là 梁辉). Đó là “tổ chức kép”, bao gồm Hội đồng Giám mục và Hiệp hội Yêu nước.

Một số tín hữu cho Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, biết rằng sự hiện diện đông đảo của các thành viên cao cấp của Hiệp hội Yêu nước là do linh mục Tôma Trần Thiên Hào, người được tấn phong giám mục trong buổi lễ là chủ tịch Hiệp hội Yêu nước Thanh Đảo, và kể từ năm 2010, ông là thành viên của Ủy ban Thường vụ của Hiệp hội Yêu nước toàn quốc.

Asia News ghi nhận đây là lễ tấn phong giám mục đầu tiên diễn ra theo các thể thức được dự trù trong Hiệp định lâm thời giữa Trung Quốc và Tòa thánh. Tuy nhiên công thức thánh hiến lẽ ra vẫn phải là công thức cũ, trong đó đề cập đến nhiệm vụ đối với Giám Mục đoàn, Đức Thánh Cha và Tòa Thánh, nhưng những điều này không được đề cập đến trong buổi lễ tấn phong cho linh mục Trần Thiên Hào.

Vị giám mục mới được biết đến như một quan chức trung thành với nhà nước về phương diện các chính sách tôn giáo. Tân Giám Mục Trần Thiên Hào sẽ thay thế cho Đức Cha Giuse Lý Minh Thư (Li Mingshu, 李明书) qua đời vào tháng 6 năm 2018.

Do những hạn chế do đại dịch coronavirus gây ra, số người tham dự buổi lễ bị giới hạn với 21 linh mục và hơn 200 nữ tu và tín hữu.

Tân Giám Mục Trần Thiên Hào sinh ra tại Bình Độ (Pingdu, 平度), Sơn Đông năm 1962. Ông học tại chủng viện Thánh Linh ở Sơn Đông và tháng 12 năm 1989 được thụ phong linh mục. Theo dữ liệu chính thức của Bắc Kinh, ông được Hội Công Giáo Yêu Nước bầu và được bổ nhiệm làm giám mục Thanh Đảo vào ngày 19 tháng 11.

Tân Giám Mục Trần Thiên Hào là Giám Mục đầu tiên được tấn phong theo Hiệp định lâm thời giữa Trung Quốc và Tòa thánh. Trước đó, Trung Quốc chỉ hợp thức hóa các vị đã là Giám Mục trong nhiều năm nhưng không được chúng công nhận. Nay chúng công nhận vì các vị này đồng ý gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước. Ba vị này là Đức Cha Lâm Gia Thiện (Lin Jiashan - 林家善) của giáo phận Phúc Châu (Fuzhou -福州), Đức Cha Phêrô Lý Huệ Nguyên (Li Huiyuan - 李慧源) của giáo phận Phượng Tường (Fengxiang - 凤翔) và Đức Cha Mã Tồn Quốc Ma Cunguo - 馬存國).


Source:Asia News

3. Thế giới bác bỏ đề xuất dùng hệ thống QR của Tập Cận Bình trong du lịch quốc tế

Từ tháng Hai năm nay, Trung Quốc đã sử dụng các mã vạch QR, có thể được đọc qua điện thoại thông minh, để xác minh tình trạng sức khỏe của công dân tại các trạm kiểm soát. QR màu xanh lá cây có nghĩa là chủ sở hữu khỏe mạnh và có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác; màu cam hoặc màu đỏ ngụ ý là có vấn đề cần kiểm dịch hay cách ly.

Ngày 23 tháng Giêng, Trung Quốc mới chính thức nhìn nhận đang xảy ra đại dịch coronavirus. Nhưng đầu tháng Hai, nước này đã bắt đầu sử dụng hệ thống QR. Điều này chứng minh cho nhận định rằng Bắc Kinh đã theo đuổi việc áp dụng hệ thống QR nhằm kiểm soát dân chúng từ rất lâu.

Trong hội nghị thượng đỉnh ảo của 20 cường quốc kinh tế thế giới, gọi tắt là G20, do Arab Saudi tổ chức vào cuối tuần qua, Tập Cận Bình đã đề xuất một cơ chế toàn cầu sử dụng hệ thống QR để khuyến khích nối lại các chuyến du lịch quốc tế, đã giảm đáng kể do sự bùng phát của đại dịch coronavirus.

Theo dự báo của các chuyên gia, lượng du lịch hàng không toàn cầu năm nay sẽ dừng ở mức một phần ba so với năm 2019 do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe. Với đề xuất của mình, ông Tập nói rằng ông muốn tạo điều kiện để nối lại có trật tự các luồng du lịch cũng như để kích hoạt lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lo ngại về những nguy hiểm đối với quyền tư ẩn, các tổ chức nhân quyền đã bác bỏ ý tưởng của Tập Cận Bình. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch lập luận rằng chiêu bài chú ý đến việc phòng bệnh của Tập Cận Bình thực ra chỉ là “con ngựa thành Troy” nhằm thực hiện đồng thời hai sách lược. Thứ nhất là “kiểm soát” và thứ hai là “loại trừ” trên cơ sở chính trị.

Đối với các nhà phân tích, các nước phương Tây không thể nào chấp nhận đề xuất của Tập Cận Bình. Điều đáng lo ngại là Bắc Kinh đang cố áp đặt lên toàn thế giới các tiêu chuẩn kiểm soát xã hội của riêng mình, bao gồm cả các tiêu chuẩn về truy cập internet. Hôm thứ Hai 23 tháng 11, trong một thông điệp được đọc tại lễ khai mạc Hội nghị Internet Thế giới, một sáng kiến do bọn cầm quyền Trung Quốc tổ chức ở Chiết Giang (Wuzhen, 乌镇), Tập Cận Bình đã lên tiếng mời tất cả các quốc gia cùng hợp tác để tạo ra một “cộng đồng mạng được chia sẻ”.

Trung Quốc thường bị chỉ trích vì sự kiểm soát tràn lan đối với Internet, một mô hình dường như khó xuất khẩu sang phương Tây. Ví dụ, Mỹ đang tiến hành một chiến dịch quốc tế tẩy chay Huawei 5G internet. Công ty này bị buộc tội làm gián điệp cho tình báo Bắc Kinh. Các sáng kiến “Clean Network”, nghĩa là “các mạng sạch” không có các mã của Tầu đang được tiến hành tại hàng chục quốc gia ở Âu châu, Á châu, Bắc và Nam Mỹ.


Source:Asia News

4. Một Tổng Giám Mục Công Giáo Đức yêu cầu Tòa Thánh mở cuộc điều tra về việc ngài xử lý các cáo buộc lạm dụng

Trong một diễn biến khá hi hữu, một Tổng Giám Mục Công Giáo người Đức đã yêu cầu Tòa Thánh mở một cuộc điều tra về cách thức ngài giải quyết các cáo buộc lạm dụng của hàng giáo sĩ thuộc quyền.

Đức Tổng Giám Mục Stefan Heße /stê-phan hê-bơ/ của Hamburg đã viết thư cho Bộ Giám mục ngày 20 tháng 11 liên quan đến các trường hợp lạm dụng mà ngài đã giải quyết khi phục vụ tại Tổng giáo phận Cologne.

Đức Cha Heße là tổng đại diện của tổng giáo phận Cologne từ năm 2012 cho đến khi được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Hamburg vào năm 2015.

Trong lá thư gửi Bộ Giám Mục, Đức Cha Heße bày tỏ nỗi buồn về cuộc tranh cãi hiện nay liên quan đến cách giải quyết các khiếu nại lạm dụng ở tổng giáo phận Köln, nơi ngài đã phục vụ sau khi được thụ phong năm 1993.

Đức Cha Heße sinh tại Köln, vào ngày 7 tháng 8 năm 1966. Năm 1986, ngài theo học thần học và triết học tại Đại học Bonn và Đại học Regensburg.

Ngài được Đức Hồng Y Joachim Meisner tấn phong vào ngày 18 tháng 6 năm 1993 tại nhà thờ chính tòa Köln. Từ năm 1993 đến năm 1997, ngài là cha sở tại Nhà thờ Thánh Remigius ở thành phố Bergheim. Từ năm 1997 đến năm 2003, ngài là cha giáo tại Collegium Albertinum, một chủng viện ở Bonn, trong khi vẫn còn theo học tiến sĩ. Năm 2001, ngài nhận bằng Tiến sĩ Thần học từ Trường Triết học-Thần học ở Vallendar với luận văn về Hans Urs van Balthasar, nhà thần học Công Giáo Thụy Sĩ. Từ năm 2003 đến năm 2005, ngài đứng đầu Ban Mục vụ của Tổng Giáo phận Köln. Cũng trong năm 2003, ngài đảm nhận thêm chức vụ đại diện tổng giáo phận về phát thanh và truyền hình, một chức vụ mà ngài đã giữ cho đến năm 2012.

Ngày 1 tháng 5 năm 2006, cha Heße được bổ nhiệm làm Phó Tổng Đại diện Tổng Giáo phận Köln, và vào ngày 16 tháng 3 năm 2012, ngài chính thức trở thành cha Tổng Đại diện của tổng giáo phận.

Vào ngày 28 tháng 2 năm 2014, Đức Hồng Y Joachim Miesner, Tổng Giám Mục Köln, từ chức vì tuổi cao. Cùng ngày, cha Heße được bổ nhiệm làm Giám Quản Tông Tòa, về cơ bản đảm nhận các nhiệm vụ của Tổng Giám Mục cho đến khi một người mới được bổ nhiệm.

Vào ngày 20 tháng 9 năm 2014, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Köln. Trong buổi lễ nhận tòa, Đức Hồng Y đã xác nhận cha Heße làm Tổng Đại diện.

Vào ngày 26 tháng 1 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Hamburg.

Đức Tổng Giám Mục Heße nói rằng ngài sẽ gửi cho Vatican kết quả của một cuộc điều tra hiện đang được tiến hành ở Köln, dự kiến sẽ được công bố vào tháng 3 năm 2021.

Đức Cha Heße cho biết trong tuyên bố ngày 20 tháng 11 của mình rằng: “Hôm nay tôi đã viết thư cho Tổng trưởng Bộ Giám mục, là Đức Hồng Y Marc Ouellet, và mô tả tình hình với ngài. Tôi giải thích với ngài rằng tôi luôn tham gia với hiểu biết và lương tâm tốt nhất của mình trong việc xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục ở tổng giáo phận Köln và không bao giờ che đậy những trường hợp như vậy”.

“Cuộc tranh luận công khai về thời gian của tôi ở Köln, đã diễn ra trong nhiều tháng, không chỉ là gánh nặng đối với cá nhân tôi mà còn đối với những người Công Giáo trong tổng giáo phận”.

“Vì lo lắng cho Tổng giáo phận Hamburg, tôi coi nhiệm vụ của mình là phải thông báo cho các nhà chức trách Rôma về tình hình hiện tại và kết quả điều tra từ Köln, sẽ có vào tháng Ba”.

“Đối với tôi, rõ ràng là tôi không thể là thẩm phán trong trường hợp của riêng mình, nhưng tôi yêu cầu cơ quan đã bổ nhiệm tôi vào chức vụ của tôi với tư cách là Tổng Giám Mục mở cuộc điều tra”.

Một ngày trước tuyên bố của mình, Đức Cha Heße thông báo rằng ngài sẽ tạm thời từ bỏ vai trò cố vấn tinh thần cho Ủy ban Trung ương những người Công Giáo Đức, viết tắt theo tiếng Đức là ZdK.

Các quy định của Tông thư dưới dạng tự sắc Vos estis có hiệu lực vào ngày 1 tháng 6 năm 2019, trong thời gian thử nghiệm ba năm. Một số giám mục ở Hoa Kỳ và Ba Lan đã bị điều tra theo các điều khoản của tông thư này.


Source:Catholic News Agency

5. Ông Paolo Gabriele, nhân vật chính trong vụ Vatileaks đã qua đời.

Paolo Gabriele, cựu quản gia của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, đã qua đời hôm thứ Ba 24 tháng 11, sau một thời gian dài ốm đau, hưởng thọ 54 tuổi.

Phục vụ Tòa Thánh với tư cách là quản gia Phủ Giáo hoàng từ năm 2007, ông Gabriele, vào năm 2012, đã trở thành nhân vật chính trong vụ “Vatileaks” đầu tiên. Đó là vụ đánh cắp các tài liệu mật sau đó được xuất bản trong một cuốn sách. Ông gây ra vụ tai tiếng này có lẽ không phải vì tiền nhưng có những vấn đề ông nghĩ không thông.

Ông bị bắt vào ngày 23 tháng 5, 2012. Một tuần sau đó, hôm 30 tháng 5 năm 2012, lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã trực tiếp lên tiếng về vụ tai tiếng này trong bài phát biểu vào cuối buổi tiếp kiến chung hàng tuần. Ngài cho biết những tin đồn “phóng đại” và “vô cớ” đã đưa ra một hình ảnh sai lệch về Tòa Thánh. “Các biến cố trong những ngày gần đây về Giáo triều và các cộng sự viên của tôi làm tôi rất đau lòng. Tôi muốn lặp lại sự tin tưởng và sự khích lệ đối với những cộng tác viên thân cận nhất của tôi và tất cả những người hàng ngày, với lòng trung thành và tinh thần hy sinh và trong âm thầm, giúp tôi hoàn thành sứ vụ của mình.”

Nhiều phương tiện truyền thông tại Ý thích tung tin giật gân cho rằng việc đột ngột thoái vị của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 có liên quan đến hành vi phản bội của ông. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, bí thư của Đức Bênêđíctô 16 và chính ngài khẳng định không phải như thế. Ngài từ chức sau một thời gian dài suy tư và thấy tình trạng sức khoẻ của mình không đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khó khăn của sứ vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh.

Ông bị Tòa án Nhà nước Thành phố Vatican xét xử và kết tội vào tháng 10 năm 2012.

Ngày 22 tháng 12 cùng năm, ông nhận được sự tha thứ và Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 chính thức ân xá cho ông. Sau đó, ông phục vụ tại Bệnh viện Trẻ em Bambino Gesu ở Rôma.

Ông qua đời để lại vợ và ba đứa con. Xin cầu nguyện cho linh hồn ông Paolo Gabriele và cho gia đình ông.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi video về phiên tòa của ông Paolo Gabriele mà chúng tôi đã phát cách đây hơn 8 năm.




Source:Vatican News