1. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết các giới hạn thờ phượng ở San Francisco là “quá hà khắc”

Hôm 25 tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ đã cảnh báo các quan chức San Francisco rằng những hạn chế hiện tại đối với việc thờ phượng công cộng trong thành phố có thể đã vi hiến. Tuyên bố này của Bộ Tư pháp đã nhận được lời khen ngợi từ Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng:

“Người Công Giáo ở San Francisco đã kiên nhẫn chịu đựng sự bất công trong nhiều tháng. Cuối cùng, một cơ quan pháp luật có thẩm quyền đang thách thức các quy tắc vô lý của thành phố, vốn không có cơ sở khoa học, nhưng dựa trên sự thù địch với niềm tin tôn giáo và đặc biệt là thù địch với Giáo Hội Công Giáo.”

Hôm 25 tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi một lá thư cho Thị trưởng London Breed, cảnh báo rằng quy tắc của thành phố chỉ cho phép “một người cầu nguyện” trong các thánh đường ở mọi thời điểm bất kể nhà thờ lớn đến mức nào - trong khi cho phép nhiều người hiện diện bên trong các cơ sở khác - là “quá hà khắc” và “trái với Hiến pháp và truyền thống tự do tôn giáo tốt nhất của quốc gia.”

Các hạn chế của San Francisco đối với việc thờ phượng công cộng vẫn là một trong những hạn chế nghiêm ngặt nhất trong cả nước. Cho đến ngày 14 tháng 9, việc thờ phượng công cộng trong thành phố bị giới hạn ở 12 người tham gia ở ngoài trời, và các cử hành phụng vụ trong nhà bị cấm.

Kể từ ngày 14 tháng 9, các nhà thờ phượng được phép có 50 người tham gia các buổi lễ tôn giáo ngoài trời, và các cử hành phụng vụ trong nhà chỉ được duy nhất một người cho đến ít nhất là ngày 1 tháng 10.

Lệnh của San Francisco từ ngày 14 tháng 9 quy định rằng “chỉ một cá nhân có thể vào nhà thờ tại mọi thời điểm,” mà không nêu được lý do tại sao.

Bức thư của Bộ Tư pháp kêu gọi thị trưởng London Breed đối xử bình đẳng với các nơi thờ phượng so với các địa điểm khác, nơi mọi người chia sẻ không gian bên trong nhà, chẳng hạn như phòng tập thể dục, tiệm xăm, tiệm làm tóc, tiệm mát-xa và nhà trẻ.

Tại các cơ sở đó, chính quyền thành phố San Francisco đã cho phép công suất từ 10 đến 50 phần trăm, tùy thuộc vào loại thương nghiệp và với điều kiện phải tuân theo các biện pháp vệ sinh và cách xa nhau 6 feet.

Hơn 19,000 người đã ký vào một bản kiến nghị hỗ trợ lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Cordileone về việc bãi bỏ các hạn chế liên quan đến các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự


Source:Catholic News Agency

2. Nhà thờ Công Giáo bị phá hoại ở California với các khẩu hiệu và hình vẽ đầy xúc phạm

Một nhà thờ Công Giáo ở California đã bị vẽ bậy, với hình chữ thập của Đức Quốc Xã, cây thánh giá bị lộn ngược và các thông điệp khác được sơn trên cửa và lối vào nhà thờ.

“Sáng nay nhà thờ yêu dấu của chúng tôi đã bị bôi bẩn bằng những ngôi sao năm cánh biểu tượng của Satan, thánh giá lộn ngược, chữ vạn, Black Lives Matter... Điều này nhắc nhở chúng tôi cầu nguyện cho những người anh em của mình ở Iraq đang phải đối mặt với sự đàn áp. Xin hãy cầu nguyện cho những kẻ đã làm điều này”, cha sở nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô của Công Giáo nghi lễ Chanđê ở El Cajon, California cho biết như trên trong một tuyên bố đăng trên Facebook hôm 26 tháng 9.

Nhà thờ chính tòa này là nơi đặt trụ sở của giáo phận Công Giáo Đông phương Thánh Phêrô Tông đồ ở San Diego. Giáo phận Công Giáo Đông phương này có khoảng 70,000 người Công Giáo.

Một đoạn video được giáo xứ đăng trên Facebook cho thấy rất nhiều biểu tượng, có vẻ như trái ngược nhau, được phun bằng sơn trên tòa nhà và cửa nhà thờ bao gồm chữ vạn của Đức Quốc Xã, cùng với cây thánh giá lộn ngược. Bên cạnh, “BLM”, tượng trưng cho Black Lives Matter” còn có dòng chữ “White Power” và “ Biden 2020.”

Một số biểu tượng không thể giải thích được, những biểu tượng khác đại diện cho các khẩu hiệu hoặc các ý thức hệ thông thường không liên quan gì đến nhau, thậm chí là đối kháng nhau, khiến người ta khó hiểu được động cơ của hành động phá hoại này.

Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê là một Giáo Hội Công Giáo phương Đông với hơn 600,000 tín hữu. Có trụ sở chính tại Baghdad, Giáo Hội Công Giáo Chanđê có nhiều tín hữu Công Giáo ở Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và ở nhiều nước Tây phương. Giáo hội đã phát triển mạnh ở Hoa Kỳ trong những thập kỷ gần đây, trong bối cảnh làn sóng người tị nạn và nhập cư từ Trung Đông.

Vụ phá hoại xảy ra trong bối cảnh một loạt các vụ việc tương tự tại các nhà thờ Công Giáo đã kéo dài trong nhiều tháng qua. Đầu tuần này, một người đàn ông đã đốt các băng ghế trong một vụ tấn công đốt phá ở một nhà thờ Công Giáo ở Florida, và một người đàn ông khác dùng gậy bóng chày làm hỏng một cây thánh giá và một số cánh cửa tại một chủng viện ở Texas.


Source:Catholic News Agency

3. Ðức Hồng Y Giáo chủ Hòa Lan cảnh giác rằng: Việc tôn trọng sự sống ngày càng hao mòn.

Ðức Hồng Y Willem Eijk, Tổng giám mục giáo phận Utrecht, Giáo chủ Công Giáo Hòa Lan, cảnh giác rằng một khi việc làm cho chết êm dịu được hợp thức hóa, thì dần dần những biện pháp bảo vệ sẽ bị bãi bỏ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin CNA, truyền đi ngày 24 tháng 9 năm 2020, Ðức Hồng Y Eijk, nguyên là một bác sĩ y khoa, nói rằng kể từ thập niên 1970, tại Hòa Lan, các tiêu chuẩn để chấm dứt cuộc sống ngày càng nới rộng, vì thế Ðức Hồng Y e ngại rằng sau cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Ba năm tới, một chính phủ mới có thể đưa ra dự luật cho phép các bác sĩ giúp tự tử đối với những người tin rằng cuộc sống của họ không làm cho họ mãn nguyện. “Ðiều này có nghĩa là việc tôn trọng giá trị thiết yếu của sự sống con người ngày càng suy tàn, vì một khi chấp nhận cho chấm dứt cuộc sống vì đau đớn quá, người ta sẽ luôn luôn đương đầu với vấn đề tại sao không cho kết liễu mạng sống trong đau khổ ở cấp độ ít hơn”.

Ðức Hồng Y Tổng giám mục Utrecht đưa ra nhận định trên đây, sau khi Bộ Giáo lý đức tin công bố Thư dài 26 trang, tái khẳng định việc làm cho chết êm dịu, hay là an tử, Euthanasia, là một hành vi tự nó là xấu, trong mọi hoàn cảnh hoặc trường hợp.

Ðức Hồng Y Eijk cũng nhắc lại rằng mới đây Tòa Án tối cao của Hòa Lan đã đưa ra một can thiệp quan trọng trong cuộc tranh luận về vấn đề giúp tự tử, khi đưa ra phán quyết về cuộc truy tố đầu tiên chống một bác sĩ kể từ khi Hòa Lan ban hành luật cho bác sĩ giúp kết liễu mạng sống người bệnh hồi năm 2002.

Tòa án tối cao Hòa Lan được yêu cầu xét lại phán quyết của tòa cấp dưới, hồi năm 2019 tha bổng một bác sĩ tại nhà dưỡng lão đã kết liễu sinh mạng của một bệnh nhân bị điên nặng hồi năm 2016. Trước đó bốn năm, nữ bệnh nhân ấy đã làm tờ yêu cầu kết liễu mạng sống của bà trong trường hợp bà bị điên.

Ðức Hồng Y Eijk nhận xét rằng nữ bệnh nhân ấy làm tờ yêu cầu trước khi vào nhà dưỡng lão, và một khi được nhận vào nhà ấy bà ta không còn biểu lộ ý muốn nữa vì bệnh điên của bà nặng hơn. Dầu vậy, bác sĩ đã quyết định giúp bà ta chết êm dịu sau khi tham khảo ý kiến gia đình và 2 bác sĩ khác chuyên làm tư vấn trong những vụ an tử, hai bác sĩ này đồng ý rằng đau khổ của phụ nữ ấy là không có triển vọng và không thể chịu được.

Ðức Hồng Y cho biết phụ nữ ấy đã rụt cánh tay lại, khi bác sĩ tìm cách chích thuốc độc cho bà. Phải chăng đó là một dấu hiệu không muốn được giết chết? Dầu vậy, bác sĩ đã cho bà uống cà phê có thuốc mê, rồi sau đó chích thuốc độc vào cánh tay bà. Nhưng lúc đó bà tỉnh dậy, những người thân của bà giữ chặt bà để bác sĩ tiếp tục truyền thuốc và hoàn thành việc kết liễu mạng sống của bà.

Ngày 22 tháng 4 năm 2020, Tòa án tối cao Hòa Lan đã phán quyết rằng tòa án cấp dưới đã hành động đúng khi tha bổng bác sĩ ấy về tội giết người.


Source:Catholic News Agency

4. Kho Tàng Ẩn Dấu

Chúng ta có biết rằng trong cơ thể của con người chúng ta, những yếu tố nhỏ nhất lại đóng vai trò quan trọng nhất không?

Lá lách của chúng ta chỉ tiết ra một lượng men rất nhỏ, nhưng rất cần thiết để giúp tiêu hóa chất Protin, chất béo trong thức ăn của chúng ta. Lượng dưỡng khí kết hợp với hồng huyết cầu để làm cho máu thành đỏ chỉ là một số lượng nhỏ. Tuyến não thùy nằm ở trong bộ não của chúng ta chỉ là một tuyến nhỏ nhưng vô cùng cần thiết bởi vì nó tiết ra một kích thích tố cần thiết cho sự tăng trưởng của con người. Những âm ba được truyền đến màn nhĩ trong lỗ tai là nhờ ở ba đốt xương nhỏ li ti nằm giữa lỗ tai của chúng ta. Những tế bào hình nón nằm trong võng mô của đôi mắt là những trạm tiếp nhận ánh sáng nhờ đó chúng ta mới thấy được. Mỗi một tế bào trong cơ thể chúng ta chứa đựng những nhiễm thể mà chức năng chính là quyết định về sự di truyền hay phái tính của mỗi bào thai. Tất cả những cơ cấu nhỏ bé và ẩn tàng ấy đóng vai trò xem ra quan trọng nhất trong sự sống và hoạt động của cơ thể con người.

Lại nữa, những tác nhân gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật giết người cũng là những sinh vật nhỏ li ti mà mắt thường không thể nào trông thấy được. Phải chăng những cái nhỏ li ti nhất lại không là những cái chứa đựng nhiều sức mạnh nhất? Và phải chăng những công việc tầm thường vô danh nhất lại không là những công việc có giá trị nhất trong cuộc sống con người?

Có lẽ không phải do ngẫu nhiên hoặc vì chờ thời mà Con Thiên Chúa làm người, đã sống âm thầm ẩn dật trong 30 năm trước khi công khai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. 30 năm âm thầm ấy cũng có giá trị cứu rỗi như chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Với 30 năm âm thầm ấy, Chúa Giêsu muốn nói với con người rằng tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống con người, từ cái ăn, cái uống, cái ngủ nghỉ, tất cả đều được mặc cho một giá trị cao cả và trường cửu.

Sống một cách trọn vẹn, sống với tất cả niềm tin - tất cả những sinh hoạt tầm thường và nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống âm thầm, có khi độc điệu, buồn chán: đó chính là bí quyết để được hạnh phúc và bình an. Tất cả các vị thánh đều đi qua con đường nên thánh ấy.