1. Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput: Khi Giáo điều sống ồn ào trong lòng

Ngay sau khi được Tổng thống Trump đề cử, Thẩm Phán Amy Coney Barrett đã phải gánh chịu những cuộc tấn công rất dữ dội. Những cuộc tấn công nhắm vào vị nữ Thẩm Phán thông minh xuất chúng này không nhắm vào khả năng của cô, nhưng nhắm vào đức tin của cô, vào đạo Công Giáo.

Oái oăm nhất là cuộc tấn công của nữ tu Campbell. Campbell nói rằng “Là một nữ tu Công Giáo luôn cố gắng nghe theo các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi không thể ủng hộ việc đề cử Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện”.

Bà nữ tu Campbell cho rằng: “Barrett được đề cử do một động cơ duy nhất: để lật ngược phán quyết phá thai Roe kiện Wade” được Tối Cao Pháp Viện đưa ra vào năm 1973 nhằm hợp pháp hóa hành động phá thai, mà bà nữ tu này cho rằng đó là một “nhân quyền liên quan đến việc sinh sản của phụ nữ”.

Trong bối cảnh các cuộc tấn công quyết liệt này, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Philadelphia có bài nhận định sau đăng trên tạp chí First Things.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

When the Dogma Lives Loudly

Archbishop Charles Chaput

Khi Giáo điều sống ồn ào trong lòng


Ba năm trước khi Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein tìm cách bác bỏ Amy Coney Barrett, lúc ấy là ứng viên tòa phúc thẩm liên bang - và hiện là ứng viên của Tòa án Tối cao – bà ta nói với Barrett rằng bà ta băn khoăn vì “giáo điều sống ồn ào trong cô. Và đó là điều đáng quan ngại.”

Với những định kiến rõ rệt như thế của mình, bà thượng nghị sĩ thực sự nên lo lắng. Câu chuyện cuộc đời của cô Barrett cho thấy rằng cô thực sự tin tưởng và tìm cách sống những gì đức tin Công Giáo dạy mình. Nguy hơn nữa, cô ấy có một trí tuệ siêu phàm, một sự hiểu biết sâu sắc về luật pháp và một thành tích xuất sắc trong tư cách là một luật gia. Nói cách khác, cô ấy là cơn ác mộng của một bộ tộc chính trị nhất định.

Hãy tạm gác qua một bên những lời nhảm nhí theo phong cách Chẳng Biết Gì của bà Thượng nghị sĩ Feinstein. Nói cho cùng, bà Thượng nghị sĩ ấy chắc chắn không đơn độc trong sự cố chấp của mình. Sự bất mãn đối với những ai có niềm xác tín tôn giáo mạnh mẽ, đặc biệt là đức tin Công Giáo, là một thứ vi rút đang lan tràn khắp nơi. Nó dường như đã lây nhiễm cho một số thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, bao gồm Thượng nghị sĩ Kamala Harris, đồng nghiệp của Feinstein ở California và hiện là ứng cử viên phó tổng thống, là người đã nhìn thấy nguy cơ tiềm ẩn trong một âm mưu quốc gia nguy hiểm được gọi là đoàn Hiệp sĩ Kha Luân Bố.

Những lời của Thượng nghị sĩ Feinstein giúp chúng ta thấy rõ cách thế một số người trong tầng lớp chính trị của chúng ta hiện nay đối xử với những người Công Giáo thật sự, chứ không phải chỉ có “hư danh” Công Giáo. Đúng là bất kỳ ai đã được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo, thì trên thực tế, là người Công Giáo. Nhưng, trong mắt đảng Dân chủ, đó không phải là vấn đề. Nếu người ta chụp được một tấm hình bạn đang cầu nguyện với chuỗi hạt Mân Côi một cách ngoan đạo — thậm chí còn tốt hơn. Sự trung thành về văn hóa của nhiều cử tri Công Giáo đối với một đảng thuộc tầng lớp lao động có thời mang đậm tính Công Giáo đã mai một đi rất nhiều, bất kể đảng đó ngày nay có khác biệt như thế nào. Là một quan chức được tuyển chọn, bạn thậm chí có thể nhận được giải thưởng từ một tổ chức Công Giáo lớn. Nhưng nếu bạn là loại người Công Giáo tìm cách gầy dựng cuộc sống của mình xung quanh niềm tin Công Giáo liên quan đến hôn nhân và gia đình, tự do tôn giáo, tình dục và phá thai — thì, đó là một vấn đề khác, như Nghị sĩ Dân chủ Dan Lipinski phát hiện khi đảng của chính ông đã bỏ rơi ông ta trong cuộc bầu cử sơ bộ đầu năm nay. Trong những câu nói bất hủ của Bill Maher, một người phụ nữ như Amy Coney Barrett, dù có bằng cấp chuyên môn gì gì đi chăng nữa, thì cũng chỉ là “một kẻ vô danh tiểu tốt”.

Trong một thời đại lành mạng, những cuộc tấn công kiểu này, thích hợp với những bức tường trong phòng vệ sinh hơn là trong một cuộc diễn thuyết ở một quốc gia pháp quyền, phải được coi là đáng ghê tởm. Nhưng chúng ta không sống trong một khoảnh khắc lành mạnh, như các Thượng nghị sĩ Feinstein và Harris, và như ông Maher, đã chứng minh một cách cụ thể.

Người Công Giáo ở đất nước này đã trải qua hơn một thế kỷ đấu tranh để xâm nhập vào dòng chính của Mỹ. Giá phải trả đã rất cao. Ở mức độ mà người ta hết còn phân biệt được quan điểm và hành động của các nhà lãnh đạo chính trị tự cho mình là Công Giáo với các đồng nghiệp hoàn toàn không có đức tin của họ, thì cái giá phải trả quả là quá cao. Hàng triệu người Công Giáo đã phục vụ và hy sinh để bảo vệ quốc gia này, các quyền tự do và các thể chế của nó. Trong các thế kỷ trước, tất cả các tuyên úy quân đội được trao Huân chương Danh dự đều là các linh mục Công Giáo. Một nền chính trị đa nguyên dân chủ đòi hỏi những khác biệt về niềm tin phải được tôn trọng. Người Công Giáo không thể và càng không mong đợi những người có niềm tin khác nhau đồng ý với niềm tin tôn giáo của mình. Nhưng người Công Giáo thực sự đòi hỏi sự lịch sự và tôn trọng đối với các giáo lý của Giáo hội của họ, đặc biệt là từ một Thượng viện được cho là có tinh thần phục vụ toàn dân tộc.

Sự thù địch ngày nay đối với những ai ủng hộ giáo huấn Công Giáo là đáng âu lo cho mọi người Công Giáo thực hành đạo — và bất kỳ ai coi trọng Tu chính án thứ nhất. Nếu các cuộc tấn công vào niềm tin là một tiêu chuẩn có thể chấp nhận được để xét duyệt các ứng viên tư pháp ngày hôm nay, thì ngày mai chúng sẽ được sử dụng cho những người còn lại trong chúng ta, những người ủng hộ những giáo huấn đức tin của chúng ta. Những gì đang diễn ra trong các phiên điều trần xác nhận tại Thượng viện và các cuộc tranh luận công khai về các ứng viên tư pháp là điềm báo về những cuộc tấn công trong tương lai vào chính Giáo Hội và vào bất kỳ người Công Giáo nào có đức hạnh nổi bật. Trong thập kỷ qua, chúng ta đã thấy Giáo Hội Công Giáo— và nhiều thừa tác viên cũng như các tổ chức của Giáo hội — trở thành nhắm mục tiêu cụ thể cho các vấn đề bách hại tín ngưỡng.

Những người coi trọng quyền tự do tôn giáo trong Tu chính án thứ nhất của chúng ta nên nhận ra rằng các xét đoán dựa trên niềm tin là những cuộc tấn công vào quyền tự do tôn giáo. Việc đồng hóa những người Công Giáo bất đồng với giáo huấn của Giáo Hội là “người Mỹ chính thống”, còn những người Công Giáo coi trọng các giáo huấn của Hội Thánh là “những kẻ cực đoan” – hiện đã trở thành một kỹ thuật chiến tranh văn hóa phổ biến và cực kỳ bất lương - và là một điều đặc biệt gây khó khăn cho việc thực hiện tự do tôn giáo. Nó khiến quyền của nhiều người Mỹ gặp rủi ro hơn bao giờ hết khi được đề cử vào tòa án.


Source:First Things

2. Trang web của People of Praise bị tấn công trong cố gắng loại bỏ Thẩm Phán Amy Coney Barrett

Vài ngày trước khi Thẩm phán Amy Coney Barrett được đề cử vào Tòa án Tối cao, trang web của People of Praise, một phong trào đại kết cổ vũ canh tân trong Thánh Linh, đã bị tấn công. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, đã cho biết như trên. Vụ tấn công nhằm lấy cắp cơ sở dữ liệu của các thành viên trong phong trào có sức lôi cuốn rất lớn này, mà Barrett và gia đình cô là các thành viên.

“Vào ngày 23 tháng 9 năm 2020, nhân viên an ninh của chúng tôi đã xác định được một vụ tấn công vào trang web của chúng tôi liên quan đến việc truy cập trái phép vào thông tin liên hệ trong danh bạ thành viên của chúng tôi,” Sean Connolly, phát ngôn viên của nhóm, cho biết vào tối thứ Ba trước các câu hỏi của CNA về vụ tấn công này.

“Chúng tôi không có chi tiết nào khác, chẳng hạn như ai đã đề ra cuộc xâm nhập này. Chúng tôi đã cung cấp cho các thành viên của mình các tài nguyên cần thiết nếu họ nhận thấy các hoạt động đáng ngờ,” Connolly nói thêm.

Cô Barrett đã được Tổng thống Trump chính thức đề cử vào Tòa án Tối cao vào ngày 26 tháng 9.

Vào ngày 23 tháng 9, vị nữ thẩm phán liên bang này đã nổi lên như ứngviên hàng đầu cho chiếc ghế của Tòa án Tối cao đã bị bỏ trống sau khi Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg qua đời vào ngày 18 tháng 9.

Giữa những suy đoán về việc Barrett có thể được bổ nhiệm, nhiều phương tiện truyền thông đã tập trung vào People of Praise, một cộng đồng đại kết rất lôi cuốn có trụ sở tại Indiana mà Barrett là một thành viên. Dụng ý của họ là vu cáo Barrett là một người cuồng tín cực đoan.

Trong khi People of Praise từ chối suy đoán về việc ai có thể chịu trách nhiệm cho vụ hack, một nguồn tin am hiểu về tình hình nói với CNA rằng một số “thành viên cộng đồng đã được các cơ quan truyền thông quốc gia liên hệ trong vòng 36 giờ sau khi cơ sở dữ liệu bị xâm nhập.”

Connolly nói với CNA rằng “các bước ngay lập tức được thực hiện để giải quyết vụ việc, bao gồm thông báo cho cơ quan thực thi pháp luật liên bang thích hợp và các thành viên của chúng tôi.”

“Chúng tôi rất coi trọng vấn đề bảo mật và quyền riêng tư của tất cả các thành viên trong cộng đồng của chúng tôi,” ông nhấn mạnh.

People of Praise được thành lập vào năm 1971 như là một phần của “sự bùng phát rất mạnh các hoạt động mục vụ giáo dân và phong trào giáo dân trong Giáo Hội Công Giáo”. Đức Cha Peter Smith, thuộc một hiệp hội liên kết các linh mục Công Giáo, nói với CNA vào năm 2018.

Nhóm bắt đầu với 29 thành viên đã thành lập một “giao ước” - một thỏa thuận, không phải lời thề, tuân theo các nguyên tắc chung, cung cấp năm phần trăm thu nhập hàng năm cho nhóm, và gặp gỡ thường xuyên cho các dự án tinh thần, xã hội và dịch vụ.

Nhiều cộng đoàn cả Tin lành và Công Giáo đã phát triển mạnh vào thập niên 1970, nhờ ảnh hưởng của phong trào Canh tân Đặc sủng Kitô Giáo.

Trong khi hầu hết các thành viên của People of Praise là người Công Giáo, tôn chỉ chính thức của nhóm là đại kết; những người thuộc nhiều hệ phái Kitô có thể tham gia. Các thành viên của nhóm được tự do tham dự nhà thờ mà họ lựa chọn, bao gồm các giáo xứ Công Giáo khác nhau, Đức Cha Smith giải thích.

Đức Cha Smith nói với CNA rằng: “Chúng tôi là một phong trào giáo dân trong Giáo hội. Có rất nhiều mục tiêu. Chúng tôi tiếp tục cố gắng sống cuộc sống và ơn gọi của mình với tư cách là người Công Giáo, với tư cách là Kitô hữu đã được rửa tội, theo cách cụ thể này, như những người khác làm theo những cách thức khác mà Chúa có thể dẫn dắt.”

Phiên điều trần xác nhận Barrett tại Thượng viện và một cuộc bỏ phiếu của Thượng viện về đề cử của cô vào Tòa án Tối cao dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này, ngay trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 tháng 11.


Source:Catholic News Agency